Đón đọc Tia Sáng số 11 tháng 6/2024
Sau những cuộc “bão não” trao đổi trong nội bộ ê kíp cũng như trao đổi với các cộng tác viên, các ý tưởng đã vào khuôn dạng hình hài của một ấn phẩm 60 trang.
Ấn phẩm này sẽ nói với chúng ta điều gì?
Quả thật, có quá nhiều vấn đề có thể bàn tới về xã hội hôm nay nhưng giữa vô vàn vấn đề đó, Tia Sáng chỉ lựa ra một số chủ đề mà chúng ta có thể đọc sâu, đọc kỹ và tìm ra cái mới, cái hiểu cho chính mình.
Chúng ta sống trong một đất nước có quá nhiều điều kiện thiên nhiên ưu đãi và lấy đó làm cơ hội phát triển các cây công nghiệp như cà phê, cao su, ca cao, điều, hạt tiêu, những cây trồng thuộc câu lạc bộ xuất khẩu tỉ đô. Đặc biệt, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và 60% cà phê Việt Nam là cung cấp cho thị trường châu Âu. Dòng chảy đó, diễn ra trong nhiều năm, giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị nghẽn lại trước quy định mới về truy xuất nguồn gốc của châu Âu (EUDR), quy định không chấp nhận sản phẩm trồng trọt trên đất phá rừng.
Nút thắt của các dòng chảy cao su hay cà phê của Việt Nam là ở chỗ, chuỗi giá trị của chúng được hình thành trên rất nhiều công đoạn khác nhau, có nhiều bên tham gia. Sự phức tạp của chuỗi giá trị này nằm ở chỗ các nông hộ nhỏ mới là người gồng gánh nhiều diện tích trồng cũng như sản lượng, và họ phụ thuộc rất nhiều vào trung gian – “Một điểm chung lớn nhất cho chuỗi hoạt động buôn bán cà phê là không ai trong số các thương lái số hóa hồ sơ buôn bán và thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc”.
Vậy tương lai của câu lạc bộ tỉ đô trên thị trường EU sẽ ra sao? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta có thể đọc “Cà phê Việt Nam: Giải pháp vượt qua ‘hàng rào’ EUDR” (Huệ Trần, Ivan Hahardika, Ketan Patel), “Cái giá của cao su tiểu điền” (Thanh Nhàn) để hình dung ra toàn bộ câu chuyện của cà phê và cao su và dò về gốc tích lịch sử của chúng.
Dẫu không thuộc về nhóm xuất khẩu nhưng bất động sản cũng là lĩnh vực sinh lời “nơi tạo ra nhiều việc làm cho hơn 4,8 triệu lao động (chiếm 9,9% tỷ lệ lao động cả nước năm 2021), phát triển cơ sở hạ tầng từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế”. Câu chuyện nhà đất – bất động sản luôn có sức hấp dẫn bởi nó không chỉ là mặt hàng sinh lời “lãi mẹ đẻ lãi con” của các đại gia mà còn liên quan đến mơ ước của hàng triệu triệu người, thậm chí cả số phận và tương lai của họ. Giờ thì “Các doanh nghiệp địa ốc đang loay hoay trong một vòng luẩn quẩn: phải vay vốn với lãi suất cao và tăng giá bán căn hộ để đủ tiền cho các dự án chưa hoàn thiện nhưng càng tăng giá lại càng ít người mua và càng nhiều hàng tồn kho”.
Liệu có nên “giải cứu” đại gia khi thị trường bất động sản ế ẩm? Qua “Giải cứu bất động sản: Một bài toán khó”, Trần Hùng Sơn, Hồ Hữu Tín, hai nhà nghiên cứu trường ĐH Kinh tế- Luật (ĐHQG TPHCM), sẽ lý giải cho chúng ta cái khó của thị trường đặc biệt này.
Những câu chuyện khiến người ta cảm thấy trĩu nặng bởi cái thực tế trần trụi, thực tế không thể làm ngơ nhưng cũng có những câu chuyện khiến người ta cười ra nước mắt. “Những từ ngữ thời thượng” của giáo sư Pierre Darriulat mở ra cho chúng ta thấy cái nhìn rộng lớn hơn về các cụm từ đầu lưỡi, các khái niệm quen tai mà chúng ta vẫn thường sử dụng mà đôi khi không mấy hiểu về ý nghĩa của chúng. “Nếu muốn được người khác lắng nghe mình, biết dùng những từ hợp thời như ‘bền vững’, ‘khử carbon’, ‘xanh’, ‘đổi mới sáng tạo’, ‘AI’, số hóa’, ‘nano’, ‘sạch’, ‘thông minh’ là yêu cầu bắt buộc. Rất thườngxuyên, nó khiến người ta cảm thấy hài lòng hơn là bị kích động”.
Trong số báo này, ngoài các chủ đề trên, còn có đủ chỗ cho những người mong muốn khám phá cái mới và cái đẹp: “Thương mại hoá nghiên cứu khoa học: Cần sự kiên trì, bền bỉ” (Nguyễn Đặng Tuấn Minh); “Robot tích hợp AI: Bao giờ thành hiện thực?” (Bảo Như lược thuật); “Nguồn gốc từ ‘thuật toán’” (Nguyễn Hoàng Thạch dịch); “Quấy rối tình dục ở nơi làm việc: Không chỉ dừng lại ở luật pháp” (Nguyễn Đình Đức); “Di sản đầy tranh cãi của Kapuscinski” (Tô Vân); “AI nói thật hay nói dối?” (Anh Vũ tổng hợp); “Nổi tiếng chỉ vì nổi tiếng” (Thùy Cốm); “Marguerite Duras và cái chết của ruồi” (Hiền Trang); “Cello và chim sơn ca” (Ngọc Anh dịch).
Vậy tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng và nhâm nhi câu nói của Albert Einstein “Đời cũng như lái một cái xe đạp. Để giữ thăng bằng, bạn phải chuyển động”.
BBT Tia Sáng
———————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh