Xét duyệt chức danh Giáo sư, Phó giáo sư: Gánh nặng thủ tục hành chính
Theo thống kê của văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước1, năm 2009 có 1167 hồ sơ đăng ký xét chức danh, nhưng chỉ có 706 người được công nhận chức danh GS/PGS, khi bổ nhiệm chỉ còn 670. Như vậy trung bình 2 người làm hồ sơ năm 2009 chỉ được 1 người, và áp lực để đạt chức danh GS/PGS đôi khi còn nặng nề hơn áp lực phải thi đỗ đại học của các thí sinh, và đã có ứng viên không đạt chức danh GS/PGS phải xin từ chức, có ứng viên bị cách chức, bị kỷ luật, rồi khiếu kiện lung tung . . . Làm gì để giảm bớt thủ tục hành chính và tìm được đúng người để trao danh hiệu GS/PGS cao quí này?
1. Chồng chéo 2 Hội đồng chức danh GS
Theo quyết định 174/2008/ QĐ-TTg2, để được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS, trước khi hồ sơ ứng viên đến được Hội đồng chức danh GS Nhà nước, hồ sơ ứng cử viên phải trải qua 2 cấp: Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở và Hội đồng chức danh (HĐCD) giáo sư ngành, liên ngành với thành phần hồ sơ như nhau, và cùng một thủ tục: (Thẩm định độc lập của 03 GS/PGS trong Hội đồng; Trao đổi đánh giá hồ sơ công khai; Nghe ứng cử viên báo cáo; Kiểm tra ngoại ngữ; Thảo luận thông qua danh sách lấy phiếu tín nhiệm; Biểu quyết phiếu kín). Việc tồn tại 2 cấp Hội đồng này là bất hợp lý vì:
1. Đa số các trường đại học hiện nay đào tạo đa ngành đa lĩnh vực nên các thành viên trong Hội đồng chức danh GS cơ sở giáo dục đại học cũng đa ngành. Ví dụ Hội đồng chức danh GS cơ sở Đại học Huế gồm 17 thành viên đại diện cho 17 ngành đào tạo khác nhau: Y học, nông nghiệp, âm nhạc, kinh tế, mỹ thuật, địa lý, toán, lý hóa. . . vv . Do đó việc đánh giá ứng viên có chuyên ngành khác chuyên ngành của các thành viên trong hội đồng sẽ không chính xác . Ví dụ thành viên Hội đồng cơ sở là GS ngành Văn thì không thể bỏ phiếu đánh giá chính xác ứng viên ngành Toán khi trình bày báo cáo.
2. Trường hợp cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên ngành hẹp, như hội đồng chức danh cơ sở Viện Vật lý, Viện Toán học…, các thành viên trong HĐCD GS đều có cùng chuyên ngành với ứng viên, trong trường hợp này các thành viên Hội đồng chức danh cơ sở có chuyên môn trùng các thành viên hội đồng ngành. Do đó thừa một hội đồng không cần thiết.
3. Việc tồn tại 2 hội đồng này gây tốn kém cho ứng viên. Các ứng viên thuộc phân viện Đại học các tỉnh phía Nam, phải ít nhất 3 lần bay ra Hà Nội: lần đầu ra nộp hồ sơ ở HĐCD cấp cơ sở, lần 2 ra báo cáo tổng quan ở HĐCD cấp cơ sở, lần 3 ra báo cáo Hội đồng cấp ngành. . . .
Nếu giảm đi một cấp Hội đồng sẽ cho phép tiết kiệm nhân lực, thời gian của các ứng cử viên, các nhà khoa học, nhà quản lý, đồng thời làm giảm gánh nặng hồ sơ. Hợp nhất Hội đồng CDGS cơ sở và Hội đồng CDGS ngành/ liên ngành, sẽ cho phép một mặt tránh sự trùng lắp không cần thiết, gắn giáo sư với cơ sở đào tạo, mặt khác vừa đánh giá chuẩn xác nhất hồ sơ của ứng cử viên. 4
2. Xét chức danh GS/PGS cồng kềnh như hồ sơ đấu thầu xây dựng
Điều 12 chương 2 của Theo thông tư 16/209/TT-BGDĐT – gọi tắt là thông tư 16 3 ghi rõ:
1. Mỗi bộ hồ sơ xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đóng thành 2 tập. Tập I gồm các tài liệu quy định từ khoản 1 đến khoản 11 Điều 11 của Thông tư này. Tập II gồm các bản chụp bài báo khoa học đã được công bố, sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản quy định tại khoản 12 Điều 11 của Thông tư này.
2. Ứng viên tự đánh giá chất lượng khoa học các bài báo khoa học đã được công bố, sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản và xếp theo trật tự từ cao xuống thấp và theo từng loại công trình, không xếp theo thứ tự thời gian.
3. Hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS được làm thành 3 bộ như nhau, in trên giấy khổ A4, đóng bìa, có mục lục và đánh số trang. Ngoài bìa mỗi bộ hồ sơ và bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS phải ghi rõ ngành, chuyên ngành, tên HĐCDGS đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS hoặc PGS.
4. Ứng viên phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và các văn bản sao chụp. Khi cần thiết, HĐCDGS Nhà nước, HĐCDGS ngành, liên ngành, HĐCDGS cơ sở có thể yêu cầu ứng viên nộp bản chính hoặc tài liệu gốc các giấy tờ, văn bản trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để đối chiếu.
Theo khoản 1 trên, bản chụp toàn bộ công trình sẽ gây nặng nề, tốn kém, lãng phí trong việc chuẩn bị hồ sơ GS/PGS. Đặc biệt đối với các ứng cử viên trong lĩnh vực khoa học xã hội – vốn có rất nhiều sách, báo và việc phải chụp toàn bộ các công trình, rồi đóng thành 3 bộ hồ sơ trên giấy A4 sẽ làm cho hồ sơ xét phong học hàm cồng kềnh vô cùng. Cũng không thể biện minh việc phải có bản chụp toàn bộ sách, công trình nghiên cứu để nhằm kiểm tra tính chân thực của các công trình khoa học, bởi nếu có, đây cũng chỉ là bản sao, vả lại đã có quy định tại khoản 4, Điều 12 Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17/07/2009 về trách nhiệm của ứng viên.
Tác giả đã chứng kiến cảnh một ứng viên từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đến sân bay Nội Bài phải thuê Taxi tải chở hàng để chuyên chở đống hồ sơ. Bởi lẽ hồ sơ sao chụp bài báo chỉ chiếm một Va li, nhưng toàn bộ các Kỷ yếu khoa học nguyên bản, các cuốn sách gốc, các tạp chí khoa học có bài của ứng viên… cũng phải đem theo để khi cần hội đồng đối chứng như khoản 4 điều 12 thông tư 16… Trong lịch sử xét chức danh GS/PGS có ứng viên phải xét đến lần thứ 8 mới đạt chức danh GS/PGS, còn trung bình mỗi ứng viên phải thực hiện 1,8 lần xét mới đạt chức danh này. Mỗi lần làm lại, cái điệp khúc chuẩn bị hồ sơ lại diễn ra như thuở ban đầu. Như vậy để hoàn tất các khoản trong điều 12 thông tư 16, các ứng viên phải tiến hành một khối lượng công việc sao chụp “hoành tráng” với thời gian và công sức không thể tính được.
Đến văn phòng Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đặt tại tầng 7 thư viên Tạ Quang Bửu – Đại học Bách Khoa Hà Nội, người ta dễ dàng nhìn thấy từng đống hồ sơ của các ứng viên chất đầy trong các phòng ốc rất sang trọng, với hệ thống điều hòa hai chiều hiện đại để bảo quản giống như nhà kho. Trong thời đại ngành công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, Hội đồng chức danh GSNN đặt ngay tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi lực luợng chuyên công nghệ thông tin mạnh nhất Việt Nam, nhưng việc ứng dụng nó trong quản lý hồ sơ xét chức danh vẫn như những năm 80 của thế kỷ trước là điều hết sức khó hiểu? |
Thực ra nếu để xác định xem ứng cử viên có thực sự là tác giả của công trình hay không thì có thể công khai hồ sơ ứng cử viên lên mạng5. Các ứng viên chỉ cần scan (quét) các bài báo, công trình, giấy tờ lưu vào máy tính đồng thời gửi đĩa CD toàn bộ hồ sơ của ứng viên cho Hội đồng, trong đó có các bài báo khoa học đã được công bố, sách phục vụ đào tạo đã được xuất bản… Khi đó chỉ cần một động tác nhỏ trên máy tính các GS/PGS phản biện có thể nhận được toàn bộ hồ sơ của ứng viên. Hồ sơ lưu trên máy tính là vĩnh cửu không sợ thất lạc mất mát hư hỏng. Nếu không áp dụng biện pháp này, chỉ 3 phản biện được đọc hồ sơ của ứng viên, còn các thành viên khác chẳng qua là “nghị gật” trong các cuộc họp. Nếu ứng viên là “người nhà” của Chủ tịch và thư ký Hội đồng ngành, ứng viên đó hoàn toàn biết được 03 người phản biện, do đó rất dễ để “tiếp cận” và “dàn xếp” điểm khi chấm hồ sơ. Khi áp dụng công nghệ mới thì Hội đồng các cấp không chỉ 3 phản biện nhận được hồ sơ của ứng viên mà tất cả các thành viên trong hội đồng đều nhận được hồ sơ của các ứng viên để nghiên cứu trước khi tranh luận công khai trước hội đồng hoặc bỏ phiếu. Nếu công khai hồ sơ xét chức danh GS/PGS trên mạng, những nhà khoa học cùng chuyên ngành (nhưng không trong hội đồng) cũng có thể tham gia góp ý cùng hội đồng loại bỏ những ứng viên không trung thực, những ứng viên không làm khoa học mà đứng tên người khác.
3. Rắc rối chuyện Bổ nhiệm chức danh GS/PGS
Tại khoản 1, Điều 3 Quyết định số 174 quy định: “Thủ tục bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư bao gồm công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư và việc bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”. Theo đó, bổ nhiệm chức danh GS/PGS là bước thứ hai, là kết quả tất yếu sau bước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS. Tuy nhiên, cũng tại các Điều từ 11-17 Chương III quyết định 174 lại quy định thủ tục“công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS” và thủ tục “Bổ nhiệm chức danh GS/PGS” là 2 thủ tục độc lập, trong vòng 2 năm kể từ khi có quyết định công nhận mà không được bổ nhiệm thì cá nhân lại phải thực hiện bước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS như một quy trình mới. Việc quy định như vậy là không hợp lý bởi lẽ: nếu chỉ thực hiện bước 1 (xét công nhận chức danh) mà không thực có được kết quả bước 2 (quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS) thì coi như không đạt được mục đích vì không có được kết quả thực hiện cuối cùng. Đợt xét chức danh năm 2009, tháng 5/2009 nộp hồ sơ nhưng đến tháng 5/2010 mới hoàn thành bổ nhiệm, có ứng viên phải ‘chạy” đến 5 trường đại học mới được bổ nhiệm 6, tạo nên hình ảnh rất phản cảm về trí thức Việt Nam.
Nếu cho rằng việc Bộ trưởng bổ nhiệm GS/PGS là nhằm mục đích gắn GS/PGS với công việc giảng dạy tại cơ sở đào tạo (CSĐT) (bởi vì chỉ dựa trên đề nghị của CSĐT thì Bộ trưởng mới ra quyết định bổ nhiệm), để tránh các trường hợp GS không thực hiện nhiệm vụ – thì mục đích của thủ tục này đã thực hiện được bởi thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS đều xuất phát từ nhu cầu phát triển giáo dục. Ứng viên dù có nhiều công trình khoa học, có đủ các tiêu chí trở thành GS/PGS nhưng cơ sở giáo dục đại học đó không có nhu cầu sử dụng thì sẽ không được đề nghị lên Hội đồng cấp trên xét.
Để có được kết quả công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS, cơ sở giáo dục, tổ chức và cá nhân phải thực hiện quy trình rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Các ứng viên đăng ký đã phải tốn rất nhiều thời gian, công sức cho việc lập hồ sơ, đã phải trải qua nhiều bước kiểm tra để có được kết quả là được công nhận đạt kết quả tiêu chuẩn. Vì vậy việc ra quyết định bổ nhiệm chức danh GS/PGS phải được coi là bước thực hiện tiếp theo và được xem là kết quả cuối cùng của việc hoàn tất thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn công nhận và bổ nhiệm chức danh GS/PGS nhằm đơn giản hóa quy trình và các thủ tục hành chính không cần thiết.
***
GS/PGS là chức danh khoa học cao nhất của nhà giáo, do đó việc xét phong tặng chức danh này cần phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, khoa học nhất, nhưng không nên lợi dụng yêu cầu này để tạo ra những thủ tục hành chính rườm rà làm nản lòng các nhà giáo, các nhà khoa học. Hãy để họ có thời gian chuyên tâm vào giảng dạy thay vì phải sa đà mất thời gian công sức vào các thủ tục phiền hà bấy lâu nay.
———-
Tài liệu tham khảo
1. Đỗ Tất Ngọc – Chánh văn phòng Hội đồng chức danh GSNN :”Về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009” Báo giáo dục thời đại ngày 27/01/2010.
2. Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư-
3. Thông tư 16/2009/TT- BGDĐT ngày 17/07/2009 quy định chi tiết việc xét công nhận, hủy bỏ công nhận đạt tiêu chuẩn,bổ nhiệm, miễn nhiệm chức …
4. Tài liệu Hội thảo: “Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính” ngày 05/07/2010 của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ
5. http://www.hdcdgsnn.gov.vn/
6. Hạ Anh: “Hành trình chạy xin việc của một phó giáo sư”- Bài trên Vietnamnet ngày 06/05/2010