Toàn cầu hóa là chiếc phao cứu sinh của thế giới?

Tại Lindau (Đức) đã diễn ra cuộc gặp gỡ quan trọng giữa những người từng đoạt giải Nobel kinh tế. WELT đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với họ về tương lai của nền kinh tế toàn cầu.


Ông Eric S. Maskin, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2007.

Chiến tranh, lạm phát, đại dịch, gián đoạn chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị Mỹ-Trung: thế giới dường như bị đảo lộn, mất kiểm soát. Tuy nhiên, theo quan điểm của những người đoạt giải Nobel Kinh tế, vẫn còn một tia hy vọng cho những năm sắp tới: toàn cầu hóa – động cơ thúc đẩy nền kinh tế trong ba thập kỷ qua vẫn đang tồn tại, nếu không muốn nói là sôi động.

Điều này được tiết lộ qua một cuộc khảo sát của WELT với 19 nhà kinh tế hàng đầu tại Hội nghị thường kỳ diễn ra ba năm một lần ở Lindau, gồm những người từng đoạt giải Nobel. Các nhà kinh tế hàng đầu này kỳ vọng trong tương lai bức tranh toàn cầu hóa sẽ khác đi so với hiện nay. Đặc biệt, châu Âu phải hết sức tập trung để không đánh mất vai trò của mình giữa hai khối Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Dường như tình hình thương mại và đầu tư xuyên biên giới đang có phần ảm đạm. Tôi sẽ không gọi đó là một ‘trật tự thế giới mới’ “, Giáo sư Christopher Sims của ĐH Princeton, người đoạt giải Nobel năm 2011, nói. Biểu tượng của Harvard, Robert Merton cũng có cái nhìn tương tự: “Tôi không nghĩ toàn cầu hóa sẽ bị đảo ngược, thậm chí với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, nó sẽ trở nên phổ biến hơn nữa”, người đoạt giải năm 1997 nói với WELT.

Tuy nhiên, về cơ bản, bản chất của toàn cầu hóa vẫn sẽ thay đổi: “Con đường mà các nước các nước nghèo, kém phát triển vẫn đi để giành lấy lợi thế cạnh tranh – cung ứng lao động giá rẻ – có thể không còn khả thi như trước đây”, Merton nói. Nhờ công nghệ, những lợi thế về chi phí sẽ không còn quá quan trọng.

Ngoài ra, đại dịch và sự rối đoạn địa chính trị do các cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt gây ra đã khiến các nước công nghiệp nhận thức được những rủi ro, lỗ hổng về an ninh, kinh tế quốc gia.

Thay vì tập trung mạnh mẽ vào tính hiệu quả, giờ đây người ta tập trung nhiều hơn vào khả năng phục hồi. Hiện tượng này đã được biết đến với khái niệm “friend-shoring”, tức là việc di dời các chuỗi cung ứng quan trọng về lại đất nước mình hoặc đến các quốc gia thân thiện, ổn định về chính trị. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu kinh tế đoạt giải Nobel không xem đây là hiện tượng phi toàn cầu hóa.

“Hệ thống tài chính vẫn tiếp tục hoạt động trên quy mô toàn cầu, cả trong việc huy động vốn, đầu tư và chia sẻ rủi ro”, Merton nói. Fintech vẫn đang thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và các dịch vụ tài chính khác, đặc biệt là đối với những người hiện chưa có cơ hội tiếp cận những dịch vụ này.

Người đoạt giải Nobel năm 2002, Vernon Smith, khi trò chuyện với WELT cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng toàn cầu hóa vẫn tồn tại, bất chấp những “xích mích” đáng kể gần đây. Ông nói: “Các quốc gia tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thương mại, bởi họ vẫn thu về nhiều lợi ích”.

Smith, một trong những người nổi tiếng nhất về nghiên cứu thị trường thì cho rằng tình trạng nghèo đói vẫn là một thách thức lớn nhất trong thời đại chúng ta. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết lâu dài bằng cách trao cho những người nghèo nhất thế giới cơ hội để họ tự cứu mình. Smith nói: “Các doanh nghiệp tư nhân cần đầu tư để thúc đẩy phát triển sản phẩm và dịch vụ ở Châu Phi”.


Ông Robert Merton, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1997. 

Đáng chú ý, những người đoạt giải thưởng cao quý này khi được tham khảo ý kiến đã chọn Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, là quốc gia chiến thắng trong trật tự thế giới mới đang thay đổi này. Eric Maskin, người được trao giải Nobel Kinh tế năm 2007 cho biết: “Trật tự cũ vẫn chưa kết thúc, trừ một ngoại lệ: Trung Quốc đang ở vị thế mạnh hơn nhiều so với 20 năm trước”. Theo James Heckman, người được giải thưởng năm 2000, Trung Quốc là kẻ chiến thắng, trong khi Hoa Kỳ chí ít nhất vẫn giữ được vị thế của mình. Ứng cử viên xuống hạng rõ ràng nhất là châu Âu, vì lục địa già “phụ thuộc vào các nguồn năng lượng mong manh”.

Sự xuống dốc của lục địa già cũng thể hiện ở vị thế của đồng euro. Đầu tuần, nó đã giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với đồng đô la, mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua. Tiền tệ phản ánh rất tốt sự thăng hay xuống hạng của các quốc gia, khu vực.

Không chỉ có đồng tiền chung đi xuống. Các nhà đầu tư toàn cầu cũng né tránh các cổ phiếu ở lục địa già. Giá trị vốn hóa thị trường của tất cả các cổ phiếu Đức hiện chỉ chiếm 1,86% vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu. Đức không có văn hóa cổ phiếu, các doanh nghiệp quy mô vừa không niêm yết trên sàn chứng khoán. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Đức, quốc gia đóng góp trên 4% cho sản lượng kinh tế toàn cầu nhưng điều này lại không thể hiện một thứ hạng tương xứng trên các sàn giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên với mức thấp hơn hai phần trăm thì đây chính là bằng chứng cho sự nghèo nàn của Đức và toàn bộ châu lục.

Ngay cả Edmund Phelps cũng nhìn tương lai Châu Âu với con mắt đầy ái ngại, cho dù không có quốc gia nào nổi lên như người chiến thắng trước sự thất bại của toàn cầu hóa.

Không ai trong số những người đoạt giải Nobel muốn đầu tư vào Bitcoin. Cuộc khảo sát của WELT cho thấy tình hình hiện nay, xét tổng thể không có gì là chắc chắn. Những người đoạt giải Nobel sẽ không dồn khoản tiền đầu tư của họ vào một số lĩnh vực nhất định. Merton, người nhận giải Nobel về nghiên cứu thị trường tài chính cho biết: “Tôi sẽ bỏ 100.000 USD vào cổ phiếu toàn cầu”.

Riêng nhà kinh tế học Smith là có ý tưởng đầu tư một cách cụ thể. Theo ông thì cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ sinh học và công nghệ dược có một tương lai tươi sáng. Không ai trong số những người đoạt giải Nobel có ý định đầu tư tiền của của mình vào lĩnh vực tiền điện tử. “Tiền kỹ thuật số chưa có các quy chế đầy đủ. Theo Phelps, lĩnh vực này thu hút hoạt động rửa tiền.

 Hoài Nam  dịch

Nguồn:

Es lebe die Globalisierung – doch Europa wird der Verlierer sein

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)