Đón đọc Tia Sáng số 6 tháng 3/2024

Có lẽ không có gì vui hơn việc chia sẻ với bạn đọc khắp mọi nơi, trong nước và quốc tế, là số mới Tia Sáng đã về tới tòa soạn.

Những gì đang chờ đợi chúng ta trong các trang báo này? Liệu chúng có phải là những thông tin hữu ích cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta?

Câu trả lời vừa có lại vừa không, bởi lẽ những gì Tia Sáng bàn với trong các số báo của mình, không chỉ phản ánh các vấn đề hiện hữu trước mắt mà còn mong muốn hướng tới những gì sâu sắc và có giá trị lâu bền hơn, cho chính chúng ta trong tương lai.

Đó chính là một phần của KH. Bấy lâu nay, chúng ta đã nghe đến thuộc lòng những lời nhận xét có, phàn nàn có “khoa học ở trong tháp ngà”, “tại sao các nhà khoa họckhông làm ra cái đời sống cần, người dân cần?”, “nếu đã làm ra sản phẩm thì tại sao nhà khoa học mãi không đưa ra thị trường?”… Người ta chỉ thấy các nhà khoa học Việt Nam thật giỏi làm ra những kiến thức trừu tượng nhưng lại xa rời thực tế, quanh năm chỉ quan tâm đến những thứ dường như chả ai cần mà không hề biết rằng, rất nhiều viện nghiên cứu, nhà khoa học tâm huyết đang phải vật lộn để tồn tại dưới các khung quản lý khác nhau. “Các tổ chức KH&CN công lập: Mô hình tự chủ đích thực” mở ra cho chúng ta câu chuyện tự chủ trong vòng hai thập niên, nơi các nhà khoa học lúng túng trước những mô hình quản lý không theo bản chất khoa học.

Mặt khác, khi cánh cửa tài chính từ nhà nước bị đóng lại thì các cánh cửa khác đến với thị trường bị đóng lại do sự thiếu đồng bộ về hệ thống quy phạm pháp luật.

Đằng sau vấn đề tự chủ còn một câu hỏi khác, căn bản hơn “tại sao nhà nước phải đầu tư cho KH?” Câu nói của GS vật lý Trần Xuân Hoài là một phần dẫn nhập của câu chuyện này “Ở Việt Nam cứ hiểu tự chủ là khoán trắng, nhà nước không còn nuôi nữa, hết trách nhiệm. Thế thì chẳng hiểu gì về KH. Chính cố vấn KH của Đức, khi đi với tôi, nói ‘ông có thấy vô lý không. Có nước nào bàn về tự chủ của nhà KH và viện KH không? Tự chủ là chuyện tất nhiên chứ’”.

Nhìn từ câu chuyện đầu tư cho khoa học sang đầu tư cho con người, người ta thấy một dòng chảy liền mạch. Nhờ có khoa học mà chúng ta hiểu rằng “vốn con người” chỉ có nghĩa khi ghép với lao động và tăng trưởng vốn con người là yếu tố chính của tăng trưởng kinh tế chứ không thuần túy là máy móc, thiết bị. Điều mà chúng ta có thể rút ra từ “Vốn con người và phát triển kinh tế” của các nhà kinh tế Lê Văn Cường (Pháp), Trần Nam Bình (Úc), Nguyễn Ngọc Anh (Việt Nam) là nếu không hiểu được khái niệm này sẽ dẫn đến những hệ quả như việc xây dựng các dự án chỉ tập trung vào “tiến bộ kỹ thuật” nhưng lại coi nhẹ yếu tố con người.

Giờ đây, chúng ta càng thêm hiểu giá trị mà khoa học mang lại, không chỉ ở những kết quả trước mắt, hiển thị một cách rõ ràng mà còn ở những giá trị sâu sắc và lớn lao hơn.

Nhưng cả cuộc sống sôi động và phức tạp này, ngoài khoa học ra, còn có những gì? Có lẽ, còn có những vẻ đẹp và cảm xúc mà nhờ đó cuộc đời đáng để sống. “Luis Bezacier – Người xâu chuỗi ngọc nghệ thuật An Nam” (Trần Trọng Dương); “Công nghệ giúp hiểu cách não tiếp nhận nghệ thuật” (Tô Vân tổng hợp); “Thiên nhiên và nơi chốn đô thị Việt Nam” (Vũ Hiệp); “Phim, nhà nước và đầu tư công” (Mạnh Cường Vũ), “The taste of things, Thường trực thuần phác và đột ngột rực rỡ” (Vũ Ánh Dương); “Ông lão đánh cá hay vị thiền sư trên biển” (Hiền Trang); “János Starker – Luôn kiếm tìm sự hoàn hảo” (Ngọc Tú).

Đó là lý do chúng ta cần đọc Tia Sáng, mỗi ngày.

BBT Tia Sáng

————————————————

Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:

Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)