Đón đọc Tia Sáng số 24 tháng 12/2023
Số báo cuối cùng của năm 2023 đã có mặt ở tòa soạn, như một lời nhắc nhở chúng ta rằng bộ sưu tập 24 số báo của năm đã đủ đầy và cuối cùng, một năm cũng vuột qua.
Số báo cuối cùng của năm 2023 đã có mặt ở tòa soạn, như một lời nhắc nhở chúng ta rằng bộ sưu tập 24 số báo của năm đã đủ đầy và cuối cùng, một năm cũng vuột qua.
Vậy số báo cuối cùng của năm 2023 sẽ có những gì? chúng ta sẽ tìm được gì ở số báo ấy? Thật ra, như bất cứ số báo nào khác, ấn phẩm này cũng chất chứa rất nhiều suy nghĩ của chúng tôi khi nghĩ về những dòng chảy của thời gian và thời cuộc, khắp chốn khắp nơi đều ẩn chứa những thân phận con người và những trăn trở “làm thế nào để cuộc sống này tốt đẹp hơn”?
Nhưng chúng ta biết gì về những điều như vậy?
Có những câu chuyện mà chúng ta tưởng là mình biết rõ nhưng thật ra đó mới chỉ là những thông tin bề mặt, trơn trượt và chưa chạm đến bản chất của nó. Năm nào chúng ta cũng biết ở nơi này, nơi khác có xảy ra lũ quét, lũ ống, trượt lở đất, làm thiệt hại đến tài sản và tính mạng. Nhưng chúng ta có hình dung ra được số phận của những người dân tộc thiểu số, nơi con người luôn luôn bị đặt vào lằn ranh mỏng manh giữa sống và chết mỗi mùa lũ về. Khi tồn tại ở những nơi chốn thứa mứa sự khắc nghiệt đó, những người dân tộc thiểu số buộc phải chấp nhận nguy cơ rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào.
Liệu có cách nào để thay đổi cuộc sống của họ? hay thực tế hơn là có cách nào để giảm bớt sự rủi ro? Tương lai trước mắt vô vàn bất định, bởi theo các nhà nghiên cứu, vẫn chưa có giải pháp nào hoàn chỉnh và kịp thời để giúp họ thoát khỏi sự bủa vây của thiên tai, nhất là khi biến đổi khí hậu còn đặt thêm một cú dúi trầm trọng. Nhìn xa hơn, con đường thoát khỏi đói nghèo cũng đầy thách thức bởi việc “gánh chữ lên non” cho trẻ em miền núi vô cùng nhiều trở ngại…
“Vòng lặp đói nghèo trước sự bất định của tự nhiên” (Thu Quỳnh) có thể giúp chúng ta nhận ra thấy một điều: những người dân tộc thiểu số còn quá khuất nẻo trong thế giới này. Để thay đổi phần nào cuộc sống của họ, vẫn tiếp tục cần rất nhiều chính sách khác được thiết kế phù hợp với môi trường sống, cuộc sống của họ…
Giữa những khoảng lặng nghĩ suy, chúng ta có thể chọn “Những người ngắm sao: Một tình yêu qua thiên niên kỷ” (Pierre Dariulat) để cùng chìm đắm trong cái khôn cùng của vũ trụ. “Nếu hỏi tại sao, họ sẽ bảo rằng vì trên bầu trời có quá nhiều vẻ đẹp, mà tất cả ta cần làm là ngước nhìn lên; để nhớ rằng mình là một phần của thứ gì đó lớn lao hơn; để được kết nối lại với tự nhiên và thế giới; để được yên bình, tự tại và hướng tới mục đích; mở rộng tri thức và chia sẻ cảm xúc với đồng bạn, những người cùng yêu quý các vì sao. Họ sẽ bảo rằng những người ngắm sao đã khiến bản thân mỗi người trở nên tốt đẹp hơn; rằng khi đã hình dung ra sự rộng lớn của Vũ trụ, thật khó để ai đó tự coi mình là trung tâm. Họ là những nhà thơ, nghệ sỹ, những hậu bối của một dòng truyền thừa tồn tại từ rất lâu đời”.
Có thể, ai đó hỏi rằng Tia Sáng số cuối cùng của năm chỉ có ngần ấy nội dung? Ồ không, nếu lật giở từng trang, bạn sẽ thấy những vấn đề của quá khứ và hiện tại đan xen chảy tràn trong các trang báo, từ vấn đề những học thuật “Thiếu GS, PGS ngành KHXH&NV: Có nên hạ chuẩn” (Nguyễn Văn Chính), “Thời của những ngôn ngữ ngỏ” (Nguyễn Quang dịch); các vấn đề phát triển nền công nghiệp văn hóa “Chính sách đằng sau làn sóng Hallyu (Thanh Nhàn), “Văn hóa Hàn Quốc: nguồn lực tạo sức mạnh mềm” (Tô Vân); các vấn đề của lịch sử “Thánh địa Mỹ Sơn: Con đường Thần đạo” (Anh Thư), “Ngộ độc chì trong thế giới cổ đại” (Thanh Hương lược dịch); các vấn đề nghệ thuật “Ngừng tay lại: Người vật lý đích thực đã tới” (Thái Hà dịch), “Viên cảnh sát thứ ba: Trò chơi ảo giác của triết học” (Hiền Trang), “Maria Callas: Di sản huyền thoại”.
Số báo thứ 24 đã khép lại một năm nhiều cảm xúc của Tia Sáng và độc giả Tia Sáng. Nói như Aeschylus, nhà soạn kịch Hy Lạp cổ đại “Thời gian mang tất cả về quá khứ”. Dòng chảy thời gian, ở khía cạnh nào đó cũng khiến chúng ta trưởng thành hơn.
Và xét cho cùng “Thời gian bạn dành cho đóa hồng của bạn cũng đủ khiến cho đóa hồng ấy trở nên quan trọng”, Antoine de Saint-Exupéry nhắn gửi như thế trong “Hoàng tử bé”.
Vậy tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng, số này và những số tiếp theo.
BBT Tia Sáng
————————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh