Vai trò của index trong một cuốn sách
Với một cuốn sách phi hư cấu, đặc biệt là sách khoa học, phần tài liệu tham khảo và index (chỉ mục) tuy là phần phụ nhưng lại không thể thiếu, và sự có mặt hay không có mặt của nó có một vai trò rất lớn đối với giá trị hay tư cách của cuốn sách. Truyền thống xuất bản sách tiếng Việt lâu nay mới chỉ chú trọng đến việc làm và trình bày phần tài liệu tham khảo, chứ chưa chú trọng đến việc làm và trình bày phần index.
Thật khó có thể nói đến hay chỉ ra một cấu trúc tuyệt đối cố định, bất biến cho các cuốn sách khác nhau, ngay cả đối với những cuốn sách phi hư cấu như sách khoa học hàn lâm. Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta không thể hoặc không chỉ ra được một cấu trúc tương đối ổn định cho một chủng loại sách nào đó. Với những cuốn sách phi hư cấu, ngoài những phần buộc phải có như bìa, thông tin catalog và ISBN1, mục lục, nội dung ra, thì tùy vào từng cuốn sách cụ thể có thể có thêm nhiều phần khác như thông tin đề tặng, danh sách bảng biểu, danh sách kí hiệu, danh sách tác giả đóng góp, lời cảm ơn, lời giới thiệu, quy ước trình bày, phụ lục, danh sách thuật ngữ hay giải thích từ vựng, tài liệu tham khảo hay thư mục nghiên cứu, index (…). Trong số những phần này, index luôn được đặt tại vị trí cố định ở cuối sách.
Index là gì?
Index của một cuốn sách là danh sách các từ đầu mục (entry) hay các từ khóa (keyword) được sắp xếp theo một thứ tự nhất định, thường là theo thứ tự chữ cái của ngôn ngữ xuất bản, có tác dụng chỉ ra vị trí (tức số trang) xuất hiện của chính các từ đầu mục hay các từ khóa đó trong một cuốn sách. Nói rộng hơn, index chính là “một danh sách có thứ tự các từ đầu mục,… được thiết kế với mục đích giúp cho người sử dụng có thể định vị được thông tin trong một tài liệu” (ISO 999, 1996). Tài liệu đó có thể là sách, tạp chí hay bất kì một nguồn thông tin nào khác. Diễn giải đơn giản hơn thì có thể hiểu index là danh sách có thứ tự gồm các từ hay cụm từ được dùng để gọi tên/ định danh các thuật ngữ, khái niệm, tên riêng, sự kiện quan trọng được thể hiện hay liên quan đến nội dung cuốn sách, giúp cho người đọc có thể tra cứu nhanh và chính xác những nội dung hay chủ đề mình quan tâm.
Các từ hay cụm từ được lựa lọc để cho vào index là những từ hay cụm từ quan trọng, tập trung thể hiện nội dung hay chủ đề chính của cuốn sách. Có hai vấn đề cần chú ý nếu muốn hiểu đúng về câu chuyện index. Thứ nhất, không phải thuật ngữ hay từ khóa quan trọng nào cũng xuất hiện trong index. Lấy một ví dụ dễ hiểu. Trong một cuốn sách có tên là Ngữ nghĩa học chẳng hạn thì những thuật ngữ kiểu như ngôn ngữ học (ngành khoa học mà ngữ nghĩa học thuộc vào), ngữ nghĩa học (tên gọi của cuốn sách), ngữ âm học (phân ngành tương đương với ngữ nghĩa học trong ngôn ngữ học),… không xuất hiện trong index của cuốn sách. Thuật ngữ nào được đưa vào index sẽ tùy thuộc vào đối tượng tiếp cận sách, mức độ nông sâu của index, định hướng và tính chất cuốn sách. Thứ hai, mỗi một từ hay cụm từ này sẽ được phân bố tại những vị trí xác định trong cuốn sách. Tuy nhiên, không phải vị trí xuất hiện nào của các từ hay cụm từ này cũng có thể xuất hiện trong index, chỉ những vị trí nào mà ở đó từ hay cụm từ được đưa vào index được diễn giải theo những cách hiểu quan trọng khác nhau hay liên quan đến những chủ điểm nội dung khác nhau thì mới được đưa vào trong index. Nói ngắn gọn, chỉ vị trí xuất hiện nào đem lại một cách hiểu hay diễn giải mới, quan trọng theo một khía cạnh nào đó thì mới có thể xuất hiện trong index.
