V-KIST – bốn vấn đề cần làm rõ
Dự án Viện Nghiên cứu KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) khởi động từ năm 2012 đang bước vào giai đoạn kết thúc của báo cáo tiền khả thi. Một số thông tin cơ bản về V-KIST đã được thông báo rộng rãi; bên cạnh những ý kiến đồng tình, vẫn còn những băn khoăn và những điểm cần làm rõ, bài viết này điểm qua một số vấn đề nổi bật trong số đó.
Hình ảnh đồ họa của V-KIST trong tương lai.
Đã có Viện Hàn lâm KH&CN, hai Đại học Quốc gia và các đại học xuất sắc, sao phải có thêm V-KIST?
Trong một phỏng vấn tháng 11 năm ngoái, trả lời câu hỏi tương tự, PGS.TS Mai Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ KH&CN, đã liên tưởng đến việc xây thêm cầu vượt tại các ngã tư hoặc xây đường cao tốc, bên cạnh đường đi lại thông thường1. Người viết bài này cũng có quan điểm gần giống ý kiến của PGS.TS Mai Hà. Trong thực tế, chỉ có một số lượng nhỏ các nhóm nghiên cứu tại Viện Hàn lâm KH&CN và hai Đại học Quốc gia có trình độ cạnh tranh với quốc tế; các đại học xuất sắc mới được thành lập cũng chưa có nhiều thành tựu về nghiên cứu, triển khai, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư cho các đơn vị nghiên cứu “có khả năng tăng tốc” và “được dẹp đường ưu tiên” để chạy nhanh đuổi kịp trình độ khu vực và quốc tế.
Trong một báo cáo gần đây thuộc Dự án Giáo dục đại học 2, nhóm thực hiện báo cáo ước tính Việt Nam cần khoảng 15 cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học đỉnh cao trong những năm tới. Rõ ràng, Việt Nam chưa có đủ con số đó ở thời điểm hiện tại. Vấn đề cần đặt ra là V-KIST sẽ phối hợp với các đơn vị nói trên như thế nào chứ không phải là liệu V-KIST có “dẫm chân” các đơn vị đó hay không.
Có nên chỉ đào tạo sau đại học?
Theo báo cáo của GS. Kyu Hong Ahn, trưởng đoàn đại diện của Viện Nghiên cứu KH&CN Hàn Quốc KIST trong dự án V-KIST tại một cuộc họp năm ngoái, V-KIST sẽ có các trường đào tạo sau đại học nhằm đào tạo, bồi dưỡng nhân tài KH&CN. Một câu hỏi đặt ra, tại sao V-KIST chỉ đào tạo sau đại học mà không có đại học? Thực tế đã chứng minh, cách làm của V-KIST hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm cũng như tổng kết về phát triển đại học tiên tiến trên thế giới. Trong một báo cáo của World Bank năm 2012 về giáo dục đại học, TS Jamil Samil – tác giả báo cáo – đã chỉ ra rằng có ba cách để xây dựng đại học tiên tiến đẳng cấp quốc tế: một là sáp nhập các trường sẵn có, hai là nâng cấp một trường sẵn có, và ba là xây dựng mới hoàn toàn. Trong đó, kinh nghiệm thành công của cách làm thứ ba, như Đại học KH&CN mang tên nhà vua Abdulla – Ả-rập Xê-út (lọt vào Top 500 đại học thế giới sau sáu năm thành lập), Đại học KH&CN Pohang – Hàn Quốc (Top 50 thế giới sau hơn 20 năm thành lập) hay bản thân KIST, là chỉ tập trung vào sinh viên ở trình độ thạc sỹ, tiến sỹ – những người có khả năng tham gia ngay vào các nghiên cứu của giáo sư. Thật vậy, các đại học KH&CN tiên tiến cần dựa vào phòng thí nghiệm, chứ không phải giảng đường theo quan niệm truyền thống.
Làm sao để thu hút đủ nhân lực?
Trong báo cáo tiền khả thi, chúng ta đã thấy chi tiết xây dựng một cơ chế lương đặc biệt, cao hơn hẳn mặt bằng chung của cả nước nhằm thu hút nhân lực trình độ cao – tương tự như KIST đã làm cách đây 50 năm tại Hàn Quốc. Cách làm này hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, ngoài lương bổng, các nhà khoa học cần nhiều điều kiện khác để có thể toàn tâm cống hiến. Đối với các nhà khoa học nước ngoài, hội nhập với đời sống văn hóa, môi trường ở châu Á không phải là điều dễ dàng mà hơn ai hết chính những đồng nghiệp từ KIST hiểu rõ điều này. Trong hơn 10 năm qua, Hàn Quốc đã đầu tư rất nhiều nguồn lực nhằm thu hút giáo sư nước ngoài đến làm việc với mức lương ưu đãi (thường gấp đôi giáo sư bản địa và bằng hoặc hơn mức lương ở Âu Mỹ), nhưng phần lớn số họ không thể hòa nhập với cuộc sống và môi trường mới và kết quả là bỏ về nước khi chưa hết hợp đồng; điển hình trong số đó là GS Robert B. Laughlin, Nobel Vật lý 2006, người đã phải rời Viện KH&CN Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) trong khi vẫn còn một nửa thời gian hợp đồng.
Đối với các nhà khoa học Việt Nam hoặc gốc Việt Nam thì vấn đề lại là làm thế nào để đáp ứng được những nhu cầu làm việc, học hành… của vợ/chồng và con cái họ. Kinh nghiệm của Thượng Hải trong việc thu hút nhân lực trình độ cao từ Đài Loan đến làm việc tại đặc khu kinh tế cho chúng ta một gợi ý: Để các chuyên gia Đài Loan yên tâm mang theo gia đình đến sống lâu dài ở Thượng Hải thì con em họ được cấp học bổng tại các trường phổ thông quốc tế, nhờ đó hạn chế được tình trạng các chuyên gia cứ đến cuối tuần lại bay về thăm nhà.
Cơ chế tài chính nào?
Theo ước tính, từ nay đến 2022, V-KIST sẽ được đầu tư khoảng 150 triệu USD, con số không phải là nhiều nếu so với những dự án tương tự trên thế giới lên đến hàng tỷ USD, nhưng cũng đủ để xây dựng một số nhóm nghiên cứu, triển khai và một số chương trình đào tạo gọn nhẹ, chất lượng và hiệu quả cao làm “hạt nhân” về lâu dài. Để làm được điều đó, về mặt tài chính, ngoài cơ chế đặc biệt về lương bổng cho cán bộ như đã phân tích ở trên hay chính sách “tin tưởng đặc biệt” không kiểm toán trong vòng 5 năm đầu như Hàn Quốc đã làm với KIST, các nhà hoạch định chính sách còn cần tính toán xem sau khi kết thúc đầu tư ban đầu, đâu sẽ là nguồn tài chính để duy trì hoạt động của V-KIST. Phần nào sẽ vẫn do nhà nước tài trợ thường xuyên, phần nào cũng do nhà nước tài trợ nhưng V-KIST phải cạnh tranh với các cơ sở nghiên cứu khoa học – giáo dục khác trong cả nước, phần nào V-KIST phải tự thân vận động? Tỷ lệ giữa các phần này bao nhiêu thì hợp lý? Việc xác định câu trả lời cho những câu hỏi này càng sớm bao nhiêu thì càng giúp cho việc vận hành V-KIST sau này hiệu quả bấy nhiêu.
***
Gần 50 năm trước, Hàn Quốc xây dựng KIST với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Chỉ lần lượt hai và ba năm sau ngày chính thức vào hoạt động, KIST đã có bằng sáng chế đầu tiên được Hoa Kỳ công nhận và phát triển ti vi màu đầu tiên. Công nghệ kiểm tra doping mà Olympic Seoul năm 1988 sử dụng là do KIST phát triển. Viện KAIST, nổi tiếng hơn KIST ngày nay trên trường quốc tế, cũng được thành lập trên cơ sở tách ra từ KIST. KIST được đánh giá là đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng cho giai đoạn “tăng tốc” của nền kinh tế Hàn Quốc những năm 1970-1980. Và bây giờ, KIST lại giúp Việt Nam xây dựng V-KIST tương tự như cách Hoa Kỳ giúp KIST trước đây. Chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng sự lặp lại thành công của V-KIST trong tương lai không xa. Tuy vậy, điều này cũng phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm và sự sáng suốt của các nhà làm chính sách hôm nay.
—
* Nghiên cứu sinh Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan
1 http://www.tienphong.vn/xa-hoi/hon-3000-ty-dong-dau-tu-xay-vien-nghien-cuu-cao-cap-655012.tpo