Chơi nhạc từ nhỏ, tư duy sắc bén tuổi già?
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc học chơi một nhạc cụ trong khi còn nhỏ và cải thiện các kỹ năng suy nghĩ ở giai đoạn xế chiều của cuộc đời.
Hình ảnh những chàng nghệ sĩ nhạc rock già gân gắn chặt với những nhạc cụ thời trẻ họ chơi thường có thể gợi lên phần nào thái độ giễu cợt của ai đó trong chúng ta nhưng giờ đây, khoa học đã cho thấy là chúng ta nên ghen tị với tư duy sắc bén của họ.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một mối liên hệ giữa việc học chơi một nhạc cụ lúc trẻ tuổi với việc cải thiện các kỹ năng tư duy ở tuổi xế chiều. Con người có nhiều trải nghiệm chơi nhạc sẽ có những cải thiện tuyệt vời trong một thử nghiệm về năng lực nhận thức trong suốt cuộc đời hơn những người ít chơi nhạc hoặc không chơi nhạc. Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trường đại học Edinburgh.
Quan trọng hơn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra là trường hợp này vẫn xảy ra ngay cả khi xem xét đến cả địa vị kinh tế xã hội, những năm học tập trong trường, khả năng nhận thức thời thơ ấu và sức khỏe của họ khi trưởng thành.
Nhưng giáo sư hồi hưu Ian Deary, cựu giám đốc Trung tâm Lão hóa nhận thức và Dịch tễ học nhận thức tại trường đại học Edinburgh, cho biết: “Chúng tôi phải nhấn mạnh rằng mối liên hệ mà chúng tôi tìm thấy giữa việc chơi nhạc và cải thiện nhận thức suốt đời rất nhỏ, và chúng tôi không thể chứng minh là cái có trước là nguyên nhân dẫn đến cái sau”.
“Tuy nhiên, như chúng tôi và những nhà nghiên cứu khác tìm hiểu những hiệu ứng rất nhỏ có thể góp phần đưa não bộ của một số người đã lão hóa trở nên khỏe mạnh hơn những người khác, những kết quả đó cũng xứng đáng để chúng tôi theo đuổi”.
Trong số 366 người tham gia nghiên cứu, 117 người cho biết đã từng chơi một nhạc cụ – phần lớn trong suốt thời kỳ thơ ấu và thanh niên.
Phần lớn nhạc cụ được chơi phổ biến là đàn piano nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều nhạc cụ khác như accordion, bagpipes, guitar và violin.
Những người tham gia nghiên cứu này là một phần của “Lothian Birth Cohort 1936” (Nghiên cứu đoàn hệ vùng Lothian sinh năm 1936) – một nhóm những người từ Edinburgh và Lothian, sinh vào năm 1936, từng tham gia Cuộc khảo sát sức khỏe tâm thần người Scotland năm 1947.
Những người này đã được xét nghiệm về một số chức năng tinh thần và cơ thể khi họ trưởng thành, bao gồm làm lại bài kiểm tra khả năng nhận thức tiêu chuẩn từng được thực hiện khi mới 11 tuổi, trong đó có các câu hỏi yêu cầu suy luận bằng lời nói, nhận thức về không gian và giải tích số.
Các thành viên nghiên cứu đoàn hệ này đã được tái kiểm tra lại các bài thi vào lúc 70 tuổi về những trải nghiệm âm nhạc trong suốt cuộc đời với các nhà nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem liệu trải nghiệm âm nhạc đó có liên quan đến một sự lão hóa khỏe mạnh không.
Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các mô hình thống kê để tìm hiểu sự liên kết giữa trải nghiệm của một cá nhân trong việc chơi một nhạc cụ và những thay đổi trong kỹ năng suy nghĩ giữa độ tuổi 11 với 70.
Trường đại học Edinburgh cho biết phát hiện này đem lại bằng chứng mới mẻ về việc chơi một nhạc cụ có liên quan, dù nhỏ nhưng có thể dò được lợi ích nhận thức trong suốt cuộc đời.
Judith Okely, một giảng viên tâm lý tại trường đại học Napier, đánh giá “Những kết quả đó đã làm tăng thêm bằng chứng là các hoạt động có nhiều thách thức về mặt tinh thần như học cách chơi một nhạc cụ, có thể liên quan đến các kỹ năng tư duy tốt hơn”. Trong khi đó, Katie Overy, giảng viên chính của trường Nhạc Reid thuộc đại học Edinburgh, thì nói: “Âm nhạc có thể đem lại cho chúng ta rất nhiều điều như các hoạt động xã hội vui vẻ – thật vui sướng khi tìm thấy là việc học chơi một nhạc cụ có thể đóng góp vào một tuổi già có nhận thức lành mạnh”.
Nghiên cứu này do Tổ chức Age UK và Hội đồng nghiên cứu Kinh tế xã hội tài trợ, được xuất bản trên tạp chí Psychological Science.
Thanh Vân tổng hợp