Đón đọc Tia Sáng số 18 tháng 9/2023
Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta trong số báo này?
Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta trong số báo này?
Thật khó diễn tả thành lời những xúc cảm của chúng tôi, khi kỳ cuối của loạt bài “Yersin ở Việt Nam” được xuất bản cũng vừa lúc kỷ niệm 160 năm ngày sinh của Alexandre Yersin. Con người xuất chúng ấy đã dành cả cuộc đời cho Việt Nam theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cả sự nghiệp phi thường, được xây dựng bằng đôi tay và khối óc của mình, ông đều gửi lại Việt Nam, trước khi về với đất mẹ.
Nếu ở năm kỳ trước, chúng ta đã được chứng kiến cả chuỗi những lao động không ngừng nghỉ của ông, khi góp phần tạo dựng một nền móng cho nền y học Việt Nam hiện đại, di thực cây canh-ki-na/quinine, cây cao su vào Việt Nam… thì ở kỳ cuối này, chúng ta có cơ hội thấu được con người cá nhân và những suy nghĩ cá nhân của ông. Nhưng ở góc độ nào, dù là con người cá nhân hay con người xã hội, Yersin mà chúng ta thấy vẫn là một con người hào phóng trao toàn bộ trái tim và lòng tốt cực độ của mình cho mọi người yếm thế trong xã hội.
Khi ông qua đời, “không thời gian được xóa nhòa, giờ thì Thụy Sĩ, Pháp, hay Việt cũng là một. Chốn đặt chân cuối cùng của ông là ngọn đồi nhỏ ở Suối Dầu, giữa những tán lá xanh bốn mùa và dòng Suối Dầu nhỏ bé lượn quanh. Đất mẹ Gaia ôm trọn vào lòng hình hài đứa con kỳ lạ mà phi thường, một bậc thánh nhân không đòi hỏi được tôn vinh, một thiên thần cho đi mà không cần nhận lại”.
Trong dòng chảy quá khứ, chúng ta còn nhận thấy những câu chuyện khác liên quan đến nền y học Việt Nam hiện đại thưở ban đầu. Có lẽ, không mấy người chúng ta biết là Bệnh viện K, một trong những nơi nghiên cứu và điều trị ung thư hàng đầu Việt Nam, lại có liên quan đến nhà khoa học hai lần đoạt giải Nobel Marie Curie. “Buổi đầu nền y học Việt Nam hiện đại: Giữa những đường biên cũ, mới (kỳ 2)” và “Di sản bền bỉ của Marie Curie” hé mở cho chúng ta biết những gì Marie Curie đem lại cho nhân loại, và những gì Việt Nam thừa hưởng từ cuộc đời phi thường của bà.
Những kết nối của lịch sử cho chúng ta thấy rằng, không có điều gì trong xã hội lại nảy sinh từ sự trống rỗng. Do đó, để có được cái nhìn đúng đắn về một vấn đề, chúng ta cần xem xét mọi căn nguyên của nó. Tuy nhiên, không dễ nhận ra được hết mọi căn nguyên ở một hiện thực chồng chéo. Và cũng thật không dễ trả lời những vấn đề thực tại, bởi lẽ những vấn đề này chịu tác động của rất nhiều yếu tố khác nhau và là hệ quả của rất nhiều thực trạng khác nhau. Xã hội vốn dĩ có những dòng chảy quá khứ – hiện tại, những dòng chảy chính hiển thị và dòng chảy ngầm… Việc bóc tách chúng để đi tìm nguyên nhân cũng giống như giải một bài toán ngược.
Có lẽ, chúng ta sẽ cùng đồng ý điều này khi đọc “Quyền rút bảo hiểm xã hội?”. Điều gì dẫn đến hiện trạng ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần? Liệu có phải là người dân không nhận thức được đúng vấn đề? Có vấn đề gì tồn tại trong hệ thống an sinh xã hội khiến họ phải lo ngại. Thực tại là “ở những doanh nghiệp có đông công nhân, có nhiều lao động đã xin nghỉ việc để có thể rút tiền trong vòng một năm tới, trước thời điểm luật mới có hiệu lực vào năm 2025.”
Lý giải hiện tượng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Tú cho rằng “Vấn đề nằm ở điều kiện sống và làm việc ngày càng bấp bênh của họ, nhất là lao động làm việc trong những ngành gia công chế biến như may mặc và giày da. Cho dù họ hiểu và nhận thức về lợi ích của lương hưu, số tiền đó quá xa vời so với những khó khăn và nhu cầu trước mắt, như tiền thuê phòng trọ, nuôi con, và nhiều chi phí sinh hoạt khác”.
Đằng sau hiện trạng này là những nỗi âu lo và những cuộc đời của những người lao động. Liệu họ có thể yên tâm được không khi tổng thời gian làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thường không dài, doanh nghiệp thường tìm cách sa thải lao động lớn tuổi; mặt khác vẫn có doanh nghiệp nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội… Rõ ràng, lưới an sinh vẫn chưa thể đảm bảo lọc hết những thách thức để người lao động an tâm ở lại lâu dài.
Trong số báo này, còn có những bài viết đáng chú ý: “Kiến trúc với kiến tạo quốc gia” (Vũ Hiệp), “Nguy cơ ‘đại dịch’ do trí tuệ nhân tạo gây ra” (Nguyễn Quang dịch); “Hồ sơ tính mở: Cần các mã nhận diện?” (Lê Trung Nghĩa); “Polaroid thay đổi cách nghĩ về nhiếp ảnh” (Lan Oanh tổng hợp); “Dự án Lunar Codex: Gửi lên Mặt trăng tác phẩm của 30.000 nghệ sĩ” (Anh Thư tổng hợp); “Cánh diều vàng: Một cách tổ chức sai” (Hoàng Lê); “Khí chiêm bao – Hàn Mặc Tử chơi trăng” (Nhã Thuyên); “Ray Bradbury: Nhà văn đến từ sao Hỏa” (Hiền Trang); “Dàn nhạc đài phát thanh Bavaria : Món quà nghệ thuật đẹp nhất thời hậu chiến” (Ngọc Tú).
Thật khó có thể đề cập đến mọi vấn đề trong một số báo, nhưng chúng tôi hi vọng rằng, mọi người sẽ có được những góc nhìn mới của mình trên những vấn dề không mới, hoặc tưởng chừng như hiển nhiên tồn tại.
Vậy thì, tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này?
BBT Tia Sáng
——————————————-
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh