Vai trò không thể thiếu
Gần đây tại hội nghị Gặp gỡ Việt Nam ở Bình Định, việc Việt Nam cần quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản lại được nhiều nhà khoa học đề cập đến.
Hiện nay các phát minh cơ bản có thể đi rất nhanh tới ứng dụng. Thí dụ như các kết quả nghiên cứu toán học về các loại mô hình thưa trong thập niên vừa qua và vài năm gần đây đã và đang được dùng để phân tích dữ liệu lớn, hiện đang là một thách thức mà giới công nghiệp và các doanh nghiệp phải đối đầu. Người làm ứng dụng thấy rõ những khó khăn này, nhưng tìm lời giải ở đâu quả không dễ dàng, và càng khó hơn nếu không có sự hợp tác với người nghiên cứu các phương pháp toán học này. Và ở nhiều nước nghiên cứu cơ bản được tiến hành ở mọi lĩnh vực để tạo một nền tảng khoa học rộng khắp, dù không phải nội dung nghiên cứu cơ bản nào được tiến hành cũng có giá trị. Nhất là ở Việt Nam trên thực tế nhiều đề tài nghiên cứu cơ bản vẫn còn làm những việc đã “quá đát” trên thế giới, do nhiều nhà khoa học tiếp tục theo đuổi lâu dài hướng nghiên cứu khi học tập ở nước ngoài, không ít nhà nghiên cứu ngại tiến hành những đề tài nghiên cứu cơ bản gần với thực tế, hay những xu hướng mới, vấn đề mới…
Ngoài ra, có thể thấy trong các nghiên cứu ứng dụng và phát triển của ta còn ít yếu tố của các khoa học cơ bản. Điều này một phần do kiến thức cơ bản thường thiếu trong chương trình đào tạo hoặc ít liên hệ với thực tế trong quá trình đào tạo, giống như câu chuyện là khi học bơi, chơi bóng đá, chơi bóng bàn…, muốn nhanh giỏi người tham gia thường phải dành nhiều thời gian học và luyện các động tác cơ bản, thì khác với họ, ta cứ chơi là chơi thôi, phần khác quan trọng hơn là các nghiên cứu của ta thường được tiến hành cách biệt và ít hợp tác giữa các loại hình nghiên cứu.
Kinh nghiệm phát triển khoa học cơ bản của một số nước cho thấy điều mà các quốc gia cần quan tâm là để có thể bảo đảm cho sự phát triển khoa học cơ bản nói riêng và KHCN nói chung phát triển bền vững trong dài hạn, cần một chiến lược, chính sách xác định đúng đắn hướng đầu tư và điều tiết tỷ lệ hợp lý giữa ba loại hình nghiên cứu giữa KH&CN và các ngành kinh tế. Chẳng hạn như Nhật Bản, theo số liệu năm 2007, tỷ lệ phần trăm sức người sức của (nói khác là phân bổ vốn con người và vốn tài chính) dành cho nghiên cứu cơ bản là 14%, nghiên cứu ứng dụng là 22% và 63% cho nghiên cứu phát triển. Tỷ lệ 14% này thực sự cũng ứng với một kinh phí rất lớn cho phép một lực lượng đông đảo làm nghiên cứu cơ bản ở hầu hết các lĩnh vực. Mặc dù khi bắt đầu học hỏi phương Tây, Nhật Bản đã tập trung chủ yếu cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển, rồi dần tăng thêm đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nhưng lúc nào họ cũng có một bộ phận ưu tú theo đuổi nghiên cứu cơ bản (và do vậy gần đây nhận được khá nhiều giải Nobel về khoa học, trong khi đây vẫn là mong ước lớn của Trung Quốc và Hàn Quốc).
Chiến lược và chính sách phát triển khoa học cơ bản này cần được xây dựng trên cơ sở hợp tác giữa cac nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học, kinh tế…