Văn hóa khoa học của một số nước Đông Á

Nền KH&CN các nước Đông Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đã có những thành tựu đáng nể, nhưng đồng thời cũng tồn tại hạn chế có căn nguyên từ văn hóa khoa học ở mỗi quốc gia.

Đơn cử như khoa học Nhật Bản từng thành công nhờ mở cửa với phương Tây nhưng lâu nay bị chững lại do thiếu “lưu thông chất xám”, trong khi khoa học Trung Quốc chưa thoát khỏi tâm lý chạy theo thành tích, tư duy hành chính quan liêu, và thiếu coi trọng khoa học cơ bản.


Nhật Bản khi không còn giữ được ưu thế tuyệt đối

Nhật Bản là một ngoại lệ của châu Á. Cho tới giữa thế kỷ 19, đây vẫn là quốc gia đa phần tự cung tự cấp, biệt lập khỏi phần còn lại của thế giới, với một thể chế phong kiến toàn trị nghiêm khắc. Sau đó, trước sự tấn công và ép buộc từ Mỹ, Nhật Bản chấp nhận mở cửa giao thương. Hoàng đế Minh Trị là người dẫn dắt đất nước theo xu hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thúc đẩy một loạt những cải cách sâu rộng, từ xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, hành chính, tới quân sự. Tới cuối thế kỷ, không chỉ Nhật Bản thoát khỏi sự thao túng mà còn trở thành một cường quốc ngang hàng với phương Tây. Sau đó, từ chỗ bại trận và tổn thất nặng nề trong Thế chiến thứ II, người Nhật lại trỗi dậy từ tro tàn, cũng nhanh chóng như cách họ hiện đại hóa thành công từ một thế kỷ trước. Nhật Bản bước vào thế kỷ 21 ngẩng cao đầu, là cường quốc kinh tế thứ ba trên thế giới, có nhiều thành tựu khoa học, nghệ thuật, với một nền tảng xã hội hòa bình.

Đã có nhiều nghiên cứu về vai trò và lịch sử của KH&CN Nhật Bản hiện đại1. Riêng điều này đã cho thấy Nhật Bản có một di sản khoa học đáng nể mà các quốc gia Đông Á khác không có. Nhưng trong thực tế, chính sách khoa học của Nhật Bản thường bị chê nhiều hơn được khen. Những lời phê phán chủ yếu về sự thiếu tự do học thuật, tình trạng “hôn nhân cận huyết”, quan hệ thầy trò còn nặng tính trên dưới, tính toàn trị trong chia xẻ các nguồn lực và những ảnh hưởng kéo dài của văn hóa samurai từng tồn tại hàng nghìn năm, bất chấp công cuộc hiện đại hóa thần tốc bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 19.

Ngày nay, Nhật Bản đối diện những thách thức KH&CN mới: tỷ lệ sinh đẻ rất thấp khiến dân số suy giảm và già đi, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan đang vươn lên mạnh mẽ. Đối sách của Nhật Bản trước tình trạng này đã được ba học giả người Nhật miêu tả trong một bài báo rất hay2 công bố gần đây mà có lẽ các nhà khoa học Việt Nam nên tìm đọc. Tôi xin tóm tắt ba luận điểm chính sau đây.

Bài báo chỉ ra rằng “sự lưu thông chất xám” là điều đang dẫn dắt nền khoa học thế giới ngày nay, và Nhật Bản nên tăng tốc quá trình lưu thông đó với thế giới để tránh bị đuổi kịp bởi những quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Hàn Quốc. Tháng 8/2011, Nhật Bản từng công bố một kế hoạch 5 năm về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo với tầm nhìn 10 năm. Kế hoạch này được thúc đẩy xuất phát từ những đối thoại chính sách giữa các Bộ trưởng KH&CN của Nhật Bản và các nước khác, đặc biệt là các nước Đông Á, giúp Nhật Bản thấy rằng KH&CN, “lĩnh vực theo đuổi chân lý phi biên giới”, đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự tin cậy giữa các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển. Năm 2008, một báo cáo kêu gọi khuyến khích ngoại giao KH&CN, tức là, “gắn KH&CN với chính sách đối ngoại nhằm đạt được những tiến triển cho cả hai lĩnh vực”, trong đó khẳng định “giới khoa học Nhật Bản cần mở cửa với thế giới, kết thúc xu thế hướng nội”, và nên tăng cường hợp tác KH&CN với các nước đang phát triển cũng như các nước đã phát triển nhằm thúc đẩy nền khoa học Nhật Bản.

Tuy nhiên, để ứng phó với tình hình Trung Quốc và Hàn Quốc đang bắt kịp rất nhanh, Nhật Bản thành lập một tổ chuyên gia với nhiệm vụ vạch ra những giải pháp tăng cường vai trò của Nhật Bản trên thế giới trong bối cảnh ưu thế sức mạnh về KH&CN của quốc gia này suy giảm. Báo cáo của tổ chuyên gia công bố hồi tháng 2/2010, nhận định rằng một số nước đang phát triển trên thế giới đã không còn chỉ nhập khẩu công nghệ [mà đồng thời còn tự nghiên cứu ra công nghệ mới], vì vậy Nhật Bản nên kết nối hệ thống và các nguồn lực R&D của mình với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả những nước đang phát triển [để nhanh chóng tiếp thu những thành quả nghiên cứu từ các nước này].

Vì vậy, năm 2011, tổ chuyên gia khuyến nghị Nhật Bản tích cực phát triển các hoạt động đối ngoại KH&CN một cách chiến lược với các quốc gia đối tác giàu tiềm năng, theo đó ra đời Sáng kiến Khu vực Đông Á về Khoa học và Đổi mới sáng tạo: “một hợp tác vùng mang tính mở trong đó các nước phối hợp thúc đẩy giao lưu xuyên quốc gia về con người, hàng hóa, và tài chính nhằm tăng cường các nỗ lực R&D và các dự án hợp tác nghiên cứu để giải quyết những vấn đề chung của châu Á”. Trong bối cảnh đó, Chương trình Hợp tác Nghiên cứu e-Asia (e-ASIA JRP) được đề xuất nhằm phát triển và hỗ trợ các dự án hợp tác nghiên cứu đa phương ở Đông Á, với sự tham gia của các cơ quan quản lý kinh phí nhà nước, bao gồm các cơ quan chính phủ các nước tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thường niên. Mục đích nhằm tài trợ thông qua các bộ, ngành tới các đại học quốc gia và viện nghiên cứu. Kết quả hướng tới là đóng góp giải pháp cho các thách thức chung của khu vực và nâng cao năng lực KH&CN, đem lại tác động tích cực tới sự phát triển của khu vực. Chương trình e-Asia JRP được chính thức khai mạc tại Singapore hồi tháng 6/2012, với sự tham gia của các bộ liên quan tới quản lý KH&CN của tám quốc gia: Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam. Nhưng để thành công, sáng kiến này cần có thêm sự tham gia của một số nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, và có ý kiến cho rằng nên bao gồm cả Mỹ6.

Trung Quốc: thay đổi tư duy nặng tính hành chính

Ở đa số các nước mới nổi, sự phát triển KH&CN chủ yếu do nhà nước định hướng, ngân sách do nhà nước tài trợ chủ đạo, và hợp tác quốc tế do nhà nước kiểm soát. Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. Trong ba thập kỷ qua3, nền KH&CN của Trung Quốc phát triển rất nhanh, tận dụng tối đa các nguồn lực của quốc gia này, từ nguồn nhân lực các nhà khoa học gốc Hoa rải rác trên toàn thế giới, các tổ chức KH&CN có tính định hướng cao từ trung ương, tới một thị trường lao động chú trọng năng lực học hành. Tuy nhiên, khoa học Trung Quốc cũng đối diện những thách thức cơ bản như nạn tham nhũng và gian lận, sự trì trệ của hệ thống hành chính chịu chỉ đạo từ trên xuống, và khó khăn cho các nhà quản lý trong việc đánh giá giá trị thực của các kết quả nghiên cứu.

Năm 2010, hai chủ nhiệm khoa người Trung Quốc viết trên tạp chí Science rằng “để được cấp các nguồn kinh phí quan trọng thì làm nghiên cứu tốt không quan trọng bằng việc lấy lòng các nhà quản lý nhiều quyền lực và những chuyên gia cố vấn mà họ ưa thích”; tháng 7/2014, gian lận bị phát hiện trong một dự án nghiên cứu do Bộ KH&CN Trung Quốc quản lý tại một đại học danh tiếng; năm 2013, tạp chí Science cho biết ở Trung Quốc tồn tại một thị trường đen liên quan tới “các cơ quan ám muội, những nhà khoa học bị tha hóa, và những chuyên gia đánh giá chịu thỏa hiệp”. Giới quan sát đều cho rằng Chính phủ Trung Quốc tài trợ quá thấp cho khoa học cơ bản, và rằng Trung Quốc nên thay đổi cách chi tiêu cho KH&CN, hơn là chỉ tìm cách tăng tổng nguồn tiền. Năm 2012, các doanh nghiệp Trung Quốc đóng góp tới 76% kinh phí cho KH&CN của quốc gia, nhưng hầu như không chi cho khoa học cơ bản, và chỉ chi 3% cho nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy, 84% tổng chi R&D của Trung Quốc dành cho phát triển sản phẩm, thương mại hóa công nghệ, trong khi các nước phát triển chỉ dành khoảng 35-65%. Ngay cả các viện nghiên cứu Trung Quốc cũng chỉ dành 13% kinh phí cho khoa học cơ bản. Một báo cáo gần đây cho biết một nửa kinh phí nghiên cứu của Trung Quốc bị dùng sai mục đích, và phát hiện những vụ biển thủ lớn tại Đại học Chiết Giang, và tại Sở KH&CN Quảng Đông. Nhìn chung, nạn quan liêu và xu hướng ưu tiên cho những thành công trước mắt đã ảnh hưởng tiêu cực tới nghiên cứu cơ bản.

Chính phủ Trung Quốc biết rõ tình hình này, vì vậy, dự kiến họ sẽ có những cải cách thể chế để trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các nhà khoa học, và sẽ tăng tỉ trọng kinh phí cho nghiên cứu cơ bản thành 10% tổng đầu tư R&D vào năm 2020.

Hàn Quốc: không có chiều sâu nhưng vẫn tích cực vươn ra thế giới

Hàn Quốc từ lâu đã quan tâm tới đầu tư cho KH&CN4. Nguồn kinh phí cho KH&CN của quốc gia này được củng cố nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế, và thông qua hai kênh chủ yếu: các tập đoàn công nghiệp tự đầu tư cho R&D và nhà nước đầu tư cho các dự án nghiên cứu của các trường/viện. Năm 1999, Chương trình R&D Ranh giới Thế kỷ 21 (21St Century Frontier R&D Program) được hình thành nhằm phát triển năng lực cạnh tranh KH&CN ở các lĩnh vực mới như sinh học, công nghệ nano, công nghệ không gian, theo đó tăng hỗ trợ cho những trung tâm xuất sắc có thành công đáng kể. Lượng kinh phí R&D và số lượng nhà nghiên cứu tăng đều đặn, với hai phần ba từ các cơ sở tư nhân, còn lại chủ yếu từ các trường đại học. Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia đi đầu về CNTT do chính sách quyết đoán của nhà nước: hỗ trợ sự kết nối giữa khu vực nhà nước và tư nhân, xây dựng hạ tầng, điều phối nguồn R&D, giới thiệu các kế hoạch phát triển quan trọng và thông tin về các hoạt động của chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu CNTT nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc. Công nghệ sinh học cũng phát triển rất nhanh, hình thành khoảng 600 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở khu vực Seoul, sử dụng hơn 12.000 nhân lực, trong đó hơn một nửa là nhà nghiên cứu, còn lại phục vụ sản xuất.

Các nhà làm chính sách Hàn Quốc tin rằng quốc gia này hiện đã đủ lực tham gia các chương trình “Khoa học Lớn” quốc tế, ví dụ như Lò phản ứng Thí nghiệm Nhiệt hạch Quốc tế (ITER). Chương trình Phát triển Công nghệ Không gian của Hàn Quốc nay bao gồm một địa điểm phóng tại bờ biển phía Nam, nơi đã phóng hầu hết các vệ tinh của đất nước này lên quỹ đạo. Từ năm 2008, Cơ quan Không gian Hàn Quốc đã phối hợp cùng NASA trong các lĩnh vực hàng không dân dụng, đo đạc, vật lý Mặt trời và không gian, nghiên cứu thời tiết. Hàn Quốc đưa ra chương trình 577 nhằm tăng đầu tư quốc gia cho KH&CN lên thành 5% GDP, tập trung vào bảy lĩnh vực công nghệ, đặt mục tiêu tham gia “tốp bảy” cường quốc về lượng trích dẫn khoa học và bằng sáng chế ứng dụng được quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, như J.R. Campbell từng nhận định4 “Hàn Quốc không có chiều sâu tri thức trong khoa học cơ bản hay đổi mới sáng tạo như Mỹ hay Nhật Bản, cũng không nâng cấp công nghệ ứng dụng hay hạ tầng công nghệ của mình một cách nhanh chóng như Trung Quốc. Dù có nhiều hoạt động R&D, họ cần những nhà khoa học và kỹ sư có chất lượng cao hơn. Muốn vậy, một trong những cách nhanh nhất là hình thành các mạng lưới quốc tế mạnh hơn khai thác bể chất xám toàn cầu.”

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ những kinh nghiệm của các nước Đông Á đã được đề cập, có thể thấy một trong những vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần xem xét khi xây dựng chính sách KH&CN là đặt ra một chiến lược dài hạn nhằm phát huy khai thác tốt hơn các nguồn lực trong khu vực. KH&CN không có biên giới, sự hợp tác với các nước khác sẽ giúp ích cho sự phát triển của chúng ta. Bên cạnh đó, một trong những ưu tiên hàng đầu cần chú trọng là phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao mà hiện nay Việt Nam đang rất thiếu – và nếu vẫn tiếp tục thiếu như vậy thì KH&CN không thể bay cao một cách bền vững.

Ở tầm mức thấp hơn, chúng ta cần xây dựng nền tảng cơ bản cho KH&CN, đó là thúc đẩy một nền văn hóa khoa học, yếu tố không thể thiếu để giúp đất nước vượt qua những chuyển đổi trong giai đoạn tới [để có thể đưa nền KH&CN lên một tầm cao hơn].  

Bài viết này liên quan tới sự kiện cách đây chưa lâu khi hai nhà khoa học Nhật Bản được trao giải Nobel năm 2015 trong các lĩnh vực vật lý và y học, nhân đó ban biên tập Tia Sáng đã đề nghị tôi chia sẻ suy nghĩ của mình về nguyên nhân mang đến thành công cho khoa học Nhật Bản. Vì vậy, tôi đã xem lại các số liệu về thành tựu khoa học của một số quốc gia để có cái nhìn so sánh trực quan. Dưới đây là một vài số liệu cụ thể, bắt đầu bằng xếp hạng chỉ số H5 của một số nước năm 2014:
1) Mỹ, 1.648; 2) Vương quốc Anh, 1.015; 3) Đức, 887; 4) Pháp, 811; 5) Canada, 794; 6) Nhật Bản, 745; …16) Trung Quốc, 495 …19) Hàn Quốc, 424 …25) Hong Kong, 359 …27) Singapore, 349 …29) Đài Loan, 331 …39) Thái Lan, 213… 51) Malaysia, 165… 57) Philippines, 147; 58) Indonesia, 140… 61) Việt Nam, 133.
Tiếp theo là danh sách các nước đăng ký trên mười nghìn bằng sáng chế quốc tế6 năm 2014:
1) Mỹ, 61.492; 2) Nhật Bản, 42.459; 3) Trung Quốc, 25.539; 4) Đức, 18.008; 5) Hàn Quốc 13.151.
Kế tiếp là danh sách các nước chi hơn 2% GDP cho R&D7 năm 2011:
1) Hàn Quốc, 4,4%; 2) Israel, 4,2%; 3) Nhật Bản, 3,7%; 4) Thụy Điển, 3,3%; 5) Phần Lan, 3,1%; 6) Mỹ, 2,7%; 7) Áo, 2,5%; 8) Đan Mạch và Estonia, 2,4%; 10) Đức, Iceland và Đài Loan, 2,3%; 13) Singapore, 2,2%; 14) Trung Quốc, 2,1%. Bảng 17 chi tiết hơn, xếp hạng các quốc gia theo mức chi cho R&D (tính bằng USD và điều chỉnh theo sức mua tương đương).

                                                                           

Thứ tự

Quốc gia

R&D (tỷ USD)

% GDP

R&D/đầu người (USD)

Năm

1

Mỹ

405,3

2,7%

1276

2011

2

Trung Quốc

337,5

2,1

248

2013

3

Nhật Bản

160,3

3,7

1260

2011

4

Đức

69,5

2,3

861

2011

5

Hàn Quốc

65,4

4,4

408

2011

6

Pháp

42,2

1,9

641

2011

7

Vương quốc Anh

38,4

1,7

603

2011

8

Ấn Độ

36,1

0,9

29

2011

9

Nga

32,8

1,0

241

2013

10

Canada

24,3

1,8

689

2011

11

Brazil

19,4

0,9

96.5

2011

12

Italy

19,0

1,1

317

2011

13

Đài Loan

19,0

2,3

813

2011

26

Singapore

6,3

2,2

1167

2011

36

Malaysia

2,6

0,63

87

2010

40

Thái Lan

1,46

0,25

22

2010

48

Indonesia

0.72

0.07

3

2010

54

Việt Nam

0.52

0.19

6

2010

 

Cuối cùng, bảng 2 là số lượng các trường đại học của mỗi quốc gia nằm trong top 500 của bảng xếp hạng Thượng Hải8.

 

Xếp hạng

Nhật Bản

Trung Quốc

Hàn Quốc

Đài Loan

Singapore

Malaysia

1-50

2

 

 

 

 

 

51-100

1

 

 

 

 

 

101-150

3

3

1

1

1

 

151-200

2

4

 

 

1

 

201-300

2

8

4

2

 

 

301-400

4

13

3

1

 

 

401-500

5

6

2

3

 

1

 

Tôi sẽ không bình luận về những số liệu trên, bởi chúng chỉ là số liệu, người ta sẽ có nhiều điều để tranh cãi về tất cả những ý nghĩa hàm chứa đằng sau chúng. Tuy nhiên, điều không thể tranh cãi là sự hiện diện rõ rệt của các quốc gia Đông Á trong số các nền khoa học tiên tiến của thế giới: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan (ngoài các nước Đông Á, Singapore và Hong Kong – nếu ta xếp họ riêng ra bên cạnh Trung Quốc – cũng rất đáng nể). Trong đó, Nhật Bản vẫn tiếp tục nổi bật là một nền khoa học giàu truyền thống.

Thanh Xuân dịch và đặt tít phụ
—–
1 J.R. Bathomolew, The formation of Science in Japan, Yale U. Press, 1989, ttps://www.google.com/webhp?
sourceid=chrome-instant&ion=1&espv=2&ie=UTF-8#q=formation%20of%20science%20in%20japan
M. Tanaka, Characteristics of the History of Science and Technology in Modern Japan, http://www.new1.dli.ernet.in/data1/upload/insa/INSA_1/20005aef_123.pdf
2 Atsushi Sunami, Tomoko Hamachi, và Shigeru Kitaba, The Rise of Science and Technology Diplomacy in Japan, Science and Diplomacy (2013), http://www.sciencediplomacy.org/article/2013/rise-science-and-technology-diplomacy-in-japan
3 Jane Qiu, China Goes Back to Basics on Research funding, Nature (2014) 507, 7491
Nan Wu, China’s Rise as a Major Contributor to Science and Technology, Journalist’s resource, Jan 2015
4 J.R. Campbell, Building an IT Economy: South Korean Science and Technology Policy, Issues in Technology Innovation (2012) 19,1, http://www.brookings.edu/~/media/research/files/papers/2012/9/12%
20korean%20technology%20campbell/cti_19%20_korea_tech_paper_formatted.pdf
5 http://www.scimagojr.com/countryrank.php. Chỉ số H phản ánh cả số lượng và ảnh hưởng trích dẫn trong công bố khoa học của một nhà khoa học.
6 http://www.statista.com/statistics/256845/ranking-of-the-10-countries-who-filed-the-most-international-patent-applications/
7 https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_research_and_ development_spending
8 http://www.shanghairanking.com/ARWU2014.html

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)