Đón đọc Tia Sáng số 14 tháng 7/2023

Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta ở số báo mới này?

Có lẽ, câu hỏi này sẽ đặt ra khi chúng ta cầm số báo mới trên tay, khi nhìn vào ánh mắt đầy biểu cảm và cương quyết của một con người phi thường, Alexandre Yersin, người đã dành phần lớn cuộc đời của mình ở Việt Nam từ trăm năm trước và để lại toàn bộ di sản cho quê hương thứ hai này.

Sau chiến công lẫy lừng phát hiện ra nguyên nhân gây bệnh dịch hạch ở Hongkong, Yersin đã trở về Nha Trang lập phòng thí nghiệm vào năm 1895, tiền thân của Viện Pasteur Nha Trang. Trước đó, vào năm 1891, Albert Calmette, một ngự lâm quân khác của Loius Pasteur, đã khai trương Viện Pasteur Sài Gòn mà nay là Viện Pasteur TPHCM.

Sau cả trăm năm, chúng ta có thể đánh giá được đúng mức đóng góp của Yersin và Calmette. Nếu ở Sài Gòn Calmette nghiên cứu về nọc rắn và một số bệnh nhiệt đới khác thì Yersin nghiên cứu về các bệnh trên gia súc ở Nha Trang và sản xuất huyết thanh ở Trang trại Suối Dầu. Di sản họ để lại thật lớn lao, không chỉ ở những sản phẩm hiện hữu mà chúng ta có thể nhận biết như huyết thanh kháng nọc rắn, kháng bệnh dại, vaccine phòng lao BCG, các phương thức chữa bệnh cho người và vật nuôi khác, và cả Trang trại Suối Dầu mà còn là một nền tảng nghiên cứu và điều trị trong y học theo phương thức hiện đại. “Cả hai cơ sở Nha Trang và Sài Gòn đều có kết nối với Paris và điều hành theo cách mà ngày nay người ta vẫn gọi là ‘theo tiêu chuẩn quốc tế’. Khoa học không biên giới. Nền y học Việt Nam hiện đại thực sự bắt đầu từ đây, từ chính nỗ lực của những người đã xuất hiện ở mặt tiền khoa học. GS Jean Luc Durosoir, Tổng đại diện điều phối mạng lưới quốc tế các Viện Pasteur trên thế giới, đã tự hào ‘Yersin, cũng như Louis Pasteur, đều thuộc trào lưu tư tưởng khoa học đã mở đường cho y khoa hiện đại’”.

Quá khứ không mất đi, quá khứ hiện hữu ngay lúc này, ở khắp các hoạt động y học Việt Nam. Để hiểu thêm về điều đó, chúng ta tìm đọc phần tiếp theo của loạt bài dài kỳ “Yersin ở Việt Nam”, đó là “Alexandre Yersin: Người đặt nền móng cho y học Việt Nam hiện đại” và “Di sản của ‘ngài Viện trưởng’ Calmette”.

Từ quá khứ tới hiện tại và nhìn về tương lai, chúng ta thấy điều gì? Có rất nhiều vấn đề tồn tại ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ năng lượng, giáo dục đến nông nghiệp. Ở đây, nhìn vào những đợt cắt điện liên tục trong tháng 4, 5, 6 ở Hà Nội hay nhiều địa phương khác, TS. Thái Doãn Hoàng Cầu trong “Mất cân đối cung cầu điện: Đi tìm giải pháp” cho rằng có sáu vấn đề mà ngành năng lượng cần chú trọng giải quyết. Quan trọng nhất, theo quan điểm của anh, “muốn thực hiện được tất cả các giải pháp một cách hiệu quả về mặt kinh tế, cần cơ chế thị trường về giá bán điện… Ngành điện cần hoàn thiện thị trường bán buôn và khẩn trương thực hiện thị trường bán lẻ điện để giá điện có thể phản ánh quy luật cung – cầu và chi phí đầu vào thay đổi của kinh tế học”.

Một cơn sốt khác, cơn sốt ghi danh vào lớp 10 ở Hà Nội mùa tuyển sinh năm nay cho thấy một vấn đề lớn hơn là “cần phải có luật, có những chính sách, và quan trọng là vai trò điều tiết của Nhà nước để làm giảm sự bất công vốn có trong xã hội bằng cách tạo ra công bằng cơ hội trong giáo dục”, theo nhận định của nhà giáo dục Nguyễn Khánh Trung trong “Công bằng cơ hội trong giáo dục”. Một mảnh ghép khác, “Năm 2027 tại Hà Nội và TPHCM: Số học sinh không thể vào lớp 10 công lập”, TS. Nguyễn Việt Cường, phân tích dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, đã đưa ra một dự báo “Số lớp học cho học sinh THPT trong vòng ba năm nữa phải tăng khoảng 40% mới đáp ứng được nhu cầu học THPT cho trẻ ở hai thành phố lớn nhất cả nước này”.

Trong ngành nông nghiệp, một trong những trụ cột của nền kinh tế, vấn đề của việc chạy theo sản lượng trong khi làm kiệt quệ đất đai, lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón và giá thành sản phẩm trên thị trường lại ở mức giá thấp. Chúng ta còn lại điều gì? Nếu đọc “Bảo vệ hệ sinh thái đất: Có cứu vãn được nông nghiệp?” (TS. Phạm Hội), ắt hẳn chúng ta sẽ rút ra điều gì đó trong ứng xử với đất.

Giữa miên man những suy ngẫm về quá khứ – hiện tại – tương lai, chúng ta có thể có “trạm dừng chân” thú vị mà mỗi điểm lại đem đến những hiểu biết mới: “Nông nghiệp sinh thái: Không còn là lý thuyết” – Anh Thư tổng hợp; “Định luật Moore: Có sớm trở thành dĩ vãng?” (Kỳ 2) – Nguyễn Bá Ân; “Cái lưỡi định hình sự sống” – Cao Hồng Chiến lược dịch; “Khôi phục tiếng sáo cổ nhất vùng Trung Đông” – Thanh Hương tổng hợp; “Vùng đất quỷ tha ma bắt: Lễ chiêu hồn ký ức” – Hiền Trang; “Kỹ thuật thơ, kỹ thuật sống trong thơ haiku” (Kỳ 1) – Nguyễn Vũ Hiệp; “Đuổi bắt bóng hình Salvador Dalí” – Tú Châu; “Jacqueline du Pré: Số phận bi thảm của một huyền thoại” – Ngọc Tú.

Vậy tại sao chúng ta lại không đọc Tia Sáng số này?

BBT Tia Sáng

———————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)