Đón đọc Tia Sáng số 8 tháng 4/2023
Mỗi số báo Tia sáng như một món quà mà cả ê kíp Tia Sáng chăm chút từ lúc lên ý tưởng, đặt bài đến khi biên tập, trình bày và gửi đi nhà in. Giờ đây, Tia Sáng nâng niu gửi tới bạn đọc món quà mới nhất với hi vọng, mỗi người đều có thể rút trích được từ đó một vài thông điệp hoặc vô số thông tin hữu ích – những điều không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới hôm nay mà có thể là cả ngày mai.
Thế giới hôm nay đang chuyển động theo những hướng kỳ lạ và những cách thức kỳ lạ chúng ta khó lòng tưởng tượng ra. Có những thứ đột sinh trong đó, có thể đem lại cho chúng ta một số tiện ích nhất định, nhưng ngày càng bộc lộ những yếu tố khác thường, thậm chí khiến chúng ta cảm thấy lo âu, nghi ngại…
Chúng ta rồi sẽ ra sao trong tương lai vài thập kỷ tới, một khi hiện tại đã quá đầy bất định rồi? Câu hỏi này ám ảnh chúng ta trong hành trình ngược dòng từ điểm khởi phát của các mạng thần kinh và được biết rằng “Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mạng nơ-ron – cốt lõi của công nghệ AI tân tiến nhất hiện nay, không một ai, kể cả cha đẻ của nó có thể hiểu được hệ thống này một cách đầy đủ”. Có lẽ, bài viết “Không thể hiểu được AI” cho chúng ta biết rằng từ tên gọi cho đến cấu trúc của mạng nơ-ron đã được lấy cảm hứng từ bộ não con người, bắt chước cách các tế bào thần kinh sinh học truyền tín hiệu cho nhau nhưng sự phát triển theo thời gian đã đưa mạng nơ-ron đến những ảnh hưởng vượt xa những gì con người biết, “với tốc độ bành trướng nhanh chóng và liên tục thì chúng ta hầu như không còn cơ hội nào để hiểu được ảnh hưởng của AI nữa”. Bởi “một khi chương trình được viết ra, nó sẽ sống cuộc sống của chính nó, tự chủ; nhưng nếu không có một nỗ lực tìm hiểu khủng khiếp, cách mạng noron hoạt động chính xác như thế nào sẽ vẫn mãi là một bí ẩn”.
Như vậy đã đủ tuyệt vọng?
Ở đây, với một tầm nhìn của một nhà khoa học, GS Pierre Darriulat trong sự tò mò về ChatGPT đã thử “Trò chuyện với máy tính”. Sự thận trọng và kinh nghiệm của người đã nếm trải nhiều sự kiện lớn về khoa học và xã hội trong đời, ví dụ như sự ra đời của internet, sự phát hiện hạt Higgs chẳng hạn, khiến ông có cái nhìn thấu suốt “Khi giới học thuật kể câu chuyện về sự tiến bộ của AI và ảnh hưởng của nó đến nhân loại, với tôi, cứ như là nói về cách mạng công nghệ 5.0 với người đàn ông già, một cựu chiến binh trong Quân đội nhân dân thời kháng chiến chống Mỹ, giờ đang sửa xe đạp ở góc ngõ nơi tôi sống. So sánh với biết bao thách thức khi ta phải đối mặt với những hiểm họa khẩn cấp toàn cầu, những câu chuyện đầy cảm hứng về những tiến bộ tuyệt diệu của IT bỗng trở thành một trò đùa không cười nổi”. Ông cho chúng ta thấy một thực tế là máy tính “robot hóa đời sống xã hội của chúng ta, chiếm hữu lấy trí óc và trái tim của chúng ta, khiến ta vùi mặt vào chiếc smartphone, hút vào thế giới ảo”.
Nhưng thật ra, bên cạnh những điều khiến chúng ta hoang mang thì AI và các thuật toán có những gợi mở cho chúng ta một tương lai. Với “12 khía cạnh của nền kinh tế trí tuệ chủ nghĩa”, GS Nguyễn Tiến Dũng, nhà toán học đã thành lập một startup về ứng dụng AI, đã nhận diện được một nền kinh tế AIcùng với một số gợi ý về chiến lược phát triển cho Việt Nam qua 12 khía cạnh này. Theo quan điểm của anh, “máy móc và AI sẽ ngày càng có khả năng tạo ra sản phẩm và dịch vụ dồi dào đến mức thậm chí con người không cần làm việc vẫn sống được. Đến khi đó, khái niệm về công việc sẽ thay đổi rất nhiều, ‘công việc’ cũng sẽ là một thứ hoạt động, thú vị đối với chúng ta, kích thích chúng ta phát triển, đến mức chúng ta háo hức làm nó, làm vì thích làm chứ không phải vì kiếm ăn”.
AI thật hấp dẫn và cũng thực nguy hiểm. Đi kèm với nó là rất nhiều thách thức và cạm bẫy dưới các khái niệm khác nhau “thuật toán thao túng con người”, “quyền riêng tư”, “chủ nghĩa tư bản giám sát”, “chủ nghĩa thực dân dữ liệu”… Có lẽ, một trong những điều mà chúng ta vượt trội hơn máy móc là ở chỗ, chúng ta có những kết nối con người với con người, như GS Darriulat chia sẻ “Tôi có thể trò chuyện với máy tính nhiều giờ nữa, nhưng người cháu của vợ tôi đến thăm chúng tôi, và ôm chúng vào lòng hẳn là điều quan trọng hơn với tôi bây giờ: Tôi tắt ứng dụng”.
Một số báo Tia Sáng không chỉ đem lại cho chúng ta những góc nhìn về AI mà còn nhiều góc nhìn khác vào thế giới muôn màu đang không ngừng biến chuyển: “Việt Nam trong xu thế tự động hóa và AI: Định vị lại mình” – Thu Quỳnh thực hiện; “Giai điệu lượng tử” (Kỳ 1) – Nguyễn Bá Ân; “Chẩn bệnh cho Beethoven (Kỳ 2): Bí mật sức khỏe và bí mật gia đình” – Tô Vân; “Bí quyết đằng sau sự hợp tác” – Anh Thư dịch; “Hạt đường ‘tội đồ’ – Nguyễn Ngọc Minh – Nguyễn Ngọc Anh – Lê Thị Thu; “Đánh thuế các thói quen xấu” – Cao Hồng Chiến dịch; “Trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình: Những chấn thương tâm lý” – Đặng Hoàng Ngân; “Vincent van Gogh và số phận long đong của một bức họa” – Anh Vũ tổng hợp; “Cả thế giới trong hạt muối” – Thanh Nhàn; “Dàn nhạc Gewandhaus Leipzig: Trái tim âm nhạc của Leipzig” – Ngọc Tú.
Vậy thì tại sao chúng ta không cùng đọc Tia Sáng?
BBT Tia Sáng
———————————-
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh