Đón đọc Tia Sáng số 13 tháng 7/2023
Có lẽ, thật khó diễn tả hết những háo hức và hứng khởi của chúng tôi, khi đón nhận số báo mới. Trong những năm qua, hàng trăm lần cầm số báo mới trên tay, còn thơm mùi mực in, nhưng lần nào chúng tôi cũng cảm thấy nguyên vẹn những cảm xúc ấy.
Bởi chúng tôi đã nỗ lực như thế nào trong việc chuẩn bị nội dung và “hậu cần” cho những số báo ấy, với mong mỏi chúng mang nhiều điều hữu ích đến với độc giả.
Tại sao lại không nhỉ, khi số báo này tràn ngập những suy nghĩ và trăn trở về số phận/thân phận của con người giữa những thách thức của hiện tại và tương lai. Không dễ nhận diện được những trở ngại và thách thức ấy giữa muôn vàn dòng chảy trong xã hội, nhất là khi nó dễ bị khuất lấp trong những điều mà người ta vẫn cho rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Đó là câu chuyện của quản trị đất nước, từ cấp độ phát triển kinh tế ở tầm vĩ mô đến chính sách với con người. “Trước làn sóng AI và tự động hóa: Cơ hội nào cho Việt Nam?”, GS Phạm Hoàng Văn (ĐH Baylor) nêu những suy nghĩ của mình trước những câu hỏi không thể sát sườn hơn “Với Việt Nam, ảnh hưởng của làn sóng trí tuệ nhân tạo AI và tự động hóa tích cực hay tiêu cực? Lao động Việt Nam sẽ được bổ sung hay bị thay thế? Công nghệ mới sẽ hỗ trợ hoặc cản trở các ngành xuất khẩu và qua đó tăng trưởng của kinh tế Việt Nam?”. Chúng ta cũng băn khoăn như vậy khi những tiến bộ khủng khiếp của công nghệ đang ngày một xâm nhập đời sống con người. Nhưng có thật là công nghệ sẽ thay thế hoàn toàn con người? Phân tích ví dụ gần gũi về máy rút tiền ngân hàng tự động (ATM), GS Phạm Hoàng Văn nêu nỗi lo thuở ATM mới được áp dụng, nhiều tiên đoán là công nghệ này sẽ thay thế nhân viên ngân hàng và tiêu diệt việc làm đó. Nhưng theo thời gian, số nhân viên không giảm mà lại tăng vì chi phí hoạt động một chi nhánh nay thấp hơn, khiến ngân hàng có thể mở thêm chi nhánh. Anh cho rằng “Làn sóng AI và tự động hóa, qua cơ chế thị trường có khả năng tích cực cho các ngành xuất khẩu Việt Nam, tuy nhiên với điều kiện là lao động Việt Nam thích nghi và dùng công nghệ mới để nâng cao năng suất. Trong việc này, chính phủ, các đơn vị giáo dục cũng như phụ huynh cần tạo điều kiện cho dân chúng, nhất là học sinh và người trẻ tiếp cận với công nghệ mới”.
Ở cấp độ con người, ở đây là công chức nhà nước, “Chính sách khuyến khích cán bộ sáng tạo, đột phá: Để không trở thành cạm bẫy?” của Võ Thị Hải Minh đưa ra một góc nhìn nhận về dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung: “Cung cách quản lý theo đầu vào, quan liêu, áp đặt, không sát với thực tiễn, nhiều khi nhũng nhiễu nên gây cản trở cho người thực hiện nhiệm vụ. Điều đó đặt người thực hiện nhiệm vụ trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, làm đúng theo quy định thì nhiều khi không giải quyết được công việc, mà sáng tạo, vượt rào thì không an toàn cho người thực thi. Có thể nói đây là một dự thảo hành chính đầy thách thức, đặt cán bộ công chức trước những điều khó có thể đáp ứng”.
Câu chuyện quản trị đất nước, từ góc độ nào cũng liên quan chặt chẽ đến con người, số phận con người. “Dệt may Việt Nam: Khi đàn sếu bay đi” (Nguyễn Thị Xuân Thúy) vẽ ra một bức tranh hiện thực về dệt may Việt Nam, nơi không chỉ quy tụ vốn sản xuất kinh doanh trên 800 ngàn tỷ đồng mà còn là chỗ tạo việc làm cho hơn 1,7 triệu lao động, chủ yếu là lao động nữ. Phản chiếu trong bức tranh đó là “Thế bấp bênh của đời sống lao động nữ” (Nguyễn Phương Tú) khi “văn hóa làm việc tại các nhà máy hầu như không có sự cảm thông hay cân nhắc đến ‘trách nhiệm gia đình’ của phụ nữ, kể cả khi phụ nữ chiếm đại đa số nguồn nhân lực tại đây”.
Thân phận con người, giữa những biến động của quá khứ, cũng được nhìn nhận một cách thấu đáo. “Người kể chuyện của những hòa giải” (Xuân Thạch), khi điểm sách “Thương ngàn” của Vĩnh Quyền, nhắc đến “một tình thế đầy éo le, những võ tướng Tây Sơn đã phải chọn rừng làm chốn nương náu để chạy trốn cuộc trả thù tàn khốc của vua Gia Long mới lên ngôi và nuôi hy vọng về sự nghiệp quang phục một triều đại anh hùng vắn số”. Họ đã nhận được sự tiếp nhận và che chở của những người Kơ tu ở đây. “Trong tiểu thuyết của Vĩnh Quyền, những người ‘dân tộc thiểu số’ không phải là những kẻ lạc hậu và ‘chậm phát triển’, đối tượng của một sự che chở và dạy dỗ. Họ là người chủ của thế giới dưới những tán rừng, những con người bao dung và hiếu khách”.
Làm sao có thể nhắc đến con người mà lại bỏ qua lịch sử. Những gì chúng ta được hưởng ngày hôm nay đều được tiếp nhận từ lịch sử đã qua. Kỳ một của loạt bài “Yersin ở Việt Nam”, với tựa đề “Người chế ngự dịch hạch”, sẽ giúp chúng ta hình dung về khởi thủy của nền y học, thú y Việt Nam hiện đại từ nỗ lực của một con người phi thường: A. Yersin.
Trong số báo này, chúng ta sẽ còn được đọc những bài viết đáng chú ý khác: “MDRI – Mười năm gây dựng một tên tuổi” (Thu Quỳnh), “Định luật Moore: Cuộc cách mạng thầm lặng trên những con chip – kỳ 1 (Nguyễn Bá Ân); “Sự tương đồng giữa các giống loài: Mấu chốt của sự đa dạng” (Cao Hồng Chiến dịch); “Giới công nghệ bỏ quên khách hàng nữ như thế nào?” (Nhung Nhung dịch); “Một dạng vô hình do xã hội lập trình” (Nhung Nguyễn); “Bức tranh tường ở Pompeii vẽ bánh pizza 2.000 năm tuổi?” (Thanh Hương tổng hợp); “Những người hát rong Trung cổ: Quyền lực của tiếng cười” (Tô Vân tổng hợp); “Herbert von Karajan: Người lập cả đế chế âm nhạc” (Ngọc Tú).
Vậy thì tại sao chúng ta không cầm tờ Tia Sáng số này trên tay và thưởng thức?
BBT
—————————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh