Đón đọc Tia Sáng số 22 tháng 11/2023
Số báo mới nằm trên tay, tinh khôi như chiếc bánh mì mới ra lò, còn tỏa rạng sức nóng nhiệt tình của cả ê kíp làm Tia Sáng.
Tại sao chúng tôi không thể nỗ lực tâm huyết cho từng số, khi biết rằng rất nhiều bạn đọc thân thiết của Tia Sáng ở khắp mọi miền đang chờ đợi được đọc một số báo mới với rất nhiều thông tin được sàng lọc, nhiều góc nhìn khác biệt về thế giới xung quanh.
Vì vậy trong số báo này, ngoài những vấn đề ngổn ngang của xã hội đang trong quá trình chuyển đổi số, giữa những “Thu hút, trọng dụng nhân tài: Không chỉ cần đãi ngộ” (Võ Thị Hải Minh), “AI hiểu được bao nhiêu về thế giới thực?” (Cao Hồng Chiến dịch), “Nguy cơ AI ngày càng có khả năng vượt kiểm soát?” (Bảo Như tổng hợp)…, chúng tôi hướng về những số phận chuyển đổi thông qua những chuyển đổi lớn hơn ở quy mô quốc gia: giáo dục, hệ thống bán lẻ thực phẩm.
Ở góc độ giáo dục đại học, nơi đem lại hành trang cơ bản cho một công dân trẻ định vị chính mình với tri thức, hiểu biết, định hướng nghề nghiệp, cảm xúc…, giáo sư Pierre Darriulat bàn với chúng ta về “Đại học tự chủ” và lưu ý một thực tế là “mặc dù giáo dục đại học Việt Nam đã và đang được cải thiện, thì chất lượng nghiên cứu trong các trường đại học của Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với các nước ASEAN”. Câu chuyện tự chủ đại học là một câu chuyện dài mà ở đó, nổi lên thiếu sót chính: 1. Sự sụt giảm ngân sách của nhà nước đối với giáo dục đại học, dẫn đến hệ quả là gia tăng tỉ lệ học phí trong ngân sách của các trường đại học, lên đến khoảng 70-80%; 2. Tự chủ chưa trở thành thực tế trong quản lý đại học; 3. Những quy định hiện tại còn chưa rõ ràng, thiếu nhất quán và mâu thuẫn là một trở ngại chính để tự chủ một cách hiệu quả.
Quả thật, nếu không giải quyết triệt để ba vấn đề chính này thì sau nhiều năm nữa, tự chủ đại học vẫn chỉ là ước mơ của Việt Nam, và thậm chí làm ảnh hưởng đến mô hình đào tạo và chất lượng đào tạo – nội dung mà chúng tôi muốn đề cập ở những số báo khác của năm 2024.
Ở góc độ tưởng chừng như ít được để ý hơn và dễ bị bỏ qua hơn, là số phận của hệ thống bán lẻ thực phẩm truyền thống – hay các mái chợ – và sự kháng cự đầy tuyệt vọng của nó trước sức tiến khó cản của hệ thống bán lẻ hiện đại – siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi. Có thể, theo nếp sống hiện đại, chúng ta lựa chọn một phương thức tiện lợi để mua thịt thà rau củ ở siêu thị để rút ngắn thời gian và cũng để tránh cho gia đình mình khỏi nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Mái chợ, nơi chúng ta vẫn ngán ngẩm bởi sự lộn xộn, nhếch nhác, mất vệ sinh…, lại là nguồn sinh kế của rất nhiều nông hộ nhỏ và người nghèo đô thị. Việc thiếu đi những chính sách phù hợp cho chợ, hoặc nếu có thì chỉ là cách chuyển đổi đầy thất bại từ chợ sang siêu thị như chúng ta thấy ở Hà Nội, rất có thể sẽ dẫn đến sự phân loại hai chuỗi cung cấp thực phẩm: một là chuỗi cung cấp tiêu chuẩn thấp cho người nghèo, không có lựa chọn nào khác trước sản phẩm được bán ở các nơi không chính thức, từ mảnh vườn của những nông hộ không có khả năng gia tăng thu nhập; hai là chuỗi cung cấp đạt tiêu chuẩn cao, chỉ được bán ở các siêu thị dành cho những người tiêu dùng thu nhập cao và có quyền quyết định sản phẩm tiêu dùng.
Đằng sau câu chuyện về chợ như chúng ta thấy là cả một không gian văn hóa, giao tiếp xã hội. Trong lòng chợ, những vỉa tầng trầm tích văn hóa âm thầm tích tụ, không phải theo những phép tắc khuôn phép kinh viện nào mà từ các va vấp giữa người với người, sau trở thành những tri thức ứng xử dân gian truyền lại.
Đó là lý do ở số báo này, Tia Sáng tập trung vào số phận của chợ truyền thống “Siêu thị và chợ: ‘Cuộc chiến’ thấy trước đoạn kết?” (Thanh Nhàn), “Tâm hồn của chợ” (Tô Vân), “Singapore: Phai nhạt truyền thống dưới mái chợ” (Anh Thư dịch).
Và như thường lệ, trong gần 60 trang nội dung của Tia Sáng, chúng ta có thể còn thấy những câu chuyện khác, không chỉ hấp dẫn và mới lạ mà còn chan chứa những thông tin đủ sức đưa mỗi người đến với những thế giới mới: “Beryl Benacerraf: Mở đường siêu âm sàng lọc hội chứng Down” (Phạm Vĩnh Anh tổng hợp); “Công cụ đá thời Tiền sử trong bức họa thế kỷ 15” (Anh Vũ tổng hợp); “Chuyện nghề của Thủy: Sống để kể lại” (Tú Châu); “Từ thuyết vô vi đến ‘haiku thị giác’” – Kỳ 1 (Nguyễn Vũ Hiệp); “Gioachino Rossini: Người khổng lồ của bel canto” (Ngọc Tú).
Vậy tại sao chúng ta lại không cầm Tia Sáng số này, trên tay.
BBT Tia Sáng
————————————————
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh