Vi nhựa có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Những ai có những mảnh vi nhựa mắc lại trong một mạch máu quan trọng nhiều khả năng sẽ phải hứng chịu đau tim, đột quỵ, thậm chí là tử vong, theo một nghiên cứu kéo dài trong ba năm.

Hiện tại thì nhựa có mặt ở khắp mọi nơi – bao bì thực phẩm, lốp xe, quần áo, đường ống nước. Chúng sẽ bị tan rã thành các vi nhựa ngoài môi trường và có thể xâm nhập theo đường thở hoặc đường ăn uống của người 1.

Giờ đã có dữ liệu đầu tiên cho thấy có một sự kết nối những hạt vi nhựa với sức khỏe con người. Một nghiên cứu trên hơn 200 bệnh nhân trải qua phẫu thuật đã tìm thấy gần 60% số người có vi nhựa hoặc thậm chí là hạt nano nhựa trong một động mạch chính2. Họ có nguy cơ trải qua một cuộc đau tim, đột quỵ hoặc cả tử vong gấp 4,5 lần trong vòng xấp xỉ 34 tháng sau phẫu thuật hơn những người động mạch không bị hạt nhựa găm lại.

“Đây là một nghiên cứu lâm sàng mang tính bước ngoặt”, theo Robert Brook, một nhà khoa học lâm sàng ở ĐH Wayne Detroit, Michigan đã nghiên cứu về những ảnh hưởng môi trường lên sức khỏe tim mạch nhưng không tham gia vào nghiên cứu này. “Đây sẽ là bệ phóng cho các nghiên cứu tiếp theo trên khắp thế giới để hợp tác, mở rộng và đào sâu vào các mức độ rủi ro từ vi nhựa và nano nhựa”.

Nhưng Brook, các nhà nghiên cứu khác và chính các tác giả cảnh báo là nghiên cứu này, được xuất bản trên tạp chí The New England Journal of Medicine không chứng tỏ là các hạt nhỏ bé này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe ở các bệnh nhân. Những nhân tố khác mà các nhà khoa học không nghiên cứu, như các tình trạng kinh tế xã hội, cũng có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe xấu hơn cả chính vi nhựa, họ nói.

Hành tinh nhựa

Các nhà khoa học đã tìm thấy vi nhựa ở khắp mọi nơi: trong đại dương, trong cá, trong sữa, nước uống, không khí và nước mưa.

Nhiều yếu tố ô nhiễm không chỉ phổ biến mà còn tồn tại lâu dài, mất hàng thế kỷ để tan rã. Và kết quả là các tế bào phải phản hồi để loại bỏ ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể lại không thể phân hủy được chúng, vì vậy vi nhựa tích tụ trong các cơ quan bên trong cơ thể.

Ở người, họ đã tìm thấy vi nhựa trong máu, phổi, nhau thai. Tuy nhiên, chúng tích tụ trong đó không có nghĩa là chúng sẽ gây hại. Các nhà khoa học đã lo ngại về ảnh hưởng đến sức khỏe của vi nhựa suốt hai thập niên qua nhưng vô cùng khó để chứng minh những ảnh hưởng đó, Philip Landrigan, một nhà miễn dịch học tại Boston College, Chestnut Hill, Massachusetts, nói.

Giuseppe Paolisso, một bác sĩ nội khoa ở ĐH Campania Luigi Vanvitelli tại Caserta, Italy, và đồng nghiệp biết là vi nhựa có thể gắn vào các phân tử chất béo, vì vậy họ tò mò về việc liệu các hạt này có thể tích tụ để tạo thành mảng bám trên thành mạch máu hay không. Nhóm nghiên cứu đang theo dõi 257 người đã trải qua phẫu thuật giảm thiểu nguy cơ đột quỵ bằng việc loại bỏ mảng bám từ một động mạch ở cổ.

Hồ sơ máu

Các nhà nghiên cứu đặt các mảng bám trích xuất được từ phẫu thuật xuống một kính hiển vi điện tử. Họ thấy những cục lởm chởm – bằng chứng về vi nhựa –  lẫn với các tế bào và những chất thải khác trong cac mẫu lấy từ 150 người tham gia. Phân tích hóa học cho thấy số lượng các hạt được tạo ra từ các polyethylene được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và thường có trong bao bì đóng gói thực phẩm, túi nhựa và ống y khoa, hoặc polyvinyl chloride, được biết đến rộng rãi với tên PVC hoặc vinyl.

Trung bình, những người tham gia có nhiều vi nhựa trong các mẫu mảng bám cũng có các mức chỉ thị sinh học về viêm nhiễm cao hơn. Điều đó cho thấy các hạt có thể tham gia đóng góp vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe xấu, Brook nói. Nếu chúng kích hoạt viêm nhiễm, chúng có thể thúc đẩy nguy cơ rủi ro bởi khi một mảng bám bị phá vỡ, chúng sẽ làm phân tán các tích tụ chất béo, dẫn đến cản trở mạch máu.

So sánh với những người không có vi nhựa trong mảng bám, những người này ít tuổi hơn; nhiều khả năng là nam giới, hút thuốc và có bệnh tiểu đường hoặc tim mạch. Bởi vì nghiên cứu này chỉ gồm những người đã phẫu thuật để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ nên vẫn còn chưa rõ mối liên hệ đó có đúng trong một số lượng người lớn hơn không.

Brook tò mò về 40% người trong nghiên cứu không có vi nhựa trong mảng bám, đặc biệt gần như không thể tránh được nhựa hoàn toàn. Đồng tác giả nghiên cứu, Sanjay Rajagopalan, một nhà tim mạch tại ĐH Case Western Reserve ở Cleveland, Ohio, cho biết có thể là những người này hành xử khác biệt hoặc có những con đường sinh học khác để xử lý nhựa, nhưng dẫu sao vẫn cần nghiên cứu thêm để rút ra kết luận.

Tiến độ đình trệ

Nghiên cứu này được công bố khi các nhà ngoại giao đang cố gắng đưa ra một hiệp ước toàn cầu về loại bỏ ô nhiễm nhựa 3. Vào năm 2022, 175 quốc gia bỏ phiếu để tạo ra một thỏa thuận quốc tế mang tính pháp lý, với mục tiêu cuối cùng sẽ đạt được vào cuối năm 2024.

Các nhà nghiên cứu cố gắng đưa thật nhiều thông tin khoa học vào quá trình này, lưu ý và quá trình về hiệp ước này quá chậm chạp. Nghiên cứu mới nhất dường như thắp lên một ánh sáng cho những nhà đàm phán khi họ nhóm họp ở Ottawa vào tháng 4, Landrigan, đồng tác giả của báo cáo đề xuất một giới hạn toàn cầu về sản xuất nhựa.

Trong khi Rajagopalan chờ dữ liệu nhiều hơn về vi nhựa, phát hiện của ông đã có tác động lên cuộc sống hàng ngày của chính mình. “Tôi đã phải có ý thức nhiều hơn, nhìn vào mối liên hệ của mình với nhựa một cách có chủ đích”, ông nói. “Tôi hi vọng nghiên cứu sẽ đem đến một số tự vấn về cách chúng ta, như một xã hội, sử dụng những sản phẩm khai thác từ dầu mỏ rồi tái định hình sinh quyển này như thế nào”.

Thanh Phương tổng hợp

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-024-00650-3

https://www.latimes.com/environment/story/2024-03-07/microplastics-may-be-risk-factor-for-cardiovascular-disease

——————————————————–

1.https://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vi-nhua-mot-dai-dich-khac/

2.https://www.nejm.org/doi/10.1056/NEJMoa2309822

3.https://www.nature.com/articles/d41586-022-03793-3

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)