Có những loại index nào?
Có nhiều loại index khác nhau, nhưng nói chung có ba loại index lớn đó là index hỗn hợp, index tên riêng, index chủ đề. Index hỗn hợp bao gộp cả loại index tên riêng và index chủ đề. Index tên riêng và index chủ đề cũng có thể có nhiều loại nhỏ tùy theo nội dung, chủ đề cuốn sách. Chẳng hạn, index tên riêng có thể có index tác giả, index nhân vật, index địa danh, index sự kiện, index ngôn ngữ,…Với mỗi một cuốn sách, người ta lập một loại index nào đó là tùy thuộc vào hai nhân tố chủ yếu là tính chất nội dung cuốn sách, đối tượng tiếp cận cuốn sách. Ví dụ: với đa số các loại sách khoa học, index tác giả (nhà khoa học) thường được đề cập; với một cuốn sách lịch sử thì có thể có index các địa danh, nhân vật, sự kiện; với một cuốn sách về ngôn ngữ thì có thể có index nói về các ngôn ngữ khác nhau; với một cuốn sách về dân tộc học thì có thể có index tên gọi các dân tộc; với một cuốn sách về thể thao có thể có index về các nhân vật, trận đấu, giải đấu; với một cuốn sách về văn học có thể có index về các tác phẩm văn học, về các tác giả (người sáng tác hay nhà khoa học nghiên cứu về các tác phẩm); v.v. Ngay cả với một loại index nào đó, việc thiết lập cấu trúc vĩ mô (danh sách các từ đầu mục) và cấu trúc vi mô (cách bố trí các thông tin trong một mục từ đầu mục) của index nông hay sâu đến đâu cũng sẽ tùy thuộc vào nội dung cuốn sách và đối tượng tiếp nhận cuốn sách.
Vai trò của index
Vai trò của index có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ. Thứ nhất, đối với người mua, cùng với mục lục, tài liệu tham khảo, index giúp người định mua sách đọc lướt nhanh và đánh giá một cách khách quan cuốn sách từ chính góc nhìn của mình (chứ không phải từ góc nhìn người làm sách hay tác giả qua lời giới thiệu hay hướng dẫn sử dụng sách) để từ đó quyết định có mua hay không. Thứ hai, đối với người đọc, index là công cụ hữu ích giúp người đọc đọc nhanh nội dung cuốn sách hay đọc sâu, đọc kiểm tra, đọc phản biện, hoặc tra cứu một nội dung, chủ đề xác định nào đó mà họ đang quan tâm, cần tìm hiểu, kiểm tra. Ở hai khía cạnh này, index là cái mà một người biết mua sách, một người biết đọc sách rất quan tâm, bởi lẽ, trong trường hợp này, index có giá trị như là một loại sách tra cứu vô cùng tiện dụng, giúp cho độc giả tiết kiệm thời gian đọc sách. Index lúc này chẳng khác nào công cụ tìm kiếm google vạn năng trên internet, dễ dàng giúp cho người đọc tìm kiếm thông tin mình cần trong cái bể thông tin bề bộn của cuốn sách. Với một xã hội ngập tràn thông tin và sự hạn chế về nguồn tài nguyên thời gian như hiện nay, index sẽ là công cụ giúp cho người đọc định vị ngay được thông tin cần tìm trong cuốn sách mà không cần phải tốn công nhọc sức đọc toàn bộ cuốn sách. Thứ ba, đối với người làm ra cuốn sách (cả tác giả lẫn nhà xuất bản, người lập index chuyên nghiệp), index buộc người làm sách phải có ý thức trong việc kết cấu, phân bổ nội dung thông tin của cuốn sách, định vị và định trị được từng thông tin trong cuốn sách, phải có ý thức và thể hiện được tính thống nhất, mạch lạc và liên kết trong việc sử dụng và biểu đạt khái niệm, thuật ngữ của cuốn sách. Thứ tư, đối với bản thân cuốn sách, index góp phần nâng cao chất lượng cuốn sách cả về mặt hình thức lẫn nội dung. Thông qua index, người ta có thể đánh giá được sự công phu, mức độ nghiêm túc, tính khoa học của người làm ra cuốn sách. Cũng thông qua index, người làm sách có thể nói thêm được một cách nhanh chóng và hiệu quả những thông tin cần truyền tải tới người đọc mà mục