Châu Âu tài trợ các nhà khoa học thắng giải Nobel thế nào?
Trong vòng 15 năm, 12 nhà khoa học nhận được sự tài trợ của châu Âu thông qua chương trình nghiên cứu tiên phong đã giành giải Nobel. Vậy đâu là công thức cho thành công này và tại sao cần phải giữ vững việc đầu tư cho khoa học theo cách đó?
Khoa học cơ bản là một canh bạc. Các nhà khoa học lập ra các dự án nghiên cứu để theo tìm kiếm những hiểu biết mới, hy vọng có được những câu trả lời mà chưa ai từng biết đến trước đây. Vào năm 2007, châu Âu đã quyết định phải trao hàng tỉ euro cho cuộc truy tìm kiến thức này. 15 năm sau, Hội đồng nghiên cứu châu Âu (ERC) mới có thể tuyên bố một cách tự tin là mình đã làm đúng. Vào đầu tháng 10 năm nay, ba nhà khoa học giành giải Nobel.
Chủ tịch hiện thời của ERC Maria Leptin và người tiền nhiệm của bà, Jean-Pierre Bourguignon đều cho rằng cam kết đầu tư bền bỉ và đáng giá cho các ý tưởng nghiên cứu vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường đã giúp tạo ra những hiểu biết đột phá và đặt nền móng cho khoa học tương lai. Có thể thấy điều đó ở những người đoạt giải, theo đánh giá của Ủy ban giải thưởng Nobel: Svante Pääbo giành giải Nobel Y sinh cho “những khám phá liên quan đến các hệ gene của tông người đã tuyệt chủng và tiến hóa người”; Alain Aspect và Anton Zeilinger được trao giải bởi “những thực nghiệm về các photon rối, khẳng định sự vi phạm của các bất đẳng thức Bell và tiên phong về khoa học thông tin lượng tử”.
Quay trở lại với chương trình nghiên cứu đầu tiên của châu Âu vào những năm 1980, các nhà khoa học đã trao đổi với nhau về một khoản đầu tư dành cho nghiên cứu cơ bản trong khuôn khổ chương trình Khung châu Âu. Các nhà chính trị thì hết sức hoài nghi về hiệu quả tiềm năng của nó, vì vậy phải trải qua một quá trình tranh cãi rất dài rồi cuối cùng mới thiết lập được chương trình như vậy vào năm 2007. Theo xây dựng ban đầu, có ba luồng chính trong nguồn tài trợ của ERC: các khoản tài trợ “khởi nghiệp” cho các nhà khoa học trẻ; các khoản tài trợ hợp nhất (consolidator) cho các nhà khoa học đang muốn mở rộng hợp tác và tuyển dụng thêm người cho các dự án nghiên cứu; và các khoản tài trợ lớn cho những chuyên gia đã được ghi nhận trong lĩnh vực của mình. Bất kỳ lĩnh vực khoa học nào cũng có thể nhận được tài trợ theo dạng này, từ y học đến khoa học xã hội.
Tất cả các quyết định tài trợ của chương trình nghiên cứu đầu tiên của châu Âu từ năm 2007 trở đi đều dựa trên những đề xuất từ dưới lên, miễn là nhà khoa học thấy hứng thú với vấn đề mình theo đuổi, và không chấp nhận những chủ đề từ trên áp đặt xuống nhằm đạt được các mục tiêu chính trị. Những nhà khoa học xuất sắc nhất và những ý tưởng tốt nhất, táo bạo nhất sẽ được lựa chọn trao tài trợ. Khi gửi hồ sơ xin tài trợ, họ biết họ phải lao động xứng đáng với khoản tài trợ phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực nghiên cứu từ châu Âu, nhờ đó họ có thể vượt ra ngoài khuôn khổ tài trợ chật hẹp của ngân sách quốc gia mình. Đó là công thức để ERC rót tiền cho các nhà khoa học tìm kiếm đột phá mở rộng biên giới tri thức và không cần bất cứ sự ưu tiên thúc ép gì về chính trị.
Tất cả các quyết định tài trợ của chương trình nghiên cứu đầu tiên của châu Âu từ năm 2007 trở đi đều dựa trên những đề xuất từ dưới lên, miễn là nhà khoa học thấy hứng thú với vấn đề mình theo đuổi, và không chấp nhận những chủ đề từ trên áp đặt xuống nhằm đạt được các mục tiêu chính trị.
Cách tiếp cận này hoàn toàn khác với kiểu tài trợ “từ trên xuống” của nghiên cứu ứng dụng như chương trình R&D Horizon 2020 cũng của EU với 61% ngân sách được phân bổ qua sự lựa chọn các mục tiêu chính trị, ví dụ như các dịch bệnh truyền nhiễm hay tăng cường sức mạnh của ngành công nghiệp vũ trụ… Ở Mỹ, phần lớn kinh phí R&D đều được phân bổ theo những mục tiêu chính trị cụ thể và dưới thời chính quyền Trump thì ngay cả Quỹ Khoa học Mỹ, nơi cấp ngân sách theo phương thức từ dưới lên) cũng đang thiết lập những chương trình định hướng mục tiêu cho trước ngày càng nhiều thêm. Không ngạc nhiên là các nhà chính trị thường thích các nghiên cứu có mục tiêu hơn để giải quyết các vấn đề nổi cộm, tuy nhiên với phần lớn các nhà khoa học xuất sắc thì việc nghiên cứu theo cách này không chắc dẫn đến những đột phá có thể đưa KH&CN đến những bước nhảy vọt.
Maria Leptin, một nhà sinh học hàng đầu của châu Âu, cho rằng thành công của ERC bắt đầu với quá trình đánh giá với “một hệ thống bình duyệt khắt khe đến tàn nhẫn”, bà nói. “Những người bình duyệt được trao những hướng dẫn rất rõ ràng và dùng nó để tìm kiếm những đề xuất mang tính sáng tạo, đổi mới và độc đáo. Chúng tôi không muốn đón nhận những ý tưởng không rõ ràng, chúng tôi muốn những đề xuất vượt ra ngoài khuôn khổ”.
Jean-Pierre Bourguignon, một nhà toán học và cựu chủ tịch ERC, bắt đầu công việc của mình tại ERC với vị trí chủ tịch hội đồng toán học đầu tiên. Năm hoạt động đầu tiên đó rất khó khăn, Bourguignon kể, và những nhà bình duyệt đã phải “làm việc đến cạn kiệt sức lực” để tìm ra ý tưởng đáng được tài trợ từ 9.000 hồ sơ đề xuất. “Mặc dù có nhiều việc và không hề được trả tiền công cao nhưng tất cả các nhà khoa học ngành toán đều chấp nhận vì họ biết sẽ có những đề xuất chất lượng cao và những nhà khoa học xuất sắc”, Bourguignon nói.
Không ý tưởng từ trên xuống nào thiếu ý tưởng từ dưới lên
Tuy nhiên ERC không hề hão huyền bởi nó thuộc một hệ sinh thái chính sách nghiên cứu từ trên xuống và ngày một phức tạp của châu Âu mà trung tâm của nó là chương trình Horizon Europe 95,5 tỉ Euro. Chương trình này tồn tại theo định kỳ bảy năm, khi các nhà hoạch định chính sách tái định hướng ngân sách và định hình kinh phí tài trợ. Cộng đồng khoa học vẫn thường phải lên tiếng bảo vệ sự tồn tại của ERC, chống lại sự cắt giảm kinh phí của những nhà chính trị đầy hoài nghi và những dạng chính sách khoa học mang tính mệnh lệnh nhiều hơn là khoa học.
Ngân sách dành cho ERC 16 tỉ Euro và các nhà khoa học thường tin là cần phải gia tăng số lượng này, bất chấp sự tập trung ngày một lớn của khoa học do chính trị dẫn hướng. Một sơ đồ về kết quả của ERC có được từ chương trình Horizon 2020 cho thấy 34% kết quả nghiên cứu dường như từ các chính sách y tế châu Âu, 10% giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số và 14% đến chính sách khí hậu. Tuy nhiên nếu so sánh thì thật đáng ngạc nhiên là ERC tạo ra nhiều bằng phát minh, sáng chế hơn là những nghiên cứu ứng dụng trong những chương trình khung khác của châu Âu. “Sẽ có nhiều áp lực hơn với nghiên cứu từ trên xuống nhưng thường thì phải giải thích là nếu anh không vượt được qua nó, anh sẽ không thể chuẩn bị được cho khủng hoảng tiếp theo”, Bourguignon nói. “Quan trọng là phải có được một chương trình để trao tự do khoa học cho các nhà nghiên cứu”.
Thành công của ERC bắt đầu với quá trình đánh giá với “một hệ thống bình duyệt khắt khe đến tàn nhẫn” (Maria Leptin, chủ tịch ERC).
Cộng đồng khoa học vẫn thường phải lên tiếng bảo vệ sự tồn tại của ERC, chống lại sự cắt giảm kinh phí của những nhà chính trị đầy hoài nghi và những dạng chính sách khoa học mang tính mệnh lệnh nhiều hơn là khoa học.
Hiện tại thì ERC cũng phải cạnh tranh ở tầm thế giới với những nhà tài trợ khác, ví dụ ở Mỹ, Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) có 236 người được tài trợ thắng giải Nobel từ năm 1950 đến 2018, và trong năm nay có tới bốn người. Nhưng thật khó để so sánh bởi đó là vấn đề liên quan đến quy mô tài trợ. Ngân sách của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ là 8,8 tỉ USD, ấn tượng hơn nhiều so với 16 tỉ Euro trong vòng bảy năm.
Một trong những ví dụ thường được trích dẫn khi nói đến thành công của ERC là sự phát triển vaccine COVID-19. Nhờ có sự mở rộng từ nghiên cứu ban đầu về vaccine chống ung thư mRNA, các nhà khoa học mới có thể phát triển được một vaccine ngừa dịch mới trong vòng vài tháng. Đó là một đột phá khoa học có sự đóng góp rất nhiều của nghiên cứu cơ bản và nhiều dự án do ERC tài trợ cũng như cả một cộng đồng làm việc nghiêm túc để đảm bảo cho những người xuất sắc nhất được hưởng tài trợ.
Khoa học vẫn tiếp tục phát triển và cuộc đấu vì ngân sách tài trợ cũng vậy. Hội đồng khoa học của ERC cùng với các nhà khoa học, đã bắt đầu vào cuộc cho những năm tới. Trong năm 2020, họ đã thành công với việc bảo vệ được tỉ lệ 17% ngân sách của ERC trong bảy năm tới nhưng kỳ tiếp theo thì vẫn còn chưa chắc chắn.
Leptin nói các nhà khoa học sẵn sàng bảo vệ ERC và bà cũng tự tin là tất cả đều biết lắng nghe. Đại dịch và biến đổi khí hậu đang nhấn mạnh vào tầm quan trọng của khoa học. “Một số chính phủ đã ủng hộ tích cực cho khoa học nhưng nhiều chính phủ lại có những ưu tiên khác biệt. Nếu tất cả các nhà khoa học cùng đứng lên, cho thấy sự quyết tâm thì có thể sẽ thành công”, Leptin nói.
Nhưng mọi chuyện không chỉ là tiền. Bourguignon cho là ERC phải cứng rắn bảo vệ trước những quan điểm của Ủy ban châu Âu đang muốn mọi thứ trở nên đơn giản hơn và toàn bộ các chương trình tài trợ cho khoa học thống nhất. Tuy nhiên ông tin là không nên đặt một mô hình độc đáo như ERC vào rủi ro. Ông nghi ngờ về việc áp dụng thử nghiệm một mô hình mà ERC có thể trao toàn bộ kinh phí cho nhà khoa học một lúc nhưng đòi hỏi họ cung cấp chứng từ, thông tin chi tiết về việc sử dụng đồng tiền như thế nào. “Đơn giản hóa quy trình quản lý là điều quan trọng nhưng có những cách tốt và xấu trong việc áp dụng nó”, Bourguignon nói.
Mặt khác, cả Leptin và Bourguignon đều tin vào cách tiếp cận phi mệnh lệnh của ERC trao cho nhà khoa học tự do làm theo điều mình muốn. Nó không phải là việc tạo ra những công việc mới, kiếm được nhiều tiền và phát triển những loại thuốc mới nhưng là khám phá thuần túy về tất cả các khía cạnh của sự sống, từ văn học đến yoga. Một khi các nhà khoa học thấy hứng thú với những khám phá, họ có thể tự do chuyển hướng nghiên cứu đến những ngả đường mới. “Không phải ngày một ngày hai mà một ý tưởng tốt hữu dụng”, Leptin nói. Những khoản tài trợ lớn nhất của ERC trong những năm qua đều trao cho những nghiên cứu như vậy.
Bourguignon lưu ý là sự tự do học thuật và sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro khiến ERC khác biệt với nhiều quỹ khoa học quốc gia. Ông từng nghe nhiều nhà khoa học được ERC tài trợ nói rằng những đề xuất tương tự của họ bị các quỹ quốc gia từ chối do có quá nhiều nguy cơ rủi ro.
Xu hướng của ERC là không chỉ tài trợ cho các nhà khoa học hàng đầu mà dành một số lượng lớn tài trợ cho những người trẻ có tiềm năng. Leptin kể, một nhà khoa học trẻ được phê duyệt tài trợ ngay lần đầu mở quỹ là Konstantin Novoselov, nhà vật lý sau đó giành giải Nobel cho khám phá về vật liệu graphene ở tuổi 36. Do đó lời khuyên của Leptin dành cho những ai muốn theo bước thành công của Novoselov là hãy tập trung viết một đề xuất thật nổi bật và có sức cạnh tranh. “Đó chính là nơi bắt đầu cho sức sáng tạo của chính các bạn”, bà nói. □
Anh Vũ dịch
Nguồn bài và ảnh: https://sciencebusiness.net/news/european-research-council-reflects-its-formula-backing-nobel-prize-winners