Đón đọc Tia Sáng số 16 tháng 8/2023
Có một cảm giác thật lạ lùng khi cầm số báo mới Tia Sáng này trên tay. Bởi lẽ, màu thời gian và hương thời gian ẩn náu từng trang như gợi mở chúng ta cùng nhìn về quá khứ…
Tại sao lại là quá khứ, trong khi thời gian đang vùn vụt trôi về phía trước với rất nhiều vẫy gọi của số hóa, trí tuệ nhân tạo, của những chiến lược “dời non, lấp bể”? Quá khứ, những gì đã qua, những sự kiện không thể đảo ngược, những con người của không thời gian khác… thì có ích gì cho chúng ta hôm nay?
Đôi khi, nhịp sống hiện tại với rất nhiều vấn đề ngổn ngang, đan chéo khiến chúng ta quên lãng một điều: hiện tại hay tương lai là gì nếu không được nẩy mầm từ quá khứ, không được dưỡng dục trên thành quả quá khứ? Thật ra, dù tồn tại dưới hình thức nào thì quá khứ vẫn ở quanh ta. Thế giới những ngày qua ấy, hiển hiện trong thế giới hôm nay.
Trong bài viết riêng cho Tia Sáng, “Kiến trúc XHCN ở Vinh: Di sản và ký ức có giá trị?”, PGS. Christina Schwenkel (ĐH California, Riverside, Mỹ) khiến chúng ta phải bất ngờ khi đề cập đến số phận của khu tập thể Quang Trung của thành Vinh. Có lẽ, chúng ta quan tâm nhiều đến di sản của Hà Nội hay TPHCM mà bỏ qua những thành phố “ngoại vi” trong khi “được tái thiết sau cuộc không chiến của Hoa Kỳ, Vinh là một thành phố XHCN kiểu mẫu và là trung tâm công nghiệp” và “KTT Quang Trung mang tính biểu tượng của nơi đây, là một ví dụ sinh động về sự mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và công nhận giá trị lịch sử, xã hội của các công trình kiến trúc từ thời XHCN – hoặc loại bỏ dấu ấn của nó trong thành phố để ưu tiên phát triển kinh tế”.
Dưới con mắt của nhà nghiên cứu, câu chuyện về KTT Quang Trung trong lịch sử của thành Vinh và rộng ra là lịch sử Việt Nam thời kháng Mĩ mở ra ở nhiều ngóc ngách lịch sử mà đôi khi chúng ta quên lãng: sau những trận không kích cuối cùng, thành phố giống như “khung cảnh trên Mặt trăng”, theo nhận xét của các kiến trúc sư Đông Đức khi đến đây vào đầu năm 1973. Họ đã tham gia cùng các đồng nghiệp Việt Nam “tái thiết thành phố Vinh bị tàn phá trở thành một thành phố XHCN kiểu mẫu”.
Giữa những dòng ký ức ấy thì các câu hỏi của hiện tại khiến người ta phải day dứt “Trong làn sóng xây mới các công trình kiến trúc để phục vụ nhu cầu phát triển của các thành phố, liệu chúng ta có nên coi các khu tập thể cũ là di sản? liệu chúng ta có nên đặt giá trị hiện thời của đất đai lên trên lợi ích xã hội hay ý nghĩa lịch sử của kiến trúc?”.
Những dòng chảy ký ức còn đưa chúng ta trở lại với một quá khứ xa hơn: sự di thực cây cao su vào Việt Nam từ thời thuộc địa và những tác động thay đổi xã hội của nó. Vào năm 1897, cây cao su chính thức được di nhập vào Việt Nam với nỗ lực của chính quyền thuộc địa và của các nhà thực vật học, sau khi chứng kiến tiềm năng kinh tế mà nó đem lại ở nhiều thuộc địa khác của người Anh.
Yersin là một trong số đó nhưng khát khao của ông với cây cao su không chỉ dừng lại ở chỗ có nhiều con số trong tài khoản ngân hàng mà ở chỗ nó hứa hẹn đem lại cho viện của ông, cho Suối Dầu một sự tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào sự trợ cấp của chính quyền. Và hơn nữa, nhờ những đồng tiền có được từ mủ cao su, ông sẽ có điều kiện hỗ trợ sức khỏe nhiều cho con người bởi “Không có thứ gì liên quan đến sự đau khổ và nhu cầu của con người ở đất nước này lại xa lạ hoặc không quan trọng đối với ông”.
Rút cục, quá trình khai thác thuộc địa của người Pháp ở Việt Nam với cây cao su đã dẫn đến những biến chuyển lớn: sự xáo trộn về dân cư khi những dòng người di cư từ Bắc vào Nam để làm việc trong các đồn điền, sự xáo trộn về môi trường khi những cánh rừng bị khai hoang lấy đất… Từng cân mủ cao su người Pháp thu được chứng đựng cả sức khỏe, sinh mệnh của những người phu lao lực vì khổ cực, sốt rét.
Từ cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét đau thương ấy, những người như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ đã trở thành những nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến chống sốt rét của đất nước thời độc lập. “Vượt khỏi đường biên y học, cuộc chiến ấy trở thành một trong những trang đáng nhớ về một cuộc chuyển đổi đầy tự hào của những người dân xứ thuộc địa trở thành người chủ trên mảnh đất tự do”. Bức tranh đó được tái hiện trong bộ ba bài viết “Bệnh sốt rét và nền y học vệ quốc”, “Yersin ở Việt Nam (Kỳ 4): Cuộc phiêu lưu trong thế giới thực vật”, “Phận người dưới tán cao su”.
Những bước chân của quá khứ và hiện tại đan xen trong những trang Tia Sáng khiến chúng ta không thể bỏ qua “Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù TP. HCM: Kỳ vọng ‘chiếc áo’ rộng hơn” – Nguyễn Thị Thiện Trí, “Werner Heisenberg – Nhà khoa học gây tranh cãi” (Kỳ 2) – Nguyễn Bá Ân dịch; “ORCID giúp mở và minh bạch những gì?” – Lê Trung Nghĩa; “Thử giải mã gien kiến trúc Việt Nam” (Kỳ 1) – Vũ Hiệp; “’Sa mạc bóng râm’ đô thị” – Cao Hồng Chiến lược thuật; “Trong vương quốc của Nagisa Ōshima” – Tú Châu; “Cặn chữ” – Nhã Thuyên; “Thư gửi nhà tiểu thuyết trẻ: Lớp học văn của Mario Vargas Llosa” – Hiền Trang; “Zino Francescatti: Người bắt cây đàn hát” – Ngọc Tú.
Vì thế, chúng ta không thể bỏ lỡ Tia Sáng số này.
BBT Tia Sáng
———————————–
Tất cả những ai quan tâm và yêu quý Tia Sáng đều có thể đăng ký mua bản giấy, bản PDF và đọc thử các số Tia Sáng trước tại đây: https://bit.ly/DatmuaTiaSang
Ngoài ra, các bạn có thể mua lẻ từng số tại:
Hà Nội: Tạp chí Tia Sáng, 70 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội
TP.HCM: Nhà sách Huy Hoàng, 357A Lê Văn Sỹ – Phường 1 – Quận Tân Bình – TP. Hồ Chí Minh