Anh hùng còn chi

“Anh hùng còn chi”, một ấn phẩm được coi là di cảo Nguyễn Huy Thiệp, công bố những bài thơ chưa từng được biết đến của ông và một số truyện ngắn đã đăng báo nhưng chưa xuất hiện trong tuyển tập nào.

Tập di cảo của Nguyễn Huy Thiệp vừa được xuất bản vào tháng 11/2023. Nguồn: NN

Tập sách cũng giới thiệu các kịch bản phim, tiểu luận, ký họa trên gốm tài hoa của ông, cùng những tấm ảnh tư liệu quý giá theo mỗi dấu mốc cuộc đời.

Có thể không gây “choáng váng” văn đàn như những tác phẩm đầu tiên được công bố vào thập niên 1980 nhưng “Anh hùng còn chi” sẽ giúp chúng ta hình dung đầy đủ hơn về sự nghiệp, cuộc đời của nhà văn danh tiếng này.

Những vần thơ chua xót

Tháng 11/1977, Nguyễn Huy Thiệp, bấy giờ vừa trải qua gần 8 năm dạy học ở trường Bổ túc công nông, chuẩn bị chuyển về dạy ở Trường cấp 2+3 Mai Sơn. Hai ngôi trường, thật ra, cũng đều nằm trên địa bàn tỉnh Sơn La, đều “đi xa hơn nữa” trong núi rừng Tây Bắc bất tận. Gắn bó chừng ấy năm dằng dặc với núi rừng, mà lại vào khoảng đời đầu xanh tuổi trẻ vừa nhiệt huyết vừa mơ mộng, lắm nỗi ưu tư, Nguyễn Huy Thiệp không khỏi xúc động nói lời từ biệt: “Xin từ biệt những ngày đã sống,/Tuổi trẻ tôi để lại nơi đây./Xin từ biệt những gì đẹp nhất/Nơi lòng tôi xao xuyến tháng ngày. Những câu thơ bộc bạch chân tình này cũng khép lại trang cuối cuốn sổ tay, gần như là một nhật-ký-thơ, của chàng thanh niên Nguyễn Huy Thiệp. 

Cho dù chúng chỉ như lối ghi nhật ký, thỏa cảm xúc và suy tư của một giáo viên tỉnh lẻ, nhưng đọc lại, chúng ta vẫn thấy chất giọng, cái nhìn khá riêng. “Còn những gì chua xót/Chỉ là trong thơ thôi”, câu đề từ tập thơ hé lộ cách cảm, cách nhìn cuộc sống, con người của Nguyễn Huy Thiệp không thiên về mang màu hồng, ngợi ca như dòng mạch chính của thơ cách mạng bấy giờ. 

Trong giọng điệu thẳng thắn, có phần phê phán và giễu nhại, Nguyễn Huy Thiệp nhấn mạnh: “Đâu cũng đầy bản tính nhác lười/Thói vị lợi lân la tìm bạn/Những khuôn mặt vô duyên, buồn chán/Đất cằn khô, cỏ mọc chen hoa…”. 

Chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp. Nguồn: MAT

Có thể vì thực tế miền núi gian khó, đơn điệu, tẻ nhạt khiến anh giáo trẻ chưa thể định hình được giá trị sống của mình và thường nảy sinh ý thức tự chất vấn, tự thú: “Ở trong anh cũng có ươn hèn/Cũng vụ lợi, dại rồ, ích kỷ/Cũng có tháng ngày sống vô nghĩa lý/Cũng hóa tầm thường khi bụng hờn ghen”.Nhưng chính thái độ thoạt tiên bất ổn này, mới tạo nên nguồn năng lượng lớn, vững chãi để Nguyễn Huy Thiệp lờ mờ nhận ra ánh mắt của cá voi sát thủ, hình ảnh ẩn dụ cho khao khát thay đổi, vượt thoát thực tại và truy tìm nghĩa lý của bản thân, như ông đã kể lại: “Tôi chợt nghĩ và nhận ra rằng cái ánh mắt của con cá voi sát thủ kia có lẽ là tri thức chăng, là mơ ước chăng, là khát vọng hay hạnh phúc chăng, nó là một cái gì đấy hiện hữu và có thật, rất to lớn, chứa chấp sự hiểm nguy và không khoan nhượng”. 

Khi biết mình đuổi theo ánh mắt của cá voi sát thủ, ấy là lúc, một anh giáo vùng cao muốn “đau cũng hết lòng, mơ ước cũng lòng” và sẵn sàng “tát cạn bản thân mình vào đó” cho cuộc dấn thân viết văn kéo dài hơn bốn mươi năm với nhiều thăng trầm khó phỏng đoán. Nguyễn Huy Thiệp thường gọi hành trình đó là “đi tìm đạo”.

Có thể nói Những vần thơ chua xót không hề có câu chữ phá cách, bút pháp tân kì. Nhưng cảm xúc và giọng điệu, theo tôi, có nét gần gũi với thơ của Lưu Quang Vũ đầu thập niên 1970. Ở thời điểm này, nhiều thi phẩm của Lưu Quang Vũ ẩn chứa thái độ hoài nghi, buồn bã, có phần bi phẫn, chua xót, “tôi tan nát kinh hoàng sợ hãi”. Lưu Quang Vũ cũng tự phác họa chân dung cái tôi cô đơn, nhiều giằng xé nội tâm, thậm chí cảm thấy như “một tấm gương chẳng biết soi gì”. Nhưng, cũng như Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Quang Vũ chói sáng trên văn đàn thời đổi mới với tư cách kịch tác gia trước khi công chúng biết rõ hơn những thi phẩm xuất sắc tồn tại trong ngăn kéo của ông. Cả hai là hiện thân cho tiếng nói trung thực, thẳng thắn và mạnh mẽ bậc nhất về hiện tình xã hội. Và cả hai cũng cho thấy khả năng tạo tác kiểu văn chương có sức mạnh lay tỉnh, thôi thúc mà công chúng mong đợi từ lâu để được suy ngẫm, vỡ lẽ, tự biết mình cần gì và cuối cùng thì làm gì cho đời sống vốn đang buộc họ phải biết trở tay giỏi hơn thường lệ.

Nguyễn Huy Thiệp ký họa chân dung thi sĩ Bùi Giáng. Nguồn: MAT

Văn học là cuộc sống

Trong tiểu luận Văn học là cuộc sống, Nguyễn Huy Thiệp cũng từng đặt câu hỏi, rằng văn chương có sức mạnh không? Theo ông, “văn học là cuộc sống”, mà cuộc sống thì “chỉ nên tìm hiểu, nghiên cứu chứ đừng giải thích nó”. Tài năng văn học, theo ông, phải nằm ở việc thể hiện “chính xác cuộc sống” với điều kiện là “thể hiện chính xác ngôn từ”. 

Nguyễn Huy Thiệp không ngạc nhiên với kiểu văn chương minh họa, ông chỉ cần nhà văn lao động trung thực, hết mình với tác phẩm thì sẽ không phải mặc cảm khi nhận tiền thù lao. “Khi nhận tiền thù lao”, ông lưu ý, “là khóa chốt lại nhân cách nhà văn”, bởi nó sẽ chứng thực việc nhà văn “phát ngôn cho ai, vì ai, chỗ đứng của nhà văn là chỗ nào?”. 

Ông đề đạt rằng một nhà văn có nhân cách là “nhà văn phát ngôn cho nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, đứng trong nhân dân lao động”. Tôi không nghĩ rằng đây là một quan điểm mới mẻ của Nguyễn Huy Thiệp, cơ hồ nó còn đại khái và có phần màu mè so với những gì ông từng phát biểu khá gai góc trong các tiểu luận cùng thời điểm như Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm của nhà văn (1989), Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn (1990), Nhà văn và bốn trùm Mafia (1991), Con đường văn học (1992). Nhưng hơn chín năm dạy học, và kế đó, nhiều năm vật lộn mưu sinh (làm công chức, kế toán, vẽ tranh, làm gốm, buôn bán, nấu ăn, mở nhà hàng,…), “trải qua và chứng kiến nhiều cảnh ngộ cuộc đời, cả vinh quang lẫn cay đắng”, Nguyễn Huy Thiệp quá hiểu bản thân cũng chỉ là “nhân dân lao động” và đã “chán ngấy những cuốn sách thuyết giảng thứ đạo đức giả”. “Nhân dân – ông viết, đang cần những cuốn sách tự vấn, những cuốn sách giúp họ tự nhận thức lại mình” (Khoảng trống ai lấp được trong tư tưởng nhà văn). Nhân dân chẳng cần nhà văn phải chỉ bảo “hướng tiến lên” cho họ như thế nào, ông lưu ý thêm, nhân dân kỳ vọng được nhà văn dẫn dắt và bênh vực khi họ bị đẩy vào các tình huống trớ trêu nào đấy. 

Như thế, với Nguyễn Huy Thiệp, sức mạnh của văn học chỉ nảy nở trong điều kiện nó thuộc về nhân dân lao động, trở thành thang thuốc hồi sức sau khi nhân dân lao động, bao gồm cả nhà văn, đã cật lực để sinh tồn trong vô vàn tình huống đời sống phức tạp. Tôi nghĩ, đó là lí do vì sao rất nhiều nhân dân lao động, mà thực chất là những bạn đọc tử tế, đã tự nhận vơ mình là nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp. 

Sau hơn bốn thập niên viết văn, Nguyễn Huy Thiệp vẫn là kiểu nhà văn tạo được cự li đủ khó cho những ý muốn bình phẩm, dán nhãn vội vàng. 

Ký họa trên gốm

Một số bức ảnh tư liệu cho thấy Nguyễn Huy Thiệp từng vẽ chân dung các thực khách đến nhà hàng Hoa Ban của ông. Đấy là quãng đầu những năm 1990 khi ông đóng vai trò chủ nhà hàng, tuyên bố “rửa tay gác kiếm”, không viết văn nữa. Nhưng vẽ, ký họa như thế chỉ là một “chiêu trò” thu hút thực khách, không thể nói lên tâm tính, cái nhìn của ông.

Chỉ khi vẽ các văn nhân, bạn hữu, các tác giả, nhân vật văn chương thì Nguyễn Huy Thiệp mới bộc rõ hơn kiểu vẽ của ông. Thường thường, ở mặt trước đĩa gốm, mỗi chân dung sẽ được ông vẽ phác thảo vài nét, lẩy thần thái khuôn mặt là chính. Ở mặt sau, ông ghi đề tặng hoặc viết lại những câu châm ngôn, hoặc trích đoạn tác phẩm mà ông muốn gửi gắm. Không kể những văn nhân, bạn hữu thân sơ mà ông vẽ tặng, Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra thích ký họa những cá tính văn chương lớn ít nhiều đã gây hứng thú cho ông như Victor Hugo, Balzac, Hemingway, Pushkin, Bùi Giáng, Hoàng Ngọc Hiến, Tô Hoài, Lê Lựu,…

Ông cũng vẽ ký họa lại bìa, nhân vật tác phẩm của mình nhân dịp chúng được dịch, xuất bản nước ngoài hoặc tái bản trong nước. Công việc tưởng chỉ giải trí, tiêu khiển thì giờ này lại được Nguyễn Huy Thiệp khá chăm chút, cẩn trọng. Khó có thể nói rằng các ký họa này đều có tính mỹ thuật, nhưng cũng như hành trình viết văn, Nguyễn Huy Thiệp, qua ký họa trên gốm, mà có thế giới nhân vật của mình, có cả anh hùng và ngụy quân tử, có những câu chữ thảng thốt như dòng viết dưới bức chân dung tự họa của ông: “Tôi đấy ư?/Ừ, tôi đấy ư?/Đến già vẫn còn nét suy tư” “cũng may mà ta đã già”. Chân dung tự họa ấy ông vẽ vào dịp Tết Canh Tý (2020), chỉ vài trước khi ông gặp bạo bệnh (3-2020) rồi qua đời (3-2021). 

Mai Anh Tuấn

(Bài đăng ở Báo KH&PT số 47)

Tác giả

(Visited 31 times, 1 visits today)