Nobel Kinh tế 2024: Thể chế và phát triển kinh tế
Giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho nghiên cứu giúp chúng ta hiểu tại sao một số quốc gia thịnh vượng còn một số khác lại không.
Tại sao một số nước lại giàu có hơn, tích lũy được nhiều hơn, đổi mới sáng tạo hơn, đầu tư vào nguồn lực con người nhiều hơn hẳn các nước khác?
Cho đến nay đã có có nhiều giả thiết về vấn đề này từ các góc độ địa lý, văn hóa, kinh tế khác nhau. Dưới góc độ của lý thuyết thể chế, câu trả lời của các nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm nay Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson cho rằng mấu chốt nằm ở vai trò của thể chế trong việc định hình và ảnh hưởng tới thịnh vượng xã hội.
Kể từ thời kỳ các nước châu Âu xâm lược nhiều quốc gia khác trên thế giới, các thể chế trong các xã hội đã thay đổi. Có thể tạm phân loại các thể chế xã hội ra làm hai kiểu: thể chế dung hợp/ bao trùm (inclusive institutions) và thể chế khai thác (extractive institutions).
Nhìn vào dữ liệu trong lịch sử và lý thuyết về thể chế, các nhà nghiên cứu kinh tế đoạt giải Nobel năm nay cho rằng, các xã hội theo thể chế dung hợp giúp tạo động lực cho sự phát triển kinh tế thường thịnh vượng, còn các xã hội theo thể chế khai thác thường khó tăng trưởng hoặc thay đổi theo hướng tốt hơn.
Từ lịch sử thời kỳ thực dân, ở một số nước bị xâm lược, các đế quốc xâm lược đặt mục tiêu bóc lột lao động và khai thác tài nguyên để mang lại lợi ích cho chính quốc. Còn ở một số nơi khác, các nước xâm lược xây dựng các hệ thống chính trị và kinh tế bao trùm vì lợi ích lâu dài của những người di cư châu Âu. Và việc các thể chế xã hội được đưa vào trong quá trình thực dân hóa có vai trò quan trọng với sự thịnh vượng của các quốc gia. Ở các quốc gia có thể chế bao trùm, có thể xuất phát điểm nghèo khó nhưng theo thời gian đã đạt tới sự thịnh vượng. Trong khi đó, một số quốc gia bị mắc kẹt trong thể chế khai thác và tăng trưởng kinh tế.
Về những người hưởng lợi từ các thể chế này: các thể chế bao trùm sẽ tạo ra lợi ích lâu dài cho đa số người dân, nhưng các thể chế khai thác lại mang lại lợi ích ngắn hạn cho những người cầm quyền.
Đánh giá về nghiên cứu này, trong thông báo của Ủy ban Nobel, Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kinh tế cho biết, “Thu hẹp khoảng cách lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta. Những người đoạt giải đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội trong việc đạt được mục tiêu này”.
Ở Việt Nam, Daron Acemoglu và James A. Robinson đã được biết đến với bản dịch cuốn sách “Tại sao cac quốc gia thất bại”, do Nhà xuất bản trẻ ấn hành.
Bảo Như dịch
Nguồn: Thông cáo báo chí của Ủy bản Nobel.