Xã hội sáng tạo
Trong khoảng 15 năm nay tiếp xúc, đi lại, làm việc, học tập tại Phần Lan, tôi thấy rất rõ là mọi công dân trong xã hội, từ nhà kinh doanh, nghệ sỹ, sinh viên, đặc biệt là giới trẻ, họ rất chủ động và tự tin và tham gia các hoạt động sáng tạo ở khắp mọi nơi.
Thứ nhất, bà không giới thiệu nhiều về văn hóa dân tộc (bản sắc dân tộc) hay thiên nhiên tươi đẹp như kiểu của Việt Nam chúng ta vẫn hay làm (bởi vì cái này trong các tài liệu giới thiệu đất nước con người của Phần Lan đều đã đầy đủ), mà mở đầu bà nói ngay về Phần Lan gắn với những thương hiệu đứng đầu thế giới như NOKIA, POLAR… đã phát triển trong thời gian rất ngắn, với những slogan đậm chất nhân văn, ngắn gọn và giản dị: “Connecting people”, “Listens to your body”.
Thứ hai, bà nói Phần Lan là một nước nhỏ, nguồn lực giới hạn nên không thể đầu tư phát triển tất cả các ngành (hiểu theo mình bây giờ là “dàn trải”) mà chỉ tập trung vào một số ngành, nhưng (bà nhấn mạnh) ngành nào Phần Lan đã quyết phát triển thì đều phải đứng đầu thế giới! Thí dụ điển hình như vừa kể là NOKIA, rồi ngành gỗ giấy có tập đoàn UPM-Kymenen lớn nhất thế giới, hãng VAISALA đứng đầu thế giới về thiết bị khí tượng thủy văn, POLAR nổi tiếng nhất thế giới về đồng hồ thể thao và hoạt động ngoài trời, KEMIRA là tập đoàn cung cấp hóa chất xử lý nước lớn nhất thế giới, CARGOTEC – một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị cảng biển, tập đoàn Instrumentarium nổi danh toàn cầu về thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe…
Thứ ba, bà Halonen nói, ngày nay tốc độ đưa một kết quả nghiên cứu thành sản phẩm có mặt trên thị trường có khi tính bằng phút, bằng giây nên nếu chúng tôi không nhanh thì sẽ không thể cạnh tranh. Muốn làm được điều này, chúng tôi phải động viên toàn bộ nguồn lực xã hội, con người để làm sao nhanh chóng thương mại hóa các kết quả nghiên cứu bằng triển khai các mô hình platform như trung tâm sáng tạo, trung tâm chuyên môn, vườn ươm công nghệ, hi-tech park…
Qua bài phát biểu của bà Halonen, ta nhận thức được không chỉ về chiến lược mà còn là những triết lý và chìa khóa phát triển của Phần Lan. Đó là (1) Xã hội sáng tạo/hay Văn hóa sáng tạo Creative /Innovation Society (2) Synergy cooperation hay mô hình xoắn kép Triple helix; (3) Tư duy Platform.
Kiểu người “T”
Như bà Tổng thống mở đầu bài phát biểu đã nói về vấn đề cốt lõi nhất trong phát triển của Phần Lan, đó là con người có văn hóa sáng tạo. Do vậy mà họ đã tập trung phát triển con người sáng tạo trước khi xây dựng những trung tâm hay khu này khu kia như ở Việt Nam. Những con người sáng tạo chính là kiểu người mà các giáo sư ở trường AALTO chỉ ra: “T” Profile.
Tom Kelley là chuyên gia hàng đầu thế giới về phát triển môi trường sáng tạo cho các tổ chức, công ty hay cả quốc gia. Ông là tác giả cuốn sách nổi tiếng “The Ten Faces of Innovation”, là Giám đốc điều hành của IDEO, một design firm hoạt động toàn cầu chuyên giúp các tổ chức sáng tạo. Chẳng hạn như họ đã tạo ra các dòng sản phẩm và dịch vụ sáng tạo cho các tập đoàn hàng đầu thế giới như Proter & Gamble, Samsung, Apple… Đồng thời chuyên xây dựng văn hóa sáng tạo cho các tổ chức.
Khái niệm “T” Profile cho cá nhân được Tom Kelley giới thiệu lần đầu tiên năm 2005 trong cuốn sách “The Ten Faces of Innovation”, mô tả những cá nhân kiểu “T” là những người đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa sáng tạo trong các tổ chức.
Theo Kelly, có ba kiểu người cơ bản:
Ngay cả trong các trò giải trí, khác với người Việt chúng ta chỉ mải hò hét bóng đá cá độ các kiểu, dân Phần Lan thích nhất là những môn đua tốc độ (racing) từ xe máy đến đua công thức 1. Họ muốn chiến thắng thế giới bằng công nghệ và tốc độ. |
Kiểu người thứ nhất là kiểu “I”, loại người này chẳng bao giờ tham gia làm việc nhóm, chỉ hợp làm việc một mình. Thuộc về kiểu người này chúng ta có thể thấy rất nhiều như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên viên lập trình. Họ thường nghiên cứu rất sâu và rất giỏi trong lĩnh vực riêng biệt của mình nhưng ít khi có sự cảm thông, hiểu, chia sẻ và quan tâm tới người khác. Cũng có thể họ là những chuyên gia rất tinh thông về một loại sản phẩm, công nghệ hay thị trường nào đó nhưng họ ít có hiểu biết về những lĩnh vực khác, những mối quan tâm ngoài chuyện của họ.
Nói chung, khi những người này tham gia vào hoạt động sáng tạo, do thiếu hàng loạt kỹ năng, mối quan tâm và kinh nghiệm, họ sẽ rất khó khăn khi chuyển những kết quả sáng tạo ra thị trường và sáng tạo bền vững.
Kiểu người thứ hai là những cá nhân “dấu gạch ngang” (hyphen). Đây là kiểu người ngược hoàn toàn với kiểu “I”. Nhóm người này có tích lũy rộng những kiến thức, mối quan tâm, kỹ năng và kinh nghiệm trong rất nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, họ lại thiếu hụt những kiến thức sâu trong một lĩnh vực quan trọng nào đó hoặc lĩnh vực liên quan. Tức là những người thiếu chuyên môn thực. Như vậy những cá nhân kiểu “–” sẽ bị giới hạn về khả năng am hiểu sâu những công nghệ, ý tưởng hay mô hình quan trọng được xem là xương sống của các quá trình đổi mới (Innovation).
Từ đó nảy sinh ra kiểu người thứ ba, tức kiểu “T”. Người nhóm này có chuyên môn sâu về một lĩnh vực, kỹ năng, kiến thức hay công nghệ nào đó. Tuy nhiên, họ hay để tâm tích lũy những kỹ năng, kinh nghiệm hay các sở thích mà tự họ rút ra. Thí dụ, một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo có tích lũy thêm kinh nghiệm khi sống và làm việc ở môi trường nước ngoài, hiểu về văn hóa, ngôn ngữ của nước đó. Như vậy người này sẽ nhìn thấy những cơ hội phát triển năng lượng tái tạo đó ở trong những môi trường văn hóa đặc thù mà những người khác không nhìn thấy hoặc không hiểu. (Vào năm 2010 khi tôi đưa đoàn lãnh đạo Ủy ban dân tộc Việt Nam đến thăm công ty Năng lượng Mặt trời NAPS, một vị trong đoàn có hỏi rằng tại sao Phần Lan là nước có rất ít nắng (chỉ có 5 tháng mùa hè) sao các ông lại đi vào phát triển năng lượng Mặt trời? Ông Heikki Neuvonen là Phó Chủ tịch NAPS trả lời rằng: vì Phần Lan rất ít nắng nên chúng tôi rất quý trọng nguồn năng lượng này và cố gắng phát triển công nghệ chế tạo ưu việt nhất, để khi chúng tôi sử dụng tốt ở điều kiện ít nắng như Phần Lan thì chắc chắn chúng tôi sẽ có cơ hội kinh doanh ở những nước nhiều nắng như Việt Nam).
Các trường Đại học Phần Lan thường khuyến khích sinh viên học hỏi và trải nghiệm văn hóa đa chiều. Chính phủ cũng có chương trình tài trợ cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể thực tập hoặc tình nguyện tại một quốc gia nào đó. Điều này đã giúp cho sinh viên luôn luôn sáng tạo và năng động khi quay trở lại Phần Lan hoặc đi làm chuyên gia cho các nước mà họ từng đến. |
Phần lớn những nhà kinh doanh và nhà sáng tạo nổi tiếng đều là những người kiểu “T”, họ có khả năng cross-pollinate các lĩnh vực kiến thức, sở thích và đam mê khác nhau với kinh nghiệm chuyên môn để hiểu và đáp ứng tốt hơn yêu cầu sáng tạo năng động, khuynh hướng trào lưu mới và nói chung là tăng cường sáng tạo.
Điều này rất rõ trong các công ty ở Phần Lan mà tôi thường tiếp xúc. Các giám đốc điều hành hay marketing… vừa có chuyên môn về lĩnh vực họ đang làm, vừa là những người có kiến thức văn hóa đa chiều, những mối quan tâm và niềm đam mê khác. Có một sự thực là ở Phần Lan và các quốc gia phát triển khác trong 50 năm trở lại đây đã tập trung nhiều vào con người hơn là đầu tư các trang thiết bị và phương tiện. Những quỹ đầu tư của nhà nước cho sáng tạo cũng chú trọng tới việc phát triển nhiều loại dịch vụ hỗ trợ phi tài chính cho các hoạt động kinh doanh (thông tin, phương pháp, tư vấn), hội nhập giáo dục với sự tăng trưởng của nguồn vốn tri thức. Đây là nguồn vốn sẽ tồn tại mãi với chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào có thể xảy ra.
Có thể nói, văn hóa sáng tạo ở Phần Lan được xây dựng trên nền tảng tạo ra những kiểu người chữ “T”. Từ những nhà lãnh đạo đến các nhà kinh doanh, hoạch định chính sách hay sinh viên… ở đâu cũng có thể thấy những người kiểu “T” này nắm giữ các vị trí quan trọng.
Thực ra ở Việt Nam chúng ta cũng đã có những khái niệm tương tự như mối liên kết “3 nhà” hay “4 nhà” nhưng điều quan trọng là nếu thiếu những người kiểu “T” ở vị trí thực thi của việc kết nối các nhà đó thì sẽ không bao giờ đạt hiệu quả. Vậy vấn đề cốt yếu cho mọi chính sách vĩ mô, các mô hình hay công cụ phát triển (như vườn ươm công nghệ, vườn ươm kinh doanh, trung tâm sáng tạo… mà sắp tới sẽ trình bày tiếp) đều xuất phát từ con người và văn hóa.
(Còn tiếp)
———-
Kỳ tới: Huy động nguồn lực xã hội với mô hình Synergy Cooperation trong các hoạt động đổi mới sáng tạo