One Health: Khởi đầu nào cho Việt Nam?
Những biến đổi của môi trường sống, sự mất mát đa dạng sinh học, sự gia tăng tiếp xúc giữa người với động vật, biến đổi khí hậu… đang trở thành những nguyên nhân khiến nguy cơ rủi ro dịch bệnh đang ngày một xuất hiện nhiều hơn.
Cách tiếp cận One Health giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khoẻ con người, vật nuôi và các hệ sinh thái
Theo thời gian, ngày càng có nhiều dịch hơn, có nhiều tác nhân gây bệnh hơn và nhiều đại dịch mang tính chất toàn cầu hơn so với giai đoạn trước, vốn rời rạc hơn”, TS. Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD), trao đổi trong seminar khởi động dự án “Media for One Health” (Truyền thông cho Một sức khỏe), do tổ chức CFI của Pháp tổ chức vào ngày 20/5 tại Hà Nội. Anh cho biết, sắp tới xu hướng dịch bệnh có thể còn tăng nữa, đa phần sẽ là các bệnh truyền nhiễm, vốn 60% tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ động vật và động vật hoang dã. “Chúng ta cùng thấy đây là một tỉ lệ rất cao nên rất cần những cách tiếp cận mới”, anh nói.
Trước những nguy cơ đó, chúng ta tự hỏi, phải làm gì và bắt đầu từ đâu để phòng ngừa những dịch bệnh tương lai?
Những dịch bệnh âm thầm
Đại dịch COVID 19 có thể là dấu mốc khiến con người trở nên cảnh giác hơn với các bệnh về đường hô hấp, dù trước đây vào năm 2003, Việt Nam và toàn cầu cũng đã phải chịu đựng đại dịch SARS do SARS-CoV, một chủng của coronavirus gây ra, và sau đó là dịch cúm gia cầm do virus A (H5N1). Giờ đây, cái nhìn về bệnh cúm A hay cúm mùa của hầu hết mọi người dân đều trở nên khác trước.
Nhưng đó mới là phần nổi của tảng băng trôi bởi có quá nhiều mầm bệnh, ổ virus đang lưu hành trong môi trường sống của chúng ta. Vào đầu năm 2024, cái chết của một sinh viên ở Khánh Hòa do lây nhiễm cúm A (H5N1) từ chim di cư trở thành một chỉ dấu cho thấy mối nguy của dịch bệnh lúc nào cũng có thể chực chờ con người và chỉ một hành xử khinh suất cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Đặt các vấn đề về dịch bệnh vào bối cảnh một quốc gia nhiệt đới có tính đa dạng sinh học cao như Việt Nam, chúng ta lại càng thấy quá nhiều nguy cơ mầm bệnh có thể bùng phát thành dịch. Trong những năm qua, môi trường Việt Nam bị đe dọa bởi nạn phá rừng làm mất mát sự đa dạng sinh học. Sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi dẫn đến việc thiếu vùng đệm tự nhiên để tránh các mầm bệnh từ động vật hoang dã và làm gia tăng khả năng lây bệnh cho vật nuôi… Tất cả đều có thể là khởi điểm của một bệnh dịch mới.
Một trong những mối lo thường trực là các bệnh truyền nhiễm, những loại bệnh nhiễm trùng có khả năng lây lan từ người sang người một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua các môi trường trung gian và có khả năng phát triển thành bệnh dịch. Bộ Y tế đã phân loại các bệnh truyền nhiễm vào ba nhóm là nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, như bại liệt, tả, dịch hạch, đậu mùa, các bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus…; nhóm B với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong như HIV/AIDS, bạch hầu, bệnh cúm, bệnh dại, ho gà, sởi, sốt rét…; bệnh nhóm C với các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh như các bệnh do giun, phong, mắt hột… Có khả năng phòng tránh nhiều căn bệnh trong số này bằng vaccine, tuy nhiên giới y tế lo ngại rằng trong một vài năm gần đây xuất hiện những đợt bệnh bùng phát do tình trạng tiêm phòng vaccine không đầy đủ, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa.
10 thách thức chính của One Health ở Việt Nam 1. Gia tăng các bệnh truyền nhiễm, nhảy loài từ động vật sang động vật, động vật sang người. 2. Gia tăng các bệnh không truyền nhiễm 3. Gia tăng mối liên hệ giữa sức khỏe và di cư 4. Gia tăng các vấn đề sức khỏe môi trường và biến đổi khí hậu 5. Gia tăng các vấn đề kháng kháng sinh, an toàn thực phẩm 6. Thiếu thốn cơ sở hạ tầng y tế 7. Thiếu nguồn kinh phí 8. Thiếu sự điều phối giữa các cơ quan, tổ chức, hợp tác và gắn kết 9. Truyền thông nguy cơ và nhận thức của công chúng chưa hiệu quả 10. Thiếu thốn nguồn nhân lực. Theo TS. Phạm Đức Phúc |
Tuy nhiên, TS. Phạm Đức Phúc cho rằng, còn một số vấn nạn khác chưa được chú ý đúng mức, ví dụ như kháng kháng sinh. “Đây là một đại dịch thầm lặng vì chúng ta không nhìn thấy, không biết được vì có thể có nhiều vi khuẩn mang gene kháng thuốc tồn tại trong môi trường. Có rất nhiều nguồn mà chúng ta có thể vô tình mắc phải. Như khi chúng ta ăn thức ăn có dư lượng kháng sinh, hay khi dùng thuốc… Nếu như chúng ta nhiễm vi khuẩn mang gene kháng thuốc thì sẽ khó tìm được thuốc để điều trị bệnh vì cơ thể chúng ta không còn đáp ứng với thuốc nữa”, anh nói.
Vấn đề kháng kháng sinh (ARM) ở Việt Nam đã được đề cập đến trong nhiều công bố của các nhà nghiên cứu Việt Nam và thế giới trong thời gian qua. Do rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm trên người và vật nuôi nên người ta đã phải sử dụng kháng sinh để điều trị. Theo số liệu tính toán của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng OUCRU trong công bố năm 2020, “An estimation of total antimicrobial usage in humans and animals in Vietnam” (Một ước tính về việc sử dụng kháng sinh ở người và vật nuôi tại Việt Nam) trên tạp chí Antimicrobial Resistance & Infection Control, có khoảng 3.838 tấn thuốc kháng sinh đã được sử dụng ở Việt Nam trong một năm, trong đó 2.751 tấn (71,7%) trên động vật và 1.086 tấn; 28,3%) trên người. Lượng thuốc kháng sinh lớn nhất được sử dụng cho lợn (chiếm 41,7%), người (28,3%), nuôi trồng thủy sản (21,9%) và gà (4,8%). Hai nghiên cứu xuất bản năm 2021 của TS. Lưu Quỳnh Hương (Viện Chăn nuôi) và cộng sự cho thấy tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh cho vật nuôi xảy ra đồng đều ở cả Bắc, Trung, Nam.
Cũng có mặt tại hội thảo, TS. Sonia Lewycka (OUCRU) cho biết thêm, một nghiên cứu do OUCRU thực hiện đã khảo sát 1160 trang trại chăn nuôi ở Nam Định, một trong những thủ phủ nuôi gà, lợn ở miền Bắc. Họ đã phát hiện ra 55% vật nuôi chứa vi khuẩn gram âm sinh beta-lactamase phổ rộng (ESBLs) có thể kháng lại rất nhiều các thuốc kháng sinh phổ biến; 68% vật nuôi có vi khuẩn kháng colistin (kháng sinh thuộc nhóm polymyxin dùng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gram âm). Cũng trong nghiên cứu này, OUCRU đã khảo sát thêm tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ em dưới năm tuổi thuộc 2.600 hộ gia đình. Kết quả cũng không khả quan bởi 80% em nhiễm ESBL, 63% có vi khuẩn kháng colistin đường ruột.
Chúng ta sống trong một môi trường nhiệt đới nóng ẩm có quá nhiều điều kiện cho các vi khuẩn phát triển. Có rất nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau mà chúng ta không lường trước được, từ vệ sinh an toàn thực phẩm, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên đến các bệnh nhiệt đới tái nổi. “Kể từ đầu năm trở lại đây, vấn đề an toàn thực phẩm đã xảy ra ở rất nhiều địa phương. Có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, kể cả ở các khu công nghiệp vốn được coi là kiểm soát rất tốt các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Rõ ràng, mầm bệnh có mặt ở khắp mọi nơi và câu chuyện kiểm soát thực phẩm đầu vào, chế biến, phân phối của chúng ta còn chưa đồng bộ”, TS. Phạm Đức Phúc nêu.
Trong một thế giới nhiều nguy cơ bệnh dịch, “Đông Nam Á được nhận diện như một điểm nóng tiềm năng, nơi một đại dịch mới có thể bắt đầu ở bất cứ nơi nào và khi nào nơi có sự tương tác gần giữa người và vật nuôi hay động vật hoang dã”, anh nói.
Cách tiếp cận Một sức khỏe
Những thay đổi trong môi trường sống với rất nhiều tham số khó kiểm soát khiến cho việc kiểm soát dịch bệnh khó có thể thành công, nếu chúng ta vẫn chọn cách tiếp cận truyền thống. Vì vậy, hơn hai thập niên qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hình thành cách tiếp cận One Health (Một sức khỏe). Theo TS. Flavie Goutard, nhà nghiên cứu về thú y của Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Phát triển nông nghiệp (CIRAD), đây là “một cách tiếp cận tích hợp và thống nhất nhằm cân bằng và tối ưu một cách bền vững sức khỏe của con người, vật nuôi và các hệ sinh thái bởi sức khỏe con người, vật nuôi và động vật hoang dã, cây trồng và môi trường trong các hệ sinh thái này có sự gắn kết gần gũi và phụ thuộc lẫn nhau. Ưu điểm của cách tiếp cận này có thể quy tụ được nhiều lĩnh vực, chuyên ngành và cộng đồng ở các cấp độ khác nhau trong xã hội làm việc cùng nhau để cải thiện sức khỏe và giải quyết các nguy cơ với sức khỏe và các hệ sinh thái”.
One Health đã được giới thiệu vào Việt Nam chừng hơn một thập niên. Là một người áp dụng cách tiếp cận này từ những ngày đầu, TS. Phạm Đức Phúc đánh giá tính hiệu quả của cách tiếp cận này “Chúng ta muốn sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh thì phải dự báo được, bằng thông tin khoa học, bằng trao đổi truyền thông giữa các ngành với nhau, nếu không sẽ bị trễ trong việc dự báo hoặc dự báo sẽ sai”. Điều cốt lõi trong dự báo là “Phải hiểu rõ các tác nhân gây bệnh, mối nguy của nó, đặc tính lây truyền của nó, địa điểm lưu hành của nó, đâu là nhóm có nguy cơ cao. Chúng ta cần phải dự báo mối nguy ở đâu chứ không phải dự báo bệnh. Thường ngành y tế chỉ ứng phó khi xảy ra vấn đề thì đã muộn”.
Việc theo dõi nguy cơ dịch bệnh theo nguyên tắc của One Health sẽ đem lại những vật liệu quan trọng để giới chuyên môn dễ dàng hình dung ra toàn bộ bức tranh. Lấy ví dụ về những dịch bệnh phổ biến từ động vật nhảy sang người, TS. Phạm Đức Phúc chỉ ra, chúng ta phải biết những thông tin cơ bản như “khi động vật có vấn đề về sức khỏe, mang mầm bệnh chẳng hạn thì những ai thường tiếp xúc với nó đầu tiên? người nuôi hay nhân viên thú y? Nếu những thông tin về tình trạng bệnh tật mới không được chia sẻ cho y tế kịp thời thì rất có thể là những người làm dịch tễ sẽ có dự báo sai”.
Mặc dù là một cách tiếp cận trong phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả nhưng One Health vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Trong công bố “Decades of emerging infectious disease, food safety, and antimicrobial resistance response in Vietnam: The role of One Health” (Hàng thập kỷ đối phó bệnh truyền nhiễm mới nổi, an ninh lương thực và kháng kháng sinh ở Việt Nam: Vai trò của Một sức khỏe) trên tạp chí One Health, TS. Nguyễn Việt Hùng, đồng giám đốc chương trình con người và vật nuôi tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và cộng sự đã nhận diện các nguyên nhân, trong đó mối liên hệ giữa các lĩnh vực còn mờ nhạt, mối quan hệ con người – động vật – môi trường còn chưa được chú trọng, đặc biệt về môi trường. Do vậy anh cho rằng, “để giải quyết thách thức này, Bộ TN&MT cần đóng vai trò lớn hơn trong pha hai của chương trình Một sức khỏe”.
Bản thân kết hợp giữa nhiều lĩnh vực vào một chương trình bao giờ cũng có nhiều thách thức. “Nếu chỉ có ngành y tế thì chúng ta không thể hạn chế được hết các ảnh hưởng tiêu cực, vì vậy cần có sự kêu gọi sự tham gia của các bên”, TS. Phạm Đức Phúc chia sẻ và thừa nhận một tồn tại “Ngay cả giữa hai ngành, đôi khi không cùng kiến thức chuyên môn thì rất khó để chia sẻ, chuyển tải thông điệp của ngành, văn hóa ngành khác nhau nên rất khó. Giữa giới khoa học, nhà làm chính sách với người làm truyền thông chưa gặp nhau”.
Theo phân tích của TS. Phạm Đức Phúc, hiện tại có nhiều thách thức khi Việt Nam áp dụng cách tiếp cận One Health. Thứ nhất là hệ thống y tế quá tải, điều này đã từng được chứng kiến trong thời gian diễn ra đại dịch COVID 19. Bên cạnh đó là ngành thú y đã bị mất đi hệ thống thú y cơ sở. “Rất nhiều nơi không còn trạm thú y ở huyện, xã, đa phần không có giải pháp để can thiệp và kiểm soát bệnh trên động vật. Thiếu cơ sở tạ tầng thì chúng ta không triển khai được các chiến lược ngăn ngừa các loại bệnh qua verto lây nhiễm. Do đó, khi có dịch bùng phát thì ngành y tế của chúng ta sẽ lâm vào tình trạng trở tay không kịp hoặc bị quá tải”, anh nói.
Một trong những thách thức mà không chỉ One Health mà rất nhiều chương trình khác ở Việt Nam phải đối diện khi triển khai là thiếu kinh phí. “Mặc dù chúng ta đã áp dụng cách tiếp cận One Health hơn 10 năm nay nhưng còn rất nhiều vấn đề trong quá trình triển khai. Gần như là chúng ta không đủ tiền, thậm chí không có tiền cho nó”, TS. Phạm Đức Phúc chỉ ra điểm yếu cố hữu, đồng thời đưa ra một phương án khả thi “Chúng ta cần cơ chế hợp tác với nhau, chia sẻ nguồn lực và chia sẻ tài chính”.
Đây cũng là điều mà các nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài ở Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) từng đúc rút qua công bố “The challenges of investigating antimicrobial resistance in Vietnam – what benefits does a One Health approach offer the animal and human health sectors?” (Những thách thức trong điều tra về kháng kháng sinh ở Việt Nam – những lợi lích mà cách tiếp cận Một sức khỏe đề xuất cho các lĩnh vực sức khỏe con người và động vật), được xuất bản trên tạp chí BMC Public Health. Trong quá trình thực hiện dự án SafePork, họ đã phỏng vấn các nhân viên y tế và thú y ở Thái Nguyên và Hà Nội từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019, trong đó một số người mong muốn được gia tăng nguồn lực để có thể hợp tác và nâng cao kiến thức “Đó là vấn đề lớn nhất, bởi vì ở Việt Nam có rất nhiều hạn chế về nguồn lực”.
Tuy nhiên việc chia sẻ nguồn lực, cả về tài chính và con người, đều phụ thuộc vào cơ chế phối hợp, điều mà TS. Phạm Đức Phúc cho là “một cái vướng rất lớn, rất khó để làm”. Một cán bộ làm việc ở một cơ quan cấp tỉnh cũng trả lời các nhà nghiên cứu ILRI “có những thách thức trong việc phát triển mối quan hệ với ngành khác vì có thể là người quản lý không cảm thấy đó là một nỗ lực cần thiết”.
Việc lấp đầy khoảng trống về những cơ chế hợp tác và chia sẻ nguồn lực, cơ chế hợp tác giữa các bên với nhau sẽ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hiệu quả của cách tiếp cận One Health ở Việt Nam. Ở địa vị là một nhà nghiên cứu và một bác sĩ, TS. Phạm Đức Phúc cho rằng, việc trao đổi thông tin một cách minh bạch và kịp thời sẽ giúp gỡ nút thắt một phần của vấn đề “Có nhiều người có kiến thức để triển khai One Health nhưng lại rất vướng, vì không có cơ chế để làm được. Ví dụ như có những thông tin hơi nhạy cảm một chút thì những nhà làm chính sách đã gọi điện cho tôi là tại sao lại đưa thông tin như vậy. Sau đó khi tôi giải thích cặn kẽ thì mọi người mới chấp nhận”.
Những thách thức này sẽ là những vấn đề mà các bên cùng phải giải quyết. Bởi như những cán bộ y tế trao đổi với các nhà nghiên cứu của ILRI “Tất cả đều phải có sự hợp tác liên ngành. Vấn đề ở khâu đánh giá thực trạng cũng cần có sự phối hợp liên ngành. Trong giai đoạn xây dựng giải pháp hợp tác cũng cần có sự phối hợp liên ngành. Và cuối cùng cũng cần đo lường tác động, kết quả và sự hợp tác của các ngành”.