Xây lò phản ứng hạt nhân 15 MW ở đâu?
Lò phản ứng hạt nhân là một thiết bị khoa học công nghệ quan trọng, đắt đỏ và cũng tiềm tàng mối nguy hiểm. Do nó nguy hiểm nên tuỳ theo mức độ nguy hiểm (thường phụ thuộc mức công suất lò) người ta thường chọn nơi xây dựng lò phản ứng có khoảng cách phù hợp đối với những vùng động dân cư để giảm thiểu hậu quả khi có sự cố xảy ra. Nhưng vì lò phản ứng là thiết bị khoa học và công nghệ quan trọng và đắt đỏ nên yếu tố hiệu quả cũng phải thật sự được quan tâm.
Lò phản ứng có thể dùng vào việc gì? Câu trả lời ngắn là dùng để nghiên cứu, đào tạo và triển khai các dịch vụ ra thị trường.
Một lò phản ứng công suất nhỏ như ở Đà Lạt hiện nay ít nguy hiểm nhưng chỉ phù hợp với đào tạo, nghiên cứu còn khả năng triển khai các dịch vụ chỉ ở mức thấp. Với việc xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân có lò phản ứng công suất 15 MW, thì công tác nghiên cứu và triển khai dịch vụ có nhiều ưu thế, nhưng mối nguy lớn hơn và đặc biệt là đắt hơn rất nhiều cả về tiền đầu tư và chi phí vận hành.
Xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu 15 MW sẽ tốn 300-400 triệu đô la, mỗi năm sẽ đốt khoảng 3-5 triệu đô la nhiên liệu chưa kể các chi phí khác. Chưa tính vốn, chỉ lãi suất (thương mại) 5-7% và các chi phí vận hành mỗi năm ngân sách phải chi đến vài chục triệu đô la, một số tiền rất lớn so với chi phí cho lò Đà Lạt hiện nay.
Lựa chọn vị trí lò phản ứng 15 MW
Để lò phản ứng nghiên cứu phát huy hết khả năng của nó việc lựa chọn vị trí là rất quan trọng.
Trước hết nó phải gần hoặc dễ dàng kết nối giao thông với những khu công nghiệp, trung tâm khoa học kỹ thuật, đại học lớn… Lý do vì đó là khách hàng mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ và là những nguồn lực khai thác lò phản ứng. (Một lò phản ứng công suất 15 MW có thể sử dụng để sản xuất chất đồng vị phóng xạ cho hàng chục nước có qui mô thị trường như Việt Nam, cần phải nghĩ đến khả năng xuất khẩu). Nếu không tạo điều kiện dễ dàng cho các bộ phận R&D của các hãng công nghiệp, các nhóm nghiên cứu từ các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học thì lực lượng nào sẽ khai thác lò phản ứng?
Xây dựng lò phản ứng cách xa các trung tâm có nhiều đường bay quốc tế thì liệu có thể triển khai một cách hiệu quả?
Không ai có thể phủ nhận, chất lượng nguồn nhân lực tốt nhất hiện nay của đất nước nằm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. An toàn trong quản lý vận hành, hiệu quả trong khai thác lò phản ứng phụ thuộc vào năng lực cán bộ. Nếu vị trí xây dựng lò phản ứng quá xa hoặc không thuận tiện giao thông sẽ giảm khả năng thu hút nhân lực.
Có người nói nên đặt lò phản ứng mới ở Đà Lạt để tận dụng nhân lực sẵn có ở Viện NCHN. Xin thưa rằng, thời gian hoạt động 50-60 năm của một LPƯ cần một lượng nhân lực lớn trong tương lai chứ không chỉ dựa vào số nhân lực hiện có của Viện NCHN. Thêm nữa, có thể chuyển nhân lực từ Đà Lạt về Thành phố Hồ Chí Minh chứ không thể chuyển Thành phố Hồ chí Minh (với những lợi thế của nó) đến gần lò phản ứng ở Đà Lạt! Ngoài ra, việc vận chuyển hàng chục ngàn tấn vật tư, thiết bị từ các cảng biển lên cao nguyên rồi vào vùng sâu sẽ ngốn một khoản chi phí lớn làm đội giá đầu tư. Đó là chưa kể hệ thống giao thông không thuận lợi có thể góp phần kéo dài tiến độ.
Cùng với việc tìm vị trí để xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu mới sao cho hiệu quả là một việc quan trọng, cần được thực hiện một cách nghiêm túc, nhiều cán bộ ở Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho rằng một số vấn đề khác như: Đã nên xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu mới chưa?; Xây lò như thế nào?; Nên hợp tác với nước nào để xây lò;…cũng phải cần được mổ xẻ thật sự để đem lại lợi ích tối đa cho đất nước.