Đón đọc Tia Sáng số 14 tháng 7/2022

Mỗi một số báo, gói ghém rất nhiều ý tưởng và tình cảm của ê kíp Tia Sáng, vỏn vẹn gần 60 trang nội dung mà ẩn chứa biết bao điều... Sau một chu trình chuẩn bị, giờ số báo mới đã nằm gọn ghẽ trên tay, xinh xắn, đẹp đẽ như những món quà.

Đa lớp và sâu sắc ở nhiều cung bậc không gian và thời gian, Tia Sáng số 14 đem lại cho chúng ta không chỉ những hiểu biết mới mẻ mà còn nhiều khơi gợi mang tính cảm xúc về nơi chốn, con người. Một số báo không chỉ để đọc một lần mà có thể lật giở ở những khung thời điểm khác nhau! Thấu thị một vấn đề mang tính phức hợp, được tạo thành từ muôn vàn yếu tố có bao giờ dễ dàng.
1. Đó là một phần câu chuyện đã và đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long/miền Tây/đồng bằng sông Mekong, nơi hạ nguồn sông Cửu Long/Mekong/Lan Thương. Dù gọi bằng cái tên gì thì những gì nó hứng chịu cũng đều nằm ngoài sức tưởng tượng của con người. Ở phạm vi những trang viết này, điều mà “Đồng bằng sông Cửu Long: Trước nguy cơ dần biến mất” đề cập đến là hiện tượng sạt lở bờ sông, khiến nhiều nơi ở miền Tây mất đi đất đai, nhà cửa, con người. Không đơn giản là sự bồi lở đôi bờ của một dòng chảy có lưu lượng lớn thứ 10 thế giới, hiện tượng này còn bắt nguồn từ những tác động của con người: các đập thủy điện thượng nguồn, khai thác cát… Dòng sông “đói” phù sa, bùn cát không chỉ làm mất đi sự phong phú của cả một hệ sinh thái tự nhiên mà còn tác động trực tiếp đến cuộc sống, thậm chí là mạng sống, của những người sống bên bờ. Bao nhiêu thiên niên kỷ qua, dòng sông “cõng” trên mình sự sống của ức vạn loài, giờ đến lúc không còn đủ sức bao dung tất cả…
“Một ngôi nhà xây ở TP.HCM có thể khiến ai đó ở Cà Mau mất nhà cửa” – câu nói ấy khiến chúng ta có được những hình dung rõ ràng hơn về một đồng bằng sông Cửu Long ngày hôm nay, và có thể là tương lai, nếu không có những giải pháp kịp thời.
2. Đó cũng là câu chuyện của một quá khứ xa xôi cách đây nhiều thế kỷ. Trải qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, nhiều sáng tạo độc đáo của người Việt hoặc tản mát, không còn nguyên vẹn hoặc đã thất truyền… Bằng nỗ lực của một người ngoại đạo, tác giả Trần Gia Ninh, người viết cuốn tiểu thuyết “Kim Thiếp vũ môn”, đã ngược dòng thời gian, tìm hiểu sử sách để gạn lọc, tinh tuyển những quặng quý về tài trí và năng lực khoa học kĩ thuật của cha ông. Phi Minh, một loại súng cổ mà lịch sử xưa nay chưa từng ghi tên, đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng thành Xương Giang và ải Chi Lăng, qua đó giải phóng Đại Việt khỏi ách đô hộ của Nhà Minh Trung Hoa đầu thế kỷ 15.
Phi Minh không tự nhiên mà có, nó kế thừa tinh hoa của Hỏa Súng, thứ vũ khí có thể bắn được đạn mạnh đến mức xuyên thủng ván thuyền, sát thương kẻ địch, giúp đội quân Nhà Trần đánh bại quân xâm lược Chiêm Thành…
Vậy hỏa súng từ đâu? Những mắt xích xâu chuỗi quá trình này sẽ dần được ghép lại để làm sáng tỏ nguồn gốc.
3. Những câu chuyện được kể một cách cuốn hút, dĩ nhiên, không chỉ để đọc một cách đơn thuần để nắm bắt thông tin hoặc giải trí. Nó gợi mở cho chúng ta rất nhiều suy ngẫm về giá trị của cuộc sống, dù tồn tại ở không gian và thời gian nào: “Chuyển đổi điện năng của Việt Nam: Ai sẽ chi trả ? (Kỳ 2)” (Minh-Hà Dương); “Áp dụng các phương pháp xử lý dữ liệu xây dựng hệ tri thức chuyên gia Việt” (Lưu Vĩnh Toàn); Công nghệ viễn thám: Cảnh báo sớm trượt lở đất” (Nguyễn Minh); “Quyền riêng tư – Một phả hệ tư tưởng. Kỳ cuối: Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân” (Huỳnh Thiên Tứ); “Những người Mỹ phản chiến trong Chiến tranh Việt Nam? (Kỳ 1)” (Pierre Darriulat); “Kính James Webb phô trương những sức mạnh gì?” (Nguyễn Bình); “Bức tự họa mới của van Gogh nói gì với chúng ta?” (Tô Vân); “Broker (2022): ước mơ về gia đình tự nguyện và nhà nước phúc lợi” (Nguyễn Vũ Hiệp); “Với sự hỗ trợ của lidar: Truy tìm những thành phố đã mất ở Amazon” (Anh Vũ); “Mắt nào xanh nhất: Mắt nào bị hỏng?” (Hiền Trang); “Klaus Mäkelä: Tuổi đôi mươi trên bục chỉ huy” (Ngọc Anh).
Vậy thì tại sao lại không cầm Tia Sáng số mới lên tay để đọc và ngẫm ngợi.
———————————
———————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang

Tác giả