Tranh chấp tài nguyên nước ở Trung Đông

Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đang gây ra nhiều tranh cãi làm người ta liên tưởng đến các tranh chấp đã xảy ra trên các sông Tigris và Euphrates hay Jordan ở vùng Trung Đông.

Trung Đông là một vùng đất khô cằn, ít sông suối và số các quốc gia trong tình trạng khan hiếm nước (dưới 1000 m3/năm cho một người dân) đang ngày càng tăng. Nếu năm 1955 chỉ có ba quốc gia trong vùng lâm vào tình trạng này thì năm 1990 đã có thêm sáu nước và người ta dự tính là năm 2025, Ai Cập, Iran, Oman và Syria cũng sẽ bị thiếu nước trầm trọng.

Với hiện tượng biến đổi khí hậu và dân số tăng nhanh, năng lượng thiếu hụt ở những nước không có dầu mỏ, tình trạng ô nhiễm các nguồn nước trở nên phổ biến, thì việc quản lý và phân phối các nguồn nước giữa các quốc gia ven sông đang trở nên nóng bỏng. Vì luật pháp quốc tế về các nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới còn chưa đầy đủ, các cách ứng xử theo thông lệ hay theo công ước quốc tế không được các nước ở đầu nguồn tuân thủ nên nhiều tranh chấp đã và sẽ xảy ra.

Các cạnh tranh nguồn nước trong vùng Trung Đông đã có từ hàng nghìn năm nay. Thánh luật Sharia chi phối tất cả các hoạt động thường ngày của người Hồi giáo có nguồn gốc từ quy luật phân chia các nguồn nước. Và từ “rivalry” trong tiếng Anh có nghĩa là cạnh tranh cũng xuất phát từ tiếng Latin “rivalis” để chỉ người dùng chung dòng nước. Nguyên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Boutros Boutros-Ghali đã nói: “Cuộc chiến tranh tương lai ở Trung Đông sẽ không là một xung đột về chính trị mà là một cuộc tranh chấp về nguồn nước.”

Tranh chấp tài nguyên nước trong vùng Lưỡng Hà


Hình 1. Sông Tigris và sông Euphrates và các đập nước.
Nguồn: Nguyễn Thọ Nhân, Trung Đông trong thế kỷ XX, NXB Tổng hợp TPHCM, 2008 và  NUE

Vùng Lưỡng Hà gồm hai con sông Tigris và Euphrates (hình 1) là cái nôi của nhiều nền văn minh rực rỡ trong quá khứ. Cả hai sông đều bắt nguồn trên đất Thổ Nhĩ Kỳ trước khi chảy qua Syria rồi hợp lại với nhau ở Chatt al-Arab (Iraq) và chảy ra biển. Thổ Nhĩ Kỳ hiện kiểm soát 88% lượng nước chảy vào sông Euphrates và 40% nước sông Tigris. Syria chỉ kiểm soát 12% lượng nước sông Euphrates còn Iraq tuy không kiểm soát nước sông Euphrates nhưng nhờ các phụ lưu có nguồn từ dãy Zagros mà làm chủ được 51% lượng nước sông Tigris. Nhiều đập thủy điện đã được xây dựng trên hai con sông này như các công trình của Iraq xây năm 1927 hay đập Haditha trên sông Euphrates, hồ chứa Al Tharthar, các đập Mosul, Saddam trên sông Tigris. Cùng với các kênh đào như “Nhánh thứ ba” xây năm 1992, Chính phủ Iraq đã thành công trong việc rửa mặn và tiêu nước cho vùng đầm lầy ở miền Nam, cải tạo cho 1,5 triệu hec ta đất hoang trong vùng châu thổ. Tất cả những công trình này đều nằm trên đất Iraq ở vùng hạ lưu các con sông nên không ảnh hưởng đến các nước khác. Năm 1976, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một kế hoạch lớn gọi là GAP (Güneydogu Anadolu Projesi, Kế hoạch Đông Nam Anatolia) với 7 công trình trên sông Euphrates và 6 công trình trên sông Tigris. Khi hoàn thành, kế hoạch này sẽ cung cấp hằng năm 26 tỷ kWh điện cho Thổ Nhĩ Kỳ và lấy nước tưới cho 1,7 triệu héc ta. Ảnh hưởng đến các nước ven sông ở hạ lưu rất lớn vì sẽ có 17% nước sông Euphrates và 34% nước sông Tigris bị mất đi vì thấm vào đất, lưu lượng hằng năm của sông Tigris giảm 6 tỷ m3 và của sông Euphrates giảm 11 tỷ m3. Tháng Giêng năm 1990, khi Thổ Nhĩ Kỳ ngăn dòng Euphrates để lấy nước đổ vào hồ chứa đập Ataturk thì chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và hai nước vùng hạ lưu gần như bùng nổ. Sau khi đập Ataturk hoàn thành, lượng nước sông Euphrates đã giảm đi 120 m3/giây và mực nước hạ thấp khoảng 3 mét. Sau nhiều năm thương lượng, một thỏa thuận tạm thời được ký kết theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho chảy vào Syria một lưu lượng 500 m3/giây trên sông Euphrates tương đương với 15,75 km3 nước mỗi năm trong khi lưu lượng tự nhiên là 28 km3 nước mỗi năm. Trên lưu lượng 500 m3/giây ấy, Syria được sử dụng 42% còn Iraq 58%. Hậu quả là ngày nay, Iraq bị thiếu nước trầm trọng, đất trồng trọt chung quanh Baghdad bị nhiễm mặn nặng nề. Kế hoạch cải tạo đầm lầy vùng châu thổ Lưỡng Hà bị phá sản. Trước hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Iraq là quốc gia độc nhất ở Trung Đông gần như tự túc được lương thực thì nay đang phải nhập nhiều lương thực.

Các tranh chấp tài nguyên nước trên các sông Tigris và Euphrates hiện nay chưa được giải quyết ổn thỏa. Thổ Nhĩ Kỳ là nước nằm ở đầu nguồn hiện đang ở thế mạnh chính trị và quân sự trong vùng nên có thể có những cách xử sự đơn phương không theo các quy định quốc tế theo định nghĩa của công ước 1997 của Liên Hiệp Quốc. Chính Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Demirel đã từng tuyên bố: “Nước sông Euphrates là của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước ẢRập không có quyền đòi hỏi gì cả. Chúng ta không đụng vào dầu mỏ của họ thì họ cũng không được đụng vào nước của ta!” Thổ Nhĩ Kỳ còn có kế hoạch xây đường ống dẫn nước sang bán cho Israel.

Tranh chấp tài nguyên nước trong lưu vực sông Jordan

Tranh chấp tài nguyên nước trong vùng lưu vực sông Jordan (hình 2) lại càng phức tạp do có tình trạng chiến tranh giữa Israel và các quốc gia khác ven sông như Liban, Syria, Jordan. Sông Jordan tuy không lớn lắm, lưu lượng chỉ bằng 2% lưu lượng sông Nil hay 7% sông Euphrates nhưng nó rất quan trọng đối với nền kinh tế các nước ven sông.

Bắt nguồn từ miền Nam Liban, sông Jordan tích trữ nước trên cao nguyên Golan rồi đổ vào Biển Chết với lưu lượng hằng năm là 1850 triệu m3 nước; cao nguyên Golan có vị trí rất quan trọng, được xem là tháp nước của Trung Đông. Sông Jordan hiện nay cung cấp 60% nước sử dụng trong toàn quốc Israel và 75% nước cho Vương quốc Jordan. Sông Jordan nằm trên biên giới Israel và Bờ Tây Palestine và Vương quốc Jordan. Các phụ lưu của sông Jordan gồm có sông Hasbani ở Liban, sông Banias ở Syria, sông Yarmuk trên biên giới Syria-Jordan, sông Jabbok ở Jordan. Năm 1964, Israel đưa vào sử dụng công trình “Đường dẫn nước Quốc gia” gồm một hệ thống kênh đào và đường ống để lấy nước sông Jordan ở phía Bắc hồ Tiberias rồi dẫn xuống phía Nam dọc theo đồng bằng ven biển để cuối cùng đi qua sa mạc Negev rồi trả lại cho sông Jordan ở phía Bắc Biển Chết. Công trình này rút khỏi sông Jordan mỗi năm 440 triệu m3 nước và chỉ trả lại một phần nhỏ nước đã bị ô nhiễm vào Biển Chết. Vì lý do ấy, Biển Chết ngày nay cứ cạn dần và bị tách ra thành hai hồ nước siêu mặn.

                               Hình 2    Lưu vực sông Jordan và các mạch nước ngầm trong vùng.
          Nguồn: Nguyễn Thọ Nhân, Trung Đông trong thế kỷ XX, NXB Tổng hợp TPHCM, 2008    
   
            
Cũng trong năm 1964, Jordan xây dựng kênh đào Đông Ghawr để trích nước từ sông Yarmuk và Syria cũng xây những hồ chứa trên sông Yarmuk. Những công trình này nằm trên các phụ lưu của sông Jordan nên Israel không hề có phản ứng gì. Mãi đến năm 1969 Israel mới cho không quân phá huỷ kênh đào Đông Ghawr. Tuy nhiên, Syria và Jordan muốn xây những đập và hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Jordan, trên lãnh thổ của họ rồi dẫn nước xuống sông Yarmuk. Nếu những công trình này hoàn thành, Công trình Dẫn nước Quốc gia của Israel sẽ mất đi 35% lưu lượng và nước cung cấp cho Israel giảm đi 11%. Phản ứng của Israel đã đến nhanh chóng, các cuộc ném bom của không quân Israel trong lãnh thổ Syria đã phá huỷ các công trình thuỷ lợi này. Chỉ hai tháng sau cuộc oanh tạc này, chiến tranh “Sáu ngày” năm 1967 bùng nổ và Israel nhanh chóng chiếm toàn bộ cao nguyên Golan, bảo đảm an toàn cho nguồn tài nguyên nước của mình. Thủ tướng Israel Ariel Sharon đã nói rằng cuộc chiến tranh “Sáu ngày” đã chính thức bắt đầu với việc oanh tạc các công trường thuỷ lợi của Syria. Tình hình bế tắc vẫn kéo dài cho đến ngày nay. Hai nước Syria và Jordan đang chờ thời cơ thuận tiện để xây một đập nước lớn mang tên al-Wahdah (Đoàn kết), tên mới của đập al-Maqarin trước đây, ở thượng nguồn sông Yarmuk mặc dù thoả thuận đã được ký kết năm 2003.


Đập thủy điện Ataturk – Thổ Nhĩ Kỳ

Vấn đề tranh chấp tài nguyên nước lại còn phức tạp với việc phân chia tài nguyên nước ngầm trên lãnh thổ Palestine (Hình 2). Các mạch nước ngầm hiện đang cung cấp nước cho người dân Israel là chính nên người ẢRập phàn nàn nhiều về sự phân chia không đều tài nguyên nước. Trong vùng Bờ Tây, Israel lấy đi 80% của 615 triệu m3 nước ngầm bơm lên hằng năm, chỉ để lại cho người ẢRập Palestine 20%. Theo thống kê năm 1991, mỗi người Do Thái sử dụng trung bình hằng năm 375 m3 nước, người ẢRập Palestine được chia 180 m3/năm và người dân Vương quốc Jordan chỉ có 80 m3/năm lấy ra từ sông Jordan. Trong vùng Bờ Tây và dải Gaza, Israel lấy đi 73% lượng nước và dân Palestine chỉ được sử dụng 17%, còn 10% dành cho dân Do Thái trong các khu định cư. Tỷ lệ dân số Do Thái/ẢRập là 2,1 (6 triệu/3 triệu) nhưng tỷ lệ sử dụng nước lên đến 7,8/1 (1954 triệu m3/250 triệu m3).

Các tranh chấp nguồn nước trên các dòng sông quốc tế ở Trung Đông đã là nguyên nhân của nhiều cuộc xung đột vũ trang giữa các nước ven sông. Tình trạng này đến nay vẫn chưa được cải thiện và phụ thuộc vào tương quan sức mạnh quân sự và chính trị của các nước hữu quan. Các công ước quốc tế chưa có tính cách ràng buộc và các quyết định của toà án quốc tế chỉ được tôn trọng bởi các quốc gia có thiện chí, như trường hợp tranh chấp do ô nhiễm trên sông Danube giữa Hungari và Slovakia năm 1988. Chỉ khi nào tất cả các quốc gia, lớn cũng như nhỏ, tuân thủ các thoả thuận và công ước quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hiệp Quốc năm 1997 thì các tranh chấp tài nguyên nước trên các dòng sông quốc tế mới được giải quyết ổn thỏa.

Sử dụng tài nguyên nước trên các dòng sông quốc tế.

Cho đến nay, các cách ứng xử trên các dòng sông quốc tế vẫn chỉ theo những trường hợp cụ thể, dựa vào các hiệp ước và thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan là chính. Trên thế giới hiện có 261 lưu vực dòng chảy quốc tế, chiếm 45% diện tích đất toàn cầu và là nơi sinh sống của trên 40% dân số thế giới.
Trong vấn đề sử dụng tài nguyên nước trên các dòng sông quốc tế, hai công ước được xem là cơ sở cho các chuẩn mực ứng xử công bằng:
– Quy định Helsinki năm 1967 về việc sử dụng nước trên các dòng sông quốc tế. Cho đến nay quy định Helsinki chỉ mới được sử dụng một lần trong bản tuyên bố năm 1975 của Ủy ban sông Mekong.
– Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1997 về việc “sử dụng không vì mục đích giao thông của các dòng chảy quốc tế”. Công ước này nhấn mạnh đến việc sử dụng “công bằng và hợp lý” các dòng sông quốc tế. Có ba nước là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đã không ký vào công ước này.
Các công ước này ra đời để hạn chế những sử dụng lạm quyền của nhiều quốc gia nằm ở thượng nguồn các dòng sông quốc tế khi xây dựng những công trình thủy nông hay thủy điện, không đếm xỉa đến quyền lợi của các nước ven sông nằm ở hạ lưu. Họ đã dựa vào những học thuyết không còn phù hợp với nền văn minh nhân loại trong thời đại mới. Các học thuyết ấy gồm có:
– Học thuyết Harmon về chủ quyền tuyệt đối. Nó cho phép quốc gia ở thượng nguồn quyền tự do làm bất kỳ điều gì họ muốn. Học thuyết này được Mỹ sử dụng vào đầu thế kỷ 20 trong việc phân chia nguồn nước với Mexico nhưng ngày nay bị tất cả các quốc gia phản đối.
– Học thuyết toàn vẹn tuyệt đối của dòng sông: cấm tất cả các tác động lên dòng sông, vì quá khắt khe nên học thuyết này ít được sử dụng,
– Học thuyết chủ quyền lãnh thổ hạn chế : được sử dụng rộng rãi,
– Học thuyết tài sản chung: xem dòng sông là tài sản chung của tất cả các quốc gia ven sông.
– Học thuyết quyền hạn tương liên: nhấn mạnh đến việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước là quan trọng hơn quyền sở hữu tài nguyên này.
Người ta kết luận rằng muốn tránh tranh chấp và xung đột, các cách ứng xử phải dựa theo các nguyên tắc sau:
– Nhiệm vụ của các quốc gia là phải hợp tác và thương lượng để đạt đến thỏa thuận,
– Nghiêm cấm những hành động có khả năng gây hại cho các quốc gia ven sông khác,
– Nhiệm vụ tham khảo ý kiến trước hành động,
– Tuân thủ nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý các dòng chảy quốc tế.
Trường hợp của việc sử dụng không công bằng các nguồn nước ở Trung Đông là những thí dụ điển hình của việc các quốc gia ở thượng nguồn tìm cách chiếm đoạt tài nguyên nước quốc tế mà không có thương lượng và thỏa thuận.

Tác giả

(Visited 39 times, 1 visits today)