Đón đọc Tia Sáng số 9 năm 2022
Điều gì sẽ chờ đợi chúng ta trong số báo này? Có lẽ, những số báo nhiều thông tin hấp dẫn nhất, nội dung và hình ảnh chất lượng nhất mà chúng ta vẫn mong chờ sẽ đến ở tương lai. Trên con đường tiến dần tới sự hoàn hảo phía trước đó, ê kíp Tia Sáng vẫn ngày một nỗ lực đem đến cho bạn đọc những số báo đáng đọc, đáng xem và đáng ngẫm ngợi.
Vậy chúng ta có thể đọc được gì trong số báo này? Có lẽ, xuyên suốt trong số báo này là những di sản, những báu vật của quá khứ đã vượt qua những thăng giáng của thời gian và thời cuộc. Không có gì đảm bảo những di sản đó sẽ vẹn nguyên, nhất khi chúng tồn tại trong một môi trường mà bất cứ sự thờ ơ hay tính toán lợi ích nào của con người cũng đủ sức làm cho tan rã…
Những trường hợp như thế dường như cứ chực chờ xuất hiện. “Postef 61 Trần Phú và kho di sản không được gọi tên” (Phạm Thúy Loan) không chỉ về một quần thể kiến trúc từ thời Pháp thuộc, từng là một cơ sở công nghiệp của Sở Bưu điện và Điện báo Đông Dương đã tồn tại gần trăm năm mà còn là câu chuyện của cả một di sản công nghiệp với Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Bia rượu và Nước giải khát Hà Nội, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (trên đường Nguyễn Trãi), Xưởng Cơ khí Điện Thông… mà Hà Nội đang có nhưng đang đứng trước nguy cơ mất mát đi, ví dụ như Postef 61 Trần Phú được tháo dỡ để thay bằng một khu trung tâm thương mại 11 tầng. Vì sao vậy? “Vì chúng ta vẫn chưa có một cái nhìn tổng thể về những giá trị chúng ta đang có và có thể làm gì để giữ gìn chúng… Vì sự chậm trễ trong nhận thức và hành động của các cơ quan tổ chức, chúng ta đã chứng kiến sự biến mất của khá nhiều các di sản công nghiệp quan trọng của Việt Nam khi chúng còn chưa kịp được gọi tên như trường hợp Nhà máy Dệt Nam Định, Nhà máy Đóng tàu Ba Son ở TP.HCM, nhà máy Thuốc lá Yên Phụ”.
Chúng ta làm gì để gìn giữ di sản đó? Có thể, việc chuyển đổi chúng thành các không gian văn hóa – sáng tạo – công cộng sẽ còn đem lại một lợi ích khác lâu dài hơn: “lưu giữ dáng vẻ ẩn chứa những thăng trầm lịch sử của thành phố, duy trì một dòng chảy kí ức liền lạc của đô thị từ quá khứ đến hiện tại”…
Những dòng chảy ký ức ấy dễ phơi lộ trước mắt người, nhưng cũng có những dòng chảy ký ức đặc biệt âm thầm trong những kho tư liệu cần bàn tay người quản lý, sắp xếp và khai thác. “Nghĩ về việc khai thác tài liệu lưu trữ quốc gia” (Cao Tự Thanh), chúng ta không khỏi ngậm ngùi: ngược dòng quá khứ trước thế kỷ XIX, những cuộc chiến tranh đã tàn phá tan nát hệ thống lưu trữ quốc gia cấp trung ương ở Việt Nam, ngoài số bị đốt phá hủy hoại, nhiều thư tịch đồ bản quý không còn.
Vậy chúng ta còn lại gì trong tay? “Nhìn từ góc độ nghiên cứu lịch sử và văn hóa, mặc dù tuyệt đại bộ phận đã bị mất mát, hệ thống văn bản hiện còn được lưu giữ ở các cơ quan lưu trữ ở Việt Nam hiện nay vẫn là mảng tài liệu nguyên thủy rất quan trọng”. Dòng lịch sử xuyên suốt đến năm 1975 sẽ cho chúng ta thấy những nét phác thảo đầu tiên về lưu trữ quốc gia Việt Nam qua các thời kỳ kèm nỗi ngậm ngùi về sự thăng trầm của những tư liệu đặc biệt này trong lịch sử.
Điều gì sẽ xảy ra nếu những dòng ký ức vẫn cứ chảy trôi trong sự thờ ơ của con người? Nó sẽ tàn lụi và biến mất? Thật may là ở đâu đó, vẫn có những điểm hội tụ để lưu giữ câu chuyện của quá khứ và kể lại cho hậu thế. “Bảo tàng gốm cổ sông Hương” (Thái Kim Lan) không chỉ là nơi trưng bày những bình những lọ, đồ sành sứ từng nằm im lìm dưới lòng sông mà còn “đánh thức mơ hồ một ý niệm về bản lai, nơi chốn sinh thành, những gì thuộc nguồn cội của đời người, dấu vết của thể tính hiện sinh”. Bài học bảo tồn gốm từ dòng sông, do đó, đã mang sắc màu văn hóa về “tính lành lặn không phân lìa của nước, chính sự trôi đi mà giữ mãi dấu tích con người”…
Câu chuyện của di sản cho chúng ta thấy rằng, những gì diễn ra ở hiện tại bao giờ cũng mang dấu ấn của quá khứ, thành quả của ngày hôm nay bao giờ cũng là tích lũy của những lao động ngày qua. Khoa học cũng không ngoại lệ. “Qui luật và ngẫu nhiên” (Lê Tuấn Hoa) giới thiệu cho chúng ta một lát cắt về giáo sư Ngô Việt Trung, người 40 năm qua không ngừng nghỉ đi trên con đường toán học với sự bền bỉ, lâu dài, không bao giờ tự hài lòng với chính mình. “Cơ chế kích hoạt phản ứng tự lành của vật liệu polymer” (Lê Thanh Sơn) giới thiệu về công trình của một nhà khoa học hậu sinh, PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu, cho thấy nỗ lực của những nhà nghiên cứu trẻ ngày nay khi theo đuổi hướng nghiên cứu thời sự với điều kiện làm việc trong nước…
Tia Sáng luôn luôn là Tia Sáng, ngoài những vấn đề thời sự khoa học hay thời sự xã hội, trong từng số báo vẫn có những chuyên mục và bài viết hấp dẫn, mang tính ngẫm ngợi “Pháp luật quốc tế trong bối cảnh đương đại: Có phải để gió cuốn đi?” – Ngô Nguyễn Thảo Vy; “Lise Meitner – Nhà vật lý chưa bao giờ mất đi tính nhân văn” – Anh Vũ; “Dữ liệu cá nhân trở thành dữ liệu mở ?” – Lê Trung Nghĩa; “Thạch Chính Lệ và nguồn gốc COVID-19” (Kỳ 1) – Phan Vĩnh Anh dịch; “Ngày khủng long lìa đời” (Kỳ 3) – Nguyễn Bình dịch; “Hồi ký Andersen, người tháo bỏ đôi giày hạnh phúc” – Hiền Trang…
BBT
—————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang