Bảo tàng gốm cổ sông Hương: Một miền ký ức

Giữa những miền ký ức sông Hương và miền văn hóa Huế, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương mới ra đời của nhà sưu tầm, giáo sư Thái Kim Lan như một vệt điểm xuyết, một điểm lặng níu chân người…

Đó là kết tinh những công sức và tâm huyết trong một thời gian dài của chủ nhân và các cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Đây là một dấu mốc quan trọng, không những với bản thân nhà sưu tầm mà còn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Vốn dĩ mảnh đất này đã có nhiều địa danh văn hóa nhưng việc có thêm một bảo tàng, ắt hẳn không chỉ góp thêm một dòng chảy ký ức của những hiện vật mà còn ghi thêm một điểm hội tụ văn hóa mới.

Cốc/ Đất nung/ Đất nung / Văn hóa Sa Huỳnh / 2.500-2.000 năm trước.

Cốc/ Gốm men nâu / Thời Trần / Thế kỷ 13 – 14.

Bát bồng/ Đất nung / Văn hóa Sa Huỳnh / 2.500-2.000 năm trước

Phải nói rằng, đây là một bộ sưu tập đồ sộ, với gần 3000 hiện vật gốm, gồm nhiều chất liệu khác nhau như sành, đất nung, bán sứ và sứ, trong đó đồ sành là nhóm hiện vật có số lượng nhiều nhất (chiếm khoảng 2/3 số lượng hiện vật) và là “linh hồn” của bộ sưu tập. Đây cũng là nét độc đáo của bộ sưu tập này. Thật đáng quý bởi phần lớn các hiện vật trong bộ sưu tập đều còn khá nguyên vẹn; chỉ có một số ít hiện vật bị vỡ hay nứt. Hiện nay, các hiện vật được bảo quản rất tốt. Các hiện vật gốm sứ được để trong tủ kính, phần lớn hiện vật sành để trên giá sắt, đảm bảo điều kiện lưu giữ. Một số chum có kích thước lớn được trưng bày ngoài trời, tạo điểm nhấn ấn tượng trong không gian nhà vườn truyền thống Huế.

Có một điểm hết sức thú vị là “linh hồn” của bộ sưu tập là đồ sành là sản phẩm nghề gốm Việt Nam, nhiều nhất là từ các lò gốm miền Trung như Phước Tích, Mỹ Xuyên (Huế), Châu Ổ (Quảng Ngãi). Câu chuyện của bộ sưu tập gốm cổ sông Hương, vì thế, mang nhiều màu sắc riêng khi gắn rất chặt với việc lịch sử thương mại ở miền Trung.

Sông Hương là con đường giao thông thủy quan trọng nối từ Tây sang Đông, từ núi – đồng bằng – biển cả (chiều dọc), cũng như kết nối đôi bờ Bắc – Nam (chiều ngang). Dựa vào những tư liệu khảo cổ học phát hiện được ở đôi bờ sông Hương, có thể thấy con đường giao thương này xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử vùng đất sông Hương – Núi Ngự. Từ giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí đến văn hóa Sa Huỳnh – Champa – Đại Việt – Đại Nam và hiện nay. Qua sông Hương, hàng hóa từ phía Tây xuống, phía Đông lên sẽ được tập kết ở các điểm giao thương (thường nằm ở ngã ba sông), trong đó, vị trí chợ Tuần (xã Thủy Bằng, TP. Huế) hiện nay được coi là một điểm tập kết và trao đổi hàng hóa quan trọng ở ven sông Hương trong quá khứ. Các thương phẩm rất phong phú đa dạng, từ những lâm thổ sản ở vùng rừng núi phía Tây như trầm hương, ngà voi, mật ong, hồ tiêu, măng le… đến những sản phẩm từ vùng ven biển, đồng bằng lên như đồ gốm, đồ sắt, đồ đồng, hải sản, muối… Trong đó đồ gốm là sản phẩm khá phổ biến, nhất là giai đoạn thế kỷ 17-19 (thời kỳ phát triển mạnh mẽ của các lò gốm sành), đồ sành từ các lò Phước Tích, Mỹ Xuyên, Châu Ổ là những thương phẩm nổi bật. Chắc hẳn rằng, trong thời kỳ đó, các đồ sành từ các lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên được chất đầy ắp trên các con đò dọc sông Hương cũng như các dòng sông khác trên vùng đất Huế. Sau đó, khoảng thời kỷ 18-19, xuất hiện dòng gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi) và đó cũng là một sản phẩm được trao đổi, mua bán nhiều ở miền Trung – Tây Nguyên.

Trong bộ sưu tập của nhà văn hóa Thái Kim Lan, có một số ít đồ sành có nguồn gốc ở miền Bắc và miền Nam, một số chum tráng men vàng có thể có nguồn gốc nước ngoài như Trung Quốc. Niên đại của nhóm đồ sành nằm trong khoảng thế kỷ 6-7 đến đầu thế kỷ 20, trong đó nhiều nhất là nhóm đồ sành nâu thế kỷ 17-18. Kế đó là nhóm có nhiên đại 19-20. Nhóm niên đại trước thế kỷ 15 không nhiều. Điều này cho thấy rõ tính kết nối của sông Hương với hệ thống thương mại trong và ngoài nước, nên các thương phẩm miền Bắc, miền Nam và từ nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ cũng có mặt ở vùng đất này. Trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Thừa Thiên Huế như Cồn Ràng, Cồn Dài, chúng ta bắt gặp các đồ đồng văn hóa Đông Sơn. Trong một số di tích Champa ở Thừa Thiên Huế chúng ta thấy sự hiện diện của văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ qua các hiện vật, mà chủ yếu đến từ sự giao thương.

Nếu nhìn vào nhóm hiện vật đất nung, có thể thấy chủ yếu thuộc thời kỳ văn hóa Champa sớm (10 thế kỷ đầu công nguyên), gồm các loại hình: nồi, bình con tiện, vò, bát bồng, bình, vật hình chóp, chân đế, hủ. Một số ít thuộc thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách ngày nay từ 2000 – 2500 năm như bát bồng, đèn gốm, nồi nấu đồng, Trần (nhóm chì lưới, thế kỷ 13-14). Đây là dòng gốm được làm bằng đất sét pha ít hoặc nhiều cát (tùy chủng loại), độ nung không cao nên gốm thường bở, màu sắc xương gốm thường là màu xám, không trang trí hoa văn hoặc trang trí văn chải, khắc vạch kiểu đường diềm, ô trám, một số có tô đen ánh chì. Các hiện vật đất nung này đa phần có nguồn gốc tại Thừa Thiên Huế, điều này cho thấy bề dày văn hóa của vùng đất Huế cũng như giá trị của sưu tập.

Đồ sứ và bán sứ có số lượng không nhiều nhưng có giá trị cao. Phổ biến nhất là các loại hình bình bán sứ 4-6 tai, thời Đường, niên đại phần lớn thuộc thế kỷ 9-10. Đây là những sản phẩm của sự trao đổi thương mại bằng đường biển giữa miền Trung, Việt Nam với nhà Đường. Một số hiện vật có niên đại sau thế kỷ 10, dưới các thời Lý, Trần, Hậu Lê nhưng không nhiều. Đồ sứ cũng khá đa dạng, gồm các loại hình hũ, ấm, bát, cốc, đĩa, bình, ché, niên đại kéo dài từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19-20, từ thời Lý đến thời Nguyễn. Trong đó, có số lượng nhiều là dòng gốm Chu Đậu (Hải Dương), thế kỷ 15-16 và dòng gốm thời Nguyễn, thế kỷ 19-20. Một số hiện vật có giá trị cao như bình gốm men ngọc, thế kỷ 11-12 (thời Tống, Trung Quốc), một số hiện vật gốm ký kiểu triều Nguyễn.

Điều tạo nên giá trị to lớn của Bộ sưu tập gốm cổ sông Hương là sự hội tụ của nhiều loại chất liệu (sành, đất nung, bán sứ, sứ), nhiều thời kỳ (từ Sa Huỳnh – Champa đến Nguyễn) và nhiều nguồn gốc khác nhau (Việt Nam, Trung Quốc), trong đó chủ yếu là các hiện vật của lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên (Thừa Thiên Huế), thế kỷ 17-18, nhiều hiện vật được vớt dưới sông Hương. Đa phần các hiện vật còn nguyên, được bảo quản tốt. Sự phong phú, đa dạng trong sự thống nhất chắc chắn sẽ góp phần lan tỏa những giá trị ẩn sâu dưới trầm tích của dòng Hương giang thơ mộng.□

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)