Đón đọc Tia Sáng số 13 tháng 6/2022
Giữa không gian và thời gian ngổn ngang và đan cài những sự kiện khác nhau, thật khó để định hình được cách tiếp cận đúng đắn về những vấn đề hiện hữu trong xã hội. Chỉ một chút sai lầm hoặc bất cẩn là ta có thể dễ dàng bị lạc lối trong rậm rịt những thiên kiến giăng mắc khắp nơi.
Thật may là chúng ta có khoa học dẫn đường. Với một cách nhìn đúng đắn dựa trên hiểu biết mà khoa học mang lại, chúng ta có thể nhìn thấu những gì còn mờ mịt phía trước và phân định những gì còn rắc rối xung quanh. Đó là những gì chúng tôi muốn gửi gắm qua số báo này.
Có thể vậy ư? Nếu ai đó muốn đặt câu hỏi, hãy thử đọc “Chuyển đổi điện năng của Việt Nam: Ai sẽ chi trả ?” (Minh-Hà Dương). Trong kỳ 1 của loạt bài này, bạn đọc có thể phần nào trả lời được câu hỏi “Tiền đâu để Việt Nam có thể chi trả cho việc phát triển hệ thống điện bắt kịp sự phát triển kinh tế? Và liệu có cách nào để các tập đoàn nhà nước tự chủ tài chính mà không tăng giá điện trung bình trên mỗi người dân không?”. Câu chuyện khủng hoảng năng lượng trên thế giới và việc phải đáp ứng được mục tiêu giảm phát thải khiến Việt Nam đang phải trông chờ vào điện tái tạo. Tuy nhiên có một thực tế là do mức giá điện mặt trời và điện gió được nâng lên để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đã khiến EVN đang phải đối diện với bài toán về giá thành: giá bán lẻ đầu ra thấp hơn cả giá mua vào. “Một công ty không thể sống sót trong dài hạn nếu nó bán lẻ còn rẻ hơn là mua buôn!”.
Nỗi oan khiên về giá điện của EVN còn được bồi thêm bằng thực tại “Cho tới năm 2022, vấn đề chuyển tải điện là cấp bách nhất: quá nhiều cánh đồng điện mặt trời và gió phải giảm công suất vì lưới điện không thể truyền tải tới khách hàng”. Theo phân tích của chuyên gia Minh-Hà Dương thì việc mà Việt Nam làm rất tốt trong thời gian qua là “huy động vốn tư nhân lắp đặt các nguồn điện tái tạo mới chỉ giải quyết được một nửa vấn đề. Phát triển một hệ thống điện đáng tin cậy cần nhiều hơn là việc xây dựng nhiều các cơ sở sản xuất điện tái tạo”.
Có rất nhiều vấn đề ẩn trong giá điện, dòng điện mà chúng ta sử dụng hằng ngày, nay được soi chiếu vào tận gốc rễ của vấn đề theo từng bước.
Khoa học giúp chúng ta tỏ tường nhiều vấn đề mà chúng ta đôi khi lơ đãng không nhận ra. Đó là câu chuyện của đất, của nơi chúng ta đặt từng bước chân và đặt cả tổ ấm của mình trên đó. Câu chuyện của Tia Sáng, dù khu trú ở Hà Nội hay các thành phố Đông Nam Á, cũng giúp chúng ta mở rộng được bức tranh về đất – nước và những chuyển động trong lòng nó. Đó không phải là đất của lợi ích “phân lô, bán nền” mà là của những hệ tầng địa chất, ẩn chứa những mạch ngầm quý báu mà sự sống trên bề mặt trái đất lệ thuộc vào. Rất nhiều những vấn đề phức tạp trong cơ chế sử dụng nguồn đất, nguồn nước mà chúng ta chỉ hiểu được từng phần theo thời gian trong khi rất nhiều thúc bách của cuộc sống đang dồn nén. Có thể, Hà Nội cũng như nhiều thành phố khác trên thế giới, đã vô tình bỏ qua những hệ lụy của nó như lún, biến dạng bề mặt đất, cạn kiệt nguồn nước ngầm, ngập lụt… Tuy nhiên, khi chưa hiểu biết đầy đủ thì những giải pháp cực đoan như chấm dứt khai thác nước ngầm cũng có thể dẫn đến hệ lụy khác.
Vậy có cách nào để sử dụng những nguồn tài nguyên này một cách bền vững? Với “Lún đất ở Hà Nội: Những mảnh ghép rời” và “Đông Nam Á: Lún và những bài học khác”, chúng ta có thể hiểu rằng, khoa học giúp chúng ta trân trọng hơn những kho báu mà Mẹ Thiên nhiên ban tặng.
Chưa bao giờ khoa học lại gần gũi với trong từng lĩnh vực của cuộc sống và gần gũi với nghệ thuật đến thế. Nó giúp đem lại những hiểu biết mới, không chỉ cho chúng ta cái nhìn thấu đáo hơn mà còn nhân văn và rộng mở hơn. Đó là lý do vì sao mà chúng ta cần đọc “Nông nghiệp sinh thái: Một triết lý sống” (Trần Đức Viên); “Đầu tư cho khoa học mở: Thay đổi các tiêu chí đánh giá khoa học” (Lê Trung Nghĩa); “Đa vũ trụ: Từ ‘vũ trụ học thuật’ tới ‘vũ trụ điện ảnh Marvel’” (Đỗ Quốc Tuấn); Thiên văn học Dải Gaza: Ngẩng đầu ngắm sao giữa trời bom đạn” (Nguyễn Bình dịch); “Thạch Chính Lệ và nguồn gốc COVID-19” (Kỳ cuối- Phạm Vĩnh Anh dịch); “Quyền riêng tư: Một phả hệ tư tưởng. Kỳ 2: Những trào lưu phê phán” (Huỳnh Thiên Tứ); “Chúa trên những rẻo cao” (Xuân Thạch); “A24- Kẻ từ chối khuôn mẫu của Hollywood và sáng tạo không ngưng nghỉ” (Lâm Lê); “Agatha Christie: Tình yêu khảo cổ dẫn lối cho…Án mạng trên sông Nile” (Anh Thư lược dịch); “Chopin, trái tim đẹp nhất” (Hiền Trang); “Teresa Berganza: Carmen của thế kỷ” (Ngọc Tú tổng hợp).
Và đó cũng là lý do thúc giục chúng ta cầm Tia Sáng lên để đọc và suy ngẫm.
——————————————-