Di sản của Marianne North – Nét vẽ ghi nhận loài mới
Di sản mà họa sĩ minh họa thực vật người Anh Marianne North để lại từ 200 năm trước đã giúp các nhà khoa học thời hiện đại khám phá ra các loài thực vật mới.
Họa sĩ minh họa thực vật người Anh Marianne North. Nguồn: The Conversation.
Có điều gì đó trong bức tranh Curious Plants from the Forest of Matang, Sarawak, Borneo (Thực vật Kỳ dị từ Rừng Matang, Sarawak, Borneo) đã níu chân Tianyi Yu lại. Trong tranh, các loài thực vật nhiệt đới đầy màu sắc chen chúc bên nhau. Đó là tác phẩm nghệ thuật do họa sĩ minh họa thực vật Marianne North – một người phụ nữ giàu có sống vào thời Victoria thường một mình rong ruổi khắp thế gian, ghi lại những nét đặc sắc về các loài thực vật và cảnh quan mà bà có dịp nhìn thấy – vẽ vào năm 1876 trong một chuyến đi đến Borneo, mô tả các loài thực vật trong các khu rừng ở góc Tây Bắc của hòn đảo. Người xem có thể bị thu hút trước những quả màu vàng thuôn dài, những nụ hồng e ấp, hoặc những chiếc lá tròn xếp tầng rũ xuống bên góc tranh – trong đó có một chiếc lá có vẻ đã bị côn trùng gặm nhấm. Còn với riêng Yu, một họa sĩ minh họa thực vật ở Vườn thực vật hoàng gia Kew, anh ngay lập tức bị hấp dẫn bởi những chùm quả mọng, một số quả xanh hãy còn non xen lẫn những quả khác màu đen hoặc xanh thẫm. Những quả mọng này hé lộ sự tồn tại của một loài thực vật bí ẩn, và kết nối cả hai người họa sĩ minh họa này theo một cách bất ngờ.
Đây chỉ là một trong số hơn 800 tác phẩm xếp dọc các bức tường trong Phòng trưng bày Marianne North của Vườn Kew ở London. Phòng trưng bày tựa như một “quả địa cầu” khổng lồ được bao phủ bởi những bức tranh vẽ về những loài thực vật trên khắp các xứ sở. Theo cách này, bạn có thể đi bộ chỉ trong vài bước chân, khám phá từ Nam Mỹ đến Bắc Mỹ rồi đến châu Á.
Phòng trưng bày mở cửa vào năm 1882, đích thân bà North đã giám sát từ tiến trình xây dựng, thiết kế, cho đến việc chọn gỗ cho bệ tường chạy quanh phòng trưng bày. Tất cả những gì bà North làm đều tỉ mỉ đến từng chi tiết, bao gồm cả những bức vẽ đã gợi cho Yu hàng ngàn câu hỏi. Anh nghĩ, đây không phải là một loài cây hư cấu sinh ra từ trí tưởng tượng của bà North. Bà ấy luôn vẽ chính xác những gì mà bà nhìn thấy, bao gồm cả môi trường sống của cây cối, sử dụng chất liệu sơn dầu – không giống như những họa sĩ cùng thời, họ thường vẽ các mẫu vật đơn lẻ trên nền trung tính, sử dụng các lớp màu nước mỏng.
“Bà ấy có một phong cách rất khác biệt”, nhà sử học nghệ thuật Philip Kerrigan của Đại học York, cho biết. Ông đã viết một chương về họa sĩ minh họa thực vật North trong một cuốn sách tổng quan về những đóng góp của phụ nữ trong khoa học. “Nỗ lực của bà ấy không thua gì một họa sĩ thực vật chuyên vẽ những bức tranh hướng đến một mục đích khoa học cụ thể, tái hiện nhiều góc cạnh khác nhau của nhị hoa hay các bộ phận tương tự. Bà ấy tỏ rõ sự thích thú đối với các mối quan hệ sinh thái trong môi trường”.
Bức Curious Plants from the Forest of Matang, Sarawak, Borneo (Thực vật Kỳ dị từ Rừng Matang, Sarawak, Borneo). Nguồn: Atlas Obscura.
Theo nhà bảo tồn Jonathan Farley thuộc Vườn Kew, các nhà phê bình thời đó thường không mấy ấn tượng với các bức tranh của bà North. Một giám tuyển của phòng tranh đối thủ đã tuyên bố tác phẩm của bà ấy “lòe loẹt từ trên xuống dưới”. Nhưng phong cách của bà North có giá trị đối với khoa học theo cách mà các tác phẩm màu nước của những người cùng thời với bà không thể có được.
“Ngày nay, khi các nhà khoa học thu thập mẫu mật, họ cũng sẽ có được dữ liệu về vị trí của thực vật thông qua GPS”, Farley giải thích. “Vào thời của Marianne North, các nhà khoa học chỉ biết lờ mờ theo kiểu tre mọc ở Đông Nam Á, cây gai dầu sinh trưởng tại Ấn Độ, và cây nắp ấm có ở Borneo. Tuy nhiên, bằng cách mô tả chính xác thực vật trong bối cảnh tự nhiên của chúng, Marianne không chỉ xác định chính xác nơi chúng mọc mà các bức tranh của bà còn chỉ ra điều kiện môi trường nơi chúng sinh trưởng. Bà là một trong những người đầu tiên bổ sung thông tin về ‘nơi’ và ‘cách’ vào kho tàng tri thức về thực vật”.
Một chân dung độc đáo
Thực chất lúc đầu bà North không định trở thành một hoạ sĩ sơn dầu chuyên vẽ các loài thực vật nhiệt đới trong hệ sinh thái của chúng. Sinh ra vào năm 1830 trong một gia đình giàu có ở Hastings, bà là con gái lớn của Frederick North, một nghị sĩ Quốc hội. Bà trưởng thành cùng những bài học về cách vẽ phong cảnh bằng màu nước, các buổi luyện giọng và những thú vui điển hình của thiếu nữ thuộc tầng lớp thượng lưu vào thời điểm đó. Bà chu du khắp châu Âu và Trung Đông với người cha yêu quý của mình, người đã khơi dậy trong bà tình yêu với thế giới tự nhiên. Dần dà, bà học cách vẽ phong cảnh bằng chất liệu sơn dầu. “Trong nhật ký của mình, bà kể rằng bản thân đã đến với sơn dầu như một như một ‘người Scotland thích uống rượu”, Farley chia sẻ về cơ duyên của bà North với chất liệu về sau sẽ gắn chặt với hành trình sáng tác của bà.
Cha của bà North qua đời khi bà bước sang tuổi 40. Bà vẫn cặm cụi với công việc kể cả khi đang chìm trong nỗi đau. Sau quãng thời gian trú lại Sicily để vẽ tranh, bà đã đi đến bờ bên kia của Đại Tây Dương và bắt đầu một cuộc hành trình bằng tàu hỏa xuyên Mỹ và Canada. “Có vẻ như việc nhìn thấy khung cảnh thiên nhiên với những mảng màu tươi sáng trong chuyến hành trình này đã khiến bà ấy quyết định vẽ cây cối trong chính khung cảnh tự nhiên của chúng”, Farley nói.
Khi đã định hình được phong cách và chủ đề sáng tác chính của mình, bà ấy tiếp tục mở rộng phạm vi của các chuyến đi. Bà đã dành một năm ở Brazil, một khoảng thời gian dài ở Nhật Bản, Sri Lanka, Borneo – và hầu hết là độc hành. Khi bà trở lại Anh, bà thường tổ chức các buổi triển lãm trưng bày công khai tác phẩm của mình, góp phần giúp bà trở thành một người có tầm ảnh hưởng vào thời Victoria.
“Các tờ báo thời bấy giờ đăng tải về những gì Marianne đã làm được còn nhiều hơn số tin bài về những gì mà hầu hết các nhà thám hiểm nam đã làm”, Farley đưa dẫn chứng. “Tôi đoán lý do Marianne được quan tâm nhiều đến vậy một phần vì bà đã một mình dấn thân đến những nơi mà xã hội tin rằng phụ nữ tốt nhất là không nên bén mảng”.
Farley ca ngợi “quyết tâm không bị ràng buộc bởi định kiến giới”. Nhưng nhà sử học Kerrigan, cũng là một người vô cùng ngưỡng mộ North, cho rằng bà ấy cũng ý thức được bản thân đã may mắn như thế nào để có cơ hội tự vạch ra lộ trình của đời mình – và bà cũng chưa thể vượt ra được sự kiềm tỏa của những giới hạn mà xã hội đặt ra. Ông tin rằng sự tự nhận thức là một yếu tố giúp bà quảng bá công việc của mình đến công chúng.
“Bà ấy làm việc vào thời điểm mà ngành thực vật học ngày càng trở nên chuyên nghiệp hóa, và những lĩnh vực chuyên nghiệp đó lại hầu như không có bóng dáng người phụ nữ”, Kerrigan phân tích. “Bà đã phải cần mẫn gấp đôi để khiến tác phẩm của mình trở nên nổi bật và khác biệt”.
Bức vẽ cây nắp ấm của Marianne North. Nguồn: Atlas Obscura.
Ngoài những thách thức của việc làm một người phụ nữ, bà North còn phải đối mặt với những định kiến khác trong hành trình lao động nghiêm túc. “Bà ấy nhận ra mình lớn lên trong một gia đình giàu có, và lo ngại mọi người sẽ nghĩ rằng những gì bà ấy đạt được là nhờ tiền của hoặc nhờ vị thế xã hội của bà”, Kerrigan giải thích về lòng tự trọng của người họa sĩ. “Bà North muốn gặt hái thành công bằng chính sức lực của mình”.
