Môi giới hôn nhân Việt – Hàn: Nhiều rủi ro cho phụ nữ
Tại Hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu “Phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài: Xu hướng và một số vấn đề xã hội hiện nay”, vào ngày 27/10/2022, TS. Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Gia đình và giới (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), đã chỉ ra các hình thức di cư bị ảnh hưởng bởi “lực hút” và “lực đẩy” thông qua hiện trạng hôn nhân Việt – Hàn.
Theo lý giải của TS. Trần Thị Minh Thi, lực hút ở đây là tình trạng mất cân bằng giới tính, mức sinh thấp trầm trọng và sự thay đổi về vai trò thực hành giới của nữ của Hàn Quốc.
Cô dâu Việt Nam học nghi lễ Hàn Quốc tại Trung tâm trao đổi văn hóa Việt – Hàn. Ảnh: Korea Bizwire
Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có mức sinh 0,98 – mức thấp chưa từng có trên thế giới, nghĩa là trung bình mỗi phụ nữ tại Hàn Quốc chưa sinh đến 1 con, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn nhiều hơn cả trẻ em sinh ra. Nếu vẫn tiếp tục duy trì mức tính như hiện nay thì đến khoảng giữa thế kỷ này thì Hàn Quốc chỉ còn 2/3 dân so với hiện nay.
Hiện trạng hôn nhân Việt – Hàn cũng được Hàn Quốc quan tâm. Vào năm 2019, trong tổng số 17.687 cuộc hôn nhân của nam giới Hàn Quốc với người nước ngoài thì có tới 6.712 trường hợp lấy phụ nữ Việt Nam, chiếm tới 38%, theo số liệu của Cục thống kê Hàn Quốc (1). Số phụ nữ đến từ các nước có trình độ kinh tế thấp hơn Hàn Quốc, như Trung Quốc, Thái Lan, kết hôn với nam giới Hàn Quốc đều thấp hơn Việt Nam (chẳng hạn Trung Quốc có 3.649 hay Thái Lan 2.050). Tỉ lệ này khoảng 28%, khi tính tổng số các trường hợp kết hôn với phụ nữ nước ngoài theo các năm ở Hàn Quốc, theo CNN (2).
Một phần hiện trạng này do phụ nữ Hàn Quốc ngày càng mong muốn được tự do, thoát khỏi truyền thống lấy chồng – ở nhà – sinh con, tách hẳn công việc nội trợ khiến cho nam giới Hàn Quốc phải tìm tới môi giới hôn nhân với phụ nữ ở các quốc gia có trình độ kinh tế kém hơn như Việt Nam, Philipines. Thông thường, nam giới Hàn Quốc không có địa vị xã hội, có tiềm lực tài chính thấp sẽ khó tìm được vợ người Hàn Quốc (do kỳ vọng của phụ nữ bao giờ cũng mong muốn lấy chồng có điều kiện tốt hơn mình). Ngược lại, “phụ nữ Việt Nam vẫn rất truyền thống: chăm chồng con, hi sinh cho chồng con, phụ nữ nào sang nước ngoài cũng rất muốn đi làm để lo cho gia đình và lo cho chính gia đình của mình ở Việt Nam. Thực hành vai trò giới giữa hai nước rất khác biệt, vừa tạo lực hút vừa tạo lực đẩy cho hôn nhân nữ Việt Nam sang nước ngoài”, TS Minh Thi nói.
Lực hút và lực đẩy kinh tế chính là tình trạng chênh lệch mức sống giữa hai nước, trong khi Hàn Quốc đã đạt tới GDP bình quân đầu người gần 40.000 USD thì Việt Nam chưa đạt được 4000 USD. Lợi thế kinh tế xã hội ở nơi đến cho phép những cô dâu Việt Nam – dù sau khi lấy chồng chỉ làm những công việc giản đơn như nông nghiệp, dọn dẹp, hay công nhân – có thể có được mức thu nhập tốt, thậm chí chu cấp được cho gia đình ở quê nhà.
Hầu hết các cuộc hôn nhân này đều được hình thành qua môi giới, và phụ nữ kết hôn trong tình trạng “nhiều không” – không biết ngoại ngữ, không hiểu gì về văn hóa lối sống, không biết gì về thân thế của người chồng tương lai… và có thể không nắm chính xác thông tin về tình trạng hôn nhân của chú rể (do các công ty môi giới cung cấp).
Những cuộc hôn nhân môi giới thường mang tính mua bán hơn là tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp lâu dài (nam giới Hàn Quốc phải trả phí cao cho các công ty môi giới) và có xu hướng hứng chịu rất nhiều rủi ro, và tỉ lệ bạo hành gia đình cao. Theo khảo sát của Ủy ban Nhân quyền quốc gia của Hàn Quốc, 42% phụ nữ ngoại quốc lấy chồng Hàn Quốc phải chịu bạo hành gia đình, từ phổ biến nhất là lời nói (hơn 80%) cho tới bạo lực thể xác (38%), bị cắt đứt quan hệ với quê nhà (27%), thậm chí là hạn chế tự do (26%)…
Tình trạng nhiều công ty môi giới ở Hàn Quốc quảng cáo cô dâu như những món hàng đã khiến các nhà hoạt động vì quyền con người lên tiếng nhiều, và gần đây Hàn Quốc đã phải xiết chặt các quy định về môi giới chính xác. Bên cạnh đó, dù tình trạng kết hôn với người nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến, không chỉ Hàn Quốc, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 cô gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài thì ở Việt Nam vẫn chưa có các chính sách hay dịch vụ hỗ trợ thông tin về nơi đến, hòa nhập xã hội cho phụ nữ.
Chú thích
(1) https://kosis.kr/statHtml/statHtml.do?orgId=101&tblId=DT_1B83A31&vw_cd=MT_ZTITLE&list_id=A23_4&scrId=&seqNo=&lang_mode=ko&obj_var_id=&itm_id=&conn_path=MT_ZTITLE&path=%252FstatisticsList%252FstatisticsListIndex.do&orderBy=ASC
(2)https://edition.cnn.com/2020/08/02/asia/foreign-wives-south-korea-intl-hnk-dst/index.html