Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt: Luật KH&CN mới trước những đòi hỏi thực tiễn
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xây dựng Luật KH&CN mới đáp ứng được mục tiêu thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp của Đảng và Nhà nước đối với ngành KH&CN, tháo gỡ những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện và phù hợp hơn với những đặc thù phát triển của KH&CN.
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trong cuộc trả lời phỏng vấn báo KH&PT.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt. Ảnh: Mỹ Hạnh.
Thưa Bộ trưởng, năm 2024 là mốc đánh dấu 10 năm thi hành Luật KH&CN. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, xin Bộ trưởng cho đánh giá về những kết quả của Luật KH&CN trong thực tiễn đời sống?
Luật KH&CN được Quốc hội thông qua trong tháng 6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 2019 và năm 2022. Qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KH&CN đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN, trong đó đã đổi mới căn bản cơ chế sử dụng kinh phí nhà nước và cơ chế xây dựng, triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo hướng lấy mục tiêu và hiệu quả ứng dụng là tiêu chuẩn hàng đầu. Các đơn vị sự nghiệp KH&CN được chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phương thức khoán sản phẩm KH&CN. Luật KH&CN cũng đã tạo điều kiện phát triển thị trường KH&CN và xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, phát triển các doanh nghiệp KH&CN, các quỹ trong lĩnh vực KH&CN. Bên cạnh đó, từng bước tạo nền tảng để xây dựng chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài KH&CN; thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì sự phát triển của đất nước; tăng cường hội nhập quốc tế.
Những đổi mới đó đã có những tác động cụ thể ra sao thưa Bộ trưởng?
Đột phá dễ thấy nhất của ngành KH&CN trong giai đoạn thực hiện Luật KH&CN vừa qua là số lượng kết quả nghiên cứu cơ bản, thể hiện qua sự gia tăng số lượng công bố quốc tế. Số lượng bài báo công bố quốc tế1 của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 tăng trung bình 20%. Năm 2022, số lượng công bố quốc tế đã tăng gần gấp ba lần so với đầu giai đoạn.
Số lượng kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất và kinh doanh cũng gia tăng đáng kể. Số lượng đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm qua, chẳng hạn trong giai đoạn 5 năm 2017-2021 tăng 80%.
Với các tiến bộ trong cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho tiềm lực và trình độ KH&CN, lực lượng KH&CN đã đồng hành cùng các cấp, các ngành và địa phương để bám sát thực tiễn, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, qua đó tham gia gia tăng năng suất các nhân tố tổng hợp, nâng cao năng suất lao động, nâng xếp hạng quốc gia về hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu v.v.
Xin Bộ trưởng cho biết với những kết quả đã đạt được, vì sao trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần một luật KH&CN mới?
Luật KH&CN năm 2013 được ban hành trong bối cảnh đất nước ta mới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa lâu, các hoạt động KH&CN tập trung chủ yếu ở khu vực công, gồm các các viện nghiên cứu và trường đại học. Khi đó, hoạt động KH&CN ở khu vực doanh nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST), sự xuất hiện của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST chưa rõ nét, chưa có tác động sâu rộng để thúc đẩy hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp.
Tuy nhiên sau 10 năm, bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội và KH&CN trong nước và đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của KH&CN thế giới, đòi hỏi Luật KH&CN cần được cập nhật, hoàn thiện để làm rõ hơn nội dung, nội hàm quản lý đối với một lĩnh vực có khả năng tăng trưởng nhanh và có vai trò ngày càng quan trọng như khoa học, công nghệ và ĐMST đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước.
Vậy, theo quan điểm của Bộ KH&CN, việc xây dựng Luật KH&CN mới lần này cần đáp ứng các mục tiêu cụ thể gì?
Trong thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết hội nghị của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đưa ra nhu cầu hết sức thiết thực cho ngành KH&CN. Gần đây nhất, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 69-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế với nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, trong đó đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, chính sách vượt trội, cơ chế thử nghiệm chính sách mới nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng, chuyển giao các lĩnh vực khoa học, công nghệ có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mới và chuyển đổi số; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc xây dựng Luật KH&CN mới cần đáp ứng thể chế hóa một cách rõ nét nhất tất cả các mục tiêu của ngành mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Nhìn lại những tồn tại và hạn chế của ngành KH&CN trong chặng đường 10 năm thi hành Luật KH&CN vừa qua, theo Bộ trưởng đâu là vấn đề cấp bách mà Luật KH&CN mới cần giải quyết?
