Thúc đẩy di chuyển xanh trong thành phố
Chúng ta có thể làm cho việc di chuyển trong đô thị trở nên xanh hơn và an toàn hơn?
Khoa học & Phát triển đã có cuộc trao đổi với chị Hồ Hà My, người đứng đầu chiến dịch “20km xanh cho thành phố an toàn” vừa được triển khai trên toàn quốc vào tháng 9-10 vừa qua để hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức khi thúc đẩy người dân thay đổi thói quen đi lại trong thành phố.
Chào chị. Xin cho chúng tôi biết về công việc của chị?
Chào các bạn. Tôi là Hồ Hà My, quản lý dự án “Công dân Xanh – Chuyển dịch Xanh” (Green Citizens – Green Transition) tại Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng Live&Learn Việt Nam. Tôi chịu trách nhiệm thử nghiệm những cách tiếp cận mới để thúc đẩy cộng đồng, đặc biệt là trường học, người dân, thanh niên tham gia vào những hành động xanh như giảm rác thải, giảm ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, giao thông xanh…
Ở Live&Learn, chúng tôi có một đội ngũ và đối tác đa ngành – bao gồm nhân viên truyền thông, những người thiết kế kỹ thuật, chuyên gia môi trường, chuyên gia chính sách và tư vấn viên địa phương – phục vụ cho nhiều dự án có mối liên hệ mật thiết với nhau. Cùng nhau, tất cả chúng tôi hợp tác để hỗ trợ cho những công việc mà thành phố Hà Nội và các cơ quan quản lý đang làm hoặc cố gắng thực hiện. Nói một cách cụ thể hơn, Live&Learn cung cấp một số giải pháp thử nghiệm và trợ giúp cho việc chuyển dịch xanh của người dân trong thành phố.
Trong vòng một tháng (từ 22/9/2023 đến 22/10/2023), chúng tôi đã khởi xướng chiến dịch “20km Xanh cho thành phố an toàn” với tài trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và các đối tác. Mọi người sẽ chụp ảnh, quay phim ghi lại cung đường và kể câu chuyện của mình trên mạng xã hội. Với mỗi 20km xanh di chuyển, người tham gia sẽ góp một cây vào quỹ trồng rừng của Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia có trụ sở tại TP.HCM. Kết quả, hơn 194 người đã hoàn thành thử thách với tổng độ dài quãng đường là 4.960 km xanh, giảm phát thải 620kg CO2 và đóng góp 248 cây xanh.
Mặc dù là lần đầu tiên tổ chức chiến dịch này nhưng tôi nghĩ nó đã gửi đi một thông điệp tốt, rằng ngay cả một thay đổi nhỏ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, chẳng hạn như đi bộ hoặc đi xe đạp thay vì lái xe, hoặc sử dụng xe điện, cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn với môi trường.
Vài năm gần đây, những cụm từ như “chuyển dịch xanh” thường được nhắc tới như một yếu tố quan trọng của giao thông đô thị bền vững?
Câu chuyện về di chuyển trong đô thị hiện nay là câu chuyện về chuyển dịch từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng bền vững hơn, hoặc thậm chí sử dụng những cách đi “xanh” hơn, ít hoặc không phát thải ra môi trường.
Bây giờ là thời điểm quan trọng để thúc đẩy những điều đó. Chúng ta đã có một mục tiêu rất rõ ràng là Net Zero vào năm 2050. Chúng ta cũng có những định hướng quan trọng về phát triển bền vững. Vấn đề bây giờ là hiện thực hóa chúng.
Chẳng hạn, Hà Nội đã có những mô hình giao thông xanh căn bản, bao gồm một hệ thống xe bus phát triển nhiều năm và ngày càng được nâng cao chất lượng. Cộng đồng đi xe bus ở Hà Nội cũng tương đối lớn. Thành phố cũng có một tuyến tàu điện metro Cát Linh-Hà Đông đã hoạt động vài năm và mới triển khai một mô hình mới là xe đạp công cộng TNGo khá nhiều người sử dụng. Có nghĩa là mặc dù có một số thách thức nhất định nhưng việc di chuyển xanh trong thành phố vẫn khả thi.
Chiến dịch 20km xanh chỉ là một phần nhỏ trong cách thành phố tiếp cận thiết kế đường phố và giao thông xanh. Nhưng chúng tôi đã góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi cách nhiều người nghĩ về làn đường dành cho xe đạp, về việc làm dịu giao thông và về cách di chuyển nối tuyến. Đã có gần 200 người tham gia thử thách, một vài người trong đó thực sự là những người lần đầu tiên nghĩ đến việc di chuyển xanh.
Con số 20km mà chương trình đặt ra cũng không có quá nhiều ý nghĩa sâu xa ngoài việc đưa ra một khoảng cách tương đối mà bất kỳ người tham gia nào cũng có thể hoàn thành được. Nếu mọi người đi xe bus thì chỉ cần một chuyến đi từ nhà đến trường hoặc từ nhà đến chỗ làm và đi về là đã hoàn thành. Những người đi xe đạp di chuyển ngắn hơn có thể cần 3-4 cuốc đi như vậy cộng dồn. Có rất nhiều người đi bộ và tích lũy kết quả dần dần. Nói chung, 20km là một mốc nhỏ để cộng đồng cảm thấy phấn khích.
Thực tế mọi người đều cố gắng đạt vượt hơn con số kỳ vọng 20km. Có rất nhiều cá nhân đã đạt được 80, 90, 100km di chuyển xanh trong một tuần. Các nhóm thì có nhiều hình thức hưởng ứng chiến dịch hơn, ví dụ như chạy bộ. Nhóm Vinhomes Central Park Running Club đã tổ chức sự kiện chạy bộ với 76 người tham gia, thu về tổng quãng đường 1470km. Điều này đã giúp lan tỏa chương trình đến toàn bộ cộng đồng dân cư. Nhóm FGreen từ trường Đại học FPT Cần Thơ cũng huy động 30 bạn trẻ tham gia đi bộ, chạy và đạp xe với tổng quãng đường hơn 500km.
Một trong những mục tiêu của chiến dịch là để thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thân thiện môi trường. Do vậy, việc góp km bằng cách chạy bộ hoặc đi bộ sẽ giúp bản thân tạo thói quen vận động – và do đó sẽ không “ngại” đi bộ ra bến xe buýt/tàu điện nữa.
Khi quan sát chiến dịch, chị nhận thấy điều gì sẽ thúc đẩy mọi người tham gia giao thông xanh trong thành phố?
Chiến dịch của chúng tôi không bắt đầu đại trà mà nhắm đến những nhóm đã có sẵn mối quan tâm. Thứ nhất là các cộng đồng đang sử dụng giao thông công cộng (xe bus, tàu điện) và giao thông xanh (đi bộ, đi xe đạp). Thứ hai là những người quan tâm đến môi trường và biến đổi khí hậu. Thứ ba là những khu dân cư ở ngoại ô, nơi có không gian rộng và quãng đường di chuyển xa để có thể sử dụng phương tiện công cộng để đi vào thành phố. Các nhóm này rất dễ hưởng ứng và tạo ra sự lan tỏa.
Đối với những người chưa nằm trong ba đối tượng kể trên thì sẽ khó tiếp cận hơn một chút, vì họ chưa có nhiều tiếp xúc với phương tiện công cộng. Tuy nhiên, nếu có động lực thích hợp thì họ sẽ vẫn tham gia.
Ví dụ, trong mạng lưới của Live&Learn hiện nay có rất nhiều người quan tâm đến trồng rừng, nên dù gặp tình huống phương tiện công cộng thiếu thốn, mất thời gian chờ và chỗ làm hơi xa nên không tiện đi bằng xe đạp thì họ vẫn cố dành thời gian đạp xe khi đi chợ, đi mua sắm, đi gặp bạn bè để đạt được mục tiêu có thêm một cây xanh được trồng khi đi đủ 20km xanh. Cũng có rất nhiều người quan tâm đến giảm dấu chân carbon, do vậy họ sẽ hưởng ứng nhiều hành động xanh như đi lại giúp giảm phát thải ra môi trường.
Nhưng trong cộng đồng nói chung, có không ít người quan tâm đến chi phí. Chúng ta phải thuyết phục những người như vậy rằng giao thông xanh là thiết thực, tiết kiệm và giúp đỡ cho môi trường. Một thành viên tham gia chiến dịch tính toán rằng nếu đi xe máy, tiền xăng xe, bảo dưỡng, khấu hao xe mỗi năm ít nhất 10-15 triệu, trong khi đi xe bus một năm chỉ 2,4 triệu. Do vậy, chuyển sang phương tiện công cộng có thể là một lựa chọn kinh tế.
Nói chung, di chuyển xanh là một cuộc chiến của trái tim và khối óc. Nhiều người than phiền về những rắc rối khi tham gia giao thông công cộng, nhưng một khi thực sự bắt tay vào làm, họ hoàn toàn có thể tự lập kế hoạch di chuyển phù hợp với điều kiện của mình, tìm bãi đỗ và điều chỉnh giờ giấc, thói quen vận động, sinh hoạt hằng ngày cho tương xứng.
Việc của các thành phố là hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân thay đổi. Nếu trong thành phố càng có nhiều sự lựa chọn phương tiện công cộng và càng nhiều khớp nối giữa các hình thức di chuyển khác nhau thì việc chuyển dịch khỏi phương tiện cá nhân sẽ càng thuận lợi. Cộng đồng sẽ ngay lập tức nhận được tín hiệu khi họ phải dành ít thời gian trên đường hơn, đi làm thuận tiện hơn hoặc tổng chi phí bỏ ra để di chuyển ít hơn. Điều này cũng đúng khi các chính sách của thành phố thất bại.
Còn điều gì khác nữa khiến cộng đồng bận tâm?
Một vấn đề nổi bật mà mọi người tham gia giao thông xanh trong chiến dịch phản hồi là yếu tố an toàn. Những người đi xe đạp tỏ ra lo lắng khi đi trên những cung đường chưa có làn cho xe đạp, đặc biệt là trên những con đường lớn nhiều ô tô, xe tải. Họ không muốn con em mình gặp tai nạn khi đi bằng xe đạp, đi bộ đến trường hoặc chờ xe bus ở những nơi thiếu vỉa hè, vạch kẻ, làn đường, đèn tín hiệu hoặc biển hạn chế tốc độ.
Các đô thị ở Việt Nam không được thiết kế cho việc di chuyển bằng xe đạp. Xe máy và ô tô con vẫn luôn có vai trò trung tâm trong chính sách quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông. Chúng tôi cho rằng xe đạp sẽ ngày càng quan trọng trong việc di chuyển ở các đô thị. Có thể coi đây là điều kiện để giải quyết các vấn đề như ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí.
Nhà tài trợ của chúng tôi, Đại sứ quán Đan Mạch, chia sẻ rất nhiều bài học về di chuyển xanh liên quan đến xe đạp. Ở thủ đô Copenhagen, mỗi ngày 62% người dân đều đi làm, đi học và đi siêu thị bằng xe đạp. Tính đến năm 2019, Copenhagen có gần 350km đường dành cho xe đạp được ngăn cách với cả vỉa hè và đường bằng lề đường, 23km đường dành cho xe đạp trên phố ngăn với đường chính bằng vạch kẻ, dải phân cách, và 43km tuyến đường xe đạp xanh ngoài phố chạy qua công viên và các khu vực xanh khác. Thành phố đã phân bổ khoảng 30 triệu Euro vào xây mới và bảo trì hạ tầng cơ sở phục vụ xe đạp.
Trong buổi tổng kết chiến dịch 20km xanh ở Hà Nội tuần trước, ngài Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhấn mạnh rằng chuyển dịch xanh không chỉ là về những quyết định chính trị của chính quyền mà còn là những lựa chọn của công dân.
Đó là một gợi ý rất lớn cho các nhà quy hoạch và phát triển giao thông đô thị Việt Nam, rằng họ phải khiến cho thành phố trở nên an toàn hơn để người dân có thể lựa chọn di chuyển xanh. Việc đầu tư thêm những chiếc bus điện không phát thải hay tàu metro rất quan trọng, nhưng cũng không thể bỏ quan cho những thiết kế hạ tầng đảm bảo an toàn cho các hình thức di chuyển khác.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Trang Linh – Hồng Hạnh thực hiện
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 46)