Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới

Tại Việt Nam, chỉ có một số doanh nghiệp bắt đầu triển khai những hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới, phần lớn các doanh nghiệp thực thi bình đẳng giới như một phong trào mang tính “thi đua” nhiều hơn.

Công nhân trong một nhà máy tại quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: UNICEF Viet Nam.

Đó là một trong những kết luận được các nhà nghiên cứu tại ECUE, tổ chức thúc đẩy quyền bình đẳng giới và các giá trị nhân quyền khác tại Việt Nam, đúc rút sau khi tiến hành khảo sát 30 doanh nghiệp tại Việt Nam, nhằm tìm hiểu lãnh đạo các doanh nghiệp này đang hiểu và áp dụng các chính sách bình đẳng giới như thế nào. Dự án nghiên cứu này nằm trong khuôn khổ của chương trình Investing in Women, một sáng kiến của chính phủ Úc.

Các nhà khoa học đã lập một danh sách 160 doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam, từ đó đánh giá và xếp hạng để chọn ra 30 doanh nghiệp được coi là có nhiều nỗ lực thúc đẩy nhất. Trong đó có 17 doanh nghiệp quốc tế (như Coca Cola, Starbucks, P&G, pwc, Unilever, Samsung, Nestle, Deloitte…) và 13 doanh nghiệp Việt Nam (Vietcombank, Sao Thái Dương, PNJ…).

Nhóm nghiên cứu đã thu thập tài liệu như các chính sách, báo cáo và thông tin báo chí liên quan đến vấn đề giới của doanh nghiệp để lọc ra các nội dung xoay quanh theo các từ khóa: giới, giới tính, lao động nam, lao động nữ, bình đẳng giới, đa dạng và hòa nhập, bình đẳng, trao quyền cho phụ nữ, quản lý nữ, lãnh đạo nữ, phân biệt đối xử. Từ đó, họ thống kê lại các chính sách, giải pháp, hoạt động, dự án mà doanh nghiệp đang sử dụng để thúc đẩy bình đẳng giới trong nội bộ công ty, chuỗi cung ứng lao động và ngoài xã hội/thị trường lao động.

Để khảo sát và tìm hiểu sâu hơn, nhóm tiếp tục phỏng vấn 6 doanh nghiệp trong số 30 doanh nghiệp được lựa chọn (4 doanh nghiệp quốc tế và 2 doanh nghiệp Việt Nam).

Qua những dữ liệu thu thập được và các cuộc phỏng vấn trực tiếp, nhóm ghi nhận một số tương phản về các hoạt động bình đẳng giới giữa công ty đa quốc gia và công ty quốc nội. Với các công ty đa quốc gia, thực thi bình đẳng giới được báo cáo cho cộng đồng và các bên liên quan như một phần của trách nhiệm cộng đồng, và trách nhiệm tuân thủ giải trình theo các cam kết yêu cầu của tổ chức quốc tế về nhân quyền và bình đẳng hay các yếu tố có tính pháp lý.

Trong khi đó các công ty quốc nội, việc thực thi bình đẳng giới có tính “thi đua” nhiều hơn và được thể hiện như một lựa chọn của công ty hơn là một trách nhiệm phải thực hiện. Từ đó rất dễ dẫn đến quan niệm “bình đẳng giới” thông qua với các giải thưởng, chứng chỉ, và nguy cơ các định kiến giới, cơ chế định giới bất bình đẳng được tái tạo.

Với các công ty Việt Nam trong danh sách, “hầu như chúng tôi không tìm thấy những câu chuyện bình đẳng giới được kể từ trong nội bộ ra bên ngoài qua các báo cáo chính thức của công ty”, nhóm nghiên cứu cho biết. Tất cả những nỗ lực bình đẳng giới “đều được kể thông qua những bản tin thời sự của các báo đài trong nước. […] Khi một công ty nhận được một giải thưởng về bình đẳng giới của VCCI hay đạt chứng nhận về bình đẳng giới EDGE chẳng hạn, sẽ có rất nhiều bản tin ‘na ná’ như nhau ở khắp các tờ báo, và hầu như không thể truy nguồn được bản tin gốc”. Trong khi đó, với các tập đoàn quốc tế, không khó để “tải từ trên mạng những tài liệu khá chuẩn mực mà trong đó nỗ lực về bình đẳng giới trình bày rõ nét: báo cáo thường niên, báo cáo nhân quyền, báo cáo về chính sách đa dạng và dung hợp, báo cáo về tinh thần công dân v.v.”.

Ngoài ra, các công ty quốc tế đặt bình đẳng giới ở khung đa dạng và dung hợp trong khi các công ty Việt Nam tập trung vào việc tôn vinh sự nữ tính. Hình ảnh người phụ nữ được xây dựng với hai vai “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, dưới nhãn mác tăng cường sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động như một hình thức bình đẳng giới.

Trước những kết quả này, nhóm nghiên cứu quyết định tổng hợp thành một cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc – những câu chuyện và giải pháp trong khu vực Việt Nam và trên thế giới. Dựa trên kết quả phân tích các bài học trên thế giới và thực trạng thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, nhóm tác giả đưa ra một số khuyến nghị cho các doanh nghiệp và kiến nghị cho các cơ quan Nhà nước trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc.

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)