Phát biểu chỉ đạo và cũng là kết luận Hội nghị thực hiện “Chiến lược phát triển KH&CN 2001-2010, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN 2006-2010 và định hướng nhiệm vụ 2011-2020”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng các hoạt động KH&CN của Việt Nam hiện đứng trước những bất cập, vốn đã tồn tại và kéo dài từ lâu nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là: 1. KH&CN ở nước ta được coi là động lực, là nền tảng để phát triển KT-XH, nhưng KH&CN cho đến nay vẫn chưa tới được với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng chưa sử dụng được các thành quả của KH&CN đúng với vai trò của nó; 2. Đất nước của chúng ta rộng và dài nhưng lực lượng khoa học chủ yếu tập trung ở hai thành phố là Hà Nội và TP HCM. Như vậy, giải quyết được nhu cầu của cả nước trong khi nguồn lực KH&CN tập trung chủ yếu ở hai nơi nói trên là bài toán khó. 3. Trong điều kiện nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân còn hạn chế thì duy trì được sự gia tăng về đội ngũ làm KH&CN, gia tăng về cả số lượng lẫn chất lượng, đảm bảo không bị lạc hậu về mặt tri thức trong phát triển kinh tế cũng là vấn đề không dễ dàng 4. Hoạt động KH&CN gắn với sự đổi mới liên tục và rất khó gắn với việc xây dựng định mức ổn định. Vậy thì quản lý KH&CN trong điều kiện không có định mức ổn định (thay vì áp dụng định mức của xây dựng cơ bản vốn không phù hợp) là điều rất khó khăn 5. Làm thế nào để gia tăng tiềm lực KH&CN cho an ninh và quốc phòng trong điều kiện tiềm lực cơ sở vật chất KH&CN cho an ninh quốc phòng vẫn còn yếu?
Các nhà KH và các DN phải đáp ứng được những yêu cầu,
đòi hỏi của đất nước
|
Với vai trò là người chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong bên cạnh việc thuyết minh rõ ràng các trường hợp điển hình tại hội nghị, còn đưa ra nhiều ý kiến nhằm cải thiện các hoạt động KH&CN trong nước theo hướng ngày một hiệu quả hơn.
Trong số những ý kiến này, Bộ trưởng cho rằng một trong những vấn đề cấp thiết nhất là đổi mới cơ chế tài chính, từ những khâu như quản lý tài chính của các cơ quan quản lý Nhà nước, tới việc tháo gỡ, tạo điều kiện để giới KH&CN, cũng như DN được tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các hoạt động KH&CN, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của đất nước. Ông đề nghị các cơ quan, tổ chức nghiên cứu KH&CN có thể được trích một phần nộp ngân sách Nhà nước để đầu tư ngược lại cho các cơ sở KH&CN có hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện tốt hơn để giúp đỡ các DN tham gia nghiên cứu KH và phát triển CN. Ông cũng đề nghị Nhà nước tăng vốn cho Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) lên 500 tỷ đồng (so với qui mô 200 tỷ đồng còn quá nhỏ như hiện nay) và chuẩn bị cơ sở thành lập các Quỹ khác phục vụ hoạt động KH&CN như quỹ phát triển công nghệ cao, quỹ đầu tư triển vọng…
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho rằng cộng đồng KH Việt Nam, các cơ quan quản lý KH cũng như các DN cần tiếp tục xử lý các vấn đề tồn động, giải quyết tốt các mâu thuẫn tiếp tục kéo dài như Phó Thủ tướng đã nói để vươn lên và thực hiện được các ước mơ, hoài bão của dân tộc. Ông cũng khẳng định rằng 14/52 ý kiến tham luận được gửi tới hội nghị, cùng với các ý kiến khác gửi tới Bộ KH&CN là những đóng góp quan trọng để Bộ KH&CN nghiên cứu, hoàn thiện Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020, trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. |
Tuy nhiên, từ các ví dụ thành công và hiệu quả trong hoạt động KH&CN của các nhà khoa học, của các tổ chức nghiên cứu và của doanh nghiệp được giới thiệu tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta hoàn toàn có khả năng phát huy được sức mạnh của người Việt Nam trong các hoạt động KH&CN.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung sức lực để làm ra được một số sản phẩm quốc gia, dựa trên việc làm chủ công nghệ sản xuất chúng ngay từ đầu. Để làm được điều này, cần phải huy động các lực lượng KH&CN quốc gia để nghiên cứu, chế tạo và sản xuất các sản phẩm quan trọng, kết hợp với các doanh nghiệp công nghệ cao và các chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước. Tiếp đó, trong chiến lược phát triển KH&CN trong giai đoạn tới (2011-2020), cần phải hình thành được một mạng lưới KH&CN trong đó xác định rõ đâu là các đơn vị đầu đàn, đâu là các đơn vị vệ tinh và đảm bảo mối liên kết của các đơn vị này phục vụ phát triển đất nước, giúp “Việt Nam không bị lạc hậu về mặt trí tuệ”. Các hoạt động thông tin KH&CN cũng cần được đẩy mạnh, hằng năm xuất bản các thành tựu KH&CN mới nhất của thế giới để các nhà KH trong mọi lĩnh vực có thể cập nhật, theo dõi và học tập theo chuyên ngành của mình.
Bộ KH&CN cũng cần sớm hoàn thành quy hoạch phát triển nhân lực KH&CN, dự kiến lực lượng ở các lĩnh vực KH&CN là bao nhiêu để có hướng đào tạo trong thời gian 10 năm tới.
TS. Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ NN&PTNT:
Năng lực của các cơ quan tham mưu, quản lý KH&CN các cấp còn yếu, sức ì lớn và không đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động KH&CN trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Quản lý nhà nước đối với khu vực hành chính và sự nghiệp trong hệ thống KH&CN chưa rõ ràng, công tác quản lý còn mang nặng tính hành chính.
Bên cạnh đó, đầu tư cho KH&CN còn thấp, chưa được chú trọng đúng mức, thiếu tập trung vào lĩnh vực trọng điểm nên cơ sở hạ tầng KH&CN còn lạc hậu, hiệu quả đầu tư thấp. Việt Nam hiện còn thiếu qui hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ KH trình độ cao ở các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các cán bộ đầu ngành.
Đối với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước chưa quan tâm tới ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH và đổi mới công nghệ, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN còn thiếu, đặc biệt là cơ chế tài chính khuyến khích doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư cho KH&CN.
GS.TS. Nguyễn Gia Khánh, Chủ nhiệm chương trình KC.10/06-10:
Tốt hơn là Ban chủ nhiệm chương trình mời các chuyên gia xây dựng nhiệm vụ khoa học trên cơ sở đề xuất của đơn vị để nhiệm vụ khoa học vừa có tính chiến lược, vừa đáp ứng yêu cầu cơ sở. Về tuyển chọn và xét chọn cá nhân chủ trì thực hiện các nhiệm vụ thì thủ tục còn rườm rà, quá coi trọng thủ tục hành chính nên nhiều hồ sơ tốt bị loại ra ngay từ đầu. Đối với các nhiệm vụ khoa học đã được phê duyệt, nếu tuyển chọn không có người trúng tuyển thì nên chuyển sang xét chọn, vì nhiệm vụ đã phê duyệt cần phải được thực hiện. Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, nhất là thủ tục đấu thầu mua sắm nguyên vật liệu, hóa chất, thuốc men…
TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM:
Đối với những nhiệm vụ KH&CN do doanh nghiệp chủ trì (thuê nghiên cứu và phát triển toàn bộ hoặc một phần), doanh nghiệp cần đầu tư 70-80% kinh phí và cần chi trước toàn bộ kinh phí để thực hiện, Nhà nước chỉ cấp kinh phí hỗ trợ (20-30%) theo phương thức thanh toán sau khi kết thúc đề tài. Các doanh nghiệp đặt hàng hoặc các đơn vị có nhu cầu về sản phẩm cần xác định rõ việc áp dụng thử nghiệm các kết quả nghiên cứu ở qui trình sản xuất là một bước đệm quan trọng trong quá trình thương mại hóa sản phẩm, không có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trong giai đoạn này thì kết quả nghiên cứu vẫn chỉ được coi là một hình “mẫu” nhỏ lẻ.
Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Sở KH&CN luôn phải thể hiện mình là một nhân tố quan trọng, là một cầu nối giữa các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp để có thể đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào áp dụng thử nghiệm, hỗ trợ một phần kinh phí cho quá trình xây dựng và hoàn thiện công nghệ sản xuất thử nghiệm, đề xuất các cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia trong quá trình sản xuất thử nghiệm…
ThS. Ngô Đức Hoàng,
Giám đốc TT NC&ĐT Thiết kế Vi mạch-ĐHGQ TP. HCM:
Chúng tôi kiến nghị cần tăng tỉ lệ đầu tư cho nghiên cứu KH về lĩnh vực vi mạch, đồng thời, cần tăng cường năng lực về trang thiết bị trong lĩnh vực nghiên cứu vi mạch, đặc biệt là những phần mềm thiết kế mới và các phòng thí nghiệm kiểm định. Bên cạnh đó cần có các chính sách và cơ chế đổi mới cho phép các trung tâm nghiên cứu KH&CN tham gia vào quá trình hình thành các công ty dạng spin-off xuất phát từ các sản phẩm của đề tài nghiên cứu KH, giao toàn bộ các kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp nhằm đưa các kết quả này ra đời sống.
Ông Nguyễn Xuân Tài, TGĐ Công ty cổ phần dịch vụ CNTT Naiscorp:
Nhà nước và Bộ KH&CN cần đẩy mạnh các chủ trương và chương trình hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN một cách trực tiếp và gián tiếp, đẩy nhanh và ưu tiên ứng dụng công nghệ “made in Vietnam”, đặc biệt do các nhóm nghiên cứu trẻ sáng tạo ra, hỗ trợ thiết thực về điều kiện kinh doanh, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế và ngân sách cho các nghiên cứu và sản xuất công nghệ hình thành trong nước. Nhà nước cũng cần có các quĩ đầu tư triển vọng (venture-capitals) cho các doanh nghiệp KH&CN với số vốn chừng 200-300 triệu USD như các mô hình của Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đã làm…
|
Để đẩy mạnh mối quan hệ giữa doanh nghiệp (DN) và khoa học, Phó Thủ tướng cho rằng cần phát triển mạnh mạng lưới tư vấn công nghệ, nhằm giải đáp và trả lời nhu cầu cấp thiết của DN, giúp DN tránh tình trạng tự mày mò, mất thời gian và tiền bạc không đáng có. “Cần kết nối nhu cầu của doanh nghiệp với khả năng của KH&CN và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chuyên gia tư vấn”, ông nói.
Bên cạnh việc nghiên cứu khả năng tăng vốn cho Quỹ KH&CN Quốc gia, Bộ KH&CN cũng cần nghiên cứu việc hình thành các loại hình quỹ khác, hoạt động trong lĩnh vực này, thí dụ như Quỹ phát triển công nghệ cao, Quỹ đầu tư triển vọng (venture capitals) với sự đóng góp kinh phí không chỉ của Nhà nước, mà cả của các doanh nghiệp quan tâm.
Phó Thủ tướng mong muốn rằng Việt Nam phải hướng tới việc sử dụng chuyên gia nước ngoài trong nghiên cứu kết hợp với việc nghiên cứu thuê theo hợp đồng cho nước ngoài. “Việt Nam trong 10 năm tới cần trở thành một địa chỉ sinh hoạt KH&CN tầm khu vực và quốc tế, chứ không chỉ còn là một địa chỉ hấp dẫn đầu tư nước ngoài nữa”, ông nói.
Trong thời gian tới, Việt Nam cũng cần đăng cai các hội nghị khoa học uy tín trên thế giới, giúp trao đổi học thuật trong nước và ngoài nước dễ dàng hơn và nâng tầm uy tín của Việt Nam trong cộng đồng KH&CN quốc tế.
Để làm được những điều trên, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh sự nỗ lực của Bộ KH&CN cần sự hợp tác, giúp đỡ của các Bộ, ngành liên quan để có thể đưa ra các cơ chế quản lý Nhà nước phù hợp, đặc biệt liên quan tới các cơ chế quản lý tài chính và điều hành hoạt động KH&CN.
Đề án thí điểm khoán hoạt động của một số tổ chức KH&CN công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa được Chính phủ cho phép là một trong những bằng chứng về đổi mới quản lý KH&CN, dựa trên nguyên tắc hiệu quả trong hoạt động.
Phó Thủ tướng hy vọng trong quí II năm tới (2011), Chiến lược phát triển KH&CN sẽ được Bộ KH&CN cùng các Bộ, ngành liên quan soạn thảo xong để trình Chính phủ phê duyệt.
Cuối hội nghị, Phó Thủ tướng chúc các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp tiếp tục “phát huy tinh thần sáng tạo không phân biệt tuổi tác” để giúp Việt Nam ngày càng phát triển và “tự tin ngẩng cao đầu trong một tương lai gần”.
Thay mặt lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cho biết Bộ KH&CN ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội nghị, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân để nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược phát triển KH&CN nước ta giai đoạn 2011-2020.
P.V
Đánh giá tổng quát hoạt động KH&CN 2006 -2010
Kết quả đạt được
Theo đánh giá của Bộ KH&CN, một trong những kết quả đáng ghi nhận nhất của giai đoạn hoạt động KH&CN 2006-2010 là “đã xây dựng và hoàn thiện được một hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho hoạt động KH&CN”. Điều này giúp KH&CN nước nhà tiếp cận tới các cơ chế, chính sách và mô hình quản lý hiện đại, phù hợp với mô hình quản lý hiện đại, thí dụ như các cải cách trong nghiên cứu cơ bản, định hướng chiến lược, chủ trương tự chủ một phần và tự chủ hoàn toàn các hoạt động KH&CN công lập theo cơ chế doanh nghiệp…
Bộ KH&CN cũng cho rằng “thông qua việc giải quyết các vấn đề KH&CN do thực tiễn đặt ra, năng lực nghiên cứu trong một số lĩnh vực KH&CN đã có sự phát triển vượt bậc”. Những thí dụ được đưa ra liên quan tới các công trình công bố quốc tế, các văn bằng sở hữu trí tuệ được bảo hộ. Báo cáo của Bộ còn khẳng định: “Với mức đầu tư còn rất thấp (xét về mặt giá trị tuyệt đối) nhưng trình độ nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH), sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi và giống thủy sản, sản xuất vaccine, các thành tựu trong y học (điều trị bệnh tim mạch), trong công nghệ tế bào và một số công nghệ khác (như đóng tàu, y tế) đã so sánh được với trình độ của các nước trong khu vực và một số nước tiên tiến.
Các nội dung, phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN, theo Bộ KH&CN, đã được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát hơn các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), đặc biệt là tham gia tích cực và có hiệu quả vào các công trình trọng điểm của quốc gia như Thủy điện Sơn La, dầu khí, Khu kinh tế Dung Quất…
Cơ chế quản lý các tổ chức KH&CN đã từng bước được đổi mới theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Việc phân công, phân cấp trong quản lý Nhà nước về KH&CN cũng đã được đổi mới, thông qua việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, đặc biệt là tổ chức bộ máy của các Sở KH&CN ở các tỉnh, thành thuộc Trung ương.
Cơ chế, chính sách tài chính cho KH&CN đã được đổi mới theo hướng đa dạng hóa nguồn đầu tư, việc cấp kinh phí đến các nhà khoa học được cải tiến theo hướng giảm bớt một số khâu trung gian không cần thiết, quyền tự chủ về tài chính bước đầu được áp dụng với các tổ chức KH&CN công lập, phương thức khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN cũng đã được áp dụng, tạo hứng khởi và động viên cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…
Tóm lại, báo cáo của Bộ KH&CN cho thấy các hoạt động KH&CN trong giai đoạn 5 năm qua đã “căn bản thực hiện được các mục tiêu và nội dung mà Thủ tướng Chính phủ giao” và “tạo tiền đề cho hướng phát triển mới của hoạt động KH&CN”.
Tồn tại vẫn còn nhiều
Đánh giá về các hoạt động KH&CN trong 5 năm qua, Bộ KH&CN cũng nhìn nhận còn nhiều tồn tại, cụ thể như các hoạt động KH&CN “chậm và khó đi vào cuộc sống, nhiều nội dung, giải pháp chậm triển khai, nhiều bất cập, yếu kém được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng chưa có giải pháp khắc phục”. Tồn tại lại chủ yếu trong những vấn đề rất quan trọng như chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN, việc gắn kết giữa khoa học và đào tạo, giữa nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh…
Một trong những tồn tại quan trọng nhất được thừa nhận trong báo cáo là: “Cộng đồng khoa học chưa thoát ra khỏi trạng thái trì trệ, làm việc thiếu nhiệt huyết và cảm hứng sáng tạo, thiếu chủ động để vượt qua khó khăn, thách thức”.
Nguyên nhân của các tồn tại này, theo đánh giá của Bộ KH&CN thuộc về 3 nội dung chủ yếu, trong đó đầu tiên phải kể đến là: “nhiều tư tưởng, đổi mới chậm được triển khai trong hoạt động KH&CN làm giảm vai trò và tác động của KH&CN tới phát triển KT-XH”. Bên cạnh đó là việc “doanh nghiệp chưa thực sự coi đổi mới công nghệ (gồm cả công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý) là trọng tâm của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; doanh nghiệp chưa là chủ thể và tâm điểm thực hiện đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ; chưa coi công nghệ, bí quyết công nghệ là công cụ và phương tiện để phát triển, cạnh tranh mở rộng thị trường… Cuối cùng, Việt Nam còn thiếu chiến lược, cơ chế và chính sách sử dụng hợp lý lực lượng làm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đặc biệt đối với những người tài, do đó chưa có nhiều tập thể, nhiều tổ chức KH&CN mạnh được dẫn dắt, lãnh đạo bởi các nhà khoa học có trình độ quốc tế…
Nguồn: Báo cáo đánh giá hoạt động KH&CN giai đoạn 2006-2010, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2011-2015 của Bộ KH&CN |
Mục tiêu hoạt động KH&CN giai đoạn 2011-2015
Về Khoa học tự nhiên:
* Phấn đấu đạt trên 80% số công trình nghiên cứu cơ bản trong KHTN thực hiện ở Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc được báo cáo tại các hội thảo khoa học quốc tế. Số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ tăng 50% so với giai đoạn 2006-2010.
* Về Khoa học xã hội: cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước. Giải đáp kịp thời những vấn đề lý luận và thực tiễn khác do cuộc sống đặt ra.
Về Khoa học công nghệ:
* Nâng tỷ lệ nhiệm vụ KH&CN phục vụ các dự án kinh tế lên 50% tổng số các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và triển khai thực nghiệm. Bố trí 50% nhiệm vụ của các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước được ứng dụng và phục vụ trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đối với nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
* Làm chủ được các công nghệ nền quan trọng thuộc 4 hướng công nghệ ưu tiên: công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ cơ khí-tự động hóa.
Về Ứng dụng công nghệ:
* Bước đầu hình thành được một số ngành kinh tế-kỹ thuật công nghệ cao, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT và CN sinh học. Nâng giá trị sản phẩm công nghệ cao đến năm 2015 đạt khoảng 30% trong tổng số GDP. 100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực có dự án nâng cao năng suất và chất lượng.
* Phát triển thị trường công nghệ, đảm bảo giá trị giao dịch, mua bán công nghệ đạt mức tăng trưởng bình quân 20-25%.
Về Xây dựng tiềm lực:
* Xây dựng 10-12 viện nghiên cứu và 20-30 tập thể khoa học đủ sức tổ chức nghiên cứu và giải quyết những nhiệm vụ KH&CN trọng điểm quốc gia ở trình độ quốc tế. Hình thành 100-200 nhóm nghiên cứu, tìm kiếm bí quyết công nghệ làm cơ sở để hình thành và phát triển các doanh nghiệp KH&CN.
* Xây dựng hệ thống thư viện điện tử dùng chung và kết nối giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Xây dựng một số phòng thí nghiệm hiện đại ở các trường đại học trọng điểm.
* Đa dạng hóa đầu tư cho KH&CN, phấn đấu đến năm 2015 đầu tư của Nhà nước và xã hội cho KH&CN đạt 1,5% GDP, trong đó tỷ trọng đầu tư cho KH&CN từ các nguồn khác ngoài ngân sách Nhà nước được nâng lên gấp 2 lần so với hiện nay và chiếm tỉ trọng tối thiểu 60-65%.
Nguồn: Báo cáo đánh giá hoạt động KH&CN giai đoạn 2006-2010, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2011-2015 của Bộ KH&CN. |