Đón đọc Tia Sáng số 14 tháng 7/2024
Một số báo mới đã về tới tòa soạn với rất nhiều câu chuyện mà chúng tôi hi vọng sẽ hữu ích với mọi người. Những câu chuyện đó, không hẳn chưa từng được bàn luận ở đâu, nhưng trong số báo Tia Sáng này, được phân tích và lý giải theo một góc nhìn mới, ắt hẳn sẽ đem lại rất nhiều hiểu biết giá trị.
Đã từ lâu, vùng biển Đông Bắc của chúng ta đã là một không gian sinh tồn phong phú, đa dạng, một không gian kinh tế – xã hội với các dòng chảy hàng hóa và tư tưởng từ bên ngoài vào đất liền, một vùng địa – chính trị quan trọng, phên dậu quốc gia trong suốt chiều dài lịch sử. Với một không gian vô cùng đặc biệt như vậy, vùng biển Đông Bắc phải là nơi mà các quy hoạch phát triển cần phải được thiết kế một cách cẩn trọng. “Không gian văn hóa của vùng là hệ quả của sự thích ứng với hệ sinh thái, của quá trình tiếp xúc và tương tác giữa các nhóm cư dân từ trong lịch sử đến hiện tại. Cần phải nhìn nhận vùng biển Đông Bắc như một thực thể văn hóa, một không gian kinh tế – xã hội có mối liên hệ tương tác giữa ven bờ và hải đảo”.
Câu chuyện thực tế lại khiến người ta quan tâm. “Các dự án phát triển kinh tế ở vùng biển đảo Đông Bắc đang được coi là sẽ đem đến những điểm đột phá chiến lược về kinh tế cho cả vùng. Tuy nhiên, khi còn chờ đợi những đột phá sẽ đến ấy, người ta đã phải chứng kiến tác động của các dự án đó, dẫn đến xung đột và phá vỡ không gian văn hóa truyền thống”.
Tại sao vậy? Trong “Nơi đất liền gặp biển: Bảo tồn di sản văn hóa vùng biển Đông Bắc”, GS Nguyễn Văn Chính sẽ trao đổi với chúng ta một phần câu chuyện mà chúng tôi hy vọng sẽ khiến tất cả đều cảm thấy thú vị đón nhận.
Nhưng số báo mới này đâu chỉ bàn về một vùng đất, nó còn bao hàm rất nhiều những câu chuyện khác, trong đó có những vấn đề hết sức thời sự như “Thanh thiếu niên thời công nghệ số: Áp lực tinh thần kiểu mới”. TS. Đặng Hoàng Ngân chia sẻ với chúng ta một thực trạng về đời sống tinh thần của giới trẻ khi chịu nhiều áp lực tinh thần theo cách hoàn toàn khác với thế hệ trước, nhất là khi “thanh thiếu niên sống trong thời đại số có thể bị áp lực từ việc bạn bè, người theo dõi chấp nhận, coi trọng mình như thế nào, từ đó có thể tạo ra sự thể hiện bản dạng số khác với con người thật của mình”.
Việc tham gia vào thế giới số, thậm chí đắm chìm trong đó, khiến các bạn trẻ đôi khi rơi vào mê cung của những yêu thích, phản đối, tẩy chay thái quá, thậm chí “Công nghệ số làm cảm giác ghen tị, so sánh với những bạn khác (thường là người trẻ thành công) trên mạng xã hội, phản hồi tiêu cực từ mọi người khiến mức độ tổn thương tinh thần do áp lực học tập nặng nề hơn”.
Dẫu chỉ là một lát cắt nhưng áp lực tinh thần số sẽ buộc chúng ta phải suy nghĩ lại và cẩn trọng hơn khi bước vào thế giới số.
Trong số báo này có nhiều thông tin hữu ích về nhiều vấn đề mà đôi khi, chúng ta thường lơ đãng bỏ qua, hoặc không cho rằng nó quan trọng. Nhưng tin chúng tôi đi, có rất nhiều điều thú vị ở đó, giữa những trang báo:
“Khi máy tính ở khắp mọi nơi: Dạy Toán có phải thay đổi?” (Neal Koblitz); “Hệ thống pin lưu trữ điện năng: Nút thắt cho năng lượng tái tạo?” (Minh Hà-Dương); “AI làm tăng gánh nặng năng lượng?” (Nguyễn Hoàng Thạch dịch); “70 năm nhà máy điện hạt nhân Obninsk: Bài học lớn từ lịch sử” (Thanh Nhàn); “Quy hoạch nhân lực hạt nhân của Hàn Quốc: Bài học cho Việt Nam?” (Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Nhị Điền); “Lợi ích xã hội khi sóng não ta hòa nhịp” (Tuệ Tâm lược dịch); “Olympic Games: Khi cuộc chơi vượt mọi quy tắc bền vững” (Tô Vân); “Sức mạnh vô hạn của toán học” (Hà Huy Khoái); “Bruno Schulz và vẻ đẹp một chiếc giường nhàu nhĩ” (Hiền Trang); “Mật mã bí ẩn của Beethoven” (Ngọc Anh dịch).
Vậy tại sao chúng ta không đọc Tia Sáng số này?
BBT
——————————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh