Đón đọc Tia Sáng số 23 tháng 12/2022

Những tranh luận trong đời sống học thuật, giáo dục và xã hội một lần nữa lại được đặt vào các trang báo của Tia Sáng số mới. Nó khiến chúng ta bất giác tự nêu câu hỏi cho chính mình: vì sao, cần phải quan tâm đến các cuộc tranh luận đó? và chúng có liên quan gì đến đời sống của chính chúng ta?

Trước khi có được câu trả lời, chúng ta hãy nhìn vào những cuộc tranh luận. Trước hết, đó là những ý kiến khác nhau về việc đầu tư cho đại học quốc tế và chất lượng giáo dục đại học. Với góc nhìn thấu suốt và công bằng của một người đã chứng kiến sự thăng trầm và phát triển của nhiều trường đại học trên khắp thế giới, GS Pierre Darriulat cho rằng, với cả hai quan điểm của GS Ngô Việt Trung – nỗi thất vọng về việc Việt Nam hỗ trợ chưa đủ cho giáo dục đại học trong nước – và cả quan điểm của PGS. TS Trần Đình Phong trong việc nhấn mạnh vào những nỗ lực của ban giám hiệu USTH để phát triển trường đại học của họ, “Sẽ rất sai lầm nếu ta rơi vào bẫy cho rằng cần kết thúc tranh luận và xác định ai mới là người đúng trong cuộc tranh luận. Cả hai đều đúng, cái sai là cách chúng ta giải quyết những vấn đề như vậy ở Việt Nam”.

Cái sai trong cách giải quyết vấn đề khiến nạn chảy máu chất xám ở Việt Nam trong vài thập niên trở lại đây diễn ra trầm trọng, bên cạnh đó là “khả năng quản lý yếu kém, chưa kể đến tham nhũng. Hàng triệu USD bị lãng phí vì đầu tư vào các thiết bị không được dùng đến. Trái lại, những quy định mới về tự chủ và cấp ngân sách cho nghiên cứu KH đang cản trở sự phát triển và đe dọa sự sống còn của những nhóm nghiên cứu xuất sắc trong cả nước”. Để tránh lặp lại sai lầm này, ông cho rằng “chúng ta cần học từ cả thành công và thất bại của nước ngoài và áp dụng chúng vào bối cảnh Việt Nam… nếu chúng ta không xác định rõ nhu cầu của đất nước là gì, chúng ta sẽ thất bại trong sứ mệnh phát triển KT&XH của đất nước”.

Không “đình đám” như cuộc tranh luận về giáo dục đại học nhưng câu hỏi mà chuyên gia Nguyễn Đặng Tuấn Minh đặt ra “Khai thác tài sản trí tuệ của doanh nghiệp: Có khả thi tại Việt Nam?” thực chất đã hàm chứa rất nhiều vấn đề trong lòng các doanh nghiệp VN: tại sao các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa thể nâng cao sức cạnh tranh? Tại sao doanh nghiệp VN chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghệ? Liệu có cách nào để các công ty có thể khai thác được tài sản trí tuệ của mình và chuyển đổi mô hình kinh doanh?… Thông qua trường hợp của Minh Long, một công ty gốm sứ có nhiều bí quyết công nghệ tích lũy qua quá trình phát triển, tác giả phân tích và lý giải vì sao đến giờ Minh Long chưa hình thành mô hình kinh doanh mới, trong đó có một lý do tồn tại nhiều năm: hiện trạng thị trường chưa đủ quy tụ các yếu tố cần thiết cụ thể là môi trường pháp lý và thực thi pháp luật để bảo hộ cho các tài sản công nghệ của Việt Nam còn rất yếu trong khi Minh Long là một trong những thương hiệu có sản phẩm bị làm giả làm nhái rất nhiều và gần như không thể xử lý được.

Các điểm khuyết thiếu, những điểm nghẽn tồn tại là những rào cản lớn khiến mạch phát triển không thể duy trì được liên tục trong nhiều lĩnh vực của Việt Nam. Có lẽ, chúng ta khó có thể hình dung hết những khó khăn trầy trật của người trong cuộc khi cố gắng vượt qua các rào cản đó để theo đuổi ước mơ của mình, và qua đó đóng góp vào muôn mặt đời sống xã hội.

Khi lên khuôn số báo này, chúng tôi mong mỏi đem lại cho bạn đọc một cái nhìn đúng đắn hơn về những hiện trạng không dễ lý giải đã và đang diễn ra. Ở một góc độ nào đó, các câu chuyện ấy đêu có vấn đề của riêng mình và đều đáng để suy ngẫm: “Đầu tư cho KH&CN hạt nhân: Thế nào cho hiệu quả?” (Thanh Nhàn); “Khaled Toukan: Bí quyết thành công của Jordan” (Anh Vũ); “Các khái niệm trong chính trị học của Hannah Arendt” (Nguyễn Thị Từ Huy); “Những chuyến ly hương của người già Đồng bằng sông Cửu Long” (Võ Kiều Bảo Uyên); “World Cup 2022: Bữa tiệc trên hình thể phụ nữ?” (Nguyễn Tuấn Linh); “Khoa học trong những bức vẽ mây” (Tô Vân); “Nam tính độc hại trong phim hoạt hình của Pixar?” (Phạm Vĩnh Anh); “Chợ Lớn 1955” (60); “Cảm thức về cái đẹp của người Trung Hoa” (Gontran de Poncins); “Sphinx: Thúc đẩy sự đa dạng trong âm nhạc cổ điển” (Ngọc Anh dịch)…

Có được hiểu biết và những cảm nhận mới, tại sao chúng ta lại không cầm Tia Sáng số mới trên tay?

BBT

————————–

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

 

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)