Côn trùng trong thế giới nghệ thuật
Thông qua lịch sử và xuyên qua các nền văn hóa, các con côn trùng bé nhỏ đã truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ và các nhà khoa học, qua đó đem lại những hiểu biết mới của chúng ta về lịch sử và mối quan hệ của con người với tự nhiên.
Một ngày ở tuổi lên năm, cậu bé Barrett Klein – con trai của một cặp họa sĩ sống ở bang Michigan, đã tìm thấy một con bướm chết trên đường về nhà. Mặc dù sự sống đã bị rút cạn khỏi cơ thể nhỏ bé nhưng vẻ đẹp lộng lẫy của nó vẫn khiến cậu bé sững sờ. Đó là một khoảnh khắc mang tính bước ngoặt. “Nó gần như là thời khắc giúp tôi cảm nhận được những con côn trùng có thể có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong suốt cuộc đời về sau của mình. Tôi yêu tất cả các hình thức tồn tại của côn trùng cũng như những hành vi kỳ lạ của chúng”, Klein, hiện giờ là một nhà côn trùng học tại trường Wisconsin-La Crosse, kể lại với Knowable Magazine. Lớn lên trong một môi trường nghệ thuật, anh cũng đồng thời là một nghệ sĩ, như các anh chị em của mình: Arno, người anh sinh đôi hiện là nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tạo ra các bức đồ họa thu hút về não người, em gái Korinthia, nghệ sĩ violin kiêm nghệ nhân làm đàn.
Barrett Klein là một trong số những người nghiên cứu về côn trùng yêu các hình thức thể hiện chúng thông qua các tác phẩm nghệ thuật và mong muốn khơi dậy sự tò mò ở những nghệ sĩ để họ phản ánh chúng bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Anh cho rằng, trong lịch sử nghệ thuật, vai trò của côn trùng còn lớn hơn thế, chúng ghi dấu ấn bằng cả sinh mạng mình, như cách những con ấu trùng bướm, ong, bọ cánh cứng… đem lại cho con người tơ lụa, sáp, phẩm màu. “Từng khía cạnh của văn hóa loài người, theo một cách nào đó, đã chịu ảnh hưởng từ ‘những người hàng xóm’ côn trùng vô cùng đa dạng và phong phú của mình. Mối liên hệ của chúng ta với côn trùng đã hiển thị trong suốt lịch sử phát triển của nghệ thuật nhưng chỉ thi thoảng chúng ta mới thấy điều đó rõ ràng. Một phần của nguyên nhân là do các nghệ sĩ có thể khắc họa côn trùng một cách trực tiếp bằng ngôn ngữ nghệ thuật nhưng có thể họ chỉ dùng phương pháp ẩn dụ hoặc chỉ sử dụng những nguyên liệu côn trùng theo một cách thức đặc biệt… Vì vậy, ảnh hưởng của côn trùng đối với sự phát triển của nghệ thuật sâu rộng đến mức có thể nghiên cứu lịch sử nghệ thuật từ thời cổ đại qua mức độ đóng góp của côn trùng”, Barrett Klein nhận xét như vậy trong công trình “Wax, Wings, and Swarms: Insects and Their Products as Art Media” (Sáp, cánh và bầy đàn: côn trùng và những sản phẩm của chúng như phương tiện nghệ thuật) được xuất bản trên tạp chí Annual Review of Entomology.
Theo cách đó, “côn trùng học văn hóa có thể bắc cây cầu liên ngành cho các nhà nhân học, khảo cổ học, chính trị học, kinh tế học, tôn giáo học… cũng như những nhà nghiên cứu nghệ thuật, qua đó có thể đem lại những hiểu biết mới cho chúng ta về lịch sử và mối quan hệ với tự nhiên. Hơn nữa, sự kết nối giữa chúng ta và côn trùng, về mặt nghệ thuật hay những khía cạnh khác của đời sống, có thể giúp giảm thiểu những hành động phá hủy tự nhiên, và cuối cùng, phá hủy chính chúng ta”, Barrett Klein viết.
Nỗ lực của Klein khiến chúng ta phải nhìn nhận lại những giá trị mà côn trùng đem lại cho thế giới này.
Một phần của đời sống văn hóa
Những con côn trùng nhỏ bé có mặt ở muôn nơi. Có thể chúng là động vật phổ biến nhất trong hành tinh của chúng ta. Có hơn 1,5 triệu loài có tên, nghĩa là gấp ba lần số lượng của mọi loài thú cộng lại, nhưng một số nhà khoa học tin rằng chúng chỉ là một số rất nhỏ trong số tất cả những loài côn trùng có mặt trên đời. Không có côn trùng, cuộc sống của con người sẽ khác biệt một cách hoàn toàn. Côn trùng thụ phấn cho nhiều loại hoa, rau quả; côn trùng giúp phân hủy lá cây, xác động vật, làm đất đai thêm màu mỡ… Đời sống của con người phụ thuộc vào các hoạt động cần mẫn này của chúng, và hơn nữa, côn trùng khiến cho thế giới của chúng ta trở nên thú vị hơn. Các nhà tự nhiên học thu hoạch được rất nhiều hiểu biết thông qua việc quan sát kiến làm việc, ong thụ phấn hay chuồn chuồn “đi tuần”. Không ai có thể tưởng tượng ra được rằng cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán đến thế nào nếu không có những cánh bướm hay những cú bay của bọ cánh cứng, chúng đã đem lại bao nhiêu điều thú vị cho cảnh sắc tự nhiên. Con người được hưởng lợi theo nhiều cách thông qua việc chia sẻ thế giới của mình với côn trùng.
Thông thường, cảm xúc của con người đối với côn trùng hết sức mâu thuẫn: chúng ta vừa bị thu hút bởi tính chất sinh học kỳ lạ và thói quen sống khác thường của chúng, vừa cảm thấy sợ hãi bởi ngòi đốt, nọc độc và bệnh tật mà chúng có thể mang theo. “Chúng không sống như chúng ta, chúng cũng không giống chúng ta. Chúng làm những điều mà chúng ta thấy kỳ lạ và hoang dã”, Catherine Chalmers, một nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia người Mỹ chuyên về đời sống côn trùng, nói. “Nhưng chúng đem lại một góc nhìn khác biệt về sự sống trên Trái đất”.
Một trong những ví dụ lâu đời nhất của nghệ thuật côn trùng là bản chạm khắc hình con dế trong một mảnh xương bò bison được tìm thấy trong một hang động ở miền Nam nước Pháp được các nhà khảo cổ cho là có tuổi đời 14.000 năm. Đây là ví dụ cho thấy người cổ đại là các nhà quan sát thế giới tự nhiên vĩ đại bậc nhất, theo Diane Ullman, một nhà côn trùng học và đồng sáng lập chương trình Hợp nhất Khoa học/Nghệ thuật tại trường Đại học California, Davis. Côn trùng được tìm thấy ở khắp mọi nơi con người sinh sống (ít khi tìm thấy chúng ở các vùng cực của Trái đất và gần như vắng bóng ở những vùng sâu thẳm của đại dương), và chúng xuất hiện trên những đồ tạo tác từ Mesoamerica (Trung Bộ châu Mỹ cổ đại, một khu vực văn hóa trải dài từ Trung México đến Belize, Guatemala, El Salvador, Honduras, Nicaragua và Bắc Costa Rica) đến Mesopotamia (Lưỡng Hà, một khu vực lịch sử của Tây Á thuộc hệ thống châu thổ sông Tigris và Euphrates, nằm phía Bắc vùng Lưỡi liềm Màu mỡ, ngày nay tương ứng với phần lớn Iraq, Kuwait, đông Syria, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và vùng dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, Iran-Iraq. “Côn trùng là một phần của câu chuyện văn hóa và tinh thần của con người trên khắp mọi nơi trên thế giới”, Ullman nói.
Hình ảnh của con bọ hung, một ví dụ khác, đã phổ biến trong nghệ thuật tôn giáo Ai Cập, nơi thói quen lăn những quả cầu bằng phân khắp mặt đất (đem lại thức ăn và vật liệu làm tổ cho con chúng) đã được biểu tượng hóa thành thần Khepri điều khiển mặt trời chuyển động khắp bầu trời mỗi ngày như một sự tái sinh. Trong thần thoại của người Navajo, một dân tộc bản địa ở Tây Nam Mỹ, ve sầu dẫn dắt con người đến với thế giới này và phản chiếu điều đó trong vòng đời của chúng khi xuất hiện từ lòng đất.
Côn trùng còn đem lại những vật liệu nghệ thuật. Những con cái bọ cánh kiến đỏ Kerria lacca, thuộc họ Kerriidae sống trên một số cây lấy gỗ ở Ấn Độ và Đông Nam Á, tiết ra nhựa cánh kiến, vốn được sử dụng hơn 3000 năm qua, ví dụ như giúp cho bộ áo giáp Tây Tạng trở nên sáng bóng. Con bọ son cái sống trên cây xương rồng lưỡi long đem lại màu đỏ yên chi, được những người Aztec và Maya khai thác và người Hà Lan mang đến châu Âu vào thế kỷ 16.
Một số nền văn hóa khác sử dụng côn trùng hoặc một phần côn trùng, ví dụ người Zulu ở Nam Phi lấy sáp ong phủ lên các con côn trùng non khiến chúng lấp lánh như những viên ngọc trai và xâu thành chuỗi đeo cổ. Đom đóm như những “viên ngọc sống” trang trí cho trang phục ở Ấn Độ, Sri Lanka và Mexico.
Một ví dụ khác là những tấm áo choàng than khóc của người Karen sống ở Myanmar và Bắc Thái Lan, theo Jennifer Angus, giáo sư dạy về thiết kế dệt ở đại học Wisconsin–Madison. Những người phụ nữ thường khoác chúng trong các tang lễ, thi thoảng điểm tô cho áo choàng bằng những con bọ cánh cứng sáng bóng hoặc đơn giản chỉ bằng những chiếc cánh của chúng.
Ghi công côn trùng
Không hẳn là côn trùng vô danh trong lịch sử con người. Vào cuối thế kỷ 16, nghệ sĩ, học giả, nhà thơ và họa sĩ tiểu họa người Bỉ Joris Hoefnagel (1542-1600) đã viết cuốn sách có minh họa đầu tiên dành cho nghiên cứu về côn trùng. Những tài liệu này được ông ghi lại qua quan sát bằng mắt thường, trong đó ông vẽ một cách chi tiết hàng trăm côn trùng bằng màu nước và bột màu. Marisa Anne Bass, một phó giáo sư lịch sử nghệ thuật ở trường Đại học Yale từng viết một cuốn sách về Hoefnagel Insect Artifice (NXB Đại học Princeton), nhận xét “Nghệ thuật của Hoefnagel nhắc nhở chúng ta rằng tự nhiên và văn hóa luôn đi cùng nhau. Thế giới tự nhiên không chỉ là nơi chốn mà chúng ta cư ngụ mà còn là không gian cho phép chúng ta tư duy thông qua câu hỏi về ý nghĩa của việc làm người”.
Theo dòng lịch sử, có những nghệ sĩ đã truy theo dấu vết của côn trùng, ví dụ như họa sĩ Suze Woolf sống ở Seattle, đã tìm ra bằng chứng về những con bọ cánh cứng trong khi đi dạo trong rừng trên núi Cascade gần nhà. Những con bọ cánh cứng này giấu trứng trong đám vỏ cây sau khi đào những rãnh nhỏ li ti xuyên qua mạch rây (phloem), một loại mô sống có mạch để vận chuyển đường và các chất dinh dưỡng do lá tạo ra trong quá trình quang hợp đến được các phần khác của cây. Mắt của Woolf bắt gặp những đường rãnh ngoằn ngoèo này khi một vài miếng vỏ cây rơi xuống đất, “trông chúng hệt như một bản thảo kỳ lạ mà chúng ta còn chưa biết”.
Phát hiện này gợi mở Woolf tạo ra một bộ gồm 36 cuốn sách độc đáo tích hợp những con đường của bọ cánh cứng theo nhiều cách khác nhau, trong đó cuốn Sự sống sót được gợi mở từ kết quả nghiên cứu về cuộc chiến hóa học giữa bọ cánh cứng và cây vật chủ của Diana Six, nhà sinh thái học và côn trùng học ở trường Đại học Montana: phát hiện ra các biến dị di truyền và sự khác biệt trong phản vệ hóa học của cây, qua đó chứng minh tại sao một số cây lại sống sót trước những bùng phát dịch còn một số cây lại không. Một vài cuốn sách khác của Woolf tích hợp một số dữ liệu khoa học – những đồ thị mô tả sự lây lan của bọ cánh cứng trong các khu rừng ở British Columbia và Alberta hoặc các bức ảnh vệ tinh cho thấy sự tàn phá của bệnh dịch với cây được Woolf thu lượm qua các buổi trao đổi với các nhà khoa học và trích xuất nghiên cứu của họ. “Họ dạy tôi những điều tôi chưa từng biết”, Woolf nói về những cộng sự khoa học của mình. “Tôi đã được đón nhận những ý tưởng mà tôi chưa từng có”.
Khoa học, không phải nghệ thuật, là động cơ ban đầu để Walter Tschinkel, một nhà kiến học ở Florida (Mỹ), tạo ra những kiến trúc tổ dưới đất trong nhiều thập kỷ. Trong cuốn sách mới xuất bản năm 2021, Ant Architecture: The Wonder, Beauty, and Science of Underground Nests (Kiến trúc của kiến: Kỳ quan, vẻ đẹp và khoa học của những cái tổ dưới lòng đất), Tschinkel đã mô tả việc thử nghiệm nhiều loại vật liệu, bao gồm cao su, thạch cao nha khoa rồi cả nhôm nóng chảy để đổ vào tổ kiến bỏ hoang. Khi kim loại nóng chảy “bắt” được các phòng và hành lang phức tạp của tổ thì ông mới biết rằng có quá ít những cấu trúc ngẫu nhiên và quá nhiều những cấu trúc có sắp xếp hơn mình nghĩ. Tschinkel miêu tả nó như một cấu trúc “shish kebab” (các miếng thịt xiên nướng kèm rau củ) với nhiều phòng nẳm ngang kết nối với các hành lang dài thẳng đứng. “Trên thực tế tất cả các tổ kiến đều có kiến trúc cơ bản, điều đó cho tôi thấy một triệu năm trước, có thể tổ tiên loài kiến chỉ đào một cái tổ đơn giản… và từ đó, các tổ cũng tiến hóa”.
Vì quá đỗi yêu mến kiến, Tschinkel kiên nhẫn đợi chúng chuyển sang tổ mới rồi mới đổ vật liệu vào hang để tránh làm chết các cư dân của nó. Qua thời gian, ông đã có được hàng trăm tổ của 40 loài. “Tôi nghĩ các tổ kiến là những vật thể tuyệt đẹp. Đó là một phần niềm vui của công việc”, ông nói.
Các nghệ sĩ hy vọng tác phẩm của mình sẽ làm tăng hiểu biết về tầm quan trọng của các tạo vật này trong môi trường và đem đến những lăng kính để tái kiểm tra sự ảnh hưởng của con người lên thế giới tự nhiên. “Làm việc với côn trùng càng lâu, tôi càng học hỏi được nhiều về chúng”, Jennifer Angus nói. “Thành thật mà nói, tôi cũng hiểu côn trùng quan trọng như thế nào với sức khỏe của chúng ta trên hành tinh này”. Côn trùng đóng vai trò tích hợp trong các hệ sinh thái đa dạng, một số loài có thể liên quan đến biến đổi khí hậu – những con bọ cánh cứng trên cây thông núi mà Woolf phát hiện ra là tác nhân khiến thông núi có sức chịu đựng bền bỉ hơn trước cái nóng ngày một gia tăng.
Tuy nhiên vẫn còn một tiềm năng vô cùng to lớn chưa được khai thác về côn trùng cho các nghệ sĩ. Kiểm tra 164 công trình về nghệ thuật côn trùng, Klein nhận thấy phần lớn mới chỉ liên quan đến hai bộ côn trùng, Bộ Cánh màng Hymenoptera (bao gồm ong) và Bộ Cánh vẩy Lepidoptera (bướm và ngài). Ngay cả trong hai bộ này thì vẫn tập trung vào hai loài được con người khai thác nhiều nhất là ong mật và tằm. “Vậy còn 183.000 loài khác của Bộ Cánh vẩy nữa thì sao?”, Klein đặt câu hỏi.
Những câu hỏi đạo đức
Việc chưa nhìn nhận đúng mức vai trò côn trùng của con người hiện đại khiến Klein cảm thấy bất công. “Khi chúng ta đã nhận thức được khả năng có thể của côn trùng trong nghệ thuật, cần xem xét đến vấn đề đạo đức của việc sử dụng các sinh vật sống ấy trong sáng tạo nghệ thuật. Chúng sống, sinh sản, phản hồi thế giới bên ngoài, học hỏi và thông tin, một số loài sống hàng thập kỷ”, Klein viết trong công bố. “Câu hỏi về việc liệu côn trùng có tri giác, nhận thức hay cảm thấy đau không vẫn còn tiếp tục gây tranh cãi và chưa được giải quyết. Tỉ lệ những loài côn trùng tuyệt chủng do con người gây ra đang ngày một gia tăng, và mỗi sự mất mát, bên cạnh dẫn đến các hậu quả sinh thái, còn có nghĩa là mất đi tiềm năng hiểu rõ giá trị của côn trùng, trong đó có giá trị nghệ thuật”.
Nhiều nghệ sĩ đã đi quá xa, theo quan điểm của Klein, trong diễn tả nghệ thuật bằng côn trùng. Tuy nhiên anh cũng thừa nhận với Knowable Magazine, dẫu cho “tôi không thấy nhiều giá trị ở trong đó thì vẫn có người khác đánh giá cao”. Ở đây, Klein ngụ ý đến những trường hợp cài chip lên vật sống hay như tác phẩm sắp đặt Sân khấu thế giới của nghệ sĩ Huang Yong Ping vào năm 1993: một cái hộp bằng kính trong suốt cho thấy những con giòi chuyển đổi thành ruồi, hút máu một cái đầu bò đặt dưới sàn. Sau đó, ruồi trưởng thành đẻ trứng và bắt đầu một chu trình mà theo Huang Yong Ping, bao trọn cả sự sống và cái chết. Tương tự là trường hợp nghệ sĩ kiêm nhà sưu tập nghệ thuật Anh Damien Hirst vào năm 1992 trưng bày tác phẩm Một ngàn năm được “vẽ” bằng hàng ngàn cánh bướm và ngay lập tức nhận về chỉ trích của người ăn chay, các nhóm bảo vệ động vật. Năm 2019, Giovanni Aloi, giám tuyển và giảng viên lịch sử nghệ thuật – văn hóa thị giác tại Viện Nghệ thuật Chicago (Mỹ), viết bài bênh vực Hirst “Sự phẫn nộ không đúng chỗ về những con bướm chết của Damien Hirst” trên tạp chí nghệ thuật Apollon khi dẫn ra việc sử dụng côn trùng trong lịch sử nghệ thuật, đồng thời cho biết nguyên liệu nghệ thuật đó không phải được lấy từ những con bướm sống trong tự nhiên mà là được nuôi trong các trang trại được cấp phép để tránh phá hủy các hệ sinh thái. Aloi cũng thừa nhận “chúng ta có thể vẫn đồng ý với nhau là giết hại động vật để phục vụ nghệ thuật là phi đạo đức… Điều này khiến chúng ta nghĩ lại về mối quan hệ của mình với tự nhiên – một vài hành động được thực hiện thông qua những thảo luận về nghệ thuật đương đại, miễn là chúng ta đừng đưa ra những kết luận vội vã”.
Phản hồi của Aloi, theo góc nhìn của Klein, đã “nhắc nhở chúng ta về những hy sinh ít được biết đến của loài vật – mật bò trong màu nước, trứng trong keo màu, mực cho màu nâu đỏ sepia, chiết xuất collagen từ thỏ làm keo dán cho toan, lông của nhiều loài động vật có vú để làm bút vẽ. Nghệ thuật có thể kích thích việc tái đánh giá mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên, và theo cách đó giá trị của tự nhiên sẽ khuyến khích chúng ta nhận thức đúng về đa dạng sinh thái”.□
Tô Vân tổng hợp
Nguồn: https://knowablemagazine.org/article/living-world/2021/alien-beauty-creepy-fascination-insect-art
https://www.annualreviews.org/doi/10.1146/annurev-ento-020821-060803
https://www.apollo-magazine.com/damien-hirst-dead-butterfly-wings-outrage