Phong cách vẽ tranh của bà cũng đi ngược lại xu hướng thời kỳ đó, không chỉ vì bà sử dụng chất liệu sơn dầu. Bà North học hỏi hướng đi của trường phái Ấn tượng, bao gồm cả việc sử dụng bóng và ánh sáng, và cả sở thích vẽ tranh bên ngoài thay vì trong xưởng. Tuy nhiên, “trong thời kỳ đó, vẽ tranh ngoài trời bằng chất liệu sơn dầu bị tất cả những người theo trường phái Ấn tượng xem là quái đản, nhưng Marianne vẫn thích vẽ theo cách này hơn”, Farley, người phụ trách việc khôi phục phòng tranh mang tên bà vào năm 2009, cho biết. “Trong quá trình bảo tồn các bức tranh, đôi khi chúng tôi còn tìm thấy đầu của côn trùng hoặc một vài mảnh vỏ cây”.
Chính việc không tuân theo khuôn mẫu đã giúp công việc của bà có giá trị với quá khứ và cả hiện tại. Bản thân Charles Darwin cũng rất thích thú trước tài năng của North, ông đã hối thúc bà đến Úc để vẽ lại hệ thực vật của nước này. Trong thời gian ở Borneo, bà đã vẽ cây nắp ấm chi tiết đến độ các nhà khoa học đã xác định đây là loài mới; năm năm sau đó, nó đã chính thức được đặt tên là Nepenthes northiana – như một cách để vinh danh bà. Bên cạnh Nepenthes northiana, tên bà còn được đặt cho Kniphofia northiae hay còn gọi là hoa chùm lửa – được phát hiện ở Nam Phi, Northia seychellana hay còn gọi là cây capucin, crinum northianum – thuộc họ lily, sinh trưởng tại Sarawak, Borneo.
Mở ra cánh cửa
Gần 150 năm sau thời điểm bà North đến Borneo, sẽ có một loài thứ năm mang tên bà – nhưng chỉ sau khi Yu thực hiện một số nghiên cứu nhằm xem xét kỹ hơn loài cây trong bức vẽ năm 1876 của bà North. Anh nghi ngờ cây có quả mọng màu xanh đó có thể là một loài thuộc chi Chassalia. Nhờ bà North đã sơn “rất cẩn thận”, nên anh đã “bắt được một số cấu trúc quan trọng nhất của loài này”. Nhiều loài trong chi này phân bố phổ biến từ châu Phi đến Đông Nam Á, nhưng ít có tài liệu nào ghi lại đặc điểm của chúng, chỉ có thể hình dung về chúng qua các mô tả thực địa ngắn gọn chứ không phải qua hình ảnh.
Cùng với những đồng nghiệp, Yu quyết định so sánh loài cây trong bức tranh với các mẫu vật trong khu vườn thảo mộc rộng lớn của Vườn Kew – nơi tập trung khoảng bảy triệu mẫu vật được thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Công việc của anh ấy trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ dòng mô tả đề cập đến vị trí địa lý: Anh có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm vào các loài thực vật được thu thập từ Rừng Matang ở Sarawak. Cuối cùng anh đã tìm thấy một mẫu vật được thu thập vào năm 1973 – chỉ một thế kỷ sau khi North vẽ loài cây trong khung cảnh tự nhiên của nó. Năm 2021, Yu đặt tên cho loài mới được xác định là Chassalia northiana. Đây là đóng góp mới nhất của North, nhưng có thể không phải là đóng góp cuối cùng của bà ấy cho khoa học.
“Đối với các nhà bảo tồn, rất khó để đi đến tất cả những nơi bà ấy từng đến, kể cả trong thời đại ngày nay. Trong đó, một số nơi hiện vẫn còn thiếu khảo sát khoa học”, Yu chia sẻ. “Vẫn còn nhiều loài trong tranh của bà không có thông tin hoặc thậm chí là tên khoa học, vì vậy những tác phẩm của bà là nguồn tư liệu quý giá cho công việc nghiên cứu”.
Bà North đã qua đời vào năm 1890, nhưng bà đã để lại một di sản khoa học trường tồn – một di sản mà ngày nay vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ sau. “Là một họa sĩ minh họa thực vật, tôi nghĩ Marianne North là người tiên phong đáp ứng được cả độ chính xác về mặt khoa học và sự hấp dẫn về mặt hình ảnh”, Yu bày tỏ lòng ngưỡng mộ. “Những bức tranh của bà là nguồn kho báu vô tận”. □
Anh Thư tổng hợp
(Theo Atlas Obscura, The Conversation)