lục, tài liệu tham khảo hay bảng giải thích thuật ngữ không nói lên được. Như thế, index chính là một chỉ tố biểu hiện sự tôn trọng người đọc, tôn trọng giá trị khoa học, tôn trọng tính nghiêm ngặt về mặt học thuật của người làm sách. Thứ năm, index có giá trị phái sinh đối với việc biên soạn các loại sách công cụ, qua đó là chuẩn hóa hệ thống thuật ngữ nói riêng và chuẩn hóa ngôn ngữ nói chung. Chính các từ đầu mục trong index sẽ giúp người biên soạn thuật ngữ khoa học dễ dàng thiết lập được cấu trúc vĩ mô/(cấu trúc bảng từ) của các từ điển thuật ngữ. Thứ sáu, qua index sách, người ta có thể hình dung bức tranh học thuật của một nền khoa học, bức tranh dân trí của nền văn hóa đọc, bởi lẽ, một nền khoa học phát triển không thể có một hệ thống thuật ngữ khoa học đơn điệu và nghèo nàn, một nền văn hóa đọc cao không thể dễ dàng chấp nhận những cuốn sách cẩu thả, thiếu index.
Hệ quả của những cuốn sách không có index
Như thế, rõ ràng là việc một cuốn sách thiếu index đã hoặc là gián tiếp hoặc là trực tiếp: (1) phản ánh năng lực và trình độ của một học thuật, một nền văn hóa đọc; (2) có những tác động tiêu cực tới nền học thuật, vì rằng nó cho phép những người làm sách dễ dãi và không chịu trách nhiệm đối với hành vi làm sách và chất lượng sách của mình, nó cho phép người làm sách tiếp tục ngơ đi công việc định danh và chuẩn hóa thuật ngữ một cách hệ thống và khoa học; (3) hạn chế việc thu thập và xử lí thông tin của người đọc, đặc biệt là người người đang làm việc trong những môi trường học thuật hàn lâm là các trường đại học và viện nghiên cứu; (4) khiến cho chúng ta tiếp tục lạc hậu, và do đó là, lạc điệu trong thị trường sách và sân chơi khoa học quốc tế. Một cuốn sách thiếu index, thực chất đã thiếu hẳn đi một mạng lưới hệ thống thuật ngữ, khái niệm quan trọng được quy chiếu chéo cho nhau. Nếu ví cuốn sách như một ngôi nhà thì có thể coi mục lục như là một bộ khung của ngôi nhà, bảng chú giải thuật ngữ như là những viên gạch rời chưa được gắn kết vào bộ khung, tài liệu tham khảo giống như nguồn giải thích cung cấp thông tin về chất liệu để xây ngôi nhà, còn index thì như là những viên gạch thuật ngữ được định vị lại trong ngôi nhà bằng những mạch vữa với những lớp lang quan hệ và liên kết xác định.
Nguyên nhân đa số sách tiếng Việt hiện nay vẫn chưa có index
Trên thị trường sách hiện nay có một loại sách mà việc làm index không tốn kém thời gian và công sức nhiều, đáng ra đương nhiên phải có index, nhưng thường vẫn chưa có. Đó là loại sách phi hư cấu được dịch từ tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh và tiếng Pháp.
Loại sách này, về thực chất, không phải thực hiện công đoạn thiết lập bảng từ đầu mục của index. Và trên phương diện luật pháp, việc loại bỏ phần index chính là một việc làm vi phạm bản quyền sách. Thêm nữa, việc duy trì index trong những cuốn sách dịch như thế này còn góp phần nâng cao chất lượng bản dịch, bởi vì một lí do hết sức đơn giản là khi làm lại index, người dịch hay biên tập viên luôn phải chú ý đến tính thống nhất trong việc biểu đạt khái niệm, xử lí thuật ngữ. (Nhìn vào index dịch, người ta dễ dàng có thể đánh giá được chất lượng bản dịch do chỗ các từ đầu mục đã trực tiếp cho thấy đó là một sự diễn giải ngữ nghĩa/ khái niệm dài dòng hay là một thuật ngữ khoa học tương đương ngắn gọn, chính xác). Thực tiễn dễ dàng làm index và lợi ích rõ ràng của index là vậy, nhưng hiện nay người ta hiếm khi tìm thấy những cuốn sách dịch tiếng Việt vẫn duy trì index như sách gốc. Đây là một điều đáng tiếc.
Lợi ích mà index một cuốn sách đem lại là rất nhiều và rất hiển nhiên. Nhưng công việc lập index cho một cuốn sách tiếng Việt hiện nay mới chỉ được một số nhà xuất bản hay công ti sách, một số trường đại học, một số tác giả thi thoảng bắt đầu thực hiện2. Nguyên nhân từ đâu? Có nhiều lí do giải thích điều này. Đối với việc làm sách tiếng Việt hiện nay, chưa có quy định nào ràng buộc chúng ta phải làm index cho một cuốn sách, nhất là sách khoa học, mà trước nhất và trên hết là các giáo trình đại học và các chuyên khảo khoa học, dù rằng lợi ích của nó đem lại là vô cùng to lớn. Chính điều này đã tạo cho những người làm sách một thói quen từ chối hay sức ì trong việc lập index sách. Thực tế cho thấy đội ngũ những người mà chúng ta thường cho rằng họ là những người có trách nhiệm và đi đầu trong việc thiếp lập, đòi hỏi và tiếp cận các index sách nhiều nhất là những nhà khoa học, học sinh sinh viên, biên tập viên của các nhà xuất bản, tòa soạn thì không ít người trong số họ, nếu không muốn nói là đa số, lại vẫn chưa hiểu và đánh giá đúng, thậm chí là chưa biết đến index sách hay chưa biết cách sử dụng index sách.
Lợi ích mà index một cuốn sách đem lại là rất nhiều và rất hiển nhiên. Nhưng công việc lập index cho một cuốn sách tiếng Việt hiện nay mới chỉ được một số nhà xuất bản hay công ti sách, một số trường đại học, một số tác giả thi thoảng bắt đầu thực hiện2. Nguyên nhân từ đâu? Có nhiều lí do giải thích điều này. Đối với việc làm sách tiếng Việt hiện nay, chưa có quy định nào ràng buộc chúng ta phải làm index cho một cuốn sách, nhất là sách khoa học, mà trước nhất và trên hết là các giáo trình đại học và các chuyên khảo khoa học, dù rằng lợi ích của nó đem lại là vô cùng to lớn. Chính điều này đã tạo cho những người làm sách một thói quen từ chối hay sức ì trong việc lập index sách. Thực tế cho thấy đội ngũ những người mà chúng ta thường cho rằng họ là những người có trách nhiệm và đi đầu trong việc thiếp lập, đòi hỏi và tiếp cận các index sách nhiều nhất là những nhà khoa học, học sinh sinh viên, biên tập viên của các nhà xuất bản, tòa soạn thì không ít người trong số họ, nếu không muốn nói là đa số, lại vẫn chưa hiểu và đánh giá đúng, thậm chí là chưa biết đến index sách hay chưa biết cách sử dụng index sách.
Những vấn đề ngôn ngữ học đặt ra với việc làm index tiếng Việt
Do thiếu một quy trình thống nhất trong việc lập index, và không có một cơ quan chuyên trách được giao nhiệm vụ chuẩn hóa thuật ngữ,… cho nên, rất nhiều đầu sách được lập index hiện nay vẫn thể hiện những thiết sót, thậm chỉ là vô lí đáng tiếc. Ngay bộ Từ điển bách khoa Việt Nam hiện nay cũng vẫn chưa xử lí được index một cách hệ thống và nhất quán. Chẳng hạn, cũng nói về tên riêng là thực thể biển, nhưng Từ điển Bách khoa Việt Nam đã sử dụng tới mấy cách xử lí thuật ngữ. Biển Bắc, Biển Đỏ, Biển Đông được xếp vào mục Biển của vần B, còn các biển khác lại được xếp theo chữ cái đầu tiên của tên riêng như Bantich (Biển), Nhật Bản (Biển); nhưng bản thân Biển Nhật Bản thì lại có hai cách thể hiện là Biển Nhật Bản x. Nhật Bản (Biển). Hay các con sông như Sông Cả, Sông Cầu, Sông Đuống, Sông Hồng thì được xếp vào mục S, còn các con sông như Amazôn, Bến Hải, Trường Giang, Vonga,… thì lại được xếp theo chính tên riêng và không có chữ sông,…
Nguyên nhân của sự chưa nhất quán này đến từ đâu? Ở đây, ta tạm không đề cập đến tiêu chí để lập một index (lập danh sách từ đầu mục và cách bố trí các thông tin trong một từ đầu mục), ta chỉ đề cập đến những khó khăn mà thực tiễn tiếng Việt đem lại cho việc lập index.
