Trích dẫn học
Trong cuộc họp cuối kì ở Viện Trừu tượng học, các phòng ban lần lượt báo cáo, và nghe phản ảnh. Các trưởng phòng đưa mắt nhìn nhau đầy ý tứ, nhưng những ý tứ này cũng không lọt khỏi được tầm nhìn dày dặn của ông Đô viện trưởng.
Đến khi trưởng phòng nghiên cứu về «Đức Tin» vừa kết thúc bản tóm tắt tình hình, ông Đô lên tiếng.
– «Tôi có nghe phản ảnh rằng, đôi lần, một số bài viết và tham luận thuộc phòng Đức Tin không được gió thuận mưa hòa.
Tôi biết là yêu cầu hiện nay về trình độ nghiên cứu của anh chị em cũng khá khoan dung. Chủ yếu chỉ cần các bài viết làm sao trích dẫn tốt, ghi được rõ Kinh nào, in năm nào, trang bao nhiêu, dòng thứ mấy – từ trên xuống hay từ dưới lên. Chuyện này phòng Đức Tin đã làm tốt, tôi biểu dương. (Vỗ tay vang dội…).
Vấn đề còn lại là thế này: các trích dẫn của các nghiên cứu viên từ các bộ Kinh về Đức Tin tuy rất công phu, chính xác, nhưng bản thân chúng lại mâu thuẫn lẫn nhau, làm cho Đức Tin thành ra khó tin.
Tôi đề nghị bác Cẩn, trưởng phòng Đức Tin, làm rõ thêm điểm này cho toàn thể mọi người ».
—-
Phòng họp im ắng, nghe rõ cử động của bác Cẩn đang xỏ lại quai dép, lật đật đứng lên.
—-
– «Thưa bác Đô, thưa các anh chị, chuyện này cũng có thật ạ.
Các câu trong các Kinh rất giàu dữ liệu, như gió thổi các chiều khác nhau, anh chị em khi trích dẫn chúng bao giờ cũng đã dò tìm hướng gió. Riêng về cái này, tôi xin đảm bảo hoàn toàn về sự siêu linh cảm của các anh chị em ta.
Khi hướng gió ổn định thì công việc trích dẫn chạy rất trơn tru, Đức Tin được củng cố rõ rệt.
Nhưng khi gió phức tạp, thì anh chị em trích dẫn đuổi theo gió quả là khó khăn, nhiều khi bị lệch pha, chưa kể người đọc có khi cũng đọc lệch pha nốt. Từ đó ta có cái tình hình rối tung như bác Đô đã phân tích.
Tôi đề nghị từ nay ta dịch tất cả các Kinh sang tiếng Phạn trước, rồi phiên âm từ đó sang Hán, cuối cùng ta nôm hóa chúng, như thế thì ta sẽ đảm bảo cao nhất về yêu cầu Đức Tin ạ. »
—-
Tiếng vỗ tay vang hơn hết, và nụ cười sáng lên trong đôi mắt ông Đô.