Biến đổi khí hậu: Đa dạng sinh kế là giải pháp quan trọng
Hơn 70% dân số Việt Nam hiện sống ở vùng nông thôn và phụ thuộc vào nông nghiệp để kiếm sống. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn phân mảnh và phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Nhận thức được những thách thức này, các hộ gia đình quy mô nhỏ ở Việt Nam đã đa dạng hóa sinh kế của mình bằng cách tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập khác, bên cạnh việc nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Với mong muốn tìm hiểu về nỗ lực đa dạng hóa sinh kế ở vùng cao nguyên Việt Nam, PGS.TS. Lê Thị Hoa Sen (trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế) và các đồng nghiệp đã khảo sát 364 hộ gia đình và tiến hành 22 cuộc phỏng vấn sâu. Cụ thể, họ tập trung vào các huyện Krông Bông và Ea Kar – hai vùng sản xuất sắn chính của tỉnh Đắk Lắk. Hai huyện này có đặc điểm chung là có nhiều người dân tộc thiểu số, nằm trong số các huyện có tỷ lệ đói nghèo cao của Tây Nguyên, khiến họ dễ bị tổn thương khi đối diện với biến đổi khí hậu và tình trạng bất ổn thị trường.
Từ tháng 2 đến tháng 8/2023, nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn 22 cán bộ từ phòng nông nghiệp huyện, trưởng thôn và cán bộ khuyến nông để tìm hiểu về tình hình sản xuất sắn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự đa dạng của hệ thống cây trồng và nguồn sinh kế. Nhóm cũng chọn ngẫu nhiên 131 hộ ở huyện Ea Kar và 183 hộ ở huyện Krông Bông để thu thập dữ liệu về sản xuất sắn, thông tin nhân khẩu học, tình trạng dễ bị tổn thương do khí hậu, rủi ro môi trường, hệ thống cây trồng và nguồn sinh kế.
Khi rủi ro về khí hậu gia tăng theo năm tháng, nông dân phải chuyển đổi cây trồng sang sắn. Những người được phỏng vấn cho biết người dân nơi đây trồng sắn bởi họ nhận ra sắn có khả năng thích nghi cao; đây là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi nhiều tiền đầu tư; thị trường sắn không rủi ro như các loại cây trồng khác; và đây là loại cây trồng quen thuộc, do đó người nông dân có thể sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để canh tác. Tuy nhiên, cán bộ nông nghiệp cấp tỉnh lưu ý rằng việc chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền đời và tái sử dụng hạt giống từ những năm trước mà không đầu tư vào phân bón và bảo vệ đất đã khiến sắn dễ bị sâu bệnh, không cho năng suất cao.
Không chỉ dừng lại ở trồng sắn, những người nông dân nhận thức được tình trạng biến đổi khí hậu và các rủi ro liên quan đã cố gắng đa dạng hóa các hoạt động sinh kế của họ, chủ yếu hướng tới các sinh kế phi nông nghiệp, bao gồm vận hành doanh nghiệp nhỏ, làm công cho doanh nghiệp trong làng, chế biến nông sản, sản phẩm truyền thống/thủ công mỹ nghệ, dịch vụ nông thôn (như vận tải, du lịch cộng đồng và các hoạt động trung gian), xuất khẩu lao động v.v.
Họ nhận thấy độ tuổi của chủ hộ, trình độ học vấn, nhận thức về biến đổi khí hậu và hệ thống giao thông là những yếu tố chính ảnh hưởng đến đa dạng hóa sinh kế. Chẳng hạn, điều kiện giao thông kém phát triển là lý do Krông Bông tập trung hơn vào canh tác nông nghiệp, không đa dạng hóa sinh kế như Ea Kar.
“Các sở ban ngành liên quan, đặc biệt là các cơ quan khuyến nông chưa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sinh kế và đa dạng hóa cây trồng của hộ gia đình. Ngoài ra, còn thiếu các buổi định hướng đa dạng hóa sinh kế từ các cơ quan khuyến nông”, nhóm nghiên cứu nhận định. Họ nhấn mạnh vai trò của những người trung gian giúp kết nối nông dân với các thị trường tiềm năng. Bên cạnh đó, nên có các chính sách thúc đẩy đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp tại địa phương để sử dụng hiệu quả các nguồn lực sinh kế tại địa phương, đặc biệt là với những lao động trẻ và không sở hữu đất. Việc đa dạng hóa sinh kế đòi hỏi các hộ gia đình phải có khả năng nắm bắt và đánh giá các cơ hội để quyết định cách phân bổ nguồn lực tốt nhất nhằm cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trong bài báo “Determinants of household livelihood diversification in the uplands: The case of cassava production areas in central highlands of Vietnam” trên tạp chí Community Development.
Bài đăng Tia Sáng số 18/ 2024.