Đón đọc Tia Sáng số 9 tháng 5/2024
Một số báo cô nén rất nhiều vấn đề của xã hội, khoa học, văn hóa và lịch sử, kể cả lịch sử môi trường, đã về tới tòa soạn.
Đó là nỗ lực của cả ê kíp Tia Sáng với mong muốn giới thiệu những điều mới mẻ và sâu sắc tới bạn đọc trong và ngoài nước, qua từng số báo. Bởi sống trong một thế giới đầy rẫy bất định, đôi khi chúng ta cảm thấy thật khó khăn để định vị mình và kế hoạch của riêng mình. Những thông tin, hay nói đúng hơn là kiến thức, từ Tia Sáng có thể đem lại cho mỗi người một cơ hội để nhận diện, đánh giá.
Đề cập đến một trong những vấn đề nóng hiện nay của ĐBSCL, TS. Trần Đức Dũng (ĐH Quốc gia TPHCM) trao đối với chúng ta về “Hạn mặn ở ĐBSCL: Đâu là giải pháp căn cơ?”. Anh cho rằng “Theo xu hướng chung, hạn mặn ngày càng cực đoan, đến sớm hơn, xâm nhập sâu hơn và lâu hơn. ĐBSCL không thể tiếp tục phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nước ngầm, vốn đang chiếm 90% lượng nước sinh hoạt tại đây, vì nguồn này đang suy giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, Việt Nam còn không thể can thiệp triệt để vào vấn đề an ninh chia sẻ nguồn nước dòng sông Mê Kông giữa các quốc gia”. Vì vậy, “Việt Nam vẫn cần một giải pháp chủ động và dài hạn hơn cho một tương lai khó khăn và có phần bất định”.
Sau khi điểm qua các giải pháp của thế giới, theo quan điểm của anh, với Việt Nam, giải pháp là “điều hòa nguồn nước cho phù hợp, nâng cao khả năng dự báo, bên cạnh việc bảo trì, bảo dưỡng các công trình ngăn mặn hiện tại”, lắp đặt và vận hành các hệ thống cảnh báo sớm… Có vô vàn những giải pháp lớn nhỏ mà chúng ta có thể áp dụng ở những quy mô khác nhau nhưng thật ra, để đồng bộ và liên kết được chúng thành một hệ thống liền khối và bền vững cần sự tham gia của nhiều nguồn lực khác nhau.
Việc chậm ứng phó với nắng nóng, hạn hán hay xâm nhập mặn sẽ có hệ quả rất lớn mà có thể chúng ta chưa nghĩ ngay tới: vấn đề an ninh lương thực. “Nắng nóng đe dọa an ninh lương thực ở Đông Nam Á” vẽ ra cho chúng ta những nét phác thảo về nguy cơ làm ảnh hưởng đến an ninh lương thực ngoài khu vực bởi “Đông Nam Á là một vựa lúa của thế giới (chiếm 26% sản lượng gạo toàn cầu)”. Dẫu “còn quá sớm để biết chính xác hạn hán năm nay, dưới ảnh hưởng của El Niño, sẽ tác động đến thu hoạch và xuất khẩu nông sản như thế nào nhưng trước mắt, ít nhất một mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng”.
Câu chuyện về nước, hạn hán, nắng nóng và hạn mặn sẽ là chủ đề mà Tia Sáng sẽ nhắc đến ở những số báo tới, khi đánh giá sự ảnh hưởng của nó ở nhiều góc độ khác nhau để chúng ta có thể mường tượng về những gì mình sẽ phải đối mặt.
Có lẽ, qua những sự kiện này, chúng ta càng thêm thấm thía: trong một thế giới đầy bất định, khoa học chứ không phải ai khác sẽ trao cho chúng ta cơ hội mở lối đi. Khoa học ngày trở thành một nguồn lực quan trọng góp phần đưa các quốc gia vượt qua khủng hoảng hay vươn lên các vị trí dẫn đầu toàn cầu, không chỉ về năng lực công nghệ, quân sự mà còn kinh tế… Tuy vậy ở Việt Nam, những câu hỏi “có cần đầu tư cho khoa học cơ bản?”, “ngoài bài báo quốc tế, khoa học cơ bản có đóng góp gì cho sự phát triển của xã hội, của đất nước?”, “bài báo quốc tế thì có ứng dụng gì?”… vẫn cứ tồn tại. “Giải thưởng Tạ Quang Bửu: “Vị khoa học hay vị nhân sinh?”, “Giải thưởng Tạ Quang Bửu: Một bước đi hội nhập quốc tế”, “Một quyết sách khoa học đúng”, “Một giải thưởng thuần túy khoa học” sẽ là một cơ hội nhỏ để mọi người hiểu hơn về việc tại sao “với những người yêu khoa học đến mức chấp nhận phụng sự nó, bất chấp điều kiện làm việc thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần thì đất nước nợ họ ít nhất một sự tôn trọng và nên trao cho họ những phẩm giá mà họ xứng đáng”.
Với một số báo mà nội dung bao phủ nhiều chủ đề khác nhau, bạn đọc có thể tìm thấy nhiều điều thú vị, nhiều điều đáng suy ngẫm ở những bài báo khác: “Hàm lượng asen trong lúa gạo: Cần nghiên cứu làm rõ” (Anh Thư); “Những tế bào bí ẩn nhất trong cơ thể không thuộc về chúng ta” (Kim Dung dịch); “Đi tìm Việt Nam giữa các thế giới” (Vũ Đức Liêm); “Hậu quả kinh tế của quấy rối tình dục tại nơi làm việc?” (Đặng Đình Thắng); “Sahara xanh và thảm họa khí hậu qua nghệ thuật vẽ trên đá” (Tô Vân tổng hợp); “Đồng phục cá nhân” (Thùy Cốm); “Sự tầm thường của cái Ác trong The Zone of interest” (Vũ Ánh Dương); “Tàn Tuyết và Phố Ngũ Hương: Ta vẫn luôn sống trong những tin đồn” (Hiền Trang); “Nói thầm” (Lê Thiết Cương); “Pablo Casals – Người tạo ra chuẩn mực mới về cello” (Ngọc Tú).
Nếu nói như Plato “Hành xử của con người xuất phát từ ba nguồn chính: khao khát, cảm xúc và hiểu biết” thì có lẽ, Tia Sáng sẽ là một nơi trao cho chúng ta những điều căn bản đó. Vậy thì, tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng mỗi ngày?
BBT Tia Sáng
——————————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh