Viện nghiên cứu cao cấp Princeton – thiên đường của các nhà nghiên cứu
Viện nghiên cứu cao cấp Princeton là một trong số ít viện nghiên cứu trên thế giới lấy việc theo đuổi tri thức là mục đích cuối cùng. Những tri thức quan trọng làm thay đổi cách chúng ta nghĩ, cách chúng ta sống được tìm ra bởi những nhà nghiên cứu tò mò khám phá thế giới chưa từng biết hơn là những nghiên cứu có tính mục đích. Những hoạt động này cũng như hoạt động sáng tạo nghệ thuật cần một môi trường đặc biệt. Đó là niềm tin mà Abraham Flexner– Viện trưởng sáng lập của Viện, theo đuổi và niềm tin này tiếp tục gây cảm hứng cho Viện nghiên cứu cao cấp ngày nay.
Mục đích của Viện được miêu tả trong lá thư của người sáng lập gửi cho các ủy viên Ban ủy thác đầu tiên: “Mục đích đầu tiên là theo đuổi tri thức và khám phá trong những lĩnh vực khoa học cơ bản và học thuật ở mức cao nhất mà cơ sở vật chất, nguồn lực con người của Viện cho phép”. Từ khi thành lập, Viện đã là một cơ sở nghiên cứu quốc tế với quy mô nhỏ nhưng danh tiếng. Mặc dù là kết quả của lòng hảo tâm của những người Mỹ (Viện ban đầu được Louis Bamberger và Caroline Bamberger Fuld hiến tặng 5 triệu USD) và thành lập tại Mỹ, Viện nghiên cứu hoạt động dựa trên lập luận khoa học và học tập vượt qua biên giới quốc gia và các nhà học giả, khoa học là thành viên của cộng đồng chung về trí tuệ.
Khởi đầu từ một giấc mơ
Sau khi phân tích kỹ các cơ sở đào tạo – nghiên cứu như All Souls College, Oxford, The College de France và các trường đại học của Đức cuối thế kỷ XIX, Abraham Flexner đã nhận thấy nhu cầu thành lập một cơ sở nghiên cứu cao cấp tại Mỹ.
Vào năm 1908, Flexner đã viết “The American College” đề cập tới những nhược điểm của nền giáo dục đại học Hoa Kỳ. Sau đó, theo lời mời của Henry Smoth Prichett, Chủ tịch Quĩ vì sự tiến bộ của giáo dục Carnegie, ông viết báo cáo về đào tạo y tế tại Mỹ và Canada. Báo cáo đã góp phần định hình tương lai của đào tạo y tế tại Mỹ và tạo dựng tên tuổi của Flexner. Năm 1929, Flexner đã gặp hai người tới khuyên ông về việc sử dụng khoản tiền hảo tâm cho các hoạt động giáo dục của mình. Sau này, ông viết: “Khi gặp gỡ hai người đàn ông để bàn luận về việc sử dụng quỹ từ thiện lớn, tôi đã nói với họ rằng khả năng của tôi chỉ giới hạn trong lĩnh vực giáo dục và trong lĩnh vực này theo quan điểm của tôi thì đã đến lúc thành lập tại Mỹ một Viện nghiên cứu trong lĩnh vực học thuật nói chung và khoa học, giống như viện Rockerfeller trong lĩnh vực y tế, đó không phải là trường đào tạo sau đại học, đào tạo con người trong những lĩnh vực đã biết và về các phương pháp nghiên cứu, mà là một viện nghiên cứu, nơi mọi người bằng cách của mình, nỗ lực thúc đẩy đường biên giới của tri thức”. Hai người đàn ông đó là Samuel Leidesdorf và Herbert Mass, đại diện cho hai khách hàng của họ ở Newark, New Jersey: Louis Bamberger và người em gái Caroline Bamberger Fuld, người vợ góa của Felix Fuld – bạn và đối tác của Louis. Sau cái chết của Felix Fuld vào tháng 1/1929, Louis Bamberger trở thành người đứng đầu duy nhất của hệ thống cửa hàng “the Neward-based L. Bamberger &Co”. Louis Bamberger và Caroline Fuld bán lại toàn bộ cửa hàng cho một công ty khác với giá 25 triệu USD chỉ vài tuần trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào tháng 10/1929. Gia đình Fulds và Louis Bamberger cam kết tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động của cộng đồng. Họ đóng góp cho các hoạt động từ thiện, đặc biệt là những tổ chức từ thiện phục vụ cho cộng đồng người Do Thái.
Abraham Flexner Abraham Flexner sinh ra trong một gia đình Do Thái gốc Đức tại Louisville, Kentucky. Bố ông là một thương gia, mẹ là thợ may. Gia đình Flexner rất coi trọng giáo dục, tuy nhiên những thiệt hại về kinh tế trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1873 đã ảnh hưởng tới việc học tập của những người con. Với sự giúp đỡ của người anh cả, Abraham đã theo học trường Đại học Johns Hopkins. Đến lượt mình, ông lại giúp cho cậu em trai Simon vào học tại trường đại học này. Sau này, Simon trở thành nhà bệnh học và vi trùng học và là Giám đốc của Viện Rockerfeller (sau đổi thành Đại học Rockerfeller). Abraham học hai năm tại Johns Hopkins lấy bằng cử nhân về văn học cổ điển vào năm 1886. Abraham mong muốn được theo học lên cao nữa nhưng không nhận được học bổng. Ông trở về quê dạy tiếng Latinh và Hy Lạp tại trường trung học dành cho nam sinh Louisville. Năm 1890, ông thành lập trường thực nghiệm của riêng mình. Trường không có chương trình học, bài thi hay xếp loại nhưng rất thành công trong việc chuẩn bị cho các học sinh vào học tại các trường đại học danh tiếng. Năm 1898, Flexner cưới nhà viết kịch Anne Crawford, một học sinh cũ của trường ông. Nhờ nguồn tài chính mà Anne kiếm được tại các sân khấu của Broadway, Flexner có thể theo học thạc sĩ về tâm lý tại Harvard và nghiên cứu một năm tại Đại học Berlin và Heidelberg. Trong cuộc đời của mình, Flexner rất trân trọng tri thức. Vào năm 1951, vào tuổi 85, ông chụp tấm ảnh kỷ niệm cùng các sinh viên của Đại học Columbia. Dưới bức ảnh, chú thích “Người đã gây quỹ được 600.000.000 USD và dành số tiền này cho các hoạt động giáo dục của Ủy ban giáo dục Rockerfeller, đã lãnh đạo Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, dành thời gian nghỉ hưu của mình cho các khóa học tại Columbia và hiện nay giảng dạy về lịch sử châu Âu và nền hành chính công của chính quyền Xô Viết”. |
Qua một vài người giới thiệu tin cậy, Mass và Leidesdorf đã tìm đến Flexner và đề xuất với ông việc thành lập một trường y. Tuy nhiên, ông dửng dưng trước kế hoạch của những nhà tài trợ tương lai vì ông cho rằng một trường đại học thuộc loại đầu bảng cần phải có một bệnh viện thực hành nổi tiếng, cả hai điều này đều không có được ở Newark. Ông đã hỏi hai vị khách, “Các ông có bao giờ mơ một giấc mơ?” và sau đó nói cho họ ý định của mình: thành lập tại Mỹ một trường chỉ đào tạo sau đại học, dành cho học và nghiên cứu hơn là giảng dạy ở bậc đại học.
Maass và Leidesdorf trở về với bản ghi nhớ nói về ý tưởng của Flexner về một viện nghiên cứu hiện đại như là một cộng đồng thực sự của các học giả. Louis Bamberger và Caroline Fuld đã nhanh chóng bị cuốn hút bởi tầm nhìn và ý tưởng của Flexner. Họ mời Flexner – một con người nhiệt huyết và có những lý tưởng cao đẹp tới ăn tối với họ tại khách sạn Madison, New York và nhanh chóng cùng chia sẻ giấc mơ với Flexner. Tiếp sau một loạt tranh luận và thư từ trao đổi, Louis Bamberger và em gái từ bỏ ý tưởng thành lập trường y và chuyển sang kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu cao cấp dựa trên những lý tưởng cao đẹp và niềm tin vào tri thức. Đồng thời họ nhấn mạnh Flexner sẽ là Hiệu trưởng đầu tiên.
Robert Oppenheimer, Paul Dirac và Abraham Pais tranh luận trong giờ uống trà tại phòng sinh hoạt tập thể. Einstein trên đường từ Viện nghiên cứu cao cấp về nhà |
Các sự kiện nhằm chuẩn bị cho sự ra đời của Viện diễn ra nhanh chóng. Tờ New York Times thông báo về việc thành lập của Viện nghiên cứu cao cấp được đặt tại Neward với số tiền 5 triệu USD từ lòng hảo tâm của Louis Bamberger và em gái. Trong lá thư gửi cho hai nhà hảo tâm, Flexner mô tả về Viện nghiên cứu tương lai “nó sẽ nhỏ về quy mô, cán bộ và sinh viên hoặc học giả không nhiều, việc quản lý sẽ nhẹ nhàng, không tốn kém rằng các thành viên giảng dạy không phải mất thời gian cho các công việc hành chính sẽ tham gia vào các quyết định liên quan tới chất lượng, định hướng các hoạt động của họ, điều kiện sinh hoạt sẽ phải là một bước tiến so với điều kiện học thuật hiện tại của Mỹ, các môn nghiên cứu của Viện phải là những môn cơ bản và sẽ được phát triển thường xuyên”.
“ Cái đắng và cái ngọt đến từ bên ngoài, cái vất vả đến từ bên trong, từ sự phấn đấu của chính mình. Tôi làm việc chủ yếu do bản tính tự nhiên của tôi thúc đẩy. Xấu hổ vì qua đó nhận được quá nhiều sự kính trọng và yêu thương. Cũng có những mũi tên của sự thù địch bắn về tôi. Nhưng chúng không bao giờ trúng đích, bởi có thể nói chúng thuộc về một thế giới khác mà tôi không ở trong đó. Tôi sống trong sự cô đơn, sự cô đơn mà thời trai trẻ là đau khổ, nhưng trong những năm tháng chín muồi lại ngọt ngào.” Einstein |
Định hình ra một “vương quốc giáo dục không tưởng” là một chuyện, đưa tầm nhìn này trở thành hiện thực lại là chuyện khác. Do vậy, Flexner đi tới nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhà học giả hàng đầu của Mỹ và châu Âu để đưa ra mô hình cụ thể của viện nghiên cứu cao cấp. Vào tháng 9/1931, ông gửi bản kế hoạch chi tiết hơn cho các thành viên Ban ủy thác: “Viện nghiên cứu cao cấp sẽ không phải là mô hình của đại học hiện đại đang phải vật lộn với rất nhiều nhiệm vụ và nhiều sinh viên, cũng không phải là một cơ sở nghiên cứu chỉ tham gia vào việc đưa ra lời giải cho các vấn đề. Nó có thể xem như mô hình nằm ở giữa. Tôi muốn lần lượt thành lập một loạt khoa thành viên hoặc nhóm nghiên cứu khi nguồn lực con người và tài chính cho phép, ví dụ như khoa Toán, Kinh tế, Lịch sử, Triết học… Mỗi khoa phải tiến hành các công việc của mình theo cách riêng và cả các môn học lẫn học giả sẽ không theo một cái khuôn mẫu nào cả.” Theo Flexner, Viện nghiên cứu cao cấp nên bắt đầu với Toán học – ngành khoa học mà ông xem là ngành khoa học cơ bản có trước các ngành khoa học khác. Ông cũng dự định sẽ thêm kinh tế và các môn học về nhân văn vào lĩnh vực nghiên cứu của viện khi nguồn tài chính và nhân lực cho phép.
Sau khi Flexner tiến hành nghiên cứu ở khu vực bờ Đông nước Mỹ và Châu Âu, người em trai của ông khuyên ông nên tới thăm khu vực bờ Tây, đặc biệt là Viện Công nghệ California, Pasadena. Flexner tới California vào tháng 2/1932. Cuộc viếng thăm của ông trùng hợp với của Einstein- người cũng đang tìm kiếm nơi trú ngụ tại California để thoát khỏi tình cảnh khốn khó của tri thức Do Thái tại Đức. Einstein rất hứng thú nói chuyện với Flexner và cả kế hoạch của ông. Nhà cải cách giáo dục và nhà khoa học nối tiếng nhất thế giới đồng ý sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện của mình tại Oxford vào mùa hè.
Nhiều học giả nổi tiếng thời đó cũng đồng ý với quan điểm của Flexner về việc thành lập một viện nghiên cứu quốc tế tại Mỹ, nơi các nhà khoa học có thể tự do theo đuổi niềm say mê học thuật của họ. Nhà kinh tế Thorstein Veblen là một trong số đó. Oswald Veblen, cháu của ông, là giáo sư toán tại Đại học Princeton cũng theo đuổi việc thành lập một viện nghiên cứu cao cấp. Năm 1924, Oswald Veblen cũng viết thư nhờ em trai của Flexner ủng hộ kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu toán. Theo dự định của ông, Viện nghiên cứu Toán sẽ không bao gồm việc giảng dạy ở bậc đại học cũng giống như quan điểm của Flexner. Khi Veblen đọc thông báo trên New York Times vào tháng 6/1930, ngay lập tức ông viết thư chúc mừng Flexner và mong muốn rằng viện nghiên cứu mới sẽ nằm gần Princeton để có thể sử dụng cơ sở vật chất của trường đại học và đổi lại trường đại học cũng được hưởng lợi từ sự hiện diện của Viện.
“Nếu Viện nghiên cứu tránh được sự theo đuổi nhưng mục tiêu thực dụng, đầu óc của các học giả sẽ được giải phóng. Họ sẽ làm nên được những điều bất ngờ, và một ngày nào đó một khám phá không ngờ tới tưởng như không dẫn tới đâu cả sẽ trở thành sợi dây nối không thể thiếu trong chuỗi tri thức dài và phức tạp, nó có thể mở ra những chân trời mới cả về lý thuyết lẫn thực hành” |
Mùa thu năm 1932, 8 tháng sau khi thăm Viện công nghệ California, Abraham Flexner thông báo rộng rãi việc thành lập khoa toán – thành viên đầu tiên của Viện nghiên cứu tiên tiến Princeton. Hai giáo sư đầu tiên được bổ nhiệm là Oswald Veblen và Albert Einstein. Flexner cũng hy vọng bổ nhiệm Hermann Weyl, nhà toán học kế nhiệm David Hilbert tại trường Đại học Gottingen nhưng Weyl đang băn khoăn và chưa cam kết gì cả. Cùng với Einstein, sự trợ giúp của Veblen và Luther Eisenhart, trưởng khoa tại Đại học Princeton, Flexner bắt đầu thành lập một khoa toán lẫy lừng, và bắt đầu hoạt động vào mùa thu năm 1933. Chưa có cơ sở của riêng mình, khoa toán tạm thời thuê phòng tại Fine Hall, trường Đại học Princeton. Khi thông tin về khoa toán được lan đi trong cộng đồng khoa học, Viện nghiên cứu cao cấp nhanh chóng được biết đến như một trong những trung tâm nghiên cứu lớn của thế giới.
Vào năm 1933, Flexner tuyển John von Neumann, một nhà khoa học trẻ nhưng rất tài năng về toán học đã từng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Princeton. Các công trình nghiên cứu của von Neumann ảnh hưởng tới rất nhiều lĩnh vực từ lý thuyết trò chơi, khí tượng tới khoa học máy tính. Kiến trúc cơ bản của các máy tính hiện nay xuất phát từ thiết kế chiếc máy mà ông xây dựng tại Viện nghiên cứu cao cấp những năm 1940. Ông ở lại Viện cho tới khi ông mất vào năm 1957.
Thiên đường của các nhà khoa học
Nhiều người hài hước một cách cay đắng rằng những nỗ lực tuyển người của Flexner được chủ nghĩa phát xít Đức trợ giúp-đất nước mà ông đã tìm thấy rất nhiều cảm hứng cho những ý tưởng về giáo dục đại học của mình. Với việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp, Princeton thay thế Gottingen như là trung tâm của thế giới về toán học và đưa ra các điều kiện đặc biệt và các cơ hội cho khoa và các học giả. Viện nghiên cứu cao cấp Princeton trở thành kiểu mẫu cho các trường đại học trên toàn nước Mỹ.
Khoa toán của Viện tiếp nhận đồng thời cả các nhà toán học và các nhà vật lý. Einstein là nhà vật lý, Weyl và von Neumann là những nhà toán học có đóng góp lớn cho vật lý. Vào thời điểm đó, không có sự ngăn cách giữa toán học và vật lý lý thuyết và cũng không có sự phân chia giữa các môn khoa học tự nhiên cho tới năm 1966.
Năm 1933-1934, Khoa toán Viện nghiên cứu cao cấp bao gồm 5 nhà toán học và vật lý hàng đầu: James Alexander, Einstein, von Neumann, Veblen và Weyl với khoảng 20 học giả tới nghiên cứu. Cũng trong thời gian này, Paul Dirac và Wolfgang Pauli tham gia vào nhóm nghiên cứu của Viện.
Ngoài việc chia sẻ không gian với các nhà toán học của trường Đại học Princeton, các nhà nghiên cứu của Viện còn phối hợp với trường đại học tổ chức các bài giảng, khóa học, buổi seminar. Với các hoạt động tại Fine Hall, Abraham Flexner nhìn thấy ý tưởng “thiên đường cho các nhà nghiên cứu” của mình đang dần trở thành hiện thực. Tháng 12/1933, ông viết cho Felix Frankfurter- thành viên Ủy ban ủy thác: “Những điều đang diễn ra không chính xác là những gì tôi dự định nhưng tốt hơn nhiều so với những dự định của tôi. Chúng tôi có 5 nhà toán học hàng đầu, mỗi người có công việc riêng của mình. Chúng tôi nhận 20 nhà nghiên cứu có khả năng làm việc độc lập – những người đang là giáo sư dự khuyết (assistant professor) hoặc phó giáo sư (associate professor) tại các trường đại học của Mỹ hoặc ở nước ngoài. Họ được thoải mái tại Fine Hall mà không phải theo các quy định gì cả. Các giáo sư biết họ muốn làm gì và đang thực hiện điều đó”.
Với thành công của khoa toán, Flexner bắt đầu nghĩ tới các môn khác và các vấn đề khác. Vào giữa những năm 1930, Viện đã mời được các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực toán học, kinh tế, chính trị và nhân văn cho 3 khoa đầu tiên của Viện. Năm 1939, Viện nghiên cứu cao cấp Princeton xây dựng xong cơ sở vật chất, đồng thời Viện cũng có Viện trưởng mới. Frank Aydelotte thay người bạn Flexner Abraham trở thành người điều hành Viện qua những năm tháng chiến tranh cho tới năm 1947. Flexner biết Aydelotte, cựu sinh viên của Indiana và Harvard, từ khi họ cùng là giáo viên tại trường trung học nam sinh Louisville tại Kentucky, khi đó Aydelotte giảng dạy tiếng Anh và bóng đá.
Trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhiều thành viên của Viện nghiên cứu cao cấp cũng tham gia vào cuộc chiến dưới nhiều hình thức khác nhau. Năm 1939, Einstein cùng với một vài nhà vật lý khác đã viết thư cho Tổng thống Roosevetl cảnh báo về việc phát xít Đức đang phát triển bom nguyên tử. Panofsky tham gia vào việc làm giảm thiệt hại của bom Mỹ tại các công trình văn hóa ở Đức và Ý. Von Neumann trở thành cố vấn cho phòng thí nghiệm Los Alamos từ năm 1943 đến 1955 và tham gia vào phát triển bom hydrogen.
Những năm tháng sau chiến tranh thế giới II
Sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, Viện trưởng Frank Atdelotte gần về hưu. Hai nhà hảo tâm Bamberger và Fuld qua đời vào năm 1944, Flexner vẫn là một Ủy viên Ban ủy thác nhưng chỉ đóng vai trò rất nhỏ. Trong một thời gian ngắn, Viện nghiên cứu cao cấp từ chỗ có 1 khoa thành viên đã tăng thêm hai khoa nữa với nhu cầu tăng lên về nguồn lực tài chính, con người và không gian.
Aydelotte phải đấu tranh để cân bằng nhu cầu của hai trường mới với việc phát triển mạnh hơn nữa khoa toán. Ông cũng tìm lời khuyên về việc bổ nhiệm Viện trưởng thứ ba.
Robert Oppenheimer, nhà vật lý lý thuyết được đào tạo về văn học cổ điển, là một lựa chọn được ủng hộ tuyệt đối. Ông được chỉ định làm Viện trưởng và thành viên của khoa toán. Cho tới hiện nay, Oppenheimer vẫn là Viện trưởng tại vị lâu nhất của Viện (1947-1966).
Chiếc máy tính do von Newmann thiết kế đã góp phần hình thành nên ngành khí tượng học hiện đại. |
Là một nhà lãnh đạo có cá tính, ông thu hút rất nhiều nhà vật lý lý thuyết tới làm việc trong lĩnh vực vật lý hạt và mở ra “Thời kỳ hoàng kim” của vật lý. Viện nghiên cứu trở thành trung tâm hàng đầu thế giới về phát triển vật lý năng lượng cao và lý thuyết trường (field theory). Cũng như Copenhagen vào những năm 20-30, Viện nghiên cứu cao cấp trở thành thánh địa Mecca cho các nhà vật lý lý thuyết. Trong số các nhà nghiên cứu ghé thăm Viện có những gương mặt như Pauli, Dirac, Hideki Yukawa và các nhà nghiên cứu trẻ như Murray Gell Mann, Geoffrey Chew, Francis Low, Yoichiro Nambu, Cecile Morette. Oppenheimer cũng bổ nhiệm những nhà vật lý trẻ vào khoa: Abraham Pais, Freeman Dyson, Tsung Dao Lee và Chen Ning Yang. Khi các nhà vật lý tại khoa toán đã đủ đông thì khoa Khoa học tự nhiên được thành lập vào năm 1966.
Thời kỳ chuyển giao
Sau khi Oppenheimer chết vì ung thư vòm họng, Carl Kaysen được chỉ định làm Viện trưởng thứ tư. Kaysen là nhà nghiên cứu kinh tế chính trị được đào tạo tại Harvard. Ông từng là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Kennedy về các vấn đề an ninh quốc gia từ năm 1961-1963 và trở thành Viện trưởng cho tới năm 1976.
Đây cũng là giai đoạn chuyển giao của Viện. Những thành viên về vật lý mà Oppenheimer tập hợp trong lĩnh vực vật lý bắt đầu tản mát vào những năm 1960. Chỉ có hai giáo sư là Freeman Dyson và Tullio Regge còn ở lại. Trong khoảng 1967-1971, Kaysen bổ nhiệm 4 giáo sư: Marshall Rosenbluth – vật lý plasma, Stephen Adler và Roger Dashen- vật lý nhiệt độ cao, John Bahcall- vật lý thiên văn. Khi khoa Khoa học tự nhiên được thành lập năm 1966, 6 giáo sư vẫn ở lại khoa toán: Armand Borel, Kurt Godel, Harish Chandra, Deane Montgomery, Atle Selberg và Hassler Whitney. Năm 1969, Micheal Atiyah tham gia vào khoa tiếp theo đó là John Milnor và Robert Langlands.
Mở rộng nghiên cứu sang các lĩnh vực khác bao gồm các ngành xã hội là một phần trong ý tưởng của Flexner về Viện nghiên cứu cao cấp trong tương lai. Flexner hy vọng có thể tạo ra một thiên đường cho các học giả nghiên cứu về kinh tế và chính trị, tránh khỏi những sự biến đổi thất thường và những sức ép của thế giới bên ngoài.
Viện nghiên cứu cao cấp ngày nay
Trải qua ¾ thế kỷ XX, Viện nghiên cứu cao cấp đã kiểm chứng tầm nhìn của những người sáng lập. Từ một khoa ban đầu, Viện đã có thêm 3 thành viên mới. Những giá trị của Viện (tự do học thuật, theo đuổi tri thức cơ bản, không bị ràng buộc hoặc xem thường bởi những kế hoạch ngắn hạn, những xu thế thời thượng) đã được thử thách qua thời gian. Mục đích chính yếu của 4 khoa thành viên của Viện là tạo cho các học giả tài năng khắp nơi trên thế giới điều kiện thuận lợi về thời gian, tài chính để theo đuổi những nghiên cứu trong khi áp dụng tiêu chuẩn cao nhất về học bổng. Ứng viên của các khoa cũng chủ yếu mong muốn có thời gian tự do để thực hiện các nghiên cứu riêng của họ.
Những năm gần đây, Viện nghiên cứu cao cấp mở rộng nghiên cứu sang những lĩnh vực mới như khoa học máy tính, sinh học những lĩnh vực mà những tiến bộ phụ thuộc nhiều vào kiến thức sâu sắc của toán học và vật lý, hai ngành cơ bản mà Viện nghiên cứu cao cấp vốn có truyền thống ngay từ khi thành lập.
Mặc dù Viện vẫn giữ quy mô nhỏ song sự cam kết trong nghiên cứu đã tạo ra những kết quả vượt xa quy mô của Viện. Hơn 20 nhà khoa học đoạt giải Nobel đã từng gắn bó với Viện, ngoài ra còn có rất nhiều người đoạt giải Fields. Nhiều giáo sư và các thành viên trong Viện giành được các giải Wolf hoặc MacArthur. Nhiều viện nghiên cứu mới trên thế giới thành lập cũng lấy cảm hứng từ tầm nhìn của Flexner.
Thư viện khoa toán |
Nếu các nhà nghiên cứu biết rõ điều họ sẽ làm trước khi tiến hành làm và bằng cách nào và khi nào họ có thể có được kết quả, đó không phải là cách họ đang thực sự làm nghiên cứu cơ bản. Những ý tưởng thực sự quan trọng – những ý trưởng thay đổi cách ta nghĩ và sống, được tìm thấy bởi những nhà nghiên cứu theo đuổi sự tò mò của họ trong những miền đất chưa từng biết đến hơn là những nghiên cứu có tính mục đích ban đầu. Do vậy, Viện nghiên cứu cao cấp đưa ra các cơ hội đặc biệt cho sự phát triển của các học giả, các nhà khoa học là một trong những mục đích chính của Viện. Truyền thống này bắt đầu với 23 thành viên của khoa toán vào năm 1933 và phát triển cho đến hiện nay Viện có thể đón tiếp hằng năm 190 thành viên từ các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu trên toàn thế giới. Căn cứ chính để lựa chọn thành viên là sự kỳ vọng dựa trên thành tích đã đạt được của các nhà khoa học rằng thời gian họ ở Viện sẽ giúp họ đạt được kết quả có ý nghĩa và có chất lượng cao. Khoảng ½ thành viên của Viện ở ngoài nước Mỹ, đặc biệt là đối với khoa Khoa học tự nhiên, và nhiều người trong số họ lưu lại ở Viện 2-3 năm.
Viện nghiên cứu cao cấp có mối quan hệ chặt chẽ với trường Đại học Princeton. Viện khuyến khích những hoạt động hướng tới cộng đồng. Các trường thành viên có những chương trình dành cho các đối tượng bên ngoài Viện, ví dụ như chương trình toán học cho phụ nữ, chương trình vật lý lý thuyết dành cho sinh viên cao học và các nghiên cứu hậu tiến sĩ, chương trình thúc đẩy khoa học của các nước phát triển…
Cũng như nhiều cơ sở nghiên cứu khác, Viện nghiên cứu cao cấp phụ thuộc phần lớn vào các quỹ tài trợ. Nguồn thu của viện cùng với sự đóng góp của các cá nhân và công ty, từ tổ chức những người bạn của Viện nghiên cứu cao cấp và hiệp hội thành viên của Viện. Những khoản tiền hiến tặng mang lại cho Viện sự tự do và linh hoạt khi phải chọn lựa các hướng nghiên cứu và sự độc lập hiếm có.
Khi thành lập Viện, Abraham Flexner-Viện trưởng đầu tiên, đã mong muốn mời những bộ óc ưu tú nhất của thế giới tới Viện nghiên cứu cao cấp với lời hứa không ràng buộc họ với các trách nhiệm mà trao cho họ các cơ hội. Hiện nay, Viện tiếp tục thu hút những học giả hàng đầu, những người mà khám phá của họ phát triển xa hơn những điều Flexner mơ ước. Tài trợ cho quá trình học tập đặc biệt này là cơ hội quý giá tạo ra những tiến bộ trong tri thức làm thay đổi cách chúng ta hiểu về thế giới.
Ngọc Tú lược dịch
(Institute for Advanced Study: An Introduction)