Trung tâm R&D Rạng Đông

Ra đời tháng 3/2011, Trung tâm R&D Rạng Đông đã trở thành một tổ chức nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành đầu tiên ở Việt Nam về thiết bị chiếu sáng, với nhiều nghiên cứu nổi bật như nghiên cứu các sản phẩm nguồn sáng LED, cao áp (HID) thế hệ mới, các bộ sản phẩm chuyên dụng phục vụ nhu cầu thị trường, cùng những cải tiến nâng cao chất lượng dàn sản phẩm đèn Compact và đèn huỳnh quang.

Nhiệm vụ của Trung tâm là tập hợp và khai thác hiệu quả các nguồn tri thức tiên tiến trong và ngoài công ty, trong và ngoài nước, để nghiên cứu, thiết kế và tiếp nhận chuyển giao khoa học –  công nghệ, xây dựng qui trình sản xuất và hướng dẫn đào tạo sản xuất hàng loạt. Để thực hiện các chức năng này, Trung tâm được tổ chức với bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt, lấy hoạt động có hiệu quả làm tiêu chí hàng đầu. Đến nay trung tâm đã hình thành 7 bộ môn: Bộ môn nghiên cứu điện tử, Bộ môn nghiên cứu nguồn sáng, Bộ môn thiết kế sáng tạo sản phẩm chiếu sáng tiên tiến, Bộ môn hóa – vật liệu và quang điện tử, Bộ môn kỹ thuật chiếu sáng, Bộ môn chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Bộ môn đo lường và kiểm soát chất lượng; 2 phòng thí nghiệm chung HUST – RALACO; 2 xưởng sản xuất quy mô dạng Pilot.

Chỉ đạo chuyên môn của các bộ môn là các cán bộ khoa học có trình độ cao, nhiều năm tham gia công tác nghiên cứu khoa học thực nghiệm tại các Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu quốc gia, thấu hiểu yêu cầu thực tiễn và có khả năng triển khai công tác nghiên cứu phát triển tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trung tâm còn được hỗ trợ bởi đội ngũ chuyên gia với các chuyên ngành khác nhau: chuyên gia vật lý quang phổ, chuyên gia đo lường và thiết bị, chuyên gia điện tử, tự động hóa, chuyên gia đo lường và thiết bị, vật liệu… Đến nay, biên chế Trung tâm R&D có 46 nhà khoa học, kỹ sư làm việc, trong đó có 1 NGND-GS-TS, 6 PGS-TS và nhiều Tiến sỹ, Thạc sỹ, kỹ sư chủ trì các bộ môn, tư vấn các lĩnh vực chuyên ngành. Hoạt động của nhóm chuyên gia cùng với các bộ môn không những góp phần giải quyết nhanh chóng yêu cầu chuyên môn kĩ thuật công nghệ mà còn đẩy nhanh công tác đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ kỹ thuật của Công ty. Nhờ đó Trung tâm đã tự tổ chức được một số khâu nghiên cứu then chốt, đồng thời đặt yêu cầu và tiếp nhận kết quả nghiên cứu của các đối tác một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Hợp tác nghiên cứu liên ngành

Những mối quan hệ hợp tác với các Viện, trường đã giúp Trung tâm R&D Rạng Đông tận dụng được thiết bị tại các cơ sở này và các phòng thí nghiệm quốc gia, nhưng giá trị cốt lõi nhất là sự kết nối hợp tác của đội ngũ chuyên gia từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau. Đây là một lợi thế rất quan trọng trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chiếu sáng, nơi mà một sản phẩm dù đơn giản nhất cũng đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên ngành kỹ thuật.

Trong số các hướng nghiên cứu của Rạng Đông, một hướng nghiên cứu ngày càng có ý nghĩa chiến lược là sản phẩm chiếu sáng sử dụng LED.

Trung tâm đã chủ trương xây dựng chương trình nghiên cứu tập trung vào một số khâu then chốt trong quá trình lựa chọn phương án thiết kế, chế tạo sản phẩm, tập trung để giải quyết hai vấn đề khó khăn nhất là nhiệt độ làm việc và hiệu suất phát quang của chip LED và hệ thống. Từ đó đã lần lượt ra đời các đề tài nghiên cứu của các bộ môn chuyên ngành như Đề tài nghiên cứu phương pháp và thiết bị xác định nhiệt độ Tj và nhiệt trở RThj-S của LED; Đề tài nghiên cứu công nghệ chế tạo tấm dẫn sáng chiếu cạnh sử dụng trong đèn chiếu phẳng dùng LED. Các kết quả nghiên cứu giàu tính thuyết phục về công nghệ chiếu sáng LED đã giúp Trung tâm R&D Rạng Đông được Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nội phê duyệt Dự án” Sản xuất thử nghiệm một số loại đèn LED Panel dùng trong chiếu sáng dân dụng và chiếu sáng công cộng”.

Đơn cử như nghiên cứu đèn chiếu sáng kích thích tăng trưởng, ra hoa, kết trái và nuôi cấy mô nhân giống một số loại cây trồng đòi hỏi hợp tác nghiên cứu của các chuyên gia của 3 cơ sở: Trung tâm R&D Rạng Đông, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST)– trường ĐHBKHN, và Viện Sinh học Nông nghiệp (SHNN) – trường ĐHNN HN. Trong đó, các nhà khoa học tại trường ĐHBKHN phụ trách nghiên cứu phát triển chế tạo các loại bột huỳnh quang dùng trong chế tạo đèn chiếu sáng cho một số loại cây nông nghiệp đang được trồng ở quy mô lớn như hoa cúc (gần 700ha tại riêng Lâm Đồng), thanh long (2500ha tại các tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh). Phía Rạng Đông chịu trách nhiệm chế tạo đèn chiếu sáng chuyên dụng theo các chỉ tiêu và tiêu chuẩn của sản phẩm thương mại. Còn Viện SHNN thực hiện đánh giá ảnh hưởng của sản phẩm đèn chiếu sáng chuyên dụng đối với các chỉ tiêu sinh học của cây trồng và thử nghiệm thực tế. Để có thể triển khai thử nghiệm kết quả nghiên cứu, dự án lại cần đến các sự hợp tác khác, như với các phòng nuôi cấy mô, và các địa phương nơi tiến hành thử nghiệm thiết bị trên đồng ruộng.

Những quan hệ hợp tác nghiên cứu tương tự như vậy đã giúp Rạng Đông đến nay thực hiện được 22 đề tài nghiên cứu về các nguồn sáng hiệu suất cao thay thế các nguồn sáng hiệu suất thấp, nâng cao chất lượng, giảm chi phí thiết bị. Cụ thể như các nghiên cứu thiết kế và công nghệ chế tạo Cathode Oxýt; nghiên cứu chế tạo chất phát quang hiệu suất cao, chất phát quang có phổ phát xạ cho mục đích chuyên dụng, thu hồi và tái chế bột huỳnh quang  đất hiếm; nghiên cứu cải tiến công nghệ tráng phủ lớp bột huỳnh quang không sử dụng dung môi, nghiên cứu tráng lớp phủ bảo vệ – Al2O3, sử dụng loại thủy tinh không có chì, loại thủy tinh hàm lượng kiềm (Na+) thấp tránh đen ống và kéo dài tuổi thọ cho đèn CFL; cải tiến công nghệ tráng lớp bảo vệ và bột huỳnh quang trên ống đèn CFL xoắn; nghiên cứu chế tạo các loại đèn phóng điện đường kính nhỏ, hiệu suất cao, giảm vật tư và hóa chất độc hại, giảm chất thải sau sử dụng FL (T10, T8), CFL (T5,T4,T3,T2); nghiên cứu phủ lớp vật liệu nano lên thành ống thủy tinh, giảm chiều dày ống thủy tinh, giảm lượng thủy tinh sử dụng, giảm khí thải; nghiên cứu phủ lớp khởi động nhanh khắc phục hiện tượng khó sáng của đèn tuýp gầy T8; nghiên cứu cải tiến tối ưu hóa ballast điện tử cho đèn FL, CFL, bổ sung các tính năng, giải quyết tương thích giữa ballast và ống phóng điện; nghiên cứu cơ chế giảm tiêu hao thủy ngân trong quá trình nâng cao tuổi thọ ống phóng điện, nghiên cứu sử dụng viên Amalgam thay thế thủy ngân lỏng; tiếp nhận kết quả nghiên cứu thiết bị đo phân bố quang hiện đại của Viện Vật lý Kỹ thuật và Viện Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội, v.v.

Giá trị gia tăng cho cộng đồng

Giá trị gia tăng từ sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm nằm ở chất lượng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng cho xã hội, và giảm chi phí sản xuất cho bản thân doanh nghiệp. Để làm được như vậy, Trung tâm đã đầu tư nghiên cứu phương pháp, tự chế tạo các thiết bị chuyên dụng kiểm soát chất lượng quá trình sản xuất (PQC) như: Thiết bị kiểm tra điện trở tiếp xúc Rh/Rc, thiết bị đo tích số khởi động tức thời đèn phóng điện áp suất thấp, thiết bị đo áp lực khí nạp không phá hủy mẫu, thiết bị đo điện áp xuyên kích, thiết bị gia tốc đánh giá nhanh tuổi thọ… thực hiện hệ thống EFQM trong toàn Công ty.

Nhờ những giải pháp trên đây cùng nỗ lực không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm mà các sản phẩm đèn huỳnh quang T8, ballast sắt từ, ballast điện tử của Rạng Đông là sản phẩm được dán tem Ngôi sao năng lượng đầu tiên ở Việt Nam. Tính từ 2010 tới 2012, Rạng Đông đã cung cấp chỉ riêng cho thị trường nội địa Việt Nam 80,3 triệu đèn CFL, 18,55 triệu bộ đèn T8 và ballast điện tử, và theo tính toán của công ty, với số đèn CFL 15w thay thế đèn IL 75w, cùng những bộ đèn T8 (tiêu tốn 39,5watt) thay thế đèn T10 (51watt), tính hệ số sử dụng đồng thời 0,5, với thời gian sử dụng 6 giờ ngày, thì Rạng Đông đã góp phần giảm điện năng sử dụng là 5,51 tỷ KWh, tương đương gần 2% tổng điện thương phẩm quốc gia mỗi năm.

Bên cạnh đó, cải tiến công nghệ còn giúp công ty thay thế nhiều vật tư nhập khẩu như keo gắn đầu đèn IL, FL, CFL, keo chịu ẩm đèn CFL sử dụng ngoài trời, dung dịch Silicon dạng nhũ tương cho đèn huỳnh quang khởi động nhanh phục vụ xuất khẩu, v.v. Hiện nay Trung tâm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu cải thiện các sản phẩm phục vụ chiếu sáng nông nghiệp, và phục vụ các lĩnh vực chiếu sáng chuyên dụng khác, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng theo sự phát triển của xã hội. Việc thường xuyên cho ra đời những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao thiết thực phục vụ đời sống đã củng cố niềm tin của các đối tác dành cho Trung tâm, và tạo thêm nhiều động lực cho các nhà nghiên cứu. Đây là điều không dễ có ở các doanh nghiệp cũng như tổ chức nghiên cứu hoạt động riêng rẽ độc lập. 

Tác giả

(Visited 21 times, 1 visits today)