Trưởng BQL Khu CNC Hoà Lạc lên tiếng về kết luận thanh tra
Sau khi Thanh tra chính phủ thông báo kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao này đã trả lời phỏng vấn về một số nội dung quan trọng tại kết luận thanh tra.
Trước hết, tôi xin bày tỏ quan điểm đồng tình với công tác thanh tra định kỳ của Thanh tra Chính phủ đối với Khu CNCHL. Khu CNCHL là một mô hình khá mới, chưa có tiền lệ ở nước ta, dự án từ khi bắt đầu được thực hiện đến nay đã trải qua một giai đoạn tương đối dài, trong thời gian triển khai dự án đã có nhiều sự thay đổi về qui định pháp lý, một số qui định của pháp luật chưa theo kịp thực tế và đặc biệt là có sự thay đổi về địa giới hành chính (năm 2008 sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội) …. nên trong quá trình triển khai dự án không thể tránh khỏi những tồn tại, thiếu sót.
Đây thật sự là một cơ hội tốt để thông qua cơ quan thanh tra, Ban Quản lý kiến nghị về một số vấn đề bất cập khách quan trong quá trình xây dựng và phát triển Khu CNCHL, đồng thời cũng là cơ hội để nắm bắt, rút kinh nghiệm các tồn tại, thiếu sót mà cơ quan thanh tra nêu ra nhằm thực hiện công tác quản lý điều hành hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ngay trong quá trình thực hiện thanh tra và sau khi Kết luận thanh tra được chính thức ban hành, Ban Quản lý đã báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ và chủ động tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, thiếu sót được đoàn thanh tra kiến nghị như: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Qui định đầy đủ hơn về chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý; Tham gia góp ý kiến với các Bộ, ngành trong công tác xây dựng văn bản pháp luật có liên quan và trực tiếp điều chỉnh tới hoạt động của khu CNC như các Nghị định của Chính phủ về Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… để trên cơ sở đó xây dựng khung giá đất áp dụng trong Khu CNCHL, xây dựng các qui trình quản lý hỗ trợ các nhà đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư…; rà soát, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai đầu tư; Rà soát và điều chỉnh dự toán một số gói thầu xây dựng; Xây dựng cơ chế quản lý và phối hợp với các công ty phát triển hạ tầng; Chấn chỉnh công tác quản lý nghiên cứu khoa học, quản lý sử dụng kinh phí chi thường xuyên…
Tuy nhiên, trong nội dung Kết luận cũng còn có một số điểm Ban Quản lý sẽ báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ trong thời gian tới nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện Kết luận thanh tra và tiến độ thực hiện dự án.
Năm 2014, Ban Quản lý đã được đánh giá là có nhiều cố gắng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), một trong những công việc khó khăn nhất của dự án. Tuy nhiên, trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số sai phạm trong công tác này, ông có ý kiến gì về kết luận này?
Công tác GPMB được Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND Tỉnh Hà Tây trước đây và UBND TP Hà Nội hiện nay chủ trì tổ chức thực hiện. Đây là một trong những công tác khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án. Trong thời gian qua, chúng tôi đã sát cánh với chính quyền địa phương, phối hợp rất chặt chẽ, quyết tâm hoàn thành công tác GPMB.
Tại Thông báo số 433/TB-VPCP ngày 18/11/2014 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp xử lý sau thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu CNC Hòa Lạc đã đánh giá: “Quá trình xây dựng Khu CNC Hòa Lạc đã tiến hành nhiều năm qua nhưng gặp nhiều khó khăn do thay đổi về cơ chế chính sách, mô hình tổ chức hoạt động, thiếu vốn và việc mở rộng Thủ đô Hà Nội đã ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là công tác GPMB. Biểu dương Bộ KH&CN, UBND TP Hà Nội, Ban Quản lý Khu CNCHL thời gian qua đã triển khai được khối lượng công việc lớn, đã giải phóng được gần 1.000 ha đất, thu hút được nhiều dự án tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao”.
Đối với nội dung này, một phần do các văn bản pháp luật chưa đi kịp với thực tế, một phần do thay đổi cơ chế chính sách nên đã làm chậm tiến độ GPMB. Đặc biệt từ giai đoạn trước năm 2012, theo Báo cáo số 1536/TTCP-V4 ngày 25/10/2004 của Đoàn thanh tra liên ngành đã kết luận các vi phạm của UBND tỉnh Hà Tây trong việc quy định chính sách đền bù, hỗ trợ cho một số đối tượng sử dụng đất.
Những nội dung kết luận này đã khiến cho công tác bồi thường GPMB bị đình trệ một thời gian dài, cho đến khi được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ và cho phép thực hiện các chính sách mà UBND tỉnh Hà Tây đã áp dụng trước đây và bị Đoàn Thanh tra liên ngành kết luận là sai phạm (tại văn bản số 10610/VPCP-KGVX ngày 25/12/2012).
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc đến nay, công tác GPMB Khu CNC mới có thể bắt đầu triển khai mạnh mẽ và nhanh chóng trở lại. Đối với Kết luận lần này, Ban Quản lý sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội báo cáo các Bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách phù hợp với thực tế để công tác GPMB được thuận lợi và tiến triển nhanh hơn.
Còn về những sai phạm trong việc lập dự toán làm tăng mức đầu tư lên đến hơn 40 tỷ đồng và cử người đi công tác nước ngoài không trong kế hoạch, không đúng thành phần được nêu trong Kết luận?
