Đón đọc Tia Sáng số 15 tháng 8/2023
Một số báo mới, giữa ngổn ngang những vấn đề cũ – mới, khi nhiều vấn đề hiện tại vẫn còn chưa định hình. Số báo này làm dấy lên một câu hỏi: trong bối cảnh đó, bằng cách nào để duy trì được kết nối liền lạc quá khứ - hiện tại – tương lai và chuẩn bị cho một tương lai nhiều bất định?
Thật khó để định hình được một cách chuẩn xác những gì đang diễn ra ngổn ngang, tung tóe và rối bời. Rõ ràng, có quá nhiều vấn đề mà chúng ta phải đối mặt, ngay giờ phút này. Tia Sáng đang dần mở ra những cuộc trao đổi, tranh luận về những vấn đề thách thức để qua đó, chúng ta có thể phần nào tìm ra cách ứng xử phù hợp.
Trong số báo này, Tia Sáng khơi gợi các vấn đề mà chúng ta cần quan tâm, đó là sự phát triển bền vững của ngành điện, là sự thuận tiện, nhanh chóng và hiện đại của dịch vụ công trực tuyến, là sự gây tranh cãi của mối quan hệ AI tạo sinh – bản quyền, dù mới ở điểm khởi đầu…
Có một câu hỏi đặt ra ‘tại sao chúng ta phải quan tâm đến những vấn đề này’? Thật ra, đó sẽ chính là vấn đề của chính mỗi người trong chúng ta, không chóng thì chầy.
Hãy thử hình dung tương lai gần, chúng ta không cần cất công tới các cơ quan công quyền để làm các thủ tục mà chỉ cần ngồi nhà, điền form là có thể thoải mái thư giãn chờ phản hồi, không phải chịu cảnh “tắc đường, kẹt xe”, ngồi chờ đến hẹn… Nhìn rộng hơn “với hàng chục triệu người phải làm thủ tục hành chính cho cá nhân mình và doanh nghiệp, việc rút gọn, chuyển sang dịch vụ công điện tử có thể giúp tiết kiệm hàng triệu giờ lao động phải dành cho di chuyển, ngồi chờ đợi”.
Hứa hẹn là vậy nhưng thực tế thì tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến lại rất thấp. Tại sao vậy? Có nhiều nguyên nhân có thể liệt kê như chưa trực tuyến toàn trình, thiếu đồng bộ, thiếu liên thông… nhưng có lẽ, sâu xa hơn, đó là “Việc triển khai vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm, tập trung vào số lượng thay vì chất lượng. Tư duy ‘lấy người dùng làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá” mới là chủ trương, khẩu hiệu”. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta tìm đọc “Dịch vụ công trực tuyến: Vì sao người dân chưa mặn mà”? (Tống Khánh Linh).
Đó cũng là câu chuyện của một ngành điện phát triển bền vững để có thể tránh được chuyện cắt điện luân phiên như những ngày cao điểm nắng nóng tháng 4, tháng 5 mà nhiều tỉnh thành phải nếm trải. Cách nào để vãn hồi? Trong “Cải cách thị trường điện Việt Nam: Những thách thức” (TS. Thái Doãn Hoàng Cầu) có nêu một vấn đề: “một trong các nguyên nhân chính dẫn đến công tác quản trị ngành điện chưa tốt là do cơ chế giá bán lẻ điện hiện hành không phản ánh kịp thời chi phí nhiên liệu đầu vào cũng như khan hiếm cung – cầu điện”.
Để giảm lỗ, EVN phải huy động nhiều nguồn điện có chi phí vận hành thấp như thủy điện và giảm nguồn điện có chi phí cao hơn như than, khí, dầu. Do đó, EVN đã phải hứng chịu rủi ro khi tình hình thời tiết, thủy văn cực đoan xảy ra ngoài dự báo trong năm 2023. Những giải pháp mà tác giả nêu trong bài viết thực ra phản ánh một số vấn đề căn cốt của ngành điện: thiết kế lại thị trường; đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chức năng trong cơ cấu quản trị ngành điện; Giảm thiểu việc Chính phủ phải can thiệp vào thị trường điện làm đình chỉ hay trì hoãn tiến trình cải cách và xây dựng thị trường điện…
Không sát sườn như dịch vụ công trực tuyến hay thị trường điện, vấn đề AI tạo sinh và bản quyền dường như đang ở rất xa chúng ta. Nhưng có thực thế? Làn sóng AI tạo sinh bắt đầu từng bước len lỏi vào thị trường Việt Nam cùng các công cụ AI khác. Rất có thể các nghệ sĩ, nhà văn Việt Nam, với những phong cách cá nhân, sẽ trở thành “món mồi ngon” cho các kho dữ liệu lớn. Họ cần ứng xử như thế nào? Liệu chúng ta có nên sợ hãi hoàn toàn thứ công nghệ phá vỡ bản quyền này? “AI tạo sinh đối diện với bản quyền” sẽ đem lại cho chúng ta những định hình đầu tiên.
Việc tập trung vào những vấn đề của hiện tại, và phần nào của tương lai, có thể làm chúng ta xao nhãng quá khứ. Nhưng hiện tại là gì, tương lai là gì nếu không được bắt nguồn từ quá khứ? Đó là nguyên nhân vì sao, Tia Sáng mở một cánh cửa tìm đến với di sản thuộc địa qua “Alexandre Yersin (kỳ 3): Khởi điểm của nền y học Việt Nam hiện đại”, “Phòng chống lao thời Pháp thuộc – Một lát cắt lịch sử”, “Tình bạn và âm nhạc của Saint-Saëns ở Đông Dương” cũng như đánh giá một số nhân vật lịch sử khác “Werner Heisenberg – Nhà khoa học gây tranh cãi (Kỳ 1)”, “Robert Oppenheimer qua góc nhìn hậu thế”…
Xen kẽ giữa các vấn đề này sẽ là những “trạm nghỉ” mà chúng ta có thể vui lòng ngồi lại “Lửa nhạt và nghệ thuật đọc bằng xương sống của Nabokov” – Hiền Trang; “Lắng nghe sự im lặng” – Lan Hương; “Haiku như một nghệ thuật sống” (Kỳ 2) – Nguyễn Vũ Hiệp…
Vậy thì tại sao chúng ta lại không đọc Tia Sáng số này?
BBT Tia Sáng
—————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh