Xây dựng nền tảng cho sự sáng tạo

Viktor Wekselberg, 53 tuổi, người thân cận với Tổng thống Nga, là cổ đông chiếm đa số cổ phiếu thuộc các tập đoàn chế tạo máy Oerlikon và Sulzer của Thụy Sĩ. Ông đã phất lên trong quá trình tư nhân hóa ở Nga. Tài sản của ông ước khoảng 6,4 tỷ USD. Ông có ý đồ xây dựng một công viên sáng tạo ở Skolkowo. Tạp chí WirtschaftsWoche (Đức) đã có cuộc trò chuyện với tỷ phú người Nga Viktor Wekselberg về việc xây dựng khu công nghệ cao này...

Thưa ông Wekselberg, ngài Tổng thống của ông  muốn ông biến làng Skolkovo ở ngoại ô Moscow thành một Silicon Valley của Nga. Ông ấy mơ hay đấy là một suy nghĩ nghiên túc, thưa ông?

Mọi giấc mơ của Tổng thống chúng tôi luôn là chuyện nghiêm túc. Nhưng dự án – Skolkovo không phải là một giấc mơ, mà là một phần của chính sách kinh tế của nươc Nga. Chúng tôi muốn xây dựng một nền tảng để nước Nga trong tương lai có thể xuất khẩu những ý tưởng sáng tạo của mình.

Nước Nga không phải là cái nôi của công nghệ cao, cái đó thì ai cũng biết. Vậy ông định tấn công vào Hoa Kỳ hay Trung Quốc ở lĩnh vực nào?

Chúng tôi không đề ra mục tiêu vượt các nước khác, càng không có ý định vượt Hoa Kỳ, xét về sự phát triển kinh tế thì giữa chúng tôi với họ có một khoảng cách. Nhưng có những lĩnh vực mà nước Nga có thể đi tiên phong.

Đó là?

Chúng tôi đạt trình độ quốc tế về công nghiệp nguyên tử, hoặc trong lĩnh vực du hành vũ trụ. Trong lĩnh vực phát triển về công nghệ thông tin (IT) của Nga cũng có những chuyên gia xuất sắc…

Và họ ước  muốn sản xuất các chương trình phần mềm cho các tập đoàn IT toàn cầu như Microsoft hay Apple?

Đúng vậy, nhưng không phải chỉ có thế. Những chuyên gia này có ý tưởng riêng và chúng tôi phải biết phát hiện, khuyến khích và giúp đỡ họ vươn lên. Ngoài ra còn các ngành như công nghệ sinh học hay công nghệ nano. Trong tương lai đó là những ngành mũi nhọn, nước nào cũng phải đầu tư vào các lĩnh vực đó nếu muốn phát triển, chúng tôi cũng vậy. Một vấn đề cần ưu tiên đó là nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Chúng tôi được thiên thiên ưu đãi cho một nguồn dự trữ tài nguyên khổng lồ và chúng tôi đang quá phung phí nguồn tài nguyên đó.

Hiện giá dầu mỏ, khí đốt đang tăng và nước Nga tồn tại được trong nhiều năm qua chính là nhờ nguồn xuất khẩu béo bở này. Ông có sợ những nguồn tài nguyên phong phú đang tuôn trào đó sẽ kìm hãm động cơ phát minh, sáng chế, đổi mới ở Nga  không?

Tại sao ông lại nghĩ như thế? Nếu ngân sách, tiền bạc dư giả thì chúng tôi có nhiều phương tiện để  tấn công mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực phát minh, sáng chế.

Các nước giàu có tài nguyên thường lâm vào tình trạng trì trệ  và thích chia chác tiền tỷ thu được từ xuất khẩu dầu mỏ hơn là tập trung vào nghiên cứu sáng tạo,  đổi mới.

Sau này quý vị có thể truy hỏi, liệu Nhà nước có đầu tư tiền của một cách đúng đắn hay không. Nhưng đó không phải là nhiệm vụ của tôi. Còn đối với Skolkovo thì đây là một quyết định, chúng tôi  phải xây dựng bằng được một Trung tâm sáng tạo, đổi mới. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, dự án này nhất định sẽ thành công.

Cho đến nay Skolkovo chỉ là một cái làng ở ngoại ô phía Tây Moscow với những đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ. Tại sao lại chọn nơi đây để xây dựng một Trung tâm sáng tạo của nước Nga?

Hiện ở  Skolkovo  đã có một trường kinh doanh (Business School). Điều này khá quan trọng bởi vì chúng tôi muốn tạo ra sự gắn kết giữa kinh tế và nghiên cứu. Tóm lại chúng tôi muốn tạo một môi trường tối ưu cho các doanh nghiệp muốn phát triển, đổi mới một cái gì đó.

Vậy các vị có thể làm gì để giúp họ?

Chúng tôi giúp các doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc vì các quy định hành chính rườm rà, quan liêu không cần thiết, thí dụ việc đăng ký về số nhân viên nước ngoài.

Có nghĩa là người nước ngoài có thể tới nước Nga mà không cần thị thực?

Tiếc rằng tôi không có quyền quyết định về chuyện này, vấn đề thị thực là một phần của chính sách đối ngoại. Nhưng đối với  Skolkovo chúng tôi đã có một thỏa thuận với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thủ tục nhập cảnh được đơn giản hóa tối đa.

Các vị có dự kiến giảm thuế?

Chúng tôi muốn tạo lợi thế đáng kể đối với các nhà đầu tư vào Skolkovo. Phần lớn các sắc thuế sẽ bằng 0 và mức đóng góp cho xã hội giảm gần 50%, chỉ còn 14%. Ngoài ra thủ tục thuế sẽ được đơn giản hóa tối đa. Ai muốn sử dụng trang thiết bị của nước ngoài để xây dựng các phòng thí nghiệm sẽ được nhập khẩu dễ dàng nhất.

Vậy sao chỉ thực hiện điều đó với Skolkovo mà không triển khai trên khắp nước Nga?

Nga là một Nhà nước khổng lồ, tôi không thể trả lời chung cho cả nước. Skolkowo là một địa bàn thí điểm, để từ đây rút ra những bài học làm thế nào đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, từ đó áp dụng những kinh nghiệm ở đây vào các dự án khác trong cả nước. Skolkovo sẽ không đạt kết quả gì cả nếu nó chỉ là một ốc đảo và phần còn lại của đất nước tiếp tục diễn ra như hiện nay.

Ông muốn đề cập tới tình trạng tham nhũng tràn lan tương đương 1/5 năng lực kinh tế của nước Nga?

Tham nhũng đang là một vấn nạn lớn đối với nền kinh tế của chúng tôi cũng như tệ nạn quan liêu tràn lan ở Nga. Chúng tôi phải kiên quyết chống các vấn nạn này điều mà Chính phủ chúng tôi đang thực hiện.

Cho đến nay chỉ có các tập đoàn lớn như Siemens, Nokia hay Cisco bày tỏ nguyện vọng muốn tới Skolkovo. Các vị không trông cậy vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ,  trong khi ở các nước khác chính các doanh nghiệp này mới là lực lượng có nhiều sức sáng tạo và đổi mới?

Không phải thế, chúng tôi rất cần sự có mặt của họ ở đây. Sự có mặt của các tập đoàn lớn sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ hơn dễ bề phát triển. Các doanh nghiệp lớn đóng vai trò thu mua sản phẩm  hoặc hỗ trợ với tư cách là nhà tư vấn.

Một số nhà đầu tư phương Tây đã có kinh nghiệm xấu ở Nga. Như tập đoàn dầu mỏ khổng lồ BP của Anh năm 2008 nhất quyết đòi bán 50% cổ phần của mình ở tập đoàn TNK-BP đứng hàng thứ 3 nước Nga.

Đó là chuyện cũ từ lâu rồi!

Chủ tịch TNK-BP khi đó là Robert Dudley. Hiện nay ông ta là Chủ tịch HĐQT tập đoàn BP. Hồi đó ông ấy đã phải cao chạy xa bay vì bị cơ quan thuế của Nga truy đuổi. Ông có thể làm gì để những chuyện như vậy không tái diễn ở Skolkovo?

Chúng tôi là cổ đông của TNK-BP có quan điểm khác với đối tác BP của Anh. Điều này liên quan đến chiến lược của doanh nghiệp. Nhưng đó là chuyện cũ đã giải quyết xong lâu rồi. Hiện nay TNK-BP là một trong những tập đoàn dầu mỏ làm ăn thành công nhất trên thế giới.

Ông là người kế nhiệm ông Dudley tại tập đoàn TNK-BP, đồng thời tham gia xây dựng Skolkovo. Ông có thể kiêm nhiệm hai nhiệm vụ này bao nhiêu lâu nữa?

Từ năm tới tôi tập trung toàn bộ sức lực vào việc xây dựng  Skolkovo và thôi công việc ở TNK-BP.

Cạnh đó ông còn là đại cổ đông của hãng công nghệ Oerlikon và Sulzer của Thụy Sĩ. Hai tập đoàn này có lợi lộc gì không khi ông tham gia với các tập đoàn đó?

Tất nhiên. Nhờ có sự gia nhập của chúng tôi nên hai doanh nghiệp này mới có thể tiếp cận thị trường rộng lớn của nước Nga. Trước đó họ không thể có mặt ở thị trường này. Oerlikon đã cung cấp thiết bị để xây dựng nhà máy chế tạo tế bào pin Mặt trời đầu tiên ở Nga, và  Sulzer cũng đang mở rộng hoạt động của mình tại thị trường Nga.

Ông có cảm thấy khó chịu khi ở khắp nơi trên thế giới người ta gọi những người Nga siêu giàu như ông một cách miệt thị là trọc phú (tạm dịch từ khái niệm Oligarch) chứ không coi các vị là các nhà đầu tư như ở phương Tây?

Bản thân tôi cũng không biết chính xác khái niệm đó nghĩa là gì. Nhưng ông có lý và đúng là, đôi khi Oligarch còn bị coi như là một lời chửi rủa.

Ông có ngạc nhiên vì chuyện đó không?

Nguyên do có lẽ là từ thời tư nhân hóa tài sản của nhân dân Liên Xô trong những năm 1990.

Hồi đó có một số người trong bộ máy chính quyền Liên Xô hoặc các nhà doanh nghiệp mới khởi nghiệp đã phất rất nhanh trong khi phần lớn người dân lâm vào cảnh bần hàn.

Xét cho cùng thì vấn đề này lại là một chuyện khác, đó là mối quan hệ giữa các nhà doanh nghiệp thành đạt và những người khác, trong thực tế họ thường là những người rất giàu có. Nếu ở Mỹ thì những người này được tôn vinh là những ngôi sao và là niềm tự hào của quốc gia. Ở các nền Dân chủ xã hội châu Âu thì họ là khuôn mẫu nhưng ở nước Nga thì những doanh nhân giàu có bị coi là mặt trái của xã hội.

Gần một nửa số người tốt nghiệp đại học ở Nga muốn làm  viên chức Nhà nước. Đất nước ông làm sao có thể trở thành một quốc gia giàu sức sáng tạo và đổi mới khi chẳng mấy ai dám làm nhà doanh nghiệp?

Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ dần dần thay đổi. Ông hãy xem, cách đây ít tuần doanh nghiệp Internet Mail.ru ở London đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Những người thành lập doanh nghiệp đã mua cổ phần của mạng xã hội Facebook. Sau đó họ mạnh dạn niêm yết trên thị trường chứng khoán và chỉ sau một đêm trở thành tỷ phú, vì thị trường chấp nhận ý tưởng của họ, trong tương lai sẽ có nhiều những ví dụ như thế này. Và tôi  hy vọng rằng trong số đó sẽ có doanh nghiệp này hoặc doanh nghiệp kia ở  Skolkovo.              

Xuân Hoài   (Theo Tuần Kinh tế Đức 12/2010)

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)