Vâng, đây cũng là thiếu sót của Ban Quản lý mà chúng tôi phải khắc phục. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần phải chia sẻ thêm một số vấn đề về quan điểm đánh giá, xử lý.
Theo Kết luận thanh tra: “lập dự toán và thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng có nhiều vi phạm trong các giai đoạn thiết kế, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế – dự toán làm tăng không đúng giá trị tổng dự toán các gói thầu với số tiền là 40.153,29 triệu đồng…”, Ban Quản lý thấy có một số quan điểm chuyên môn kỹ thuật và thực tế triển khai trên công trường cần thống nhất như sau:
Quan điểm về tận dụng đất đào đắp cấp III: Việc tận dụng đất đào để cân bằng đào đắp là phù hợp, tuy nhiên việc tận dụng được bao nhiêu % khối lượng đất đào còn phải phụ thuộc vào thực tế khi thi công và đặc tính cơ lý của đất (độ ẩm, thành phần hạt, chất lượng đất…), tư vấn khi lập dự toán tận dụng 60% nhưng theo quan điểm của thanh tra là 80%. Ngoài ra việc tận dụng đất đào cũng phải tính thêm chi phí vận chuyển từ nơi đào sang nơi đắp nhưng thanh tra không đồng ý khoản chi phí này.
Quan điểm về vận dụng định mức: Một số công tác xây dựng không có trong định mức nên trong quá trình thực hiện đơn vị tư vấn đã vận dụng mã định mức khác có tính chất tương tự để tính toán thanh tra có quan điểm khác.
Con số 40.153,29 triệu đồng là sai sót trong quá trình lập dự toán với những nguyên nhân như nêu trên, không phải là con số thất thoát. Trong thực tế việc thanh toán được thực hiện theo khối luợng nghiệm thu thực tế và đơn giá tại thời điểm nghiệm thu. Do vậy, Thanh tra chính phủ chỉ giảm trừ chi phí thiết kế của đơn vị tư vấn đối với phần dự toán tính vượt.
Thế còn việc tổ chức đoàn đi nước ngoài không có trong kế hoạch được duyệt thì sao?
Về việc 20 đoàn đi không có trong kế hoạch được duyệt và Quyết định cho 21 người đi nước ngoài không đúng thành phần (từ 2002 đến 2012) như trong Kết luận Thanh tra: Theo qui định về ngân sách, hàng năm Ban Quản lý phải lập kế hoạch để được cấp kinh phí hoạt động vào tháng 7 năm trước trong đó có kế hoạch các đoàn đi công tác nước ngoài.
Tuy nhiên trong thực tế khi có các yêu cầu đột xuất tham gia tháp tùng hoặc là thành viên của các đoàn công tác của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các Bộ hoặc theo yêu cầu đột xuất của các đối tác nước ngoài, các cơ quan/ tổ chức của Việt Nam… Ban Quản lý không thể đưa vào kế hoạch và dự toán được lập từ năm trước.
Còn việc quyết định cho 21 người đi nước ngoài chưa đúng thành phần thì các đối tượng này chủ yếu là các cán bộ của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trực tiếp đến trong việc xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc. Do Khu CNC Hòa Lạc là mô hình đầu tiên, còn khá mới mẻ và chưa có kinh nghiệm ở Việt Nam nên để tham gia cùng với Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc xây dựng các chính sách, các cán bộ này cần được nắm rõ kinh nghiệm xây dựng, vận hành và mô hình một số khu công nghệ cao trên thế giới để từ đó có căn cứ thực tiễn để xử lý các vấn đề liên quan đến Khu CNCHL. Khi tham gia đoàn công tác các đối tượng này đều có quyết định cử đi của cấp có thẩm quyền quản lý về nhân sự.
Theo quan điểm của chúng tôi, công tác thanh tra là công tác hết sức cần thiết theo đúng chủ trương chính sách của Nhà nước. Qua công tác thanh tra, chúng tôi đã và tiếp tục cương quyết khắc phục những nội dung thiếu sót vi phạm được nêu trong kết luận, đồng thời tiếp tục tham mưu, kiến nghị tới các cơ quan liên quan để sớm hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp lý phù hợp với thực tế triển khai.
Trong thời gian vừa qua, Ban Quản lý thường xuyên báo cáo Bộ KH&CN để tìm ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn và tồn tại cả về khách quan và chủ quan. Đến nay, hầu như mọi khó khăn khách quan đã được tháo gỡ, năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận đặc biệt là trong công tác GPMB.
Kế hoạch của Khu CNCHL năm 2015 là gì, thưa ông?
Kế hoạch năm 2015 của Ban Quản lý là đảm bảo các điều kiện để khởi công dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu Công nghệ cao Hoà Lạc bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản vào tháng 6/2015 và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, dự án quan trọng và chiến lược như dự án xây dựng trường Đại học Việt Nhật, Đại học KH&CN Hà Nội (vốn vay ADB), Đại học FPT, Viện Nghiên cứu Việt Nam – Hàn Quốc, Viện nghiên cứu vũ trụ Việt Nam – Nhật Bản, dự án tổ hợp nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ cao của Viettel…
Nguồn:
http://baodautu.vn/truong-bql-kcn-cao-hoa-lac-len-tieng-ve-ket-luan-thanh-tra.html-31978