Động vật hoang dã tự do hơn trong quãng thời gian đại dịch
600 nhà khoa học trên khắp thế giới đã hợp tác để tìm hiểu về mức độ di chuyển của động vật có vú hoang dã trong thời gian đại dịch. Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Science.
Theo một nghiên cứu lớn được công bố trên tạp chí Science, khi các đợt phong toả do đại dịch buộc người dân trên khắp thế giới phải ở nhà vào đầu năm 2020, các loài động vật có vú hoang dã đã tự do đi lang thang khắp nơi.
Các nhà khoa học tại Khoa Khoa học Môi trường (Viện Khoa học Sinh học và Môi trường Radboud, Đại học Radboud, Hà Lan) cùng các đồng nghiệp quốc tế đã thu thập dữ liệu từ các thẻ theo dõi vị trí được gắn vào 2.300 động vật thuộc 43 loài, bao gồm gấu nâu ở Alaska, thú ăn kiến khổng lồ ở Brazil, tuần lộc ở Na Uy, sư tử ở Kenya và voi châu Á ở Myanmar.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những nơi có chính sách phong tỏa nghiêm ngặt nhất, số lần di chuyển đường dài của động vật trong khoảng thời gian 10 ngày đã tăng 73% so với cùng thời điểm ở năm trước, cho thấy rằng động vật đang mở rộng môi trường sống của chúng. “Động vật có thể tự do đi lại mà không phải lo lắng về việc con người đang ở đâu”, Marlee Tucker, nhà sinh thái học tại Đại học Radboud ở Hà Lan và là tác giả chính của nghiên cứu mới cho biết. “Bởi vì đối với nhiều loài, con người được coi là mối nguy hiểm.”
Tuy nhiên, dù số lần di chuyển đường dài tăng lên, nhưng các động vật có vú dường như có xu hướng ở yên một chỗ hơn. Tổng quãng đường di chuyển cộng lại của chúng trong bất kỳ giờ nào cũng đều ngắn hơn so với năm 2019. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy các loài động vật ít gặp phải người hoặc ô tô khiến chúng phải bỏ chạy. Họ phát hiện ra rằng trong những môi trường có nhiều hoạt động sống của con người nhất, các loài động vật ở gần đường hơn 36% so với thời gian trước dịch.
Nhiều nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng những con đường xe chạy có thể làm thay đổi hành vi của các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, thật khó để tách biệt tác động của những thay đổi đối với cảnh quan, chẳng hạn như phá rừng để xây dựng đường cao tốc, với tác động của hoạt động hằng ngày của con người, chẳng hạn như giao thông vào giờ cao điểm.
Trong những tuần và tháng đầu của đại dịch, những chiếc ô tô biến mất trong khi những con đường, tất nhiên, vẫn còn. Điều này giúp các nhà khoa học khám phá những tác động của giao thông lên hành vi động vật. Nghiên cứu đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy nhiều động vật hoang dã nhanh chóng thay đổi hành vi của chúng khi ô tô biến mất.
Theo một cách nào đó, đây là một tin tốt, cho thấy rằng động vật vẫn có sự linh hoạt hoặc khả năng điều chỉnh hành vi của chúng để ứng phó với thay đổi từ con người.
Việc con người hạn chế di chuyển do COVID-19 là cơ hội để các nhà khoa học trên khắp thế giới tìm hiểu thêm về cách con người ảnh hưởng đến thế giới tự nhiên, và điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta biến mất.
Còn nhiều phát hiện khác
Nghiên cứu mới này là một phần của Sáng kiến COVID-19 Bio-Logging, bắt đầu vào năm 2020. Sau khi chính sách phong toả được ban hành, các nhà khoa học từ lâu đã theo dõi chuyển động của động vật hoang dã cho các dự án nghiên cứu của riêng họ đã bắt đầu làm việc cùng nhau, tổng hợp dữ liệu lại để tìm hiểu thêm về chuyển động của động vật trong đại dịch. Tổng cộng, hơn 600 nhà nghiên cứu đã đóng góp hơn một tỷ hồ sơ của khoảng 13.000 động vật thuộc 200 loài, Christian Rutz, nhà sinh thái học hành vi tại Đại học St. Andrews ở Scotland và là chủ tịch của sáng kiến, tiết lộ.
Trong công bố mới, các nhà nghiên cứu đã so sánh chuyển động của các loài động vật có vú trên cạn trong quãng thời gian phong tỏa ban đầu, bắt đầu từ ngày 1 tháng 2 đến ngày 28 tháng 4 năm 2020, với chuyển động của chúng trong cùng giai đoạn năm 2019. Mặc dù các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số xu hướng chung, nhưng họ cũng ghi nhận những điểm khác biệt, các xu hướng chuyển dịch khác nhau ở một số loài và khu vực so với những loài khác.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu quan tâm đến việc phân tích xem điều gì đã xảy ra sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng và liệu các loài động vật có vú hoang dã có quay trở lại mô hình di chuyển trước đây của chúng khi con người nối lại các hoạt động sinh hoạt bình thường hay không.
Tiến sĩ Rutz cho biết trong một email rằng sáng kiến vẫn đang tiếp tục và họ sẽ sẵn sàng công bố thêm kết quả về sự di chuyển của cả chim và động vật có vú. “Thật thú vị khi có thể chia sẻ những phát hiện này sau hành trình ba năm,” ông chia sẻ. “Và chúng tôi đã suy nghĩ về các bước tiếp theo để xem xét các tương tác giữa con người và động vật hoang dã.”
Ngô Thảo tổng hợp
Nguồn:
Wild Mammals Roamed When Covid Kept Humans Home
Behavioral responses of terrestrial mammals to COVID-19 lockdowns