Tôi cho rằng một số vấn đề đặc thù quan trọng của ngành KH&CN cần được nhận thức và có giải pháp thỏa đáng. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn rằng nghiên cứu khoa học có tính rủi ro, độ trễ, có tính kế thừa và là một hệ thống liên quan mật thiết với nhau. Mỗi thành quả khoa học là sự kế thừa rất nhiều các kết quả nghiên cứu trước đó, cả thành công và thất bại.
Bên cạnh đó, nghiên cứu khoa học còn có tính phi kinh tế, khó định mức giá trị lao động và hiệu quả kinh tế. Các tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN là một loại tài sản trí tuệ, tài sản vô hình được thể hiện dưới hình thức hữu hình là các bí quyết kinh doanh hoặc các sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn,… Chủ thể trực tiếp ứng dụng kết quả KH&CN là các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, không phải là các tổ chức nghiên cứu KH&CN, càng không phải là các đại diện chủ sở hữu nhà nước. Và để thương mại hóa được các kết quả KH&CN, vai trò của doanh nghiệp và các nhà đầu tư ngoài Nhà nước là vô cùng quan trọng.
Vì vậy, để thể chế hóa quan điểm của Quốc hội tại Nghị quyết số 100/2013/QH13, Luật KH&CN cần bổ sung các quy định về nguyên tắc chấp nhận rủi ro, độ trễ và tính kế thừa trong hoạt động KH&CN và cụ thể hóa thông qua một số nội dung: bổ sung quy định về không phải nộp lại các khoản kinh phí được cấp từ NSNN trong trường hợp đã chi tiêu đúng quy định và thực hiện đầy đủ nghiên cứu theo thuyết minh mà không đi đến kết quả cuối cùng; quy định rõ hơn về các loại hình, cách thức triển khai khác nhau đối với các nhiệm vụ KH&CN ứng với các quá trình khác nhau, từ nghiên cứu cơ bản đến thương mại hóa kết quả.
Hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, một nhân tố mới gần đây nhận được nhiều sự quan tâm trong xã hội, sẽ cần được thể chế hóa ra sao trong Luật KH&CN mới, thưa Bộ trưởng?
Luật KH&CN hiện hành đã có một số quy định cơ bản là cơ sở để nhận diện pháp lý hoạt động ĐMST, xây dựng và phát triển thị trường KH&CN, tạo cơ sở cho các chính sách tài trợ và khuyến khích của Nhà nước cho các hoạt động ĐMST. Tuy nhiên, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, hệ thống ĐMST quốc gia của Việt Nam vẫn còn yếu và đang hoàn thiện. Các thành tố chưa phát triển đầy đủ cả về số lượng và năng lực. Mối liên kết giữa các thành tố còn thiếu và yếu (thậm chí chưa hình thành). Hệ thống luật pháp hiện nay chưa sẵn sàng cho thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm mới và các mô hình kinh doanh mới dựa trên KH,CN&ĐMST. Hiện nay, cùng với diễn biến nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều công nghệ mới ra đời, có khả năng tăng trưởng cao, làm thay đổi cách thức sử dụng sản phẩm, dịch vụ của người tiêu dùng như: xe tự lái, trợ lý ảo, dịch vụ vận chuyển thông qua ứng dụng trực tuyến, dịch vụ ngân hàng số… Thực tiễn đó cần được điều chỉnh bằng quy định pháp luật, trong đó có Luật KH&CN.
Do vậy, Luật KH&CN cần bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các cơ quan trong xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST, tạo nền tảng pháp lý về ĐMST và là cơ sở để bổ sung điều chỉnh một số Luật có liên quan khác./.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
1. Một số thành tựu nổi bật, đóng góp của nền KH&CN vào phát triển nhanh và bền vững đất nước được minh chứng thông qua các con số: (1) Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020; (2) Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); (3) Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020; (4) Năm 2022 Việt Nam đứng thứ 54/100 quốc gia2 trong bảng xếp hạng về hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu; năm 2023 đứng thứ 46/132 quốc gia3 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII); 2. Xu hướng chuyển dịch đầu tư cho KH&CN trong xã hội: Khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động KH&CN chủ yếu dựa vào NSNN (chiếm khoảng 70-80% tổng đầu tư cho KH&CN), thì đến nay đầu tư cho KH&CN từ NSNN và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, ứng dụng KH&CN. 3. Xu hướng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST ở Việt Nam: Ước tính cả nước đang có hơn 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST (startup) đang hoạt động. Năm 2022, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đạt 494 triệu USD, số lượng giao dịch với quy mô gọi vốn đạt 10-50 triệu USD. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt. |
———
Chú thích:
[1] Thống kê trên ISIKNOWLEDGE.
[2] Theo bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022 của StartupBlink.
[3] Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO công bố.
Nhóm PV