Vài kỷ niệm đáng nhớ về anh Bửu
Tôi có những kỷ niệm khó quên với anh Bửu, người đối xử thân tình và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến, không câu nệ việc lớn việc nhỏ, không tính toán thời gian, công sức, kể cả tiền, nhất là đối với cán bộ khoa học, nên khi anh mất, tôi đã có một cảm giác hụt hẫng vì cái khoảng trống anh để lại quá lớn. Đã gần ba mươi năm rồi, khoảng trống ấy vẫn chưa lấp được, tuy người trẻ, giỏi và tâm huyết ngày nay không thiếu, đó là điều day dứt không nguôi cho những kẻ đã cùng anh một thời ôm ấp biết bao hoài bão có phần thiếu thực tế nhưng không kém cao cả, vĩ đại.
Như vậy, tuy vô cùng ngưỡng mộ anh, nhưng một thời gian dài tôi chưa bao giờ được hân hạnh gần gũi anh. Những năm dạy học ở Liên khu 5 và sau này ở Khu học xá Trung ương thỉnh thoảng tôi được đọc những sách anh viết rất hấp dẫn về những vấn đề khoa học hiện đại, cùng với những kỳ vọng nhiệt thành của anh đối với những nhà khoa học Việt tài năng ở nước ngoài, và chỉ thế thôi.
Cho đến năm 1959, sau khi bảo vệ luận án ở Liên Xô, tôi về nước đến trình diện ở Ủy ban Khoa học Nhà nước thì mới được gặp anh lần đầu tiên. Lúc ấy anh là Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Ủy ban, tôi không chắc gì được gặp, nhưng anh đã tiếp tôi nồng nhiệt và chân tình. Từ đó cho đến khi anh từ giã cõi đời, giữa chúng tôi đã dần dần nảy nở một mối thân tình dựa trên sự quý trọng nhau, mặc dù khoảng cách khá lớn về tuổi tác và còn lớn hơn nữa về địa vị xã hội và vị trí công tác. Một thời gian dài anh là thủ trưởng ở trên cao, còn tôi chỉ là thuộc cấp nhỏ của anh, tuy không “quèn” nhưng lại “có vấn đề” dưới con mắt một số cán bộ chính trị thời ấy đang là cấp phó của anh. Điều đáng quý là tuy biết vậy, nhưng chúng tôi không có mặc cảm gì về tôn ti trật tự, phần anh không bao giờ tỏ ra cấp trên, cũng không bao giờ đề cập “các vấn đề” của tôi mà tôi chắc anh vẫn thường phải được nghe các phó của anh báo cáo. Về phía tôi, tuy vẫn ý thức coi anh là bậc đàn anh đáng kính, nhưng không hề bị ảnh hưởng bởi quan niệm kẻ dưới người trên. Sự đối xử dân chủ, bình đẳng với cấp dưới, với người trẻ tuổi hơn, đó là điều khác biệt trong tính cách Tạ Quang Bửu, nhờ đó giữa chúng tôi mới có được mối quan hệ thân tình có vẻ vượt quá lề thói xã hội một cách khó tin như vậy. (Thời nay không hiểu vì đâu không còn nhiều những tình bạn trong sáng kiểu ấy.)
Trong mấy chục năm qua, tôi chưa thấy có thời kỳ nào đời sống học thuật hào hứng như những năm 1959-1964 khi anh Bửu làm Tổng Thư ký Ủy ban Khoa học. Cũng chính trong thời kỳ này đã có một phong trào ứng dụng khoa học mà sau này nhìn lại được đánh giá là hiếm thấy trong lịch sử các nước chậm phát triển. |
Hồi đó chúng ta vừa từ chiến tranh bước ra, mới bắt đầu xây dựng khoa học, cái gì cũng bỡ ngỡ. Cho nên thật là quý giá có được những nhà lãnh đạo khoa học như anh, không chỉ có hiểu biết khoa học rộng mà còn có tầm nhìn rất xa và nhất là biết thật thà quý trọng con người lao động khoa học.
Tuy anh và một số anh cùng thế hệ đều là những nhà khoa học được đào tạo ở phương Tây nhưng cũng đã lâu rồi, từ thời Thế chiến II hay trước nữa, mà từ bấy đến giờ, trong lúc ta bận kháng chiến chống Pháp, tình hình khoa học và đại học trên thế giới đã có quá nhiều thay đổi sâu sắc. Vào thời ấy, miền Bắc bị cô lập hoàn toàn với phương Tây, nhưng được cái khoa học Liên Xô đang thời cực thịnh, Đại học Quốc gia Mạc Tư Khoa và riêng Khoa Toán cơ ở đó chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới, với một mật độ tên tuổi khoa học lẫy lừng ít có ngay cả ở các đại học lớn phương Tây. Hơn nữa, tình trạng học phiệt thời Lưxenco đã qua rồi, xu hướng dân chủ hóa xã hội đang phát triển sau việc phê phán mạnh mẽ sùng bái cá nhân Stalin, nên nói chung không khí học thuật ở Liên Xô thời đó khá lành mạnh. Anh Bửu đánh giá đúng tình hình này từ sớm nên đã có ý thức tận dụng mọi chuyến công tác ra nước ngoài (chuyến đi Pháp khoảng thời gian 1945-46, những chuyến công tác chính thức ở Liên Xô và các nước Đông Âu, cho đến cả thư từ trao đổi với nghiên cứu sinh Việt Nam đang học ở Liên Xô (tuy khi đó còn ít), để xây dựng những kênh liên lạc cá nhân nhưng hữu hiệu với giới khoa học ở nước ngoài, qua đó theo dõi và kịp thời cập nhật thông tin về tình hình tổng quát cũng như các xu hướng chính của khoa học, công nghệ thế giới. Như những nhà khoa học từng trải, anh hiểu rằng trong hoạt động khoa họ,c những kênh liên lạc không chính thức (nhưng chân tình) với bạn bè đồng nghiệp có giá trị gấp nhiều lần những quan hệ nhà nước chính thức (và cũng lắm khi hình thức).
Chính quan niệm đúng đắn đó đã giúp nhiều cho công tác lãnh đạo khoa học của anh. Dù ở cương vị Tổng thư ký Ủy ban Khoa học hay Bộ trưởng Đại học anh luôn là một nhà lãnh đạo có đầu óc chiến lược, biết nhìn xa trông rộng. Với khả năng giao tiếp tuyệt vời, anh có rất nhiều bạn bè trong giới bác học ở các nước, về nhiều ngành khác nhau chứ không chỉ về toán là sở trường của anh.
Tôi đã có lần chứng kiến khả năng xử trí mềm dẻo khôn khéo của anh trong dịp đón tiếp Grothendieck (huy chương Fields 1966), một nhà toán học thiên tài, nhưng tính tình khá bất thường. Nguyên từ lâu Grothendieck đã kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh leo thang của Mỹ chống Việt Nam nên năm 1968, để biểu lộ sự phẫn nộ đối với cuộc chiến tranh ấy và bày tỏ cảm tình với nhân dân Việt Nam, ông đã ngỏ lời tặng ta cả số tiền thưởng của huy chương Fields và mong muốn sang thăm và giúp đỡ giảng dạy 4 tuần ở Đại học Hà Nội, mặc dù lúc đó Mỹ đang ném bom ác liệt miền Bắc. Vừa đến Hà Nội Grothendieck đề nghị được gặp ngay một gia đình ở Hà Nội để trao một gói quà do một người bạn Việt Nam nhờ ông chuyển giúp. Dễ hiểu, vì lý do an ninh khắt khe thời chiến, yêu cầu đó của ông bị từ chối. Thế là ông nổi giận đùng đùng và để phản đối, tối đó ông thẳng thừng không đến dự buổi đầu tiên Bộ trưởng Đại học tiếp và chiêu đãi ông ở khách sạn. Chờ mãi không thấy ông đến, cuối cùng buổi tiếp và chiêu đãi thất bại. Mọi người lo lắng cho buổi giảng khai mạc ngày mai của ông, đã được loan báo và chắc chắn sẽ có rất đông người đến nghe. Thế nhưng khi giới thiệu khai mạc buổi giảng đó, anh Bửu vẫn không tiếc lời ca ngợi và cảm ơn ông, sau đó chủ với khách chuyện trò vui vẻ, tự nhiên như không. Càng về sau khách và chủ càng tỏ ra thông cảm và quý mến nhau hơn. Sau này khi về Paris, trước một cử tọa đông kỷ lục, Grothendieck đã kể lại chuyến đi Việt Nam với rất nhiều thiện cảm và ngưỡng mộ đối với nhân dân Việt Nam và đặc biệt đối với ông Bộ trưởng Đại học.
Sau Grothendieck đến lượt L. Schwartz thăm Việt Nam và lần này anh Bửu đã kết thân thật sự với nhà toán học lỗi lạc này (huy chương Fields 1950, thầy của Grothendieck) mà cũng là người đã luôn luôn sát cánh với nhân dân Việt Nam trong suốt hành trình Việt Nam chiến đấu giành độc lập. Một nhân vật khác cũng nên nhắc đến ở đây từng có ấn tượng sâu sắc về anh Bửu là nhà ngôn ngữ học Mỹ Chomsky khi ông sang thăm và nói chuyện cho chuyên gia ngôn ngữ ở Hà Nội. Giữa lúc người phiên dịch đang lúng túng thì trước sự vô cùng ngạc nhiên của Chomsky, ông Bộ trưởng Đại học bình tĩnh bước lên tự làm nhiệm vụ phiên dịch trực tiếp, và làm việc này xuất sắc đến mức tạo thêm nhiều hứng thú bất ngờ cho buổi trình bày khoa học vốn có vẻ khô khan, khó hiểu ban đầu.
Anh Bửu đã từng được Giáo sư L. Schwartz nhận xét rất nghiêm túc là một trong những Bộ trưởng Đại học xuất sắc nhất mà ông từng được biết. Dĩ nhiên đó là dựa trên trình độ năng lực khoa học vượt trội đối với nhiệm vụ nhưng tôi nghĩ trước hết là nhờ năng lực ấy đi đôi với cái tâm thật sự trong sáng, tấm lòng rộng mở, thương yêu bao dung đối với mọi người, nhất là người yếu thế và người trẻ, biết sống tử tế, có nguyên tắc, có trách nhiệm, không hẹp hòi cực đoan nhưng cũng không ba phải, luôn hướng tới gần như say mê cái mới, cái đẹp, cái chân thật, cái cao cả, cho nên tư duy năng động, uyển chuyển, không xơ cứng, luôn hiện đại. Không phải anh không có thiếu sót nhầm lẫn, nhưng điều đáng quý là anh dễ nhận ra sai lầm của mình, và khi đó không trốn tránh trách nhiệm, không đổ lỗi cho người khác. Chính nhờ thế mà dù phải lãnh đạo đại học trong một giai đoạn khó khăn, khi bên cạnh anh và ở cấp cao hơn anh đã có chiều hướng ngả theo tư duy cực đoan Mao-ít, với những cuộc thanh trừng bất công tàn bạo dưới danh nghĩa chống xét lại, mà anh vẫn kiên trì thực hiện thành công một số chính sách, biện pháp quản lý bảo đảm công bằng, dân chủ, nghiêm minh. Rất tiếc cho đất nước, cuối cùng bản thân anh đã phải trả cái giá khá đắt cho những gì tốt đẹp, đúng đắn, nhân văn anh đã làm cho đại học. Mãi đến gần đây, khi hội nhập quốc tế mới thấy rõ đại học đã xuống cấp thảm hại một phần vì cái giá đó.
Trở lại những kỷ niệm khó quên của tôi với anh Bửu, tôi không thể không nhắc đến thời tôi cùng với anh Thiêm đã mong muốn mang những kinh nghiệm xây dựng học thuật ở Liên Xô về ứng dụng trong nước. Anh Bửu trên cương vị của mình đã hết lòng ủng hộ những ý tưởng và chủ trương của chúng tôi. Từ những việc như tổ chức các seminar khoa học, hội nghị khoa học, tổ chức phản biện và bảo vệ luận án (chính cái từ “phản biện” mà ngày nay được dùng rộng rãi trong xã hội đã xuất hiện đầu tiên trong hoàn cảnh này), biên soạn và xuất bản tạp chí khoa học để trao đổi quốc tế, thành lập Hội Toán học, tổ chức những buổi nói chuyện khoa học cho công chúng rộng rãi, cho đến việc mở các lớp bồi dưỡng kiến thức hiện đại cho thầy giáo toán, mở các lớp chuyên toán, tham gia Olympic Toán quốc tế, v.v. tất cả những ý kiến đề nghị của chúng tôi đều được sự hưởng ứng và ủng hộ nhiệt thành của anh, nhờ đó trong một thời gian ngắn, không khí học thuật sôi nổi từ ngành toán đã lan rộng nhanh chóng sang các ngành khác. Tôi còn nhớ thời đó cứ vài ba tuần lễ có một buổi nói chuyện khoa học ở trụ sở 39 Trần Hưng Đạo, thường vào buổi tối mà người nghe vẫn rất đông, ngồi kín cả phòng. Những bài giảng chuyên đề cho cán bộ giảng dạy đại học và các buổi giảng toán cho học sinh phổ thông cũng vậy. Hằng tuần vào tối thứ năm tôi giảng chuyên đề về lý thuyết độ đo, một bộ môn rất trừu tượng, mà sau mấy tháng số người dự (phần lớn là cán bộ giảng dạy toán ở đại học) vẫn đông đủ gần như buổi đầu tiên. Trong mấy chục năm tôi chưa thấy có thời kỳ nào đời sống học thuật hào hứng như những năm 1959-1964 khi anh Bửu làm Tổng thư ký Ủy ban Khoa học.
Sau thời kỳ Nhân văn – Giai phẩm, đã có cuộc vận động trong giới trí thức đại học từ bỏ tháp ngà, đi vào thực tế để tìm cách đưa kiến thức ra ứng dụng. Qua sách báo tiếng Nga tôi được biết một ngành học ứng dụng có tên operations research (vận trù học) ra đời ở Mỹ, Anh trong Thế chiến II để phân tích tìm ra phương án tối ưu (đạt hiệu quả cao nhất) cho từng tác vụ cụ thể. Ngành học này sử dụng kết hợp thống kê với lý thuyết tối ưu, đặc biệt là lý thuyết linear programming (quy hoạch tuyến tính), sau chiến tranh đã có nhiều ứng dụng thành công trong kinh tế và đời sống. Vừa lúc đó, tin tức từ Trung Quốc cho hay, dưới sự lãnh đạo của nhà toán học lừng danh Hoa-La-Canh, một cuộc vận động áp dụng vận trù học (VTH) đang diễn ra rầm rộ khắp Trung Quốc. Thời đó quan hệ giữa ta với Trung Quốc rất tốt, nên nhân anh Bửu sắp có chuyến thăm Trung Quốc, tôi nhờ anh sang đó gặp gỡ các nhà toán học và tìm hiểu cụ thể về cuộc vận động này xem họ có những kinh nghiệm gì chúng ta có thể tham khảo, học tập. Tôi biết mỗi chuyến đi nước ngoài của anh đều rất bận rộn và phiền phức về lễ nghi, nên không dám mong đợi nhiều, chỉ mong có được vài thông tin tổng quát. Nhưng không ngờ, chuyến ấy anh mang về chuyển ngay cho tôi cả một đống tài liệu dày cộp, gồm những ghi chép rất tỉ mỉ của bản thân anh trong các buổi gặp và hỏi chuyện các bạn đồng nghiệp Trung Quốc về VTH, kèm theo đầy đủ các tài liệu liên quan chủ yếu bằng tiếng Trung Quốc. Tôi thầm nghĩ giá bản thân tôi được giao làm mỗi việc ấy trong một chuyến đi chắc chắn cũng không thể làm tốt hơn. Cách đối xử thân tình với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai cần đến, không câu nệ việc lớn việc nhỏ, không tính toán thời gian, công sức, kể cả tiền, nhất là đối với cán bộ khoa học, đó là một tính cách khác biệt nữa của anh Bửu.
Chính nhờ sự giúp đỡ hiệu quả đó của anh mà từ những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước, một phong trào sâu rộng áp dụng vận trù học đã lôi cuốn hàng nghìn người khắp các ngành tham gia. Ảnh hưởng phong trào này đã khiến nhiều người nước ngoài không khỏi ngạc nhiên nhưng có lẽ tôi sẽ kể chi tiết về chuyện này trong một dịp khác.