Đón đọc Tia Sáng số 20 tháng 10/2023
Trong mỗi số báo, ê kíp Tia Sáng đều kỳ vọng sẽ đem đến cho độc giả một cơ hội để khám phá và tái khám phá các vấn đề dưới góc nhìn khoa học.
Với số báo này cũng vậy, chúng tôi mong muốn lật lại các vấn đề đang được trao đổi sôi nổi trên các diễn đàn online, offline, đôi khi chỉ là câu chuyện gẫu “trà dư tửu hậu”, và rọi vào đó những thông tin cần thiết để mỗi người có thể đón nhận được những điều giá trị cho mình. Hầu hết chủ đề trong số báo này đều liên quan đến những vấn đề đang được quan tâm: Việt Nam có nên sản xuất chip? Có nên phát triển ngành công nghiệp bán dẫn? Cần một bộ sách giáo khoa hay nhiều bộ sách giáo khoa mới đủ? Giải pháp nào đủ tốt để giải quyết vấn đề giao thông đô thị? Ứng xử như thế nào với các di sản kiến trúc trong thành phố?
Giữa muôn vàn vấn đề như vậy, chúng ta có thể lựa chọn “Ngành công nghiệp bán dẫn: Cơ hội và tương lai cho Việt Nam” (kỳ 2) của giáo sư Trần Xuân Hoài. Sau khi nhìn nhận một cách tổng quan về lịch sử phát triển và những đặc điểm riêng có của ngành công nghiệp bán dẫn, một câu hỏi đột sinh trong đầu chúng ta: ồ thì Việt Nam có nên tự sản xuất chip cho riêng mình không nhỉ? Việt Nam không nên bỏ lỡ cơ hội này chứ? Dẫu có lạc quan đến đâu, chúng ta cũng nên chú ý đến cái nhìn nhận khá thấu đáo của một nhà khoa học “Nay đã đến lúc nghĩ đến tham gia vào Thiết kế và Chế tạo chiếm đến hơn 90% giá trị sản phẩm. Tự Việt Nam thì chắc chưa thể nào làm được nhất là lĩnh vực chế tạo (FAB), dù có nhiều tiền và nhiều người đến mấy (Chắc là không thể làm được như chế tạo ô tô của Vinfast). Vì vậy thì phải tìm mọi cách để có được nhà đầu tư FDI trong hai lĩnh vực này. Nếu người Việt Nam chịu khó học hỏi và nhà đầu tư FDI có thiện chí lan tỏa thì hy vọng sau độ chục năm, người Việt có thể thay thế trên 50% chuyên gia quốc tế”.
Câu chuyện về công nghiệp bán dẫn, với Việt Nam, có lẽ là “mạnh dạn tự bước vào lĩnh vực thiết kế, xây dựng các công ty FABLESS để học hỏi, đào tạo đội ngũ”.
“Thành công là một khoa học; nếu có đủ điều kiện, bạn sẽ giành được kết quả”, Oscar Wilde đã từng nói như vậy. Nhưng có lẽ chip là một câu chuyện khác. Biến chuyển sẽ không đến sau một đêm, nó cần sự kiên trì đầu tư và bám đuổi mà theo một chuyên gia phát triển chip, sẽ phải mất 20 năm chật vật sống sót, sau đó mới tính tiếp. Tất cả mọi thứ đều không đến một cách dễ dàng.
Song song với câu chuyện về ngành bán dẫn, chúng ta có thể bước vào một trao đổi giữa các nhà kiến trúc về “thành phố – bảo tàng” qua một ví dụ cụ thể, Hà Nội. “Hanoi Ad Hoc: Một quan điểm về thành phố – bảo tàng” cho chúng ta thấy một cái nhìn hoàn toàn mới: “Bảo tàng không nhất thiết phải là một thứ khiến mọi người phải căng não, phải đọc phải ghi chép, suy luận. Chạm được vào cảm xúc vậy là thành công rồi”.
Khái niệm bảo tàng cũng cần nhìn theo cách mới “Bảo tàng thời đại mới hướng tới sự giải trí, tính tương tác, dễ dàng hiểu chứ không phải một môi trường học thuật nơi người xem cảm giác nhỏ bé trước sự đồ sộ của kiến thức và lịch sử. Thành phố phải chăng cũng vậy, liệu có đúng đắn nếu chỉ dành không gian để tôn thờ ký ức trong quá khứ mà bỏ quên thực tại?”.
Có biết bao điều mới mẻ, chỉ trong một vài vấn đề, khiến chúng ta như thấy một sự vật hiện tượng hoàn toàn mới trên những nền tảng thông tin cũ.
Đó cũng là mong mỏi mà ê kíp Tia Sáng mong muốn bạn đọc có thể đón nhận khi lật giở những trang báo, mỗi trang lại đem đến những điều có ích.
Và đó cũng là lý do là mỗi bài trong số này là một trải nghiệm hiểu biết và cảm xúc: “Giải Nobel Vật lý 2023: Phép phân giải thời gian của khoa học atto giây” – Pierre Darriulat; “Chuyện những đường chân trời” (Kỳ 2) – Hoàng Mai dịch; “Tích hợp phát triển giao thông: Chiến lược có khả thi?” – Trương Thị Mỹ Thanh; “Vì sao tiếng Việt không cùng nguồn gốc với tiếng Hán?” – Nguyễn Hải Hoành; “Chính sách phổ cập giáo dục tiểu học: Lợi ích dài hạn và liên thế hệ” – Đặng Đình Thắng; “Các lựa chọn chính sách đối với sách giáo khoa phổ thông” – Đỗ Thị Ngọc Quyên; “Hiện và Hóa: Khoảng không thơ Phạm Công Thiện” – Nhã Thuyên; “Ký hiệu người” – Lê Thiết Cương; “Chân dung cộng đồng LGBTQIA+ trong hoạt hình: Từ giễu nhại đến tiếng nói chân thật” – Phạm Vĩnh Anh; “Ừ, vậy thì… Một cú chạm phi nhân” – Thái Hà dịch; “10 nhạc trưởng và dàn nhạc hàng đầu thế giới năm 2023″ – Ngọc Tú.
Vậy thì tại sao chúng ta lại không đọc Tia Sáng số này?
BBT Tia Sáng
——————————-
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh