Rừng ngập mặn giúp tiết kiệm 855 tỷ USD chống bão lũ trên toàn cầu

Rừng ngập mặn có thể mang lại hiệu quả ngang bằng, nếu không muốn nói là hơn các giải pháp pháp công trình, đồng thời mang lại các lợi ích bổ sung khác cho môi trường.

Theo một nghiên cứu mới từ Trung tâm phục hồi khí hậu ven biển tại Đại học California – Santa Cruz (UCSC), vai trò bảo vệ và chống lũ của rừng ngập mặn trên toàn cầu mang lại giá trị 855 tỷ USD.

Nghiên cứu này được giới thiệu trong báo cáo của Ngân hàng thế giới về Sự thay đổi của cải của các quốc gia, năm 2024 có chủ đề “Xây dựng khả năng phục hồi ven biển nhờ rừng ngập mặn: Đóng góp của các biện pháp phòng ngừa lũ lụt tự nhiên vào sự thay đổi của cải của các quốc gia” tập trung làm nổi bật vai trò thiết yếu của rừng ngập mặn trong việc bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi bão lũ và xói lở, mang lại lợi ích to lớn cho cả người dân và nền kinh tế các quốc gia.

Vành đai rừng ngập mặn bảo vệ bờ biển ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. Ảnh: Thành Nguyễn.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm các cơn bão ngày càng dày hơn và tàn phá nặng nề hơn, các giải pháp phòng ngừa ở khu vực ven biển ngày càng trở nên cấp bách. Để giải quyết vấn đề này, các nước đều sử dụng các giải pháp công trình như kè chắn sóng, đê chống lũ lụt. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã cho thấy rằng tuyến phòng thủ phi công trình – hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là rừng ngập mặn, có thể mang lại hiệu quả ngang bằng, nếu không muốn nói là hơn các giải pháp công trình, đồng thời mang lại các lợi ích bổ sung khác cho môi trường.

Rừng ngập mặn lần đầu tiên được Ngân hàng thế giới đưa vào tài sản bảo vệ bờ biển trong Báo cáo về Sự thay đổi của cải của các quốc gia vào năm 2021. Nghiên cứu mới lần này cập nhật thêm vào hiểu biết trong báo cáo lần trước nhờ vào dữ liệu toàn cầu được cập nhật từ năm 2020, cung cấp bức tranh rõ ràng hơn về giá trị bảo vệ của rừng ngập mặn theo thời gian. Sử dụng các mô hình rủi ro lũ lụt và lợi ích về môi trường sống, nhóm nghiên cứu, do Pelayo Menendez và giám đốc trung tâm phục hồi khí hậu ven biển Michael W. Beck đồng trưởng nhóm, phân tích rừng ngập mặn ở 121 quốc gia, bao phủ 700.000 km bờ biển cận nhiệt đới. Cụ thể, nhóm sử dụng các mô hình này để xác định phạm vi và độ sâu của lũ lụt khi có và không có rừng ngập mặn đối với các sự kiện bão khác nhau. Để đánh giá được giá trị của rừng ngập mặn, nhóm chồng dữ liệu về phạm vi và độ sâu của lũ lụt lên dữ liệu về dân số và giá trị tài sản.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng giá trị của rừng ngập mặn trong việc giảm thiểu rủi ro lũ lụt đang tăng mạnh, do quy mô dân số, của cải của các nước đang tăng lên, cũng như các cơn bão ở các vùng bờ biển trên khắp thế giới ngày càng tăng. Từ năm 1996 đến năm 2010, giá trị của rừng ngập mặn trong việc giảm thiểu rủi ro bão lũ đã tăng thêm 130 tỷ USD, và từ năm 2010 đến năm 2020 đã tăng thêm 502 tỷ USD. Các quốc gia hưởng lợi nhiều nhất (tính theo giá trị tuyệt đối) từ vành đai chống bão lũ của rừng ngập mặn hàng năm là Trung Quốc, Việt Nam, Úc, Mỹ và Ấn Độ.

Mặc dù so với trước đây, diện tích rừng ngập mặn có giảm do nuôi tôm và phát triển ven biển nhưng giá trị vùng đệm tránh bão lũ này lại tăng lên khi dân số và cơ sở hạ tầng dựa vào vành đai bảo vệ này đang tăng lên. Rõ ràng, vành đai này đang bảo vệ cộng đồng ven biển, đóng góp vào sự thịnh vượng của các quốc gia khi bảo vệ được cuộc sống, sinh kế và cơ sở hạ tầng ven biển và mang lại vô vàn các nguồn lại thủy hải sản.

Các nước như Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc và Cameroon được hưởng lợi nhiều nhất từ những lợi ích này, khi các vành đai rừng ngập mặn bảo vệ hàng trăm nghìn người dân trước nguy cơ bão lũ mỗi năm.

Cùng với nhiều báo cáo đánh giá khác trước đó, những kết quả nghiên cứu mới này cho thấy rừng ngập mặn có thể có những lợi ích to lới trong việc giúp giảm rủi ro bão lũ với cộng đồng và cơ sở hạ tầng ven biển, chưa kể đến các giá trị kinh tế khác. Do đó, việc đầu tư vào bảo tồn, phục hồi và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn này nên là ưu tiên giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bảo Như dịch

Nguồn: Thông tin của UCSC

https://news.ucsc.edu/2024/12/mangroves-coastal-resilience.html

Tác giả

(Visited 82 times, 3 visits today)