Tiếng Việt là một ngôn ngữ không biến hình. Ranh giới giữa từ và cụm từ trong tiếng Việt không rõ ràng. Tiếng Việt là ngôn ngữ có sử dụng loại từ (loại từ là những từ như cái, con, chiếc, sự, việc). Tiếng Việt là ngôn ngữ sử dụng phương thức ngữ pháp hư từ (những từ như của, cho, về, với, vì). Chính điều này đã đưa đến việc thiết lập các từ đầu mục là danh từ chung có chứa yếu tố ngôn ngữ như sự, việc, con,… (ví dụ như sự phân tích, phương pháp phân tích, cách phân tích hay phân tích?) và các danh từ riêng có chứa các từ chỉ phạm trù như ao, hồ, sông, suối, quận, huyện, đại tướng,… ( ví dụ như Hoàn Kiếm hay quận Hoàn Kiếm hay hồ Hoàn Kiếm?, Võ Nguyên Giáp hay Đại tướng Võ Nguyên Giáp?, Hồng hay Sông Hồng?, Trần hay nhà Trần, triều Trần?,…) không nhất quán. Thực tiễn là vậy, song bản thân công việc chuẩn hóa tiếng Việt hiện nay, các quy định về mặt pháp lí liên quan đến thể thức trình bày văn bản lại không đề cập đến việc lập index sách. Chính điều này đã đưa đến tình trạng đa số các sách tiếng Việt hiện nay không có index, nếu có index thì lại rất sơ sài, thiếu cơ sở khoa học.
Cần xem index là bộ phận bắt buộc có mặt trong cấu trúc một cuốn sách
Từ thực tế nói trên, có thể thấy rằng đã đến lúc chúng ta phải buộc những người làm sách (tác giả và nhà xuất bản) thiết lập các index khi thể loại sách đó yêu cầu. Việc làm index cho một cuốn sách phải được xem là chuyện đương nhiên, đương nhiên như việc lập mục lục, danh sách các bảng biểu, tài liệu tham khảo của một cuốn sách. Để làm được điều này, Cục Xuất bản cần có những quy định rõ ràng về việc lập index sách trong các loại sách phi hư cấu. Các nhà ngôn ngữ học cùng với những người làm công tác xuất bản cần chung sức nghiên cứu để có thể đưa ra một quy trình và tiêu chí chuẩn cho việc lập index sách.
Xét trên khía cạnh tính khả thi và tính hiệu quả, các trường đại học và các viện nghiên cứu hiện nay phải là những tổ chức đi đầu trong việc lập các index sách cho những ấn bản khoa học của mình. Các nhà khoa học, nhà giáo, học sinh sinh viên, phải là những người ý thức một cách sâu sắc về việc lập và sử dụng index sách. Những biên tập viên nhà xuất bản phải là những người ý thức được và nắm được kĩ thuật, quy trình và tiêu chí lập index sách. Thậm chí, trong công tác in ấn, cũng cần có những người chuyên trách làm công việc lập index sách (người lập index sách/ index viên), giống như những biên tập viên tại các nhà xuất bản hay các toà soạn.
—
1 Trên thực tế, hiện nay rất nhiều sách tiếng Việt vẫn chưa có phần thông tin quan trọng này. Một cuốn sách muốn vượt qua biên giới để có được một căn cước chính danh trong hệ thống sách quốc tế, trong các thư viện nước ngoài không thể không có phần thông tin này. Việc thiếu các chỉ mục sách có lẽ phần nào ảnh hưởng đến việc “xuất khẩu” các ấn phẩm văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
2 Ví dụ như Nxb Giáo dục, Nxb Trẻ, Nxb Kim Đồng, Nxb Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học FPT, công ty Long Minh, Nhã Nam.