“Việt Nam đã không đến nỗi vô danh về toán”

Sáng 8/6 tại Viện Toán học Việt Nam, GS. Hoàng Tụy đã có bài trình bày có tựa đề Một số vấn đề phát triển toán học, trong đó tập trung vào ba vấn đề cơ bản về toán học Việt Nam: lịch sử phát triển; toán lý thuyết, toán ứng dụng, và ứng dụng toán; đánh giá các nghiên cứu toán học.


Về lịch sử phát triển toán học ở VN sau 1945, GS. Hoàng Tụy chỉ tập trung vào hai giai đoạn: 1956-1968 và từ 1968 trở đi.  Ông lấy năm 1956 là năm ra đời trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với một khoa Toán đúng nghĩa, có chủ nhiệm khoa là một nhà toán học thực thụ người VN (GS Lê Văn Thiêm), và bắt đầu có công trình toán học nghiêm túc được hoàn thành ngay ở trong nước (công trinh hình học của GS Nguyễn Cảnh Toàn,  hai năm sau đã được bảo vệ ở ĐH Tổng hợp Mạc Tư Khoa). Lúc bấy giờ một khoa toán như vậy không đâu có ở Đông Nam Á, đó là thành quả mấy năm chuẩn bị và xây dựng của GS Lê Văn Thiêm qua những năm 1950-1956. Tuy nhiên, thời gian này đội ngũ các nhà toán học Việt Nam vẫn còn rất non trẻ, hầu hết mới ở trình độ đào tạo 3 năm đại học, và rất ít người có trình độ nghiên cứu.

Trong giai đoạn khó khăn ấy, sự hỗ trợ đào tạo của Liên Xô đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng một nền tảng ban đầu. Theo GS. Hoàng Tụy,  với số cán bộ nghiên cứu toán được đào tạo ở Liên Xô (chủ yếu ĐH Tổng hợp Mạc Tư Khoa), cùng với một số giáo sư Liên Xô hàng năm được mời giảng các chuyên đề ở trình độ nghiên cứu, Khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc đó đã có vị thế chuyên môn đúng với tên gọi. Ngay từ hồi ấy hoạt động nghiên cứu và giảng dạy ở Khoa Toán đã mang dáng dấp hiện đại, như tổ chức các chuyên đề toán học và seminar định kỳ, cho sinh viên làm khóa luận để bước đầu làm quen với nghiên cứu, tổ chức các hội nghị khoa học hàng năm để cán bộ giảng dạy trình bày  các kết quả nghiên cứu, tổ chức thường xuyên những buối nói chuyện về toán học hiện đại (nhiều buổi do một số GS Liên Xô, Hung, v.v. được mời sang VN theo các chương trình hợp tác, trao đổi), tạo ra một không khí sôi nổi và lành mạnh đi vào khoa học. Song song với giảng dạy cũng đã có những hoạt động ứng dụng toán học, nhất là vận trù học (operations research), đã có ít nhiều tiếng vang, có lúc lôi cuốn hàng ngàn người tham gia trong các ngành, và có lúc ứng dụng những thầnh tựu hồi đó được cho là rất mới trên thế giới (như PERT). Phóng viên báo Le Monde của Pháp đã rất ngạc nhiên về vận trù học ở VN trong một bài viết đăng năm1963. Chính trong quá trình ứng dụng vận trù học đã nảy sinh công trình về bài toán quy hoạch lõm (1964) mở đầu lý thuyết tôi ưu toàn cục.

Về hợp tác quốc tế, toán học Việt Nam trong giai đoạn này chủ yếu chỉ giao lưu với Liên Xô và các nước Đông Âu. Nhưng từ 1966 sau khi tham gia Đại hội Toán học Quốc tế và một số Hội thảo Quôc tế ở Mạc tư Khoa, Budapest, Warsaw, đã bắt đầu có thêm quan hệ với các nhà toán học Pháp, Mỹ, Canada, Nhật. Đăc biệt năm 1966, nhờ vận động của các nhà toán học này phối hợp với hoạt động của đoàn đại biểu VN tại Đại hội Toán học Quốc tế, giới toán học quốc tế đã ra tuyên bố bày tỏ cảm tình với cuộc chiến đấu của chúng ta và kêu gọi Mỹ chấm dứt leo thang chiến tranh chống VN. Năm 1967 nhà toán học Pháp lừng danh A. Grothendieck tặng VN toàn bộ số tiền thưởng giải Fields và sau ba tuần lễ thỉnh giảng ở VN, khi về Paris đã có một buổi nói chuyện nổi tiếng, trong đó ông đã trình bày rằng, bất chấp chiến tranh và muôn vàn khó khăn  nguy hiểm, VN đã có thật sự một nền toán học đúng nghĩa. Năm sau đến lượt L. Schwartz, và sau đó kéo theo một loạt các nhà toán học Pháp có tên tuổi sang VN thỉnh giảng và trao đổi, giúp nâng cao trình độ cho các cán bộ trẻ VN. Về phía VN, từ 1963 trở đi không còn nhận chuyên gia Liên Xô sang giảng dạy thời gian dài (6 tháng trở lên) như trước, và lúc này VN cũng đã bắt đầu có nhà toán học được mời đi thỉnh giảng ở các nước Đông Âu, Trung Quốc, hoặc báo cáo ở một số hội thảo chuyên ngành trên quốc tế. Do đó sự hợp tác đã bắt đầu có chiều ngược lại (tuy còn yếu ớt), chứ không chỉ đơn thuần là sự giúp đỡ một chiều từ các nước khác như trước đây.

Từ 1968 ngành toán bước sang một giai đoạn mới, gắn liền với việc xây dựng và phát triển Viện Toán.

Ngay từ những năm cuối thập kỷ 70  GS  L. Shwartz, nhà toán học lỗi lạc Pháp từng nhiều năm gắn bó với VN, đã nhận định toán học VN có vị trí hàng đầu ở Đông Nam Á và nhiều lần khuyến khich VN chủ động phát huy vai trò đó bằng cách gia nhập và hoạt động tích cực trong Hội Toán Học Quốc tế.  Có thể nói, mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn vất vả ngành toán VN vẫn phát triển khá tốt. Theo GS Hoàng Tụy, đó là nhờ một phần quan trọng ở vai trò của GS Lê Văn Thiêm, GS Tạ Quang Bửu và nhờ sự quan tâm trực tiếp từ phía các nhà lãnh đạo cao nhất, đặc biệt là Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Còn nói về khó khăn thì không phải chỉ có khó khăn do chiến tranh, mà chủ yếu do chế độ quản lý xã hội bị chi phối nặng bởi tư duy giai cấp hẹp hòi theo kiểu mao it. Chẳng hạn sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, nhiều văn nghệ sĩ, cán bộ khoa học đươc đưa về nông thôn ba cùng với nông dân để rèn luyện lập trường. Có lần năm 1958 báo chí hết lời ca ngợi “ông tiến sĩ toán (GS. Lê Văn Thiêm) về nông thôn chăn bò rất có trách nhiệm”, GS Hoàng Tụy kể lại.  Điển hình cho kiểu quản lý lệch lạc đó là có thời kỳ việc đánh giá, xét bổ nhiệm , đề bạt các nhà khoa học ở ba bộ quan trọng (Bộ GD, Bộ Y tế, Viện Khoa học VN) đều phụ thuộc ba bà phụ trách công tác tổ chức cán bộ ở ba bộ đó, mà các vị này chỉ có trình độ học vấn cấp II.

Trong suốt quá trình phát triển, Viện Toán kiên trì phương châm chú trọng nghiên cứu cả toán lý thuyết và toán ứng dụng, đặt chất lượng lên đầu, đồng thời cố gắng  giúp đỡ, thúc đẩy trong phạm vi khả năng việc ứng dụng toán học vào thực tế. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về đời sống ở thập kỷ 80, Viện vẫn động viên anh em  gắng sức chịu đựng khó khăn để làm nghiên cứu và sống bằng nghề của mình. Nhờ đó chính trong giai đoạn tưởng chừng bế tắc đó Viện đã trưởng thành và đạt nhiều thành tựu nghiên cứu. Trong vòng mấy năm đã có trên một chục cán bộ của Viện nhận được học bổng Humboldt đi nghiên cứu ở Đức, và một số người khác được mời thỉnh giảng ở các nước Phương Tây, qua đó vừa nâng cao uy tín của Viện vừa giải quyết được khó khăn cuộc sống. Với một số công trình nghiên cứu được thừa nhận quốc tế rông rãi  Viện đã trở thành một đia chỉ toán học không đến nỗi vô danh trên quốc tế, được Viện Hàn Lâm Thế Giới thư Ba chính thức công nhận là một Viện nghiên cứu xuất sắc.

Về việc ứng dụng toán học thì trước đây, vào những năm đầu thập ký 60 sở dĩ vận trù học có thể áp dụng được, theo GS Hoàng Tụy, là nhờ thời đó các xí nghiệp còn thật sự quan tâm đến hiệu quả, năng suất. Sau chiến tranh phá hoại một thời gian dài các xí nghiệp vẫn chưa khôi phục lại được nề nếp hoạt động bình thường.Trong hoàn cảnh ấy, khó áp dụng vận trù học như trước, Viện chủ trương chuyển sang nghiên cứu giúp ý kiến cải tiến quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô. Đó là lý do thành lập Viện Toán kinh tế ở Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước và it lâu sau đó Trung tâm Phân tích Hệ thống ứng dụng ở Viện Quản lý Kinh tế TƯ. Mặc dù Viện đã đầu tư nhiều công sức giúp đỡ nhưng thật đáng tiếc, do chính sách dùng người hẹp hòi thiển cận từ thời đó nên rốt cuộc cả hai dự án này đều thất bại. Và lại, theo GS Hoàng Tụy, khi cơ chế quản lý kinh tế không khuyến khích cạnh tranh lành mạnh qua tăng năng suất mà chỉ khuyến khich chụp giật và đi đêm thì cũng rất khó ứng dụng khoa học, nói gì toán học. Vì vậy, những ý kiến chỉ trich những người làm toán ít quan tâm đến các ứng dụng là thiếu thiện chí và không có cơ sở. Ông cho biết tinh thần trách nhiệm công dân của những người làm toán đã nhiều lần biểu lộ qua các kiến nghị và các ý kiến phát biểu thẳng thắn và xây dựng với lãnh đạo cấp cao nhất về các vấn đề giáo dục,  khoa học, kinh tế xã hội nóng bỏng trong mỗi thời kỳ. Không có chuyện các nhà toán học co mình trong tháp ngà, như một số người nhận xét vu vơ.

Về cách đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học, GS. Hoàng Tụy nhìn nhận rằng không thể chỉ căn cứ duy nhất và máy móc vào những chỉ số định lượng, như số lượng công bố quốc tế và trích dẫn trên các tạp chí ISI. Tuy những chỉ tiêu này rất cần được tham khảo nhưng chúng chỉ có ý nghĩa nhiều đối với các cộng đồng lớn, còn đối với cá nhân một nhà khoa học thì chúng không thể thay thế hoàn toàn sự phân tich, đánh giá định tính của các chuyên gia am hiểu. Ông chỉ ra rằng mỗi ngành khoa học có đặc thù riêng, bản thân toán học cũng chia ra nhiều ngành, có ngành dễ công bố quốc tế hơn các ngành khác. Các tạp chi ISI cũng có nhiều loại, không thể chỉ căn cứ chỉ số ảnh hưởng để xếp tạp chí này là thứ nhất, tạp chi kia là thứ hai, v.v.. kiểu xếp hạng đó máy móc, không hợp lý, cho nên thường người ta chỉ phân các tạp chí ISI trong mỗi ngành thành ba hạng A, B, C để so sánh. Và lại cơ hội công bố quốc tế cũng không phải như nhau qua mọi thời kỳ. Như thời GS. Lê Văn Thiêm thì việc công bố quốc tế khó khăn hơn nhiều so với hiện nay. Đồng thời, có những tạp chí của Liên Xô trước đây rất tốt, nhưng sau khi Liên xô sụp đổ đã sa sút chất lượng dần và ngày nay thâm chí không được nằm trong danh sách ISI. Thêm vào đó, việc tính các chỉ số trich dẫn, chỉ số ảnh hưởng chỉ mới có từ vài chục năm nay mà cách tính cũng chưa phải đã hợp lý hết. Chỉ gần đây các tạp chí ISI mới đòi hỏi trich dẫn phải nghiêm túc chứ trước đây 5-7 năm vẫn còn tình trạng trich dẫn khá bừa bãi.  Vì vậy, không thể chỉ nhìn vào số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí ISI hiện nay cùng với chỉ số trich dẫn để đánh giá toàn bộ sự nghiệp của cá nhân một nhà khoa học. mà bao giờ cũng cần thận trọng dựa vào nhận xét định tính của chuyên gia trong ngành. Nói tóm lại không nên từ chỗ trước đây xem thường các công bố quốc tế và các chỉ số định lượng, bây giờ lại quá tin và sử dụng máy móc các chỉ số đó.

Tương tự như vậy, không thể chỉ đếm số công bố hay trích dẫn trên các tạp chí ISI để đánh giá hay xếp hạng một nền toán học. Việc chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu để nâng hạng cho toán học Việt Nam lên thứ 40 căn cứ theo chỉ tiêu này là không hợp lý, GS. Hoàng Tụy nhìn nhận. Ông cho rằng nếu đánh giá chất lượng mà chỉ dựa trên số lượng công bố quốc tế thì đương nhiên nền toán học của những nước đông dân như Trung Quốc sẽ xếp hạng vượt xa nền toán học của các nước it dân hơn như Na Uy, Thụy Điển, BaLan, Hungary, v.v.  mặc dù ai dám nói các nền toán học kia là kém hơn